Thiên đường thành địa ngục

Thiên đường thành địa ngục

Wadia Ait Hamza, trưởng (head) phụ trách cộng đồng GSC tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong buổi gặp gỡ các shapers gần đây đã nhắc đến một thí nghiệm “xã hội” kinh điển (và gây tranh cãi) của John Calhoun khiến mình suy tư rất nhiều về thế giới phân cực cao độ ngày nay (chia rẽ chính trị, sắc tộc, tôn giáo và giàu – nghèo). Calhoun là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tập tính động vật, ông đã tiến hành rất nhiều thí nghiệm ấn tượng về loài gặm nhấm (rodents) trong thập niên 60, 70 của thế kỷ 20 nhằm mục đích tiên đoán tương lai của xã hội loài người. Nổi tiếng nhất là thí nghiệm “Vũ trụ – 25” do ông tiến hành năm 1972 cùng Viện Sức Khỏe Tinh Thần Quốc Gia (NIMH), cụ thể theo dõi và phân tích một thiên đường nhân tạo (utopia/heaven) cho chuột trên mặt đất với các tiêu chuẩn: nguồn cung thức ăn và nước uống không hạn chế, không có kẻ thù gây hại và dịch bệnh, đồng thời không gian sống đủ rộng rãi để sinh hoạt và sinh sản. Tuy nhiên, kết cục sau cùng lại là sự diệt vong của các cá thể trong thiên đường vũ trụ – 25. Tại sao điều phi lý này lại diễn ra?

Trong thí nghiệm, Calhoun tạo một cái thùng (tank) có kích cỡ 2mx2m với chiều cao hoảng nửa m để những chú chuột lang không thể thoát ra ngoài. Nhiệt độ bên trong thùng được duy trì lý tưởng cho cuộc sống của chuột (+20 độ C), thức ăn và nước được cung cấp dư thừa (có thể phục vụ ăn cho 9500 con và uống cho 6144 con một lúc), chuột cái được cung cấp các ổ đẻ (nest) thoải mái bên trong. Không gian này được vệ sinh hàng tuần và trải qua quá trình kiểm soát liên tục nhằm đảm bảo vũ trụ-25 tránh được các kẻ thù gây hại hay bệnh truyền nhiễm. Kích cỡ thùng đủ rộng để chứa đến 3480 cá thể. Ban đầu ông bỏ vào thùng 4 cặp chuột khỏe mạnh (những cư dân đầu tiên của thiên đường), sau một thời gian ngắn thích nghi, chúng bắt đầu sinh sản dữ dội trong giai đoạn A cho đến khi đạt tốc độ phát triển ổn định – gấp đôi dân số sau mỗi 55 ngày (giai đoạn B). Tuy nhiên sau gần 1 năm, vào ngày thứ 315, tốc độ sinh sản ngạc nhiên thay giảm dần – chỉ còn tăng gấp đôi sau 145 ngày (giai đoạc C). Khi số lượng chuột trong thùng đạt số lượng 600 con và không gian sống chật dần, chúng bắt đầu phân cấp và hình thành hệ thống xã hội riêng.

Một tầng lớp những kẻ bị bỏ rơi (outcasts) dần hình thành, chúng bị đẩy vào trung tâm của thùng và trở thành nạn nhân bị ức hiếp. Nhóm “outcasts” hay những con chuột thống khổ (Les Miserables) thường bị cắn ở đuôi, lông bù xù, đầy vết máu trên cơ thể. Phần lớn là các cá thể trẻ không thể tìm thấy cho mình vai trò gì trong xã hội lớp lang (hierarchy) mới hình thành của chuột. Sự thiếu vắng các vai trò xã hội thích hợp xuất phát từ việc, trong môi trường/điều kiện lý tưởng, các con chuột già cả không tạo cơ hội (make room) cho các cá thể non trẻ – đẩy sự ức hiếp có hệ thống vào các thế hệ mới. Quá trình phân cấp xã hội trên khiến tâm sinh lý cá thể đực và cái trong cộng đồng dần thay đổi: các con đực không muốn bảo vệ con cái hay thực hành bất kỳ vai trò gì trong xã hội, còn con cái thì ngày càng cảnh giác với các cuộc tấn công (do thiếu sự bảo vệ của con đực), chúng trở nên hung hãn hoặc để bảo vệ con trước các cuộc tấn công hoặc tiêu diệt (giết) chính con cái mình, một phần trong đó di chuyển lên tầng an toàn trên cùng của thùng và từ chối sinh sản. Từ từ tỉ lệ sinh sản của cộng đồng dần suy giảm song hành cùng tỷ lệ tử vong của các cá thể trẻ. Vũ trụ-25 bước vào giai đoạn D (hay giai đoạn tử vong), đánh dấu bằng sự xuất hiện biểu tượng của một tầng lớp chuột mà Calhoun gọi là “đẹp đẽ” (beautiful) với lối sống thụ động: từ chối đấu tranh cho bản thân hay bạn tình, cùng lãnh thổ của mình, không muốn ghép đôi hay sinh sản. Chúng chỉ có ăn, uống, ngủ, rửa ráy bộ lông cho sạch sẽ (kiểu narcissism – yêu chính bản thân mình), tránh né mọi mâu thuẫn, không thực thi bất kỳ vai trò xã hội nào.

Lần sinh sản cuối cùng của chuột trong thùng diễn ra vào ngày thứ 600, và chỉ sau đó vài tháng toàn bộ cộng đồng chuột chết dần. Tuy nhiên, theo Calhoun sự sụp đổ thực ra đã diễn ra cách đó 300 ngày khi quá trình rạn nứt xã hội chuột xuất hiện – các cá thể dần chết về mặt tinh thần (cái chết đầu tiên và chết già là cái chết thứ hai), chúng không còn thực hiện những hành vi phức tạp hơn để tồn tại. Xã hội chuột thu nhỏ dần trượt dài trong những thái cực tiêu cực: thực hành tình dục bữa bãi, ăn thịt đồng loại (cannibalism) dù thức ăn thừa mứa, từ chối sinh sản hoặc giết chết con cái mình – một quá trình tha hóa hành vi/behavior sink – một thuật ngữ do Calhoun phổ biến. Dựa trên vũ trụ 25, Calhoun đưa ra các liên tưởng đến xã hội loài người, ông nhấn mạnh mấu chốt trong cuộc sống của con người: trưởng thành trong điều kiện áp lực, căng thẳng và khó khăn. Khi từ bỏ đấu tranh, cộng đồng chuột đã trượt dài sang trạng thái “tự kỷ” đẹp đẽ và không còn năng lực thực hiện các hành vi sinh tồn phức tạp ngoài ăn, ngủ, tắm táp (ngay cả làm tình cũng là đã quá mệt mỏi). Rõ ràng, cuộc sống của một số con người hiện đại ngày nay cũng có nét tương đồng với các cá thể chuột trong vũ trụ -25: tham gia vào các hoạt động kiếm sống chán chường thường ngày (sáng cắp ô đi chiều cắp ô về) và về cơ bản tinh thần đã chết- không có sự sáng tạo, không áp lực, an toàn và “đẹp đẽ”.

Link video thí nghiệm của Calhoun: