Thế giới của Tintin

Thế giới của Tintin

Trong bộ truyện tranh nổi tiếng nhất thế kỉ 20 của châu Âu – “Những cuộc phiêu lưu của Tintin” – họa sĩ người Bỉ Georges Remi đã mô tả thế giới mà ta đang sống là thế giới của “chúng tôi – họ” (we – them). We/chúng tôi là thế giới phương Tây (Western World): một tập hợp các gia đình nhỏ với tuổi thọ cao và Them/họ là thế giới thứ ba (Third World): một tập hợp các gia đình lớn (tứ đại đồng đường) với tuổi thọ ngắn (Long life in small family, short life in large family). Cách phân chia thế giới trong Tintin đã được giáo sư Hans Rosling đến từ Viện nghiên cứu Krolinska của Thụy Điển – một chuyên gia thống kê kiểm chứng qua hệ thống Gapminder do ông sáng lập, một công cụ để ông bóc mẽ những hiểu nhầm về sự phát triển của thế giới.

Trong Gapminder.org – Rosling đã dùng nhiều biểu đồ tương tác khác nhau dựa trên các dữ liệu quốc gia như: dân số, thu nhập, tỷ lệ sinh, tuổi thọ, tôn giáo, GDPs. Hệ thống dữ liệu trên được mô hình hóa để thay đổi và chuyển động theo thang thời gian qua đó giúp thể hiện trực quan sinh động các xu hướng đang diễn ra trên thế giới. Hãy xem Gapminder thể hiện thế giới của Tintin như thế nào.

Trên bản đồ hai trục thông dụng (axis – xem hình ở comment dưới), mỗi quốc gia trên thế giới sẽ được thể hiện bằng một bong bóng (hình tròn) với kích cỡ tỷ lệ thuận với số dân ở đó. Ở trục hoành, ông sẽ đặt ở đó tỷ lệ sinh sản (fertility) – số lượng trẻ em trên một phụ nữ và ở trục tung là tuổi thọ trung bình (life expectency – từ 30 tuổi tới 70 tuổi). Khi hệ thống bắt đầu chạy theo thời gian, các bong bóng sẽ chuyển động và thay đổi kích cỡ để minh họa cho thế giới của Tintin.

Bắt đầu từ năm 1962, thời điểm tập truyện Tintin gây sốt châu Âu, các dữ liệu thống kê tin cậy đã chứng minh thế giới được chia hai cực khá rõ ràng: nhóm các quốc gia công nghiệp (nhóm 1: gia đình nhỏ, tuổi thọ cao) và một nhóm các quốc gia đang phát triển (nhóm 2: gia đình lớn, tuổi thọ thấp). Sự chuyển động của các bong bóng từ thập niên 60 đến 90 cho thấy đại đa số các nước nhóm 2 đang dần di chuyển lên phía trên để tiệm cận với nhóm 1, điển hình như Bangladesh – một nước hồi giáo khi họ bắt đầu triển khai kế hoạch hóa gia đình. Cũng có một số ngoại lệ, các nước nhóm 1 nằm ở lục địa đen châu Phi trong thập niên 90 lại có tuổi thọ giảm do sự tràn lan của bệnh dịch HIV. Tuy nhiên sau đó, trong thiên niên kỉ mới, hầu như cả thế giới đều dịch chuyển nhanh chóng hẳn về góc trái của bản đồ – nơi nhóm 1 ngự trị – cả thế giới đều hướng đến một tập hợp các gia đình nhỏ hơn và có tuổi thọ cao hơn. Một thế giới hoàn toàn mới đã hình thành.

Hãy thử so sánh giữa nước Mỹ và Việt Nam trong năm 1964, lúc này Mỹ đã nằm vững chắc ở nhóm 1 còn Việt Nam lại nằm ở thái cực ngược lại, một điển hình của nhóm 2 – một đất nước nghèo kinh qua nhiều cuộc chiến cùng sự phổ biến của quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” (các gia đình mặc sức sinh đẻ). Biểu đồ trên của Gapminder đã chỉ ra rằng xuyên suốt thời gian chiến tranh với nhiều thương vong, tuổi thọ của người Việt vẫn tăng theo thời gian. Sự chuyển dịch hướng đến một gia đình nhỏ hơn chỉ diễn ra khi chính phủ Việt Nam áp dụng kế hoạch hóa gia đình trong thập niên 80. Trong khi đó Hoa Kỳ trong suốt nhiều năm vẫn vững chân ở nhóm 1. Tới thập niên 90, khi Việt Nam rũ bỏ nền kinh tế kế hoạch cộng sản và hướng tới kinh tế thị trường, con hổ như chắp thêm cánh đã di chuyển nhanh chóng hơn về cực của Hoa Kỳ – đến nay hầu như hai nước đã có cùng tuổi thọ và kích cỡ gia đình. Nếu không thực sự nhìn sâu vào những dữ liệu này, chúng ta sẽ đánh giá thấp những thay đổi to lớn đang diễn ra ở châu Á – trước hết là ở khía cạnh cấu trúc xã hội và sau đó là ảnh hưởng có nó kinh tế – như ở Việt Nam.

Trong một bài chia sẻ tại TED năm 2012, Rosling cũng đã kết nối số liệu dân số này với một lăng kính khá thú vị khác – ảnh hưởng tôn giáo. Liệu tỷ lệ sinh sản có gắn chặt chẽ với niềm tin tôn giáo hay không. Ông chia thế giới thành bốn khu vực: Thiên chúa Giáo (xanh dương), Hồi Giáo (xanh lá), các tôn giáo phương Đông (đỏ) và các tôn giáo khác (trắng). Mỗi bong bóng quốc gia sẽ gắn màu theo bốn khu vực và đặt trên bản đồ hai trục với trục tung là tỷ lệ em bé/bà mẹ trung bình, trục hoành là thu nhập trung bình. Cùng một trục thời gian như trên, thập niên 60 là thời điểm mà các nước xanh dương (Thiên chúa) nằm ở nhóm 1: “thu nhập cao, ít con” , còn ba màu còn lại nằm ở nhóm 2: “thu nhập thấp, nhiều con”.

Các nước đạo Hồi thường trung bình có 6 hoặc 7 đứa con mặc cho thu nhập có khác biệt như thế nào. Các nước theo các tôn giáo phương Đông cũng như vậy, chỉ trừ có Nhật Bản. Theo dòng thời gian các bong bóng quốc gia từ nhóm 2 cũng dần dần tiệm cận về nhóm 1 và tới năm 2010 gần như 80% dân số thế giới với thu nhập khác biệt đã rớt xuống sát đáy trục tung với hai em bé/bà mẹ. Trong thiên niên kỉ mới, những nước vẫn còn bám trụ với tỷ lệ sinh/ bà mẹ trung bình cao là những nước mà thu nhập được xếp vào hàng thấp (chủ yếu là các nước ở hạ Saharan châu Phi) hoặc là ở những nước mà xung đột đẫm máu xảy ra (nội chiến hoặc chiến tranh như ở Congo, Afganistan, Yemen) khiến các bà mẹ cần phải sinh nhiều con để bù đắp cho sự thiết hụt của tăng trưởng dân số do tỷ lệ chết. Có một công thức khá thú vị: Tỷ lệ chết cao (High Mortality) = Tăng trưởng dân số nhanh. Nhìn chung tôn giáo không còn ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ sinh/ bà mẹ khi mà bốn yếu tố sau được đảm bảo: tỉ lệ sống sót của trẻ cao, thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động và có nền tảng giáo dục cùng chính sách kế hoạch hóa gia đình (như ở nước hồi giáo Qatar).

Một đúc kết tuyệt vời nhất từ các biểu đồ trên: thế giới sẽ tiệm cận đến số lượng 2 em bé/bà mẹ trung bình dưới áp lực toàn cầu hóa và cạnh tranh toàn cầu. Số lượng trẻ em (dưới 15 tuổi) trên thế giới hiện nay đã đạt ngưỡng là 2 tỷ người và sẽ không tăng thêm trong nhiều thập kỉ tới. Dân số thế giới hiện tại là khoảng 7 tỷ người và sẽ ngừng tăng trưởng khi đạt ngưỡng 10 tỉ người vào khoảng năm 2100. Rosling đã giải thích rất rõ khoảng tăng trưởng thêm 3 tỷ người từ bây giờ tới 2100 để đạt sự cân bằng dân số toàn cầu giữa tỉ lệ sinh và chết trong bài TED rất thú vị sau:

Nhân loại do đó khi bàn về mọi vấn đề toàn cầu đặc biệt là về các nguồn lực hay năng lượng của hành tinh này – cần đảm bảo chúng được lên kế hoạch cho 10 tỷ con người trong tương lai. Khi đó nhà báo Tintin cùng chú chó Snowy lông xoăn sẽ không còn đi từ “we” sang “them” mà chỉ còn một thế giới đại đồng duy nhất.