TikTok và con mèo Schrodinger

TikTok và con mèo Schrodinger

The Economist tếu táo so sánh số phận TikTok (tương tự như WeChat) ở Hoa Kỳ với con mèo chồng chập sống-chết trong thí nghiệm “suy tưởng” nổi tiếng nhằm lý giải cơ học lượng tử của nhà vật lý đoạt giải Nobel Schrodinger – quá đó mô tả cơ cấu vốn đầu tư phức tạp của một công ty công nghệ vươn vòi toàn cầu, vượt lên trên danh tính quốc gia gắn với nó – Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

Nếu muốn hiểu sâu hơn thỏa thuận giữa TikTok, một công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ chia sẻ video, và Oracle, một công ty Mỹ bán phần mềm doanh nghiệp, có lẽ chúng ta nên liên tưởng đến thí nghiệm con mèo của nhà vật lý Schrodinger. Giống như con mèo trong thí nghiệm cơ học lượng tử tưởng tượng, cùng một lúc vừa sống vừa chết, thỏa thuận trên có vẻ như cũng ở trong hai trạng thái một lúc: (1) tốt (hunky-dory) cho Bắc Kinh nhưng xấu với Washington, (2) ngược lại – tốt cho Washington, xấu cho Bắc Kinh.

Hãy xem xét câu hỏi những ai sở hữu TikTok Global, một công ty mới tạo ra bởi ByteDance (chủ sỡ hữu Trung Quốc của TikTok), nhằm đảm bảo dữ liệu người dùng Hoa Kỳ có một ngôi nhà an toàn tại đất Mỹ. ByteDance nhấn mạnh họ sẽ nắm 80% thực thể mới này, tuy nhiên Hoa Kỳ lại đòi nắm cổ phần chi phối. Oracle và Walmart (gã khổng lồ trong ngành bán lẻ – siêu thị) cũng tham gia vào thỏa thuận này, nhóm này nắm chỉ 20% của TikTok Global. Tuy nhiên, một mạng lưới các nhà đầu tư mạo hiểm Hoa Kỳ lại nắm đến 41% của ByteDance. Qua một vài phép tính, chúng ta thấy cả công ty mẹ Trung Quốc và Hoa Kỳ đều nắm trên 50% TikTok Global, giá trị đến 60 tỷ $ (được cho là sẽ niêm yết công chúng trong vòng một năm tới)

Nhưng còn công nghệ (thuật toán) ẩn trong TikTok thì sao? Bắc Kinh cho rằng thuật toán gợi ý chính xác (accurate recommendation) của ByteDance không thể được xuất khẩu ra ngoài (do Mỹ nắm). Tuy nhiên, phía các chuyên gia an ninh Hoa Kỳ lại đề nghị chia sẻ, nhằm đảm bảo dữ liệu không bị phân tán và thuật toán không bị lạm dụng để truyền bá thông tin sai lệch. Do đó, mã nguồn có thể được giữ ở Trung Quốc nhưng Oracle phải được quyền truy cập nó. Cách thức thực thi công việc (hay nỗ lực) trên có lẽ cũng mù mờ như cách những người không học vật lý nhìn vào công thức vật lý của Schrodinger.

Trong thời điểm bình thường (normal), mọi khúc mắc thường sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán. Tuy nhiên trong giai đoạn khác lạ này (covid-19), đặc biệt là ở Hoa Kỳ, trước cuộc bầu cử tháng 11, Tổng thống Donald Trump lại đề cao sự mơ hồ. Ông ta muốn tấn công Trung Quốc nhưng lại không làm giận dữ 100 triệu người dùng TikTok ở Hoa Kỳ, ứng dụng mà trước đó ông từng đe dọa cấm (cùng với WeChat, một ứng dụng nhắn tin do một gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc nắm). Các cơ quan liên bang giám sát các khoản đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ dường như đã sẵn sàng chuẩn thuận “deal” (đề xuất/thỏa thuận) của Oracle: phá bỏ lệnh cấm sử dụng TikTok của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ từ ngày 27 tháng 9 (một thẩm phán liên bang tuần này đã bẻ luật cấm WeChat dựa trên quyền tự do ngôn luận). Không khó đoán, sự ồn ào tại Washington đã kích động một số khuôn mặt giận dữ tại Trung Quốc, nơi truyền thông quốc doanh đang ra sức công kích thỏa thuận trên (coi đây là cái bẫy). Nếu quan sát sâu hơn thí nghiệm của Schrodinger, số phận của con mèo cuối cùng vẫn phải là sống hoặc chết (dưới con mắt quan sát thông thường – không trong thế giới lượng tử)