Tôi có một giấc mơ

Tôi có một giấc mơ

Cuộc tuần hành tới Washington ngày 28/08/1963 với nguyên cớ “Việc làm và Tự do” (do hai nhà hoạt động dân quyền A. Phillip Randolph và Bayard Rustin tổ chức) đã thu hút được gần 250000 người trong đó có 20% là người da trắng. Hoạt động này trước tiên nhằm kêu gọi các quyền kinh tế – dân sự cho người Mỹ gốc Phi (chống lại hệ thống Luật phân biệt đối xử Jim Crow) sau đó là hỗ trợ cho chiến dịch lớn của Tổng thống Kennedy: tạo áp lực cho Quốc Hội Mỹ thông qua các đạo luật về Dân quyền do ông khởi xướng. Chiến dịch lớn còn bao gồm các nỗ lực vận động hành lang (lobbying) và biểu tình ngồi (sit-ins) của nhóm Big Six (sáu lãnh đạo chủ chốt của CUCRL – một ủy ban đấu tranh cho quyền dân sự bao gồm Randolph- Đứng đầu BSCP ; James Farmer – chủ tịch Đại hội vì Bình Đẳng Sắc Tộc; John Lewis – chủ tịch ủy ban điều phối Sinh viên bất bạo động; Martin Luther King Jr – Chủ tịch của Hội nghị Lãnh đạo Cơ đốc phía Nam; Roy Wilkins – chủ tịch NAACP và Witney Young – Chủ tịch liên đoàn Đô thị Quốc gia) và các nghị sĩ ủng hộ. Một thời điểm có tính bước ngoặt cho Phong trào dân quyền của Mỹ.

Vào trung tâm của cuộc tuần hành, Mục sư Cơ đốc (Baptist) Martin Luther King Jr. thành viên nhóm Big Six từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln đã truyền tải tới công chúng một trong những bài diễn văn truyền cảm hứng nhất mọi thời đại, diễn văn “Tôi có một giấc mơ”. Thông điệp của King đã nối tiếp trọn vẹn “ý tưởng bình đẳng” của Lincoln, “tinh thần bất bạo động” của Gandhi và “tính mặc khải” Phúc Âm qua đó khiến cho công chúng tại National Mall phấn khích tột độ và ra về với cảm giác rằng cuộc hành trình dài vừa qua là cực kì xứng đáng.

Dưới chế độ Jim Crow tồn tại chủ yếu ở các bang miền Nam người Mỹ gốc Phi bị đẩy xuống hàng công dân thứ cấp. Một hệ thống và quan niệm xã hội được tạo ra nhằm kìm kẹp đè nén và phân biệt đối xử họ với tầng lớp da trắng ưu việt. Jim Crow xem những người da màu là thành phần bị giới hạn về trí tuệ, văn hóa, đạo lí và cung cách ứng xử văn minh do đó sự tiếp xúc hay kết hôn pha tạp giữa da đen và da trắng là hành vi báng bổ không thể chấp nhận được. Nhiều sự chống đối ngấm ngầm trong xã hội đã xảy ra và đang chờ cơn bùng phát. Cách sự kiện tuần hành Washington tám năm, tại Montgomery bang Alabama, nơi King đảm nhận chức quản nhiệm pastor của nhà thờ Baptist, một sự kiện cũng giàu tính biểu tượng và trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào dân quyền đã diễn ra. Ngày 1/12/1955, lúc 6 pm, Rosa Parks một nữ giáo viên luống tuổi bắt chuyến xe buýt Celeveland Avenue do thành phố tài trợ để đi về nhà sau giờ làm. Bà thanh toán phí, sau đó ngồi ở hàng đầu của dãy ghế được dán nhãn dành riêng cho “người da màu” (colored section). Ở khoảng giữa của xe là dãy ghế dành riêng cho người da trắng dần dần được lấp đầy. Khi xe buýt dừng ở trạm thứ ba ở nhà hát Empire, một nhóm người da trắng tràn lên xe nhưng đã hết chỗ, họ buộc phải đứng. Tài xế xe khi đó là James Blake nhận ra điều đó, ông đã đi đến dãy ghế của Rosa, lột bỏ nhãn “da màu” ở băng ghế đồng thời yêu cầu bà và những người da màu khác phải nhường chỗ. Rosa ngay lập tức từ chối và phản kháng lại nhóm người da trắng. Blake đã gọi cảnh sát và bà nhanh chóng bị bắt giữ theo luật Crow. Hành động dũng cảm chống lại sự bất bình đẳng và phân biệt đối sử của Rosa đã gây tiếng vang lớn đã làm dấy lên phong trào tẩy chay xe buýt ở Montgomery. Phát súng khởi đầu cho phong trào Dân quyền ở Alabama. Giáo phận của King nơi qui tụ được tầng lớp giàu có, trí thức và nhiều người có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã cực kì ủng hộ cao trào “tẩy chay” này. King đứng ra lãnh đạo và sát cánh cùng Rosa Parks trong công cuộc đấu tranh “dân quyền” đầy cam go và cả hai sau này đều trở thành biểu tượng của phong trào nhân quyền hiện đại.

Sự kiện Rosa Parks đã khắc sâu và phản ánh những ngược đãi mà King cùng cộng đồng da màu phải nếm trải khi trót sinh ra trong lòng xã hội đương đại của Mỹ. Từ thập niên 1960, King đã nói về “giấc mơ” lần đầu tiên khi ông diễn thuyết tại Hiệp hội vì sự Thăng tiến của người Da màu (NAACP) với tiêu đề “Người da đen và Giấc mơ Mỹ”, bài diễn thuyết mô tả thực tế khắc nghiệt của Giấc mơ Mỹ. Giữa những kì vọng và thực tế cuộc sống còn một khoảng cách rất xa, chính những người ủng hộ thuyết da trắng ưu việt (white supremacy) làm tan nát giấc mơ Mỹ. Và đồng thời chính “Chính phủ liên bang của chúng ta khoét sâu thêm qua thái độ vô cảm và đạo đức giả, và đó là sự phản bội của họ đối công lý và sự chính nghĩa”. King dẫn dắt bài “Tôi có một giấc mơ” :

“Tôi hạnh phúc được đứng cùng các bạn hôm nay, giữa sự kiện sẽ đi vào lịch sử như cuộc tuần hành vì tự do vĩ đại nhất mà đất nước chúng ta từng chứng kiến. Một trăm năm trước, một người Mỹ vĩ đại, người mà vinh dự cho chúng ta hôm nay được đứng dưới bóng tượng đài của ông (Abraham Lincoln), đã ký Tuyên ngôn giải phóng nô lệ. Văn bản trọng đại này đến như ngọn hải đăng hy vọng soi đường cho hàng triệu nô lệ da màu đang chìm trong ngọn lửa bất công. Nó đến như bình minh xua tan đêm dài họ sống trong tù ngục. Nhưng một trăm năm sau, người da màu vẫn chưa được tự do. Một trăm năm sau, cuộc sống của người da màu buồn thay vẫn bị kìm hãm trong gông cùm của sự kỳ thị và xiềng xích của phân biệt chủng tộc. Một trăm năm sau, người da màu vẫn cô độc trên hòn đảo của đói nghèo ngay giữa đại dương của phồn thịnh xa hoa vật chất. Một trăm năm sau, họ vẫn héo mòn bên rìa của xã hội Mỹ, tự thấy mình như những kẻ tha hương ngay trên quê hương mình. Và chúng ta đến đây hôm nay để nhắc nhở đất nước về nỗi xót xa này.”

Tinh thần bất bạo động” của Gandhi là sợi chỉ xuyên suốt và là “triết lý” trong suốt quá trình hoạt động phong trào của King. Kể từ khi ông thành lập Hội nghị Lãnh đạo Cơ Đốc miền Nam (SCLC) năm 1957 nhằm thu hút cộng đồng da đen có liên hệ với nhà thờ Baptist vào quá trình đấu tranh cho quyền bình đẳng dân sự. SCLC sẽ bộ khung kiến tạo một thẩm quyền tinh thần và các chu trình “bất bạo động”. Ngoài ra King hiểu rõ các cuộc phản kháng bất bạo động được tổ chức tốt sẽ có khả năng thu hút sự chú ý rộng rãi của các phương tiện truyền thông và có sức mạnh lan tỏa sự đồng cảm mạnh mẽ của công chúng với các Phong trào Dân quyền Mỹ. Ông đã truyền tải tinh thần này đến công chúng:

“Trên hành trình đấu tranh để giành quyền lợi chính đáng, chúng ta không thể cho phép bản thân làm những điều sai trái. Đừng để chúng ta phải tìm kiếm sự thỏa mãn cơn khát tự do bằng cách uống nước từ chiếc cốc của cay đắng và hận thù. Chúng ta phải luôn luôn hướng cuộc đấu tranh tới những giá trị đạo đức cao đẹp và kỷ luật. Chúng ta không thể cho phép cuộc biểu tình này tàn lụi thành bạo lực mù quáng. Một lần nữa chúng ta tiến tới tầm cao vời vợi của sự giao hòa giữa hành động thực tế và giá trị tinh thần. Không thể để tinh thần chiến đấu phi thường của cộng đồng người da màu dẫn dắt chúng tới thù hận với tất cả người da trắng, với những người anh em da trắng hiện diện cùng chúng ta hôm nay. Họ đã đến đây để nhận ra rằng định mệnh của họ luôn luôn gắn chặt với định mệnh của chúng ta. Họ đã đến để nhận ra rằng tự do của họ không thể tách rời khỏi tự do của chúng ta. Vì vậy chúng ta không cô độc.”

Môt điều quan trọng hơn nữa là Quốc gia vĩ đại này cần phải giữ được lý tưởng nguyên thủy của nó: “một quốc gia được thành lập để cung ứng quyền tự do và công lý cho mọi người”. King cho rằng thực tế đã chỉ ra quốc gia đang mang một món nợ lớn tới công chúng:

“Theo một nghĩa nào đó chúng ta hôm nay đến đây thủ đô của đất nước để đòi một món nợ. Khi những kiến trúc sư của nền Cộng hòa viết những lời của Hiến pháp và Tuyên ngôn độc lập, họ đang hứa một lời hứa với tất cả những thế hệ thừa kế nước Mỹ. Nó nói rằng tất cả mọi người, vâng người da đen cũng như người da trắng, sẽ được đảm bảo những quyền mà không ai có thể chối bỏ được đó là quyền: Được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Cho tới hôm nay rõ ràng nước Mỹ đã thất hứa. Giờ là lúc thực hiện lời hứa của nền dân chủ. Giờ là lúc chúng ta trỗi dậy từ bóng tối và thung lũng cô độc của sự phân biệt chủng tộc để đến với ánh sáng của con đường công lý. Giờ là lúc đưa đất nước vượt ra khỏi vũng lầy của bất công để cùng nhau sống trong tình anh em. Giờ là lúc đưa đưa công lý trở thành hiện thực cho toàn thể những đứa con của Chúa. Sẽ rất khó khăn cho đất nước chúng ta để nhìn thẳng vào sự thật đau đớn này.”

Rồi ông củng cố niềm tin ấy bằng cách dẫn dắt đến bối cảnh thiêng liêng của tôn giáo với lập luận rằng lý tưởng về sự công bằng xã hội ấy là phù hợp với ý chí của Thiên Chúa và rằng công cuộc đấu tranh dân quyền này chính là mục vụ, một sứ mệnh truyền giáo cao cả. Nước Mỹ đang đứng trước cơ hội để được cứu rỗi khỏi tội kỳ thị chủng tộc.

Ông trích dẫn Phúc Âm Amos 5:24:  “Không, không, chúng ta không thỏa mãn và chúng ta sẽ không thỏa mãn chừng nào công lý tuôn đến như nước lũ và sự công bằng chảy ào ạt như dòng suối vĩ đại” và Phúc Âm Isaiah 40:4 vào đoạn cuối của điệp khúc “Giấc mơ”

“ Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó trên ngọn đồi đỏ cháy ở Georgia những đứa con của những người trót mang kiếp nô lệ và những đứa con của cựu chủ nô có thể cùng nhau ngồi xuống bên chiếc bàn của tình thân hữu anh em.

Tôi có một giấc mơ rằng ngày nào đó thậm chí ở Mississippi xa xôi, nơi đang ngột ngạt với sức nóng của sự bất công sẽ biến thành một ốc đảo tươi xanh của tự do và công lý.

Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó bốn đứa con tôi sẽ được sống trong một đất nước nơi mà chúng sẽ không bị phán xét bởi màu da mà bởi những giá trị mà chúng tạo ra.

Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó ở Alabama, nơi có đầy sự kỳ thị và hằn học, sẽ có một vị thống đốc dũng cảm đứng lên để nói về sự hòa giải, rồi một ngày những đứa trẻ da màu có thể lớn lên cùng những đứa trẻ da trắng như những người anh em.

Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó những thung lũng rồi sẽ được nâng lên, những ngọn núi sẽ được hạ thấp xuống, những nơi gồ ghề rồi sẽ được làm cho bằng phẳng và những nơi ngoằn ngoèo rồi sẽ thẳng lại. Khi ấy ánh sáng “chân lý” của Thiên Chúa sẽ soi rọi lên tất cả mọi tạo vật trên thế gian. Khi ấy niềm hy vọng sẽ đến với tất cả chúng ta.”

Và cuối cùng bài diễn văn của ông vang vọng trong giai điệu của Thánh ca Tự do:

“Vậy hãy để tự do vang vọng trên những đỉnh đồi của New Hampshire. Hãy để tự do vang vọng trên ngọn núi cao nhất của New York. Hãy để tự do vang vọng trên đỉnh Rockies của Colorado. Hãy để tự do vang vọng trên những sườn dốc của California. Nhưng không chỉ thế. Hãy để tự do vang vọng trên Stone Mountain của Georgia. Hãy để tự do vang vọng trên Lookout Mountain của Tennesssee. Và hãy để tự do vang vọng trên mỗi ngọn đồi và gò đất của Mississippi.

Khi chúng ta có được tự do, thứ tự do lan tỏa đến mỗi thành phố và mỗi làng quê, từ mọi bang cho đến mọi đô thị, chúng ta sẽ sớm có ngày, ngày mà tất cả những đứa con của thiên chúa, da trắng hay da màu, do thái hay cơ đốc, tin lành hay công giáo, sẽ có thể cầm tay nhau cùng hát bài thánh ca xưa cũ “Free at last, Free at last, Great God a-mighty, We are free at last.” (Cuối cùng chúng ta đã tự do)

Cuộc Tuần hành tại Washington gây áp lực rất lớn đến Quốc hội về vấn đề thông qua đạo luật dân quyền và thúc đẩy các phong trào đấu tranh ngày càng lớn mạnh. Phó tổng thống Johnson lúc ấy là chủ tịch Ủy ban Bình đẳng cơ hội việc làm đã tuyên bố sẽ tiếp bước Tổng thống Kennedy thực hiện cải cách dân quyền sau khi Kennedy bị ám sát bất ngờ. Cuộc đấu tranh với các nhà lập pháp của những bang miền Nam cũ, những bang ủng hộ chế độ nô lệ và chính sách phân biệt chủng tộc quả là không dễ dàng. Trước áp lực dư luận và sự đấu tranh không khoan nhượng của chính quyền Kennedy -Johnson, Hạ viện và Thượng viện đã chuẩn thuận Đạo luật Dân quyền vào tháng 7/1964 mở ra một trang sử mới cho dân quyền Hoa Kỳ.

Sau cuộc tuần hành, tạp chí TIME năm 1963 chọn King là Nhân vật của Năm, sau đó một năm ông tiếp tục được trao tặng Giải Nobel Hòa bình. Mục sư King thời điểm đó là người trẻ tuổi nhất được nhận vinh dự này (Sau này có Manala Yousafzai đoạt giải Nobel năm 17 tuổi phá vỡ kỉ lục của ông). Ngày 4/4/1968, khi đang hỗ trợ cho cuộc đình công của các công nhân vệ sinh ở Memphis bang Tennessee, ông bị ám sát bởi một âm mưu có hệ thống của những kẻ phân biệt chủng tộc, mà theo nhiều thuyết âm mưu có dính líu đến FBI. Ở Việt Nam quê hương tôi có một con đường ở Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh mang tên ông.