Yêu quí hay rời bỏ

Yêu quí hay rời bỏ

Yêu quý hoặc Từ bỏ

Tạp chí TIME vừa đăng tải một bài viết rất xúc động của nhà văn Thanh Việt về tính “Mỹ” trong cộng đồng người nhập cư gốc Việt. Góc nhìn xuyên quốc gia, xuyên dân tộc của ông đã giúp truyền tải những thông điệp quan trọng về lịch sử, dân tộc, quốc gia và gia đình đồng thời nhắc nhớ nhiều giá trị quan trọng trong văn hóa truyền thống của Việt Nam thứ mà đôi khi mình bỏ quên mất, dù đang sống và làm việc ở Việt Nam. Ông viết bằng giọng văn ấm áp lan tỏa xuyên suốt bài như một ngọn suối “tình cảm” chảy vào tim người đọc, quả không hổ danh là người nhận giải thưởng Pulitzer 2016 (với tiểu thuyết The Sympathizer).

Mình đã xin phép nhà văn Viet Nguyen để lược dịch bài viết của ông dưới đây:

“Tôi yêu nước Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi phải nói lên sự thật về nó

Yêu lấy nó hoặc rời bỏ nó (Love it or leave it). Bạn đã từng nghe ai đó nói câu trên với mình chưa? Hoặc có phải chính bản thân bạn từng thốt lên điều này? Những ai từng nghe qua năm từ trên đều hiểu ngay ý nghĩa của nó, hầu như luôn gắn với những liên tưởng đến nước Mỹ. Họ biết rằng có một khẩu súng nạp đạn đang nhắm đến mình.

Khi một ai đó nói ra câu này, liệu có phải họ có ý lịch sự, hay cảm thông, hay mỉa mai, hay châm biếm, hoặc với bất kì ý nghĩ hài hước nào mà không phải là kiểu hài hước tiêu cực? Hoặc là một câu được nói với hàm ý đe dọa rõ ràng?

Tôi hỏi điều này với sự tò mò thành thật, bởi vì tôi chưa từng nói câu này với bản thân tôi, hoặc nhằm đề cập đến bất cứ quốc gia nào hay nơi chốn nào. Tôi cũng chưa từng nói: “yêu lấy nó hoặc rời bỏ nó” với con trai tôi, và tôi hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ phải nói ra, bởi vì đó không phải là kiểu yêu thương mà tôi cảm thấy đúng, cho con tôi hoặc cho đất nước của tôi, hoặc bất cứ đất nước khả dĩ nào.

Đất nước mà tôi muốn đề cập đến trước tiên khi viết những dòng này là Pháp, không phải quê hương tôi nhưng là cái tên đã tiến hành công cuộc thuộc địa hóa Việt Nam, nơi tôi sinh ra, trong suốt gần hai phần ba thế kỉ. Nền đô hộ của Pháp kết thúc chỉ 17 năm trước khi tôi sinh ra. Cha mẹ của tôi và cha mẹ của họ (ông bà tôi) không biết gì ngoài những ảnh hưởng của nền thuộc địa Pháp (colonialism). Có lẽ vì yếu tố lịch sử này mà một phần trong tôi yêu quý nước Pháp, một tình yêu bắt nguồn, theo một thang đo nào đó, từ sự đô hộ hay áp đặt tinh thần của Pháp.

Nhận thức ra ảnh hưởng của sự đô hộ, tôi không yêu Pháp theo cách mà nhiều người Mỹ yêu quý Pháp, những người mà chỉ mơ màng về Tháp Eiffel, hoặc nhấm nháp ly cà phê tại Les Deux Magots, hay ăn một bữa tối thịnh soạn tại Provence. Đấy là một kiểu yêu đương lãng mạng, được thiết lập từ âm nhạc của phong cầm hay Edith Piaf, những thứ mà tôi chỉ cảm thấy lướt qua. Tôi không thể tránh khỏi việc nghĩ tới những di sản của quá trình thuộc địa hóa. Điều này thể hiện rõ ở ngay kinh đô ánh sáng Paris, nơi chỉ quan sát một chút chúng ta sẽ thấy có những người gốc Phi và Ả Rập sinh sống. Họ đến đây cũng xuất phát từ việc Pháp đã can thiệp vào các quốc gia nơi họ sinh ra. Lãng mạng hóa sự tồn tại của họ, những người đang nằm ở rìa của xã hội Pháp, là một việc rất khó khăn. Đó là lý do tại sao người Mỹ ít khi đề cập đến họ như là một phần thú vị của Paris.

Những hình ảnh tưởng tượng như vậy về Pháp lôi cuốn tôi, xuất phát đặc biệt từ phần lịch sử Việt ở trong tôi. Đại đa số người Pháp gốc Việt mà tôi biết lại cảm nhận về nước Pháp bằng sự bằng lòng vui vẻ, thậm chí ngay cả khi họ nhận ra lịch sử thuộc địa của quê hương họ. Tại sao họ không thể suy nghĩ khác đi? Một người bạn Ma Rốc ở Paris đã chỉ vào màu da mà tôi chia sẻ với các tổ tiên người Pháp gốc Việt và nói: “Bạn là người da trắng ở đây”. Nhưng tôi không phải là người da trắng ở Mỹ, tôi được nước Mỹ nuôi dưỡng nhưng lại sinh ra ở Việt Nam và nguồn gốc của tôi thì không thể bị chia cắt khỏi ba cuộc chiến tranh: cuộc chiến vệ quốc chống Pháp của Việt Nam; cuộc nội chiến của người Việt (Nam – Bắc); và cuộc chiến mà người Mỹ tiến hành ở Việt Nam.

Nhiều người Mỹ xem chiến tranh Việt Nam là một thứ gì đó cao quý, nó có thể có một vài vấp váp sai lầm, nhưng xuất phát từ ý định tốt đẹp của Mỹ. Thực ra quan điểm trên chỉ có một chút sự thật trong đó, nó đơn giản chỉ là sự nối tiếp quá trình thuộc địa hóa của Pháp, một cuộc chiến tranh được xem là phân biệt chủng tộc, nặng tính đế quốc ở tận gốc rễ và trong cả thực hành. Nhìn kỹ, cuộc chiến tranh này thể hiện một quá trình mở rộng ảnh hưởng qua nhiều thế kỉ của đế chế Hoa Kỳ bắt nguồn từ chính sự khai sinh đầy “tính thuộc địa” của quốc gia này xuyên qua biên giới đến Miền Tây nước Mỹ, Mexico, Hawaii, Guam, Puerto Rico, Phillipines, Nhật, Hàn, Việt Nam và bây giờ là Trung Đông.

Một cuộc chiến thì có thể được phép sai lầm. Nhưng việc tiến hành một chuỗi các cuộc chiến tranh thì nó lại trở thành một mô thức (hay bản chất). Những người thổ dân Da Đỏ (Indians), những người đến định cư đầu tiên ở châu Mỹ, từng được xem những kẻ khủng bố trong suy nghĩ của dân Mỹ da trắng (gốc Âu), điều này đã dẫn đến nhiều cuộc thảm sát đã được nhắm vào họ. Đây là một khía cạnh xấu xí trong câu chuyện của Lễ Tạ Ơn, điều này hầu như không được ghi nhớ nhưng cũng không thực sự bị quên lãng. Thậm chí là ở Pháp, hình ảnh trần trụi của những người thổ dân(Native American) Mỹ đội trên đầu một cái mũ lông cũng có thể tìm thấy. Nhiều thế kỉ sau, việc tưởng niệm sự diệt chủng này được chuyển hóa thành sự ăn mừng cho công cuộc chinh phục – đây cũng là góc nhìn khiến những người lính Mỹ (American GIs) gọi lãnh thổ Việt Nam là “Đất nước của những thổ dân”. Và bây giờ đến lượt những người Hồi giáo – những kẻ ngoại quốc mới (gooks). Những kẻ khủng bố Hồi Giáo lúc này được xem là một kiểu cộng sản mới, khi mà những người cộng sản cũ không còn là mối đe dọa chính nữa. Mỗi một xã hội cần đều một ai đó khác để định nghĩa các ranh giới và nuôi dưỡng sự sợ hãi của công chúng.

Nhiều người Mỹ sẽ không thích nghe những điều này. Một cựu binh Mỹ là binh nhì (enlisted man) trong chiến tranh Việt Nam, viết cho tôi trong cơn căm phẫn sau khi đọc một bài luận của tôi về những vết thương mà những người tị nạn Việt Nam phải mang bên mình. Những người Mỹ đã hy sinh bản thân họ cho đất nước tôi, gia đình tôi, và bản thân tôi, ông nói. Vì thế tôi phải nên biết ơn. Khi tôi viết thư phản hồi và nói ông ấy là người duy nhất bị tổn thương bởi sự giận dữ của chính mình, ông ta lại tiếp tục phản hồi bằng một lá thư còn giận dữ hơn. Một cựu binh Mỹ khác là sĩ quan trong chiến tranh Việt Nam (former officer), hiện tại đang là một nha sĩ kiêm bác sĩ, người đã đọc qua tiểu thuyết The Sympathizer (tạm dịch “Cảm tình viên”, còn tựa sách tiếng Việt là “Người tị nạn) của tôi. Ông gửi cho tôi một lá thư với ngôn ngữ ôn hòa hơn nhưng thông điệp chung thì dường như cũng muốn bùng nổ: “Anh có vẻ yêu quý cộng sản nhiều nhỉ. Sao anh không biến về Việt Nam? Và nhớ đem theo con trai anh”.

Tôi cảm thấy mệt mỏi và không muốn phản hồi lại ông ta. Điều mà có lẽ tôi nên làm. Tôi có nên chỉ ra việc ông ta đã hời hợt không đọc kĩ cuốn tiểu thuyết của tôi, vì phần tư cuối của cuốn tiểu thuyết đã nêu ra một số hạn chế của cộng sản ở Việt Nam. Có lẽ ông ta chưa bao giờ đọc tới phần đó vì đã bị kích động bởi phần tư đầu của cuốn tiểu thuyết, trong đó lên tiếng chê trách cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Cũng có lẽ ông ta chưa đọc đến phần chính giữa của cuốn sách, phần mà tôi châm biếm sự thất bại của chính quyền Việt Nam cộng hòa (chính quyền ở phía Nam, nơi tôi sinh).

Tôi lên tiếng phê bình không phải vì tôi ghét bỏ tất cả các quốc gia trên mà thực ra là vì tôi yêu tất cả. Tình yêu đó bị thử thách rất nhiều xuất phát từ các yếu tố lịch sử phức tạp của chúng. Mỗi đất nước đều tin vào những điều hay ho nhất của bản thân mình và tầm nhìn đó được xây dựng dựa trên những nền văn hóa tốt đẹp , bao gồm nước Pháp trong đó. Và dĩ nhiên mỗi đất nước cũng đều chìm ngập trong những cuộc tranh phạt đẫm máu và bạo lực, bao gồm Việt Nam. Nếu đã dành tình cảm yêu quý, chúng ta nợ “các quốc gia trên” một điều, không phải tìm cách xu nịnh mà là để nói lên sự thật giữa những thứ tươi đẹp và những thứ hung ác, tất nhiên bao gồm cả Mỹ.

Nếu tôi viết lá thư đó, tôi sẽ hỏi người bác sĩ kiêm nha sĩ trên tại sao anh ta lại đe dọa con tôi, người sinh ra ở Mỹ. Quốc tịch của cậu bé đến một cách tự nhiên, là một điều tốt đẹp cũng giống như quốc tịch của một anh nha sĩ, bác sĩ hay cựu binh chiến tranh. Và cho dù con trai tôi nói yêu quý hay rời bỏ bó. Đó liệu có phải là cách nói chuyện của một người Mỹ? Câu trả lời là có và không. “Yêu quý hay rời bỏ” theo ý tôi đều cùng lúc là và không là kiểu nói của người Mỹ.

Không như con trai tôi, tôi đã trở thành một con người dung hòa. Liệu tôi có bớt yêu nước Mỹ trong quá trình dung hòa của tôi? Thật khó để trả lời, bởi vì tôi ít khi nói “Tôi yêu bạn/I love you” tới ai đó, thậm chí cả cha mẹ tôi, với quốc gia thì có lẽ càng không. Nhưng tôi vẫn muốn giữ lời tuyên thề của mình khi nhập tịch Hoa Kỳ như khi là một chàng thanh niên. Cùng lúc đó, tôi vẫn muốn giữ cái tên Việt Nam của mình. Tôi đã thử một vài cái tên Mỹ, nhưng tất cả đều không tự nhiên. Chỉ có cái tên cha mẹ đã đặt cho tôi là tự nhiên, có lẽ vì cha tôi không bao giờ ngừng nói:”Con 100% là người Việt Nam”

Bằng cách giữ cái tên của mình, tôi có thể bị biến thành một người thuần Mỹ nhưng sẽ không bao giờ quên tôi được sinh ra ở Việt Nam. Nghịch lý thay tôi cũng tin bằng cách giữ cái tên của mình, tôi sẽ tiếp tục giữ cam kết của mình với Hoa Kỳ. Không phải là nước Mỹ của ai đó luôn miệng nói “Yêu quý nó hay rời bỏ nó”, nhưng cho nước Mỹ của riêng tôi, một phiên bản nước Mỹ khuyến khích tôi nói ra cái tên mình muốn, hơn là một nước Mỹ áp đặt cái tên nào đó cho tôi.

Đặt tên cho con trai riêng của tôi lại là một thách thức khác. Tôi muốn đặt một cái tên Mỹ cho cậu bé để thể hiện tính phức tạp của nước Mỹ trong chúng tôi. Tôi chọn Ellison, cái tên được đặt theo nhà văn vĩ đại Ralph Waldo Ellison, mà tên ông vốn dĩ lại được đặt theo nhà triết học vĩ đại Ralph Waldo Emerson. Phả hệ của con trai tôi sẽ là giữa người da đen và da trắng, văn chương và triết học, người Mỹ gốc Phi và người Mỹ. Cấu trúc của phả hệ này mô tả sự vĩ đại của Hoa Kỳ đi kèm với sự phi nhân của nó, nền dân chủ đi kèm với chế độ nô lệ. Nhiều người Mỹ tin rằng sự vĩ đại được kế thừa từ sự vô minh, nhưng với tôi, hai điều này luôn tồn tại cùng một lúc, như nó đã có từ khi khởi đầu lịch sử của quốc gia này và có lẽ cho đến tận cuối của nó. Một cái tên như Ellison dồn nén cả cái đẹp và tính hung ác của Hoa Kỳ vào trong bảy kí tự, một sự tổng kết của tuyệt vọng và hy vọng.

Đây là một gánh nặng to lớn đè lên con trai tôi, mặc dù nó thì không nặng hơn những thứ đã đặt lên tôi bởi ba mẹ tôi. Tên của tôi có nghĩa là người Việt Nam (Việt), những người mà truyền thuyết yêu nước của họ luôn nhắc đến đến cuộc đấu tranh nhiều thế kỉ để có được độc lập và tự do. Theo góc nhìn của tôi, Việt Nam hôm nay dẫu có được độc lập thì vẫn còn phải đấu tranh dài lâu cho sự mở rộng tự do. Tôi có lẽ sẽ không bao giờ quay về Việt Nam để sinh sống bởi vì có nhiều hạn chế ở Việt Nam để tôi được là kiểu nhà văn tự do mà tôi muốn.

Tôi chọn kiểu tự do ở Mỹ, thậm chí cả khi rơi vào thời điểm mà “yêu quý hay rời bỏ” không còn lại một kiểu hùng biện phổ biến nữa. Chính quyền Mỹ hiện tại đang tấn công những công dân dung hòa bằng cách phá bỏ sự dung hòa đó và đe dọa trục xuất. Có lẽ cũng không quá xa xôi để hình dung một ngày nào đó những người như tôi, sinh ở Việt Nam, sẽ bị gửi trả về Việt Nam, cho dù đã cống hiến nhiền thứ hơn cả những người Mỹ sinh ra trên đất này. Nếu điều này xảy ra, tôi sẽ không đưa con trai tôi đi cùng. Việt Nam không phải là đất nước của nó mà là nước Mỹ. Nó có lẽ sẽ cảm nhận một thứ tình yêu ít phức tạp và mang tính bản năng nhiều hơn tôi.

Tôi hy vọng con tôi cũng biết rằng tình yêu cha con trong góc nhìn của nó thì ít phức tạp hơn tôi. Tôi không bao giờ nói “Con yêu bố mẹ” khi tôi lớn lên vì bố mẹ tôi không bao giờ nói “Ba mẹ yêu con” với tôi. Điều đó không có nghĩa là họ không yêu tôi. Họ yêu quý tôi rất nhiều vì họ đã làm việc đến kiệt sức ở một đất nước mới xa lạ (Hoa Kỳ) để nuôi tôi khôn lớn. Rất khó cho tôi có thể ở gần họ thường xuyên. Khi tôi có dịp gặp cha mẹ mình thì họ lại quá mệt mỏi để có thể vui vẻ với tôi. Dù vậy, cho dù mệt mỏi thế nào, họ cũng luôn làm bữa tối, ngay cả khi bữa tối chỉ là phần nội tạng luộc đơn sơ. Tôi đã lớn lên cùng những thứ như vậy: ruột non, lưỡi, dạ dày bò, gan, mề và tim. Vì vậy tôi không bao giờ phải nhịn đói.

Kí ức về tình yêu “nội tạng”, hay sự hy sinh của cha mẹ, đã hun đúc trong tôi một nghị lực sống. Việc nghe những câu nói quen thuộc (với sắc thái/giọng điệu) có thể khiến tôi cảm thấy sự sâu đậm trong tình yêu, như khi tôi tình cờ nghe được một cuộc trao đổi trong một tiệm bán thuốc ở Los Angeles. Người đàn ông ngồi kế tôi là một người châu Á, với ngoại hình bình thường với cách ăn mặc giản dị. Ông nói trên điện thoại với chất giọng Nam Bộ: “Con ơi, ba đây. Con ăn cơm chưa?”. Ông trông có vẻ bụi bặm, có lẽ là người ở tầng lớp lao động. Nhưng khi ông nói với đứa con Việt của mình, giọng ông rất nhẹ nhàng trầm ấm. Những gì ông nói tôi không thể phiên dịch được. Nó chỉ có thể được cảm nhận.

Nếu dịch từng chữ một, ông ấy nói “Hello, child. This is your father. Have you eatean rice yet?” (câu chữ tiếng Anh). Điều này không có nghĩa gì cả trong tiếng Anh, nhưng lại mang đầy hàm ý trong tiếng Việt. “Con ơi, ba đây. Con ăn cơm chưa?”. Trong văn hóa Việt, người chủ nhà thường thể hiện lòng hiếu khách bằng cách hỏi họ đã ăn cơm chưa. Đây cũng là cách mà cha mẹ, không nhất thiết phải nói “Ba mẹ yêu con”, nhưng vẫn thể hiện với những đứa trẻ rằng họ yêu chúng. Tôi đã lớn lên với phong tục như vậy, cảm xúc như vậy, sự thân mật như vậy, và khi tôi nghe người đàn ông đó nói với đứa con của mình, tôi đã gần như bật khóc. Đó là khoảng khắc mà tôi biết rằng mình vẫn là một người Việt Nam, bởi vì tính lịch sử cuộn chảy trong dòng máu của tôi và nền tảng văn hóa khắc sâu trong cốt tủy. Thậm chí ngay cả khi ba mẹ tôi không hoàn hảo, và rõ ràng là như vậy, nhờ họ tôi vẫn cảm thấy kết nối với Việt Nam và tới cộng đồng người tỵ nạn khắp thế giới.

Và cho dù khi tôi lớn lên, một vài người Mỹ gốc Việt nói rằng tôi không phải là người Việt thực sự vì tôi không nói tiếng Việt một cách hoàn hảo – một kiểu tuyên bố “bà con” của “yêu quý hay rời bỏ”. Nhưng luôn có nhiều cách để là người Việt Nam, cũng như có nhiều cách để là người Pháp, hay có nhiều cách để là người Mỹ. Đối với tôi, miễn là tôi cảm thấy tôi là người Việt, miễn là những thứ thuộc về Việt Nam lay động cảm xúc của tôi, thì tôi vẫn là người Việt Nam. Đó là cách mà tôi cảm nhận tình yêu đất nước Việt Nam trong tôi, một đất nước trong những đất nước đã định hình tôi, và đó là cách tôi cảm thấy tính Việt trong bản thân mình.

Khi khẳng định phần Việt Nam bướng bỉnh trong tôi, thứ có lẽ hơi khác với định nghĩa của những người khác, tôi cũng đồng thời khẳng định phần nước Mỹ trong mình. Điều này chống lại quan điểm của những ai hay nói “Yêu quý hay rời bỏ”, những người chỉ đưa ra đươc một cách để là người Mỹ. Tôi nhấn mạnh khía cạnh tuyệt vời của nước Mỹ: một nơi cho phép tôi vẫn được là người Việt và được nuôi dưỡng bởi tình yêu của nhiều người. Vì thế khi tôi hỏi con trai tôi mỗi ngày về việc liệu nó đã ăn chưa là cách mà mỗi ngày tôi đều nói ba yêu con. Đó là cách mà tình yêu với đất nước và tình yêu với gia đình không có gì khác biệt. Tôi muốn tạo dựng một gia đình nơi tôi không bao giờ phải nói “yêu quý hay rời bỏ” với con trai mình, như cái cách mà tôi muốn một quốc gia không bao giờ phải nói điều này với bất cứ ai.

Đại đa số người Mỹ sẽ không cảm thấy những điều mà tôi cảm thấy khi nghe thấy tiếng Việt, nhưng tôi cảm nhận tình yêu của đất nước tôi theo cách của tôi. Có lẽ họ sẽ cảm nhận một tình yêu sâu sắc đầy cảm xúc khi nhìn thấy lá cờ hay nghe quốc ca. Tôi phải thừa nhận rằng những biểu tượng đó có rất ít ý nghĩa với tôi, bởi vì nó cũng gây chia rẽ nhiều như xây dựng sự đoàn kết. Quá nhiều người, từ quan chức cấp cao tới những người ở dưới thấp, đều dùng những biểu tượng đó để nói với người Mỹ về việc “yêu quý hay rời bỏ”.

Miễn nhiễm với lá cờ và quốc ca không làm tôi ít tính Mỹ hơn những ai yêu các biểu tượng ấy. Liệu nó có quan trọng bằng việc tôi yêu quý những giá trị ngầm ẩn phía sau của các biểu tượng hơn là chính là bản thân các biểu tượng ấy? Các nguyên lý. Dân chủ, công bằng, công lý, hy vọng, hòa bình và đặc biệt tự do. Tự do để viết và suy nghĩ những điều tôi muốn, thậm chí nếu sự tự do của tôi và vẻ đẹp của các nguyên lý đã được nuôi dưỡng từ các cuộc diệt chủng, chế độ nô lệ, chinh phạt, thuộc địa hóa, chiến tranh đế quốc, hay chiến tranh vĩnh viễn. Tất cả những điều đó thuộc về Hoa Kỳ, cả nét đẹp và sự tồi tệ của nó.

Sự mâu thuẫn như trên chính là một phần định dạng của Mỹ, thứ mà rất khó để tôi hiểu được trong quãng thời gian tuổi trẻ ở San Jose, Calif, trong thập niên 70 và 80. Trước đó, tôi chỉ muốn là một người Mỹ theo cách đơn giản nhất có thể, một phần vì tôi muốn chống lại yêu cầu tôi phải là người Việt 100% của cha tôi. Cha tôi luôn dành một tình yêu sâu đậm cho quê hương của ông thứ mà ông đã đánh mất khi phải tha hương như một người tị nạn trong biến cố 1975. Cha mẹ tôi vẫn muốn nắm giữ danh tính và văn hóa Việt Nam một cách quyết liệt chỉ bởi vì họ muốn níu giữ đất nước của họ, thứ mà không nhiều người Mỹ có thể thấu hiểu.

Sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam trong năm 1994, cha mẹ tôi mới có cơ hội lần đầu được trở về lại quê nhà sau biến cố 75. Họ đi hai lần mà không có tôi đi cùng để thăm lại đất nước mà chỉ vừa bùng nổ tăng trưởng sau những di sản nghèo đói và chia rẽ của chiến tranh. Những gì họ thấy ở quê nhà đã lay động ba tôi một cách sâu sắc. Sau chuyến đi thứ hai, cha tôi không trở lại Việt Nam nữa. Trong bữa ăn tối trong lễ Tạ Ơn ngay sau đó ông nói: “Chúng ta là người Mỹ”.

Cuối cùng, cha tôi đã khẳng định phần Mỹ trong gia đình. Tôi có lẽ phải rất phấn chấn nhưng một phần trong tôi chợt nhận ra, chúng tôi đang ngồi trong một bữa ăn cổ điển với gà tây, khoai tây nghiền và nước sốt việt quất, thứ mà anh tôi mua ở một siêu thị gần đó bởi vì không ai trong gia đình chúng tôi biết cách chế biến chúng – những thứ đặc biệt chỉ để ăn một lần trong năm. Một cảm giác không dễ chịu chạy qua và tôi không thể ngừng băn khoăn: Gia đình tôi đang là phiên bản nào của nước Mỹ?”