Triết lý Trái tim

Triết lý Trái tim

Triết lý Cuore được nhà văn, nhà hoạt động chính trị xã hội Ý Edmondo de Amicis đưa vào trong tác phẩm kinh điển của mình “Cuore/Trái tim" hay Những tấm lòng cao cả” và đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều thế hệ học sinh, thầy cô cũng như những người làm công tác giáo dục toàn cầu. Tác phẩm ra đời từ cuối thế kỉ 19, được phóng tác dựa trên câu chuyện thật về hai người con của ông khi ấy đang ở độ tuổi đến trường là Furio và Ugo. Enrico Bottini là một cậu học sinh người Ý, nhân vật chính trong tác phẩm, hàng ngày ghi lại những việc lớn nhỏ – tốt xấu diễn ra trong đời học sinh cùng những cảm tưởng và suy nghĩ của mình thành một cuốn nhật kí nhỏ : đó là gia đình, là những người bạn học hay những câu chuyện thầy giáo chép để đọc trong lớp, những lá thư bố mẹ viết cho con… Enrico cũng ghi lại những tình cảm nồng ấm đôn hậu của những người xung quanh em, những nhân vật giản dị “đời thường” như những đứa trẻ mù, những gánh xiếc, những người trinh sát, những người lính, bác thợ rèn, bà bán rau, người vô gia cư,…những con người với những phẩm chất/tính cách khác nhau, thật sinh động và đẹp đẽ.

Chân dung Edmondo de Amicis

Tiêu biểu như :

Cô giáo thầy giáo trước tiên phải yêu thương học trò: Coretti vác củi từ 5h sáng vào lớp ngủ thiếp đi, thầy Perboni để hết giờ mới đánh thức dậy, rồi ôm đầu cậu trong hai tay, hôn vào mái tóc cậu và nói : “Thầy không mắng đâu. Thầy biết là trước khi đến lớp con phải làm lụng nhiều”. Cuối năm học sinh thi đều khá; để làm họ vui, thầy giáo tóc đã hoa râm và không bao giờ cười ấy làm bộ trượt chân phải bám vào tường cho khỏi ngã. ” Phải chăng đó là thú vui độc nhất của thầy ? Một sự đền bù cho chín tháng trời yêu thương kiên nhẫn và phiền muộn nữa”. Enrico ghi vào nhật ký như thế. Thầy có vật kỉ niệm là ảnh các học trò cũ tặng, đã ngoài hai mươi năm thầy treo đầu giường và nói:” Khi sắp chết, cái nhìn của thầy sẽ quay về họ”.

Cụ già Crôxetti, sau sáu mươi năm dạy học mà vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, ở nước Ý thuở ấy cô giáo, thầy giáo không phải về hưu, vì kinh nghiệm và lương tâm của thầy giáo càng lâu năm thì càng được xã hội quý trọng nhưng vì run tay trót đánh rơi mực lên trang vở của học sinh mà cụ đành phải xin về. Và cụ tâm sự: “Thật là cay đắng, cay đắng hết sức… Tôi hiểu rằng cuộc đời đối với tôi như vậy là hết rồi, không còn trường học nữa, không còn sức trẻ nữa, tôi cũng không còn sống được bao lâu nữa”. Sau mười năm tận tụy với nghề, cụ giáo Crôxetti chỉ có một căn nhà trống trải, tấm ván tồi tàn làm giường ngủ, mẫu bánh mì với chai dầu làm bữa ăn, khiến học trò đã hai thứ tóc trên đầu không khỏi suy nghĩ : “Đó là tất cả phần thưởng của thầy”. Nhiều thầy cô giáo xem nghề của mình là lẽ sống, là cuộc đời mình. Và ở trường học cũng có những liệt sĩ hy sinh ở chiến trường. Cô giáo lớp một của Enricô ho không ngớt, nhưng tiếng của cô luôn át cả lớp học, cô nói không nghỉ để học sinh nhỏ không lơ đễnh được. Cô có thể sống thêm nếu cô xin nghỉ dạy, nhưng vì không muốn xa học trò, cô cứ cố dạy cho hết năm và cô đã qua đời ba ngày trước khi hết chương trình. Vĩnh biệt học trò cô ôm hôn tất cả, rồi vừa khóc vừa chạy nhanh ra khỏi lớp. Cô để lại cho học trò những gì cô có trên đời, và trước khi chết, yêu cầu thầy hiệu trưởng đừng cho học trò đi theo đám tang, sợ các em khóc.

Tác phẩm đã biến những chi tiết giản dị trong trường học thành một thiên trường ca cảm động về nghề dạy học, về giáo dục đạo đức hay “đức dục” cho trẻ. Thấy Enricô đi ngang một bà mẹ đói khổ đi xin ăn, mà con cứ dửng dưng, ba Bốttini viết thư ngay cho con dạy con bổn phận làm người; Bạn con đến chơi, ngồi dây ghế bẩn, bố Bottini ngăn không cho con phủi ghế ngay trước mặt bạn, một hành động thật tế nhị… Cậu bé làm xiếc lấy tay áo quệt trái lớp phấn trên mặt gửi lên hai má ân nhân của mình những cái hôn đáng yêu. Ông đại tá chưa bao giờ nói với ai lời dịu dàng bao giờ, đưa tay từ từ và mắt nhìn chằm chằm chào cậu bé Đánh trống người Xacđênha, rồi dang rộng tay ôm chầm lấy cậu, siết chặt vào lòng và hôn ba lần vì cậu xứng đáng là một người anh hùng chân chính. Phransetxcô thức bảy ngày đêm liền chăm sóc một người bệnh không quen biết, và coi người ấy như cha mình. Nhưng trên hết, là bức thư mà bố Enricô gửi cho em, khi em chứng kiến cảnh người bạn nghèo Crốtxi cho dù trong hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng luôn theo đuổi việc học tập đến cùng:

TRƯỜNG HỌC

Thứ sáu, ngày 28

“Đúng thế, Enrico yêu dấu của bố, việc học quả là khó nhọc đối với con, như mẹ đã nói với con, con vẫn chưa đến trường với thái độ hăm hở và vẻ mặt tươi cười như bố muốn thấy.Nhưng con hãy nghĩ kĩ một tí xem một ngày của con sẽ trống trải biết bao nhiêu nếu con không đến trường học, và chắc chắn chỉ sau một tuần lễ thôi, con sẽ xin trở lại trường. Hiện nay tất cả thiếu niên đều đi học, Enrico yêu dấu ạ. Con hãy nghĩ đến những người thợ tối tối đến trường học sau khi lao động cả ngày, hãy nghĩ đến những cô gái đi học ngày Chúa nhật (Chủ nhật) sau cả tuần lễ bận rộn trong các xưởng thợ, đến những người lính ở thao trường về là viết viết đọc đọc. Hãy nghĩ đến những cậu bé câm và mù nhưng vẫn học. Con hãy nghĩ rằng vào mỗi bữa sáng khi con bước ra đường thì cũng vào giờ ấy trong thành phố ta ba vạn trẻ em cũng như con, đến khép mình ba giờ liền trong một lớp để học tập. Con lại nghĩ đến tất cả trẻ em gần như cùng một lúc, ở tất cả các nước trên thế giới cũng đang đi học. Con hãy hình dung trong trí tưởng tượng rằng những học sinh ấy đang đi trên những con đường ở nông thôn, trên những đường phố của các đô thị nhộn nhịp, dưới trời nắng gắt hay dưới tuyết rơi, đi thuyền ở những xứ dọc ngang kênh rạch, đi ngựa qua những cánh đồng rộng lớn, đi xe trượt trên bề mặt đóng băng, qua các thung lũng và đồi gò, qua rừng, qua suối trên những đường mòn hẻo lánh ,băng qua núi, đi từng đôi hay từng tốp, thành hàng dài, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, từ ngôi trường xa xôi nhất khuất nẻo trong tuyết của nước Nga cho đến ngôi trường hẻo lánh nhất của đất Arabia núp dưới bóng cây cọ. Hàng triệu, hàng triệu trẻ em, tất cả cùng học những điều như nhau dưới những hình thức khác nhau.

Con hãy tưởng tượng số học sinh đông như kiến của hàng trăm dân tộc khác nhau ấy, hãy tưởng tượng cái phong trào rộng lớn mà họ đang tham gia, và con hãy tự nhủ rằng:”Nếu phong trào ấy mà ngừng; thì nhân loại sẽ chìm đắm trở lại trong cảnh dã man; phong trào ấy là sự tiến bộ, là niềm hy vọng, là vinh quang của thế giới!”

Can đảm lên người lính nhỏ của đạo quân mênh mông ấy ! Sách vở là vũ khí của con, trận địa là cả hoàn cầu, và chiến thắng là nền văn minh của nhân loại ? Ôi ! Không bao giờ con làm một người lính nhát gan, Enricô của bố ạ.

Bố của con”

Đó là môi trường giáo dục “toàn hảo” mà Edmondo mô tả vào cuối thế kỉ 19 (phương Tây), một nền giáo dục coi trọng “đức dục” và mục tiêu tối cao của giáo dục là kiến tạo “nền văn minh của nhân loại” hay thấm đẫm triết lý Cuore – Trái tim. Thật thú vị quan điểm của Edmondo này lại trùng khớp với quan điểm ‘khuyến học” của Fukuzawa Yukichi – Voltaire xứ mặt trời mọc (phương Đông – cũng vào cuối TK 19), nhà tư tưởng vĩ đại của Nhật Bản. Fukuzawa tin rằng giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc: “Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, [do đó] bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người.”. Trong bối cảnh nền văn hóa cũng như giáo dục Nhật Bản khi ấy chịu ảnh hưởng nặng nề của nền Nho học cổ hủ trì trệ (Trung Hoa) nơi chân lý và nguyên tắc tri thức, cái nôi của tư duy sáng tạo bị bỏ qua trong khi thói hình thức và giả tạo lên ngôi.

Fukuzawa buộc phải kêu gọi người dân phải “Thoát Á Luận” và theo đuổi nền giáo dục thực học phương Tây. Thành quả của Nhật Bản hiện đại, sự phát triển “thần kì”, một nền văn minh Phương Đông đáng ngưỡng mộ như hiện nay là nhờ công rất lớn của Fukuzawa, người dẫn đưa nước Nhật ra khỏi u mê, tối tăm và lạc hậu. Qua đó, càng chứng minh triết lý “giáo dục” đúng đắn của ông.

Giáo dục ở quan điểm hiện đại hơn được xem là quá trình khai phá kho báu “tri thức/trí tuệ” như Jacques Delors trong báo cáo UNESCO “Learning:The Treasure within” (Học tập: Kho báu bên trong) mô tả: “Giáo dục là trung tâm của quá trình phát triển cá nhân và cộng đồng, nhiệm vụ tối cao của nó là khai mở con người chúng ta (kho báu bên trong), không ngoại trừ một ai, để chúng ta có thể phát triển tối đa tài năng và phát huy tiềm năng sáng tạo bên trong, bao gồm cả những trách nhiệm trong cuộc sống riêng và việc theo đuổi các mục tiêu cá nhân.” Vậy khi theo đuổi “Giáo dục” chúng ta đang theo đuổi điều gì ? Theo UNESCO đó là 4 trụ cột:

Để biết (có kiến thức)
Để làm (có kĩ năng)
Để chung sống (nhận thức về sự đa dạng)
Để làm người (thụ nhân)

Bốn trụ cột của giáo dục

Nhìn vào nền giáo dục của Việt Nam chúng ta hiện nay – có thể thấy 4 trụ cột mà UNESCO đề cập đều khá lung lay. Mục tiêu giáo dục của Việt Nam được mô tả khá chung chung giáo điều qua các Nghị quyết/Thông tư (như Nghị quyết 142) của chính phủ như : “… Xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế đông đảo vững mạnh, ngày càng hoàn chỉnh về trình độ và ngành nghề, vừa có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc, …” nhưng hình như lại thiếu đi/ hoặc đang tranh cãi về một triết lý giáo dục “đúng đắn”+”nhất quán”+ “cô đọng” dẫn đường.

Như triết lý EPPSE của Mỹ : “Thuyết bản chất (Essentialism) – thuyết trường tồn (Perennialism) – thuyết tiến bộ (Progressivism) – thuyết cải tạo xã hội (Social reconstructionism) – thuyết hiện sinh (Existentialism)” hay “Tự do – Nhân bản – Khai phóng” của Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam trước 1975) xưa kia.

Nếu xem xét những biểu hiện trong thực tiễn, thật không khó nhận ra sự bế tắc và rệu rã của nền Giáo dục hiện nay – từ những biểu hiện vi mô như vấn đề học thêm dạy thêm, cải cách sách giáo khoa, số cân nặng cặp học sinh đến vĩ mô như quan liêu - giáo điều trong hệ thống giáo dục, bất cập trong tư duy và chất lượng giáo dục. Suy rộng ra, những vấn đề căn bản của giáo dục của Việt Nam hiện nay cũng không khác mấy Nhật Bản những năm cuối thế kỉ 19. Tôi tin vào quan điểm của Fukuzawa, sẽ không bao giờ có được một nền giáo dục đúng nghĩa nếu nhốt giáo dục trong cái lồng của “chủ nghĩa giáo điều – hình thức”, chỉ có tự do học thuật – coi trọng thực học mới là cơ sở cho những triết lý đúng đắn dẫn đường, tạo cứu cánh cho nền giáo dục hiện tại.

Hãy xem xét vấn đề “giáo dục” nghiêm túc và thận trọng vì thật ra như Edmondo mô tả trong Cuore/hay trong “Khuyến học” của Fukuzawa, những biểu hiện trong hệ thống giáo dục của một quốc gia có thể giúp chúng ta biết được mình đang tiến gần hay rời xa sự văn minh.