Văn hóa trong một thế giới đứt gãy

Văn hóa trong một thế giới đứt gãy

Trong một ngôi nhà còn sót lại giữa đống đổ nát của thành phố Warsaw, nghệ sĩ dương cầm Do Thái Szpilman lặng lẽ ngồi bên cây đàn đại dương cầm. Ông chơi bản Balade cung Son thứ (G minor) của Chopin trước mặt Wilm Hosenfeld, một viên sĩ quan SS thuộc lực lượng phòng vệ Đức quốc xã, kẻ thù của dân tộc mình. Giai điệu tuyệt đẹp vang lên trên một cái nền rệu rã tan hoang của thủ đô Ba Lan, giữa hai con người ở hai chiến tuyến đầy sự thù hằn, căng thẳng, lo âu và sợ hãi. Giai điệu từ từ chậm rãi như rót mật khúc dạo đầu nhưng nhanh chóng bùng nổ và mê say. Szpilman đã chơi như thể đây là lần cuối cùng ông còn có thể chơi đàn, như thể giữa ông và Wilm không còn khoảng cách hay thù hận mà chỉ còn sự kết nối hòa hợp trong âm nhạc. Trái tim của viên sĩ quan sắt máu đã tan chảy, ông không tặng cho Szpilman một viên đạn vào đầu mà cho phép ông tiếp tục được sống trong căn nhà này, sau đó còn tiếp tục tiếp tế thêm lương thực để duy trì sự sống còn cho ông cho đến khi Ba Lan được hoàn toàn giải phóng bởi quân đồng minh. Trích đoạn trên của bộ phim “The Pianist/Nghệ sĩ dương cầm” là một phân đoạn rất xúc động và đã ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm về âm nhạc và văn hóa của mình.

Nghệ sĩ Do Thái đã mắc kẹt ở Warsaw (1944) sau trận giao tranh căng thẳng giữa quân kháng chiến Ba Lan và quân đội phát xít Đức. Để duy trì sự sống còn của mình, ông đi dạo quanh những khu nhà đổ nát để lục những phần thức ăn còn sót lại và vô tình bị phát hiện bởi Wilm. Sau vài màn tra hỏi và biết được ông là một nghệ sĩ dương cầm, Wild đã yêu cầu ông chơi nhạc trên cây đại dương cầm còn sót lại ở trong căn nhà này. Và phần còn lại của câu chuyện đã đi vào lịch sử.

Bộ phim "The Pianist"

Câu chuyện về Szpilman được gợi nhớ khi mình theo dõi một phiên thảo luận ở diễn đàn Davos #wef18 giữa nghệ sĩ cello Yo Yo Ma, Anne Finucane – phó chủ tịch Bank of America và David Skorton từ viện Smithsonian về giá trị của nghệ thuật và văn hóa trong việc định hình xã hội. Yo Yo Ma (Mã Hữu Hữu – một trong những nghệ sĩ mà mình yêu thích nhất) người tham gia phiên thảo luận trên cũng đồng thời chia sẻ một bài viết ở Davos về vai trò của văn hóa trong sự phát triển của nhân loại mà ở trong đó mình tìm thấy nhiều quan điểm thú vị. Mình đã lược dịch bài viết sang tiếng Việt để các bạn nếu quan tâm có thể theo dõi và chia sẽ góc nhìn của mình.

[Yo Yo Ma]

Công việc của tôi với tư cách một người nhạc sĩ là gieo rắc hi vọng qua âm nhạc: khi xem xét về tương lai, tôi cảm nhận được những khả năng (viễn cảnh) vô cùng to lớn sắp diễn ra nhưng bên cạnh đó tôi cũng có không ít lo lắng. Tin tốt là hiểu biết của con người đang được tăng cường với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Tin xấu là trong sự thay đổi nhanh chóng đó, chúng ta không phải lúc nào cũng tỉnh táo để có thể tiến hành theo cách có lợi nhất cho con người. Nếu như tiến trình trên bỏ qua các giá trị quan trọng thì chẳng khác nào chúng ta đang lao đầu mạo hiểm về phía trước mà không có bản đồ trong tay để rồi cuối cùng lạc đến một vách núi chênh vênh nơi chúng ta đã vượt qua những chướng ngại bất ngờ nhưng cũng đồng thời đánh mất đi tầm nhìn về tính nhân văn của mình.

Tôi bắt đầu suy nghĩ về những thách thức này khi đọc một cuốn sách của giáo sư Klaus Schwab phát hành năm 2016, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ông đã mô tả một kỷ nguyên mà trong đó những thành tựu về khoa học kĩ thuật như Trí tuệ nhân tạo (AI) và rô bốt (robotics) sẽ cải thiện đáng kể cuộc sống của con người và tạo ra những thay đổi to lớn mang tính đột phá (disruption). Điều này đang xảy ra ở một thời điểm mà thế giới gia tăng sự đứt gãy và được trang bị kém cỏi để có thể đáp ứng thay đổi đồng thời những mối ràng buộc gắn kết chúng ta với nhau cả về kinh tế và xã hội đang bị bào mòn.

Tôi đã chơi cello/trung hồ cầm hơn năm thập kỉ, và qua nhiều năm như vậy, tôi khám phá ra rằng nhân loại tạo ra văn hóa là có lý do của nó – văn hóa tạo cho chúng ta một lợi thế về mặt tiến hóa. Khi chúng ta đang tiến về một tương lai vô định, văn hóa đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho sự tồn tại của chúng ta.

Là con người, một cách tự nhiên chúng ta cần có thức ăn, nước uống và nơi cư trú để tồn tại. Nhưng có một thứ cũng quan trọng không kém đó là sự hiểu biết. Để tồn tại, chúng ta cần hiểu biết về môi trường xung quanh, những cá nhân khác và chính bản thân mình. Chúng ta sáng tạo ra văn hóa nhằm đáp ứng những đòi hỏi này, văn hóa là một hình thức tốc ký để truyền tải các chân lý và các giá trị thiết yếu mà xã hội đang nắm giữ. Cụ thể hơn đó là các bài ký thuật (câu chuyện), âm thanh, hình ảnh và các biểu tượng được mã hóa (truyền tải) sao cho có ý nghĩa với tất cả chúng ta.

Từ các nguyên tắc vàng (golden rule/là nguyên lý đối đãi với người khác theo cách mà mình muốn được đối xử) đến giai điệu quen thuộc Ode to Joy từ bản giao hưởng số 9 của Beethoven, một biểu tượng cho sự hòa hợp và tự do trên khắp thế giới, đến E=MC2, một công thức căn bản giúp thay đổi cách chúng ta hiểu biết về vũ trụ, những từ ngữ, âm thanh và mã hóa đó giúp cho chúng ta có thể nói một ngôn ngữ chung và tán đồng những giá trị chung. Nó cung cấp cho chúng ta một nền tảng để tin tưởng.

Cách thức nhìn nhận của tôi về văn hóa được phát triển qua nhiều năm, bắt đầu từ năm 1962 là một đứa trẻ người nhập cư bảy tuổi từ Paris đến New York. Mọi thứ có vẻ như hoàn toàn xa lạ. Bánh mì hiệu Wonder thay thế cho bánh baguettes (bánh mì kiểu Pháp) cùng những thứ khác biệt như bóng chày và xúc xích (hotdogs). Thậm chí ngay cả bầu trời cũng khác thường khi bị thu nhỏ bởi các tòa nhà chọc trời. Đó là một trải nghiệm vừa hồ hởi vừa bối rối. Phải mất vài thập kỉ xây dựng mối quan hệ và may mắn đón nhận sự hào phóng cởi mở của nhiều người, tôi mới có thể cảm thấy nơi đó là nhà. Đó là một chuyến hành trình dài tôi đã trải qua với sự trợ giúp của âm nhạc.

Âm nhạc là một lăng kính mà qua đó tôi có thể tìm được mã hóa bên trong của những cuộc đời khác và học cách tin tưởng họ như những người hàng xóm thân quen. Bluegrass đưa tôi đến vùng đất trung tâm của Hoa Kỳ, điệu Tango của Piazzolla đưa tôi đến Argentina, âm nhạc Shostakovich trong kỉ nguyên Stalin (Nga), một nhạc sĩ mù người Namibia ngoài rìa của sự văn minh – một thế giới tiền nông nghiệp chỉ có săn bắt hái lượm, những ca sĩ ngân nga những giai điệu dài hơi ở trái tim của Mông Cổ, hay như nguồn cảm hứng thi ca của hai nhạc sĩ trẻ ở Amman (Jordan) đã dẫn tôi tới con đường tơ lụa – một dự án đã khiến tôi thay đổi cách nhìn về truyền thống, âm nhạc và đường biên giới. Ngày nay với tôi đâu cũng là nhà.

Đây chính là tiềm năng của văn hóa. Sự thật là ở chính trị, nơi phô diễn quyền lực, và kinh tế, nơi đồng tiền là thứ chiếm ưu thế (hay là thứ duy nhất giúp chúng ta tiến xa). Chúng ta cũng cần có văn hóa, nơi thước đo của chúng chính là niềm tin. Sự phức tạp của thời đại này đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận các thách thức toàn cầu dưới một lăng kính toàn diện, trong đó chính trị, kinh tế và văn hóa phải hòa hợp như các giai điệu của buổi hòa nhạc.

Thật đáng kích lệ khi thấy các nghệ sĩ hiện diện ngày càng nhiều ở những nơi như Davos (diễn đàn kinh tế wef), họ đến không chỉ với vai trò giải trí mà còn với tư cách những người đóng góp có ý nghĩa cho các buổi thảo luận. Nhưng đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Thật là không đầy đủ nếu chỉ giao trách nhiệm về văn hóa cho các nghệ sĩ và nhạc sĩ trong khi những người còn lại tham gia với vai trò khán giả thụ động. Chúng ta phải tìm cách gắn kết tất cả hiểu biết của con người vào trong văn hóa, cụ thể mỗi người trong chúng ta cần tham dự vào việc tăng cường các nguồn lực văn hóa mọi lúc mọi nơi – để có thể tạo dựng sự tin tưởng và hiểu biết cùng một lúc qua việc hướng tới nghiên cứu khoa học cơ bản, chơi âm nhạc cùng với nhau, hoặc đơn giản là hướng mắt lên các vì sao. Chúng ta cần phải đặt văn hóa lên trước tiên, bởi vì đó là cách duy nhất để đảm bảo những quyết định mà chúng ta (trong tư cách thành viên của xã hội toàn cầu rộng lớn) đưa ra sẽ đem đến những điều tốt đẹp cho nhân loại

Sẽ không quá phóng đại nếu nói rằng sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào điều đó. Cháu trai của tôi sẽ thừa hưởng một thế giới chứa đầy các vấn đề mà mức độ phức tạp của chúng vượt xa mọi sự tưởng tượng của chúng ta. Và tất nhiên chúng ta cần phải có kiến thức khoa học, tinh thần khởi nghiệp và các thành tựu công nghệ để giải quyết chúng. Câu hỏi là, làm thế nào để thế hệ của cậu ta không chỉ tìm cách để đối phó mà còn phải tìm thấy hy vọng ? Làm thế nào để họ có thể tìm kiếm hạnh phúc và sự đong đầy (ý nghĩa) trong cuộc sống hối hả tương lai? Như nó vốn đã từng, văn hóa giúp cho chúng ta có được mục đích và ý nghĩa – nó giúp chúng ta đứng vững và ổn định qua mọi đổi thay. Nó cũng dạy cho chúng ta tưởng tượng về một cuộc sống vượt lên khỏi bản thân của mình trong khi đó vẫn cho phép chúng ta là một phần của một câu chuyện lớn hơn. Trên tất cả, nó cho phép chúng ta sống một cuộc sống đong đầy tình yêu thay cho sự sợ hãi, vốn hiểu biết thay vì sự chia rẽ, với lòng khoan dung thay vì sự thù hằn.

Văn hóa giúp chuyển hóa “người khác” thành “chúng ta”. Cần thấu hiểu một điều quan trọng rằng văn hóa có thể, trong những thời khắc chia rẽ, sẽ kết nối chúng ta lại thành một thế giới đồng thời hướng chúng ta tới những quyết định kinh tế và chính trị có lợi cho toàn bộ giống loài hiện diện trên trái đất. Và điều này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Công nghệ đã cho chúng ta sức mạnh để tiên đoán tương lai của xã hội và hành tinh chúng ta. Chúng ta cần phải tận dụng sức mạnh này cho những điều tốt đẹp, để xây dựng một cộng đồng toàn cầu gắn kết mà trong đó mỗi người kết nối với nhau, đầu tư cho nhau và phải làm sao cùng phụng sự cho sự tiến bộ của nhân loại. Chúng ta cùng với nhau sẽ lựa chọn bước tiến tích cực tiếp theo cho quá trình tiến hóa của chính mình.