Vận mệnh hiển nhiên

Vận mệnh hiển nhiên

Khái niệm “Vận mệnh hiển nhiên”/Manifest Destiny được mô tả đầy tính biểu tượng trong bức tranh American Progress (Tiến trình của Hoa Kỳ – 1872) của họa sĩ John Gast (họa sĩ gốc Phổ/Prussia lớn lên ở Brooklyn, New York). Cụ thể, Gast đã phác ra hình ảnh của nàng Columbia xinh đẹp, một hình ảnh nhân cách hóa của Hoa Kỳ (giống như chú Sam) đang dẫn dắt nền văn minh “cờ hoa” đi về phía tây cùng đoàn tùy tùng là những người châu Âu tới định cư ở Mỹ, một tay nàng ôm cuốn sách còn tay kia thì kéo căng đường dây điện báo như dấu chỉ cho “sự khai sáng”. Một cách mỉa mai thay ánh sáng của nàng lan tới đâu thì thú hoang và người Mỹ bản địa (native) bỏ chạy đến đấy.

“Vận mệnh hiển nhiên” là một niềm tin rằng Hoa Kỳ có sứ mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương kết hợp cùng với tinh thần của “chủ nghĩa bành trướng/exceptionalism và chủ nghĩa Quốc gia hảo huyền/Romantic nationalism nhằm biện hộ và bảo vệ cho việc thu phục và xâm lấn các vùng lãnh thổ khác của Tân thế giới. Ngay từ thời kì lập quốc, Benjamin Franklin đã từng bàn luận về vấn đề mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ (1767): “Nước Mỹ, một lãnh thổ rộng lớn được thiên nhiên ưu đãi bởi khí hậu, đất đai, sông ngòi và hồ nước bao la nhất định phải trở thành một quốc gia vĩ đại, đông dân, hùng cường. Có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn hơn chúng ta hình dung, nước Mỹ sẽ đập tan mọi xiềng xích (shackles) trói buộc mình (imposed) và đặt chúng ngược lên lại những kẻ thù (imposers).”

Thuật ngữ trên được cho là xuất hiện từ năm 1845 bởi một bài tiểu luận nhan đề “Sáp nhập/Annexation” của nhà báo John L. O’Sullivan thuộc phe Dân chủ. Lúc này Hoa Kỳ đang tiến hành các công việc sáp nhập nước Cộng hòa Texas vào khối Liên Bang và O’Sullivan là người cổ xúy cho xu hướng này: “Vận mệnh hiển nhiên của chúng ta là phủ người của mình trên khắp lục địa mà Thượng đế đã dành cho, một vùng đất có thể đáp ứng sự phát triển dân số hàng triệu người mỗi năm của chúng ta.” Tiếp theo sau đó là nhận định của ông về vụ tranh chấp biên giới Oregon với vương Quốc Anh: “Sự tuyên bố chủ quyền (xứ Orgeon) là dựa trên một vận mệnh hiển nhiên trong đó mặc khải chúng ta phải lấp đầy người và sỡ hữu toàn bộ lục địa mà Thượng đế ban tặng qua đó chúng ta sẽ lan tỏa kinh nghiệm vĩ đại về tự do và về một chính quyền liên bang tự chủ mang đầy ích lợi mà chúng ta tin cậy.”

Quan điểm của O’Sullivan đã có sức ảnh hưởng mạnh đến công chúng và được sự ủng hộ của chính phủ tổng thống James K. Polk (Tổng thống 11 của Hoa Kỳ). Bằng việc truyền bá kinh nghiệm “tự do” hay chính là nền dân chủ cộng hòa, Hoa Kỳ có thể mở rộng lãnh thổ mà không cần tiến hành vũ lực và can thiệp quân sự. Khi những người Ango – Saxon di cư đến những vùng đất mới (nàng Colombia), họ sẽ thiết lập những chính quyền dân chủ và sẽ tự động xin gia nhập liên bang (như Texas) để chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi bảo hộ (hỗ trợ). Ông tin rằng sau Texas, rồi sẽ tới California và Canada gia nhập xu hướng này. Phe Đảng Whig đối lập khi đó kịch liệt phản đối khái niệm này và cho rằng O’Sullivan đã lợi dụng Thượng đế để bào chữa cho những hành động mang tinh thần chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến và tư lợi cá nhân. Whig tin rằng Hoa Kỳ chỉ nên là một hình mẫu về đạo đức cho phần còn lại của thế giới (trở thành một thành phố sáng chói trên ngọn đồi) và hãy để các nơi khác tự tìm thấy nền cộng hòa của riêng họ. Sau này sử gia Shaker đã mô hình hóa “Vận mệnh hiển nhiên” bằng ba yếu tố: Đức tính của nhân dân Mỹ cùng thể chế chính trị; Sứ mệnh truyền bá thể chế chính trị này và tái tạo thế giới theo hình ảnh của Hoa Kỳ; Vận mệnh được Thượng đế giao phó.

Nhiều người Mỹ cảm thấy sự gắn kết của mình với “Vận mệnh hiển nhiên” và tin rằng Hoa Kỳ sẽ dấn thân vào một kinh nghiệm đặc biệt về sự tự do và dân chủ bắt nguồn từ khi những nhà lập quốc khước từ nền Quân chủ chuyên chế của Cựu thế giới nhằm xây dựng nên một “Quốc gia hy vọng cuối cùng” (như lời Abraham Lincoln) với nền cộng hòa. Một niềm tin xuất phát từ Chủ nghĩa “Cá biệt” Mỹ cùng di sản Thanh giáo mà trong đó mọi thứ đều gắn kết “thiêng liêng” với mong muốn của Thượng đế, như lời triết gia Thomas Paine: ” Đã lâu lắm rồi, chúng ta mới nắm trong tay sức mạnh để khởi sự lại thế giới này giống như Noah (tổ phụ thứ 10 của Abraham, người khởi sự Thế giới từ cơn đại Hồng thủy).”

Vào năm 1803, Jefferson Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ đã khởi sự cho sứ mệnh trên bằng cách mua lại vùng đất Lousiana từ Pháp (với giá 15 triệu $, tương đương 240 triệu $ bây giờ) và mở rộng gấp đôi lãnh thổ Hoa Kỳ. Sau đó nhiều thập kỉ tiếp theo thông qua mua bán, can thiệp quân sự và chiêu trò chính trị lần lượt Tây Floria, Sông Đỏ (Red River), Đông Floria (lãnh thổ của Tây Ban Nha, 1821), Vùng đất dọc biên giới US – Canada, Texas (1845), Oregon (Vùng tự trị của Anh 1846), Mexican Cession (mua với giá 15 triệu $ vào năm 1848) và Gasden (mua với giá 10 triệu $ năm 1853) bị sáp nhập vào Hoa Kỳ. Có thể xem từ cuối Chiến tranh 1812 đến lúc bắt đầu Nội chiến Hoa Kỳ 1861 là “Thời đại của Vận mệnh hiển nhiên”. Trong vòng 49 năm, Hoa Kỳ mở rộng lãnh thổ đến Thái Bình Dương nối liền hai đại dương lớn “từ biển đến biển chói sáng” đồng thời định đoạt biên giới của Hoa Kỳ Lục địa như ngày hôm nay. Một quá trình mà Tổng thống Andrew Jackson gọi là “mở rộng vùng đất tự do”.

Quá trình mở rộng của Hoa Kỳ còn kéo dài nhiều thập kỉ sau đó ra ngoài lục địa Hoa Kỳ bao gồm: Alaska (7,2 triệu $ từ Đế chế Nga năm 1867), Hawaii (bằng can thiệp lật đổ nữ hoàng của Đảo), Thuộc địa Tây Ban Nha (Puerto Rico, Guam và thậm chí Phillipines – 20 triệu $), Cuba (sau này dành lại độc lập), Đảo Wake, Quần đảo Samoa, Cộng hòa Dominica, khu vực kênh đào Panama, đảo Virgin, hệ thống TTPI (như Quần đảo Bắc Mariana) … diện tích Hoa Kỳ cho đến ngày hôm nay là gần 9,8 triệu cây số vuông.

Thuật ngữ Vận mệnh hiển nhiên ngày càng ít được dùng đến trong thế kỉ 20 và 21 khi chính sách “mở rộng lãnh thổ” không còn được xem là “Vận mệnh” của Hoa Kỳ. Bắt đầu từ hệ luận 1904 của Tổng thống thứ 26 Hoa Kỳ Theodore Roosevelt (Roosevelt Corollary, nối tiếp Học thuyết Monroe) trong đó ông định nghĩa lại vai trò của Hoa Kỳ ở Tân Thế Giới như là một “lực lượng cảnh sát quốc tế” nhằm bảo đảm quyền lợi cho Tây Bán cầu, đồng thời cần chấm dứt việc bành trướng lãnh thổ mà chỉ nên ảnh hưởng thế giới bằng “chủ nghĩa can thiệp/interventionism”.

Nối tiếp tinh thần đó, Tổng thống thứ 28 Woodrow Wilson người cổ súy cho “chủ nghĩa can thiệp” đã tìm cách tái định nghĩa lại “vận mệnh hiển nhiên” và “sứ mệnh của Hoa Kỳ/mission” ở một ý nghĩa rộng lớn hơn. Trong thông điệp gửi đến Quốc hội năm 1920 sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Wilson phát biểu:

“Cuối cùng thì cái ngày mà nền “Dân chủ” phải trải qua bài kiểm tra/thể nghiệm cuối cùng đã đến. Khi mà Cựu Thế giới/Old World (châu Âu) bị tổn thương sâu sắc vì đã chối bỏ vô cớ các nguyên tắc dân chủ đồng thời thay thế vào đó các nguyên cớ của nền chuyên chế nơi thiếu vắng sự ủy quyền/ủng hộ của số đông. Đây là thời điểm mà phần còn lại của thế giới may mắn được soi sáng bởi “Dân chủ” chứng tỏ sự thuần khiết và sức mạnh tinh thần của mình. Không ai khác, chính Hoa Kỳ cùng vận mệnh hiển nhiên của mình là người dẫn dắt “tinh thần” này cho thế giới.”

“Vận mệnh hiển nhiên” lần đầu tiên và duy nhất được Tổng thống nhắc đến trong bài diễn văn hàng năm. Phiên bản này của Wilson nêu bật sứ mệnh lãnh đạo thế giới vì chính nghĩa dân chủ của Hoa Kỳ đồng thời bác bỏ chủ nghĩa bành trướng, cổ súy cho quyền tự trị của mỗi quốc gia. Điều này phù hợp với nguyên cớ để ông và nhiều Tổng thống sau này dẫn dắt Hoa Kỳ vào chiến tranh thế giới lần thứ nhất (I) và thứ hai (II) “Thế giới cần được kiến tạo để trở nên an toàn hơn vì dân chủ.” Những cũng có những mặt trái của nó, nhiều người chỉ trích xem đây là căn nguyên cho “Chủ nghĩa đế quốc Mỹ/imperialism” và gắn liền với đặc điểm của các cuộc can thiệp chiến tranh ở khu vực châu Á (như Việt Nam) thập niên 60,70 và gần đây tại khu vực Trung Đông.