Trò chơi vương quyền châu Âu

Trò chơi vương quyền châu Âu

The Economist vừa đăng tải một bài viết khá thú vị về Trò chơi “vương quyền” đang diễn ra một cách sôi động ở châu Âu. Tờ báo của nhà kinh tế học theo chủ thuyết “tự do” James Wilson (người góp phần hình thành ngân hàng Standard Chartered đến hôm nay) phân tích vai trò của Đức ở EU nhằm phá bỏ các định kiến “quyền lực” trong bối cảnh rất phức tạp khi mà các phong trào dân túy hay cực hữu chống lại liên minh EU (như Brexit) đang dậy sóng. Bài đăng ở mục Charlemagne – tên một vị vua thời trung cổ – cha đẻ của châu Âu với tựa đề rất khó dịch “Wurst among equals” (Ám chỉ vai trò của Đức trong thế cân bằng với các quốc gia khác ở châu Âu).

Trái ngược với niềm tin của nhiều người, Đức thực ra không quản lý Châu Âu

Giai điệu quen thuộc “Ride of the Valkyries” (Những nữ chiến binh cưỡi ngựa thần có cánh) của nhà soạn nhạc Đức Richard Wagner rất dễ đến tai du khách những ngày này ở Brussels (Nơi đặt trụ sở của liên minh châu Âu). Cùng lúc đó, những chiếc xe Mercedes to lớn với biển số Đức sáng bóng đi dọc ngang các cung đường. Bên trong là những nhân vật quan trọng (bigwigs) đến từ Berlin để tham gia thiết kế hệ thống “quan liêu” châu Âu. Mạng lưới chính trị và ngoại giao của Đức đang làm việc vượt công suất để đảm bảo sự thống trị của họ ở Ủy Ban Châu Âu, nhánh hành pháp của EU. Cụ thể là cuộc chạy đua của Ursula von der Leyen, nhân vật sẽ đối điện với các lá phiếu chuẩn thuận bởi Nghị Viện Châu Âu vào ngày 16 và 17 tháng 7. Vị bộ trưởng Quốc Phòng Đức có khả năng nói nhiều ngôn ngữ này là con cháu của một quan chức trong hệ thống này: bà lớn lên ở gần nơi cha mình từng dẫn dắt một cuộc đua chức vụ tương tự.

Đức thường được xem là quốc gia dẫn dắt EU. Angela Merkel từng là nhân vật cộm cán của khối này trong nhiều năm. Các chủ tịch của Tòa Kiểm Toán Châu Âu (European Court of Auditors – ECA), Quỹ Bình Ổn Châu Âu (European Stability Mechanism), và lãnh đạo của một vài nhóm có quy mô lớn nhất thuộc Nghị Viện Châu Âu (European Parliament) đều là người Đức. Tổng thư ký của nghị viện và ủy ban cũng là người Đức. Tổng thư ký của Ủy Ban Châu Âu, Martin Selmayr (người Đức) được xem là đang tìm kiếm nhân vật thay thế “gốc Đức” cho Jean-Claude Juncker (người Luxembourg), chủ tịch sắp ra đi của Ủy Ban Châu Âu.

Những người chỉ trích nước Đức luôn cho rằng nước này phải chịu trách nhiệm toàn bộ cho mọi tội lỗi của châu Âu. Chính quyền Trump đang dõi theo bàn tay lông lá của Đức ở Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) trong việc thả lỏng chính sách tiền tệ, thứ đã gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ. Các bang phía Nam của Hoa Kỳ rất khó chịu với các chính sách khắc khổ của Đức trong suốt những năm khủng hoảng. Các chính trị gia Anh rất sợ sức mạnh của Đức. Bill Cash, một người ủng hộ Brexit (nước Anh tách khỏi châu Âu), mô tả viễn cảnh Ủy ban châu Âu bị kiểm soát bởi chủ tịch người Đức (tại Westminster vào ngày 4 tháng 7) là một “mối lo nghiêm trọng” (grave concern) đồng thời là căn cứ để nước Anh nhanh chóng thoát khỏi sự thống trị không ngừng gia tăng của Đức. Chính quyền các quốc gia châu Âu nên định hình chiến lược của họ xung quanh giả thuyết này. Các bộ trưởng Anh từng cho rằng các nhà xuất khẩu xe Đức sẽ khiến cho phần còn lại của EU ủng hộ thỏa thuận Brexit. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron cố gắng thúc đẩy kế hoạch “gắn kết châu Âu bền chặt” bằng cách ve vãn những sắp đặt của Đức. Tất cả những điều trên không thể hiện sự thành công của Đức trong kiểm soát cuộc chơi – bởi nước này thực sự không thể chi phối châu Âu.

Nhìn vào trụ sở của EU ở Brussels, số lượng công dân Bỉ, Ý, Tây Ban Nha và Pháp tham gia làm việc ở Ủy Ban và Nghị Viện nhiều hơn người Đức. Ở Ủy ban, người Đức thực quyền nắm chức vụ “điều hành tổng” thì ít hơn người Ý. Người Đức ở Brussels là một tổ hợp hòa trộn và không theo sắp đặt của Berlin. Họ có xu hướng trở nên Pháp hóa hơn (Francophile) và ủng hộ liên bang hơn (federalist) các chính trị gia ở quê nhà. Quý ngài Selmayr (người Đức) từng nhắc đến những nghi ngại mà Berlin hướng đến những ảnh hưởng của ông trong việc sắp đặt đội ngũ của bà von der Leyen. Thực ra, ngài Macron của Pháp là người đầu tiên đề xuất bà Leyen trong khi các nhà dân chủ xã hội Đức cùng Đảng Xanh lại ra sức chống đối vị trí của bà ta ở Nghị Viện Châu Âu.

Đức không phải lúc nào cũng có thể định hình chính sách theo ý mình. Chính sách nới lỏng tiền tệ của ECB thực ra lại đe dọa những người gửi tiết kiệm ở Đức. Các luật lệ tài khóa được thiết kế để làm dịu đi những lo lắng của Đức thường xuyên bị co kéo bởi các nước sử dụng đồng Euro như Ý và bây giờ là Pháp. Thêm nữa, Ủy Ban Châu Âu thường coi thường các đề suất của Berlin trong một loạt các vấn đề từ quota cho người tỵ nạn, mục tiêu phát thải đến kiểm soát các luật lệ quanh chính sách năng lượng. Một ví dụ cụ thể là tập các ứng viên sắp tới cho một loạt vị trí cấp cao của EU: Xu hướng “ủng hộ liên bang” của bà von der Leyen kéo bà lại gần với ngài Macron hơn bà Merkel ở một vài khía cạnh, và Christine Lagarde, một quý bà Pháp, sẽ nắm quyền lực của ECB. Charles Michel và Josep Borrell, chủ tịch sắp tới của Ủy ban châu Âu và người nắm quyền chính sách đối ngoại của EU, đều gần với Paris hơn Berlin.

Vậy tại sao Đức lại ít “huy hoàng” hơn vẻ ngoài của nó. Trước tiên, kích thước quốc gia là một yếu điểm của Đức. Hans Kundnani đến từ viện nghiên cứu Chatham House đã mô tả quốc gia này bằng cụm từ “một sự thống trị lưng lửng” (semi-hegemon): quá nhỏ để thống trị châu Âu (có dân số tương ứng với bang California ở Mỹ) nhưng đủ lớn để các nước khác cảm thấy e dè và tìm cách để kìm chế nó. Điển hình như việc các nước ở Trung Âu kết hợp với nhau trong suốt cuộc khủng hoảng nhập cư nhằm ngăn chặn ưu tiên mở biên giới mà Đức nhúng tay sâu vào. Pháp cũng rất đau đầu với các ảnh hưởng của Selmayr (người Đức) vì Macron muốn chức tổng thư kí (có lẽ là ở ECB) phải được chuyển đổi sang cho Pháp.

Thứ hai, các thiết lập do Đức tạo ra rất khác biệt. Mỹ có quyền hành pháp mạnh, Anh có mức độ tập trung hóa cao và Pháp đồng thời có cả hai nhưng sức mạnh của Đức lại bị phân tán và dàn trải (diffuse & plural). Các “ý kiến” xuất phát từ Đức rất đa dạng khác hoàn toàn với quan điểm cho rằng góc nhìn và mối quan tâm của họ là khối một màu. Nhiều nhân vật quan trọng trong giới chính trị và học thuật của Đức lại đồng tình với những chỉ trích của người Pháp hay công dân Nam Âu về các hành động của chính quyền Đức. Một trong số họ là những người thuộc Đảng Xanh (Greens), những người thường đến đầu tiên trong các cuộc bầu cử gần đây.

Nền chính trị và chính sách công đa lớp và đa diện của Đức khiến cho quốc gia này thực tế chất chứa đầy bức bối ở bên trong. Thậm chí ngay cả khi ở đỉnh cao của quyền lực, bà Merkel thường đóng vai trò là người quản lý khủng hoảng hơn là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Trong các tranh cãi của châu Âu về đồng euro, công nghệ, quốc phòng và chính sách đối ngoại, Đức không hề có quá nhiều quyền hạn hoặc khả năng chi phối mà chỉ tham gia một cách dè chừng, vừa phải để dành thời gian giải quyết các tranh cãi ầm ĩ “vớ vẩn” ở trong nước. Bộ trưởng ngoại giao của Phần Lan Radek Sikorski tiết lộ trong năm 2011 rằng ông lo lắng về sự bị động của Đức (không hành động) nhiều hơn sự chủ động (hành động), một bài học đến từ quá khứ của quốc gia ông ta.

Tóm lại, việc Đức không tham gia một cách hiệu quả vào các vấn đề của châu Âu thì rất khó để kiến tạo cái gọi là “Châu Âu của Đức” mà các nhà phê bình lo lắng. Điều này sẽ không thay đổi khi mà bà von der Leyen dẫn dắt Ủy Ban sắp tới của châu Âu (có vẻ như nó đã tạo ra một châu Âu hơi có tính Pháp). Sẽ có những thay đổi trong lối mòn tư duy của “người bỏ phiếu ở Đức” (German voters) cùng những ảnh hưởng của Berlin khi mà kỷ nguyên của Merkel đến hồi kết thúc. Bà Chủ tịch von der Leyen sẽ giải quyết sự bất gắn kết của những “cộng sự mơ màng” bằng cách thúc đẩy những cải tổ cần thiết cho hệ thống này. Bà ta có lẽ sẽ tạo ra một nước Đức có tính châu Âu hơn thay vì một châu Âu có tính Đức.