Bài kiểm tra M&M
Hôm nay máu “dự án” lên não nên mình muốn viết một chút về kĩ thuật M&M. Vận hành một dự án hay một tổ chức đều cần một khả năng quan sát chi tiết – một kĩ năng cần được trau dồi qua kinh nghiệm, trực giác và nắm bắt một số kĩ thuật “thăm dò” (tracking). Một kĩ thuật mà mình học được khi tham gia một số dự án công nghệ trước đây – được gọi là “Viên M&M màu nâu”. Quy tắc này xuất phát từ một giai thoại kéo dài vài thập kỉ về cách mà ban nhạc rock Van Halen kiểm soát các quy định & chuẩn mực biểu diễn của mình (bao gồm khía cạnh kĩ thuật & kía cạnh dịch vụ) bằng cách khéo léo cài cắm thêm vài trách nhiệm liên đới có vẻ “vô thưởng vô phạt” trong hợp đồng với các đối tác.
Hãy tưởng tượng bạn phải kiểm soát một đội ngũ các lập trình viên hàng ngày hàng giờ phải làm việc với mạng lưới phức tạp các dòng lệnh. Công việc của họ là phải nắm bắt các nền tảng, công nghệ và thuật toán có sẵn, kết nối chúng với nhau để kiến thiết ra các hệ thống mới, lớp lang mới hay các thành phần mới của một ứng dụng hay một sản phẩm nào đó. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra bạn cần phải giám sát khả năng đào sâu vào chi tiết sản phẩm của đội nhóm mình, phát hiện các sai sót nhanh chóng và biết nắm bắt thời điểm hay góc độ nào của vấn đề cần phải đào sâu hơn hoặc nhanh chóng lướt qua. Khả năng kiểm tra chất lượng “nhanh” có thể được tăng cường nhờ nguyên tắc M&M.
Ban nhạc huyền thoại Van Halen là một trong những ban nhạc đầu tiên tiến hành công việc sản xuất âm nhạc hay tổ chức các liveshow với quy mô rất lớn – một công việc đòi hỏi chuyên môn của nhiều đối tác, các trang thiết bị phức tạp (ánh sáng, âm thanh). Cứ mỗi một liveshow diễn ra, một loạt các chi tiết hợp đồng “tiêu chuẩn” phức tạp cần được viết ra để giám sát từ việc chọn địa điểm, thiết kế sân khấu (rất nhiều thông số kĩ thuật trong đó) đến sắp đặt các trang thiết bị và tổ chức chương trình. Khi thiết kế hợp đồng, Van Halen đã bỏ vào một đòi hỏi khác thường về suất ăn nhanh của ban nhạc (Munchies) bao gồm: Khoai tây chiên với nước chấm dùng kèm; Đậu phộng; Bánh Pretzels (bánh quy xoắn Đức); Kẹp M&M’s (chú ý: không có hạt màu nâu); 12 ly bơ đậu phộng Reese; 12 ly yogurt (với đá).
Chi tiết “hạt M&M màu nâu” trông có vẻ như một đòi hỏi chuyên quyền và kỳ dị của một những ngôi sao nhạc rock hư hỏng nhưng nó có một mục đích rất cụ thể: nó sẽ cho phép thử đơn giản để xác định xem những thông số kĩ thuật cụ thể của hợp đồng có được xem xét một cách kĩ lưỡng và được bám sát để thực hiện hay không.
Ca sĩ chính của nhóm David Lee Roth đã giải thích rất rõ trong tự truyện của mình – bản hợp đồng (rider) biểu diễn cũng giống như Những Trang Vàng của người Hoa (Chinese Yellow Pages) trong đó chứa đựng đòi hỏi rất phức tạp của các thiết bị cùng các công việc chi tiết mà nhiều người phải cùng tham gia vận hành. Hạt M&M màu nâu là một phép thử nhỏ “tinh tế”. Các bạn hãy hình dung quá trình thảo hợp đồng, ở khía cạnh kĩ thuật như chúng tôi quy định ở điều 148: “Ổ cắm điện của hệ thống phải chịu được dòng 15 A đặt ở độ cao 20 foot” thì ở điều 126 chúng tôi để vào câu hờ hững sau: “Không có hạt M&M màu nâu ở hậu trường sân khấu”. Trước khi biểu diễn, tôi có thể kiểm tra ngẫu nhiên hậu trường – và nếu vô tình phát hiện ra hạt M&M nâu trong tô thức ăn bày sẵn … vâng, cả quá trình sản xuất có thể bị xem xét lại. Vì viên M&M đơn giản có thể dẫn đến những sai sót kĩ thuật nguy hại hơn, nó có thể hủy diệt cả một show diễn thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.
Những chuyên gia kĩ trị là người có khả năng tạo ra những chỉ dấu “cảnh báo” tinh tế (hay bất ngờ): một hạt M&M màu nâu, một đòi hỏi “kì dị” nào đó cho dòng lệnh hay yêu cầu vi tế trong một dự án giúp cấu thành nên mạng lưới cảnh báo “rủi ro” – việc theo dõi lưới này hay một số tiêu chuẩn chung sẽ giúp tiết kiệm thời gian hơn so với việc kiểm tra chi tiết toàn hệ thống. Nhân tiện màu M&M mình không thích là màu đỏ nha các bạn