Lạc quan về thế giới

Lạc quan về thế giới

Ngôi trường cổ kính mang tên Hyderabad Public School (HPS) tại miền Nam nước Ấn là cái nôi sản sinh ra nhiều bộ óc "quản trị" xuất sắc. Cơ sở giáo dục này được thành lập vào năm 1923 bởi vị Nizam (vua) thứ 7 và cuối cùng của Hyderabad, Osman Ali Khan, một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản khổng lồ tương đương 2% GDP Hoa Kỳ hình thành qua việc kiểm soát các mỏ Golconda, nguồn cung kim cương quan trọng của thế giới (vị Nizam này thậm chí còn dùng viên kim cương đắt giá Jacob trị giá 50 triệu bảng chỉ để chặn giấy). HPS được thành lập với mục đích đào tạo con cái của tầng lớp tinh hoa Hyderabad (nawabs, jagirdars, quý tộc) phụ việc cho nizam, tuy nhiên sau khi hệ thống Zamindari (tiểu thuộc địa tự trị của Ấn thuộc Anh) bị xóa bỏ, HPS được chuyển hóa thành trường công vào năm 1951 và mở ra cho đại chúng. Quan sát danh sách cựu học sinh tại trường, HPS quả thật không khác gì Eton của Anh, Sidwell Friends của Mỹ (nơi con gái Obama theo học) hay Institut Le Rosey của Thụy Sĩ. Cụ thể, các cựu học sinh nổi bật của trường là Satya Nadella (CEO của Microsoft), Shailesh Jejurijar (COO của P&G), T. K. Kurien (CEO của Wipro), Shantanu Narayen (CEO của Adobe Inc). Triết lý giáo dục của HPS nhấn mạnh vào sự sáng tạo (innovation), thứ không nhất thiết gắn với công nghệ cao hay các giải pháp phức tạp mà đôi khi chỉ xuất phát từ một thái độ nào đó trong tâm trí (attitude of mind), một tâm thế tích cực dự phần vào bầu không khí tri thức, văn hóa và nghệ thuật. Ngôi trường HPS chính là một môi trường xã hội - văn hóa (sociocultural) nhằm kích khởi quá trình phát triển nhận thức đa chiều của học viên (cognitive developmental process), thúc đẩy tư duy lớn (think big) và trang bị những kỹ năng vào đời cần thiết. HPS ví von, mở rộng tâm trí cũng giống như việc người nông dân chuẩn bị đất đai và tạo ra môi trường sinh trưởng thích hợp để cây trồng hay mùa màng đơm hoa nảy lộc.

Mình có cơ duyên gặp Ajay Banga, cựu học viên HPS, tại Jakarta (Indonesia) nhân dịp "tuần" hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Ông là một chuyên gia tài chính từng trải qua hơn một thập kỷ ở phố Wall, người đã chứng kiến quá trình tăng trưởng của Mastercard từ một công ty thẻ tín dụng trị giá 20 tỷ $ năm 2009 thành nền tảng thanh toán toàn cầu 300 tỷ $ (Mastercard chính là tổ chức đã tài trợ mình tham dự Singapore Fintech Festival 2019). Chỉ cách đây vài tháng, dưới sự đề cử của Nhà Trắng (White House), Ajay đã được mời ngồi vào chiếc ghế chủ tịch của định chế sừng sỏ "Ngân Hàng Thế Giới" (World Bank - WB). Thành tựu này quả thực phi thường: một công dân nhập tịch Hoa Kỳ, được đào tạo hay làm ra hoàn toàn từ Ấn Độ, một doanh nhân khu vực tư nay trở thành lãnh đạo định chế có sức ảnh hưởng bậc nhất thế giới. Ajay cũng sinh ra trong một truyền thống tôn giáo rất thú vị, đạo Sikh. Tích khắc giáo (Sikhism) được sáng lập bởi Guru Nanak vào thế kỷ 15 tại Punjab, trong đó nhấn mạnh vào trạng thái "tại tâm" (tin tưởng vào chính mình) và "phi phân biệt" (tin vào sự bình đẳng của tất cả chúng sinh). Với người Sikh, thực hành tôn giáo không nhất thiết phải đi hành hương miếu mộ hay khắc khổ mà phải thể hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày, tập trung xây dựng cá tính hòa hợp với thiên tính. Cụ thể, hãy xây dựng một cuộc đời tích cực, sáng tạo và thực tiễn (quan điểm này khá giống Do Thái Giáo) trên nền giá trị "chân thật, trung thành, tự kiểm soát bản thân và thanh tịnh". Đạo Sikh không cho phép tín đồ hấp thụ các "chất gây nghiện" (như thuốc lá, thuốc phiện, rượu bia) và cắt tóc (phải để dài tự nhiên và giấu tóc mình vào khăn xếp turban, một hình ảnh giúp người Sikh trở nên nổi bật khỏi các sắc dân khác).


World Bank được cấu thành bởi năm tổ chức thành viên: hai nhánh chính IBRD (Ngân hàng quốc tế về Tái thiết và Phát Triển) và IDA (Hiệp Hội Phát Triển Quốc Tế) hoạt động tương hỗ nhau, IFC (Tập đoàn tài chính quốc tế), ICSID (Trung tâm Quốc tế giải quyết mâu thuẫn đầu tư) và MIGA (Cơ quan bảo lãnh đầu tư đa phương). Nguồn lực tài chính và hiểu biết khổng lồ của WB qua đóng góp của các thành viên sẽ được rải vào các nghị trình phát triển toàn cầu, đặc biệt là tại các nước nghèo, trung bình và đang phát triển.


IBRD (ra đời năm 1945) là một nỗ lực hợp tác phát triển toàn cầu với gần 189 nước thành viên (global development cooperative). Là ngân hàng phát triển lớn nhất thế giới, IBRD cung cấp các khoản vay (loans), đảm bảo (guarantees), các sản phẩm quản trị rủi ro (risk-management products) và dịch vụ tư vấn (advisory services) tới các nước thu nhập thấp và trung bình (nhóm MIC), đồng thời điều phối các hoạt động liên quan đến việc xử lý các thách thức toàn cầu và trong khu vực. Trong năm tài chính 2023 (fiscal 2023), các cam kết cho vay của IBRD đã tăng đến 38,6 tỷ $ với gần 136 hoạt động (operations).

IDA (ra đời 1960) là nguồn đa phương cung cấp tài chính đến các nước nghèo nhất dưới hình thức các khoản vay (loans), trợ cấp (grants), và đảm bảo (guarantees), từ đó giúp phát triển kinh tế, giảm đói nghèo và cải thiện điều kiện sống. Có tất cả 75 nước đủ điều kiện nhận được các khoản hỗ trợ của IDA trong năm tài chính 2023. Các cam kết cho vay mới của IDA đã chạm mức 34,2 tỷ $, rót vào 182 hoạt động. Trong đó, có 6 hoạt động là kết hợp giữa IBRD và IDA. Các khoản cam kết này nằm dưới hai hình thức: 27 tỷ $ tín dụng (credit) và 7,3 tỷ $ trợ cấp (grants).

Hoạt động của IBRD và IDA được bổ trợ bởi IFC (ra đời năm 1956) chuyên thúc đẩy đầu tư tư nhân tại các nước kém phát triển hơn (less developed). Tổ chức này được nắm giữ bởi 186 nước thành viên và độc lập về pháp lý với IBRD và IDA. IFC cung cấp các khoản đầu tư cho khu vực tư, điều chuyển dòng vốn vào thị trường tài chính quốc tế, và cung cấp dịch vụ tư vấn tới các doanh nghiệp và chính phủ. Công cụ của IFC cũng chính là các khoản vay (loans), đầu tư cổ phần (equity investments), chứng khoán nợ (debt securities, có thể là trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp) và đảm bảo (guarantees). Trong năm tài chính 2023, tổng cam kết đầu tư của IFC vào Việt Nam đạt 1,9 tỷ $, trong đó 520 triệu $ là dưới hình thức cấp vốn dài hạn (long-term finance). Gần đây nhất IFC đã rót vào vốn vào một số công ty nổi bật tại Việt Nam như công ty nông nghiệp BaF (25 triệu USD), Thành Thành Công và chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 (20 triệu USD).

Hai nhánh còn lại, ICSID thì hoạt động như một diễn đàn phân xử hoặc trung gian hòa giải các mâu thuẫn giữa nhà đầu tư nước ngoài với nước tiếp nhận đầu tư và MIGA phụ trách thúc đẩy đầu tư nước ngoài (FDI) vào các nước đang phát triển.

Trong vai trò mới tại Ngân Hàng Thế Giới (WB), Ajay Banga sẽ bao phủ quanh mình các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực từ chính trị gia đến lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà hoạt động khí hậu, phân tích tài chính, và học giả kinh tế phát triển. Nhóm này sẽ đưa ra tập các lời khuyên đa dạng để Ajay hệ thống hóa và phân tích. Với ông, thách thức hiện tại của World Bank là phải dõi theo vấn đề "bất bình đẳng" với tất cả các chiều kích của nó và nhìn xoáy sâu vào những vấn đề đang đe dọa cuộc sống hiện tại của chúng ta và con cái mình về sau. Nhân loại đang đối diện với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (như hạn hán ở Kenya, đã bốn năm nước này không hề có một giọt mưa), hạn chế của việc tiếp cận giáo dục, y tế và hạ tầng (vật lý và số). Thêm nữa, cuộc chiến dai dẳng không cần thiết tại Ukraine đã gây thiệt hại lớn về con người, tài sản cũng như đe dọa các bản làng xa xôi không liên quan tới cuộc xung đột trên (do giá thực phẩm, phân bón và dầu mỏ tăng theo), thế giới (về mặt tư tưởng) đã trở nên phân cực mạnh mẽ và cực đoan hơn.

World Bank, trong bối cảnh trên, vừa phải quan tâm đến các nước có thu nhập thấp (low income) nhưng cũng không được phép quay lưng với các nước thu nhập trung bình (middle income), vừa có góc nhìn bao quát toàn cầu vừa phải thấu hiểu các vấn đề quốc gia và địa phương. Một công việc đầy thách thức trong khung thời gian hạn chế: phải giảm phát thải một nửa (50%) vào năm 2030 và đưa về 0 đến năm 2050 (NetZero). Tuy nhiên, sự tồn tại của tổ chức này rõ ràng là để giải quyết các bài toán hóc búa, một cỗ máy sinh ra từ Chiến Tranh và được mài dũa thành một định chế lớn trong Hòa Bình. WB xây dựng bộ công cụ đa dạng chảy từ kiến thức chuyên gia (knowledge), xây dựng năng lực (capacity building), các thảo luận chính sách (policy dialogue) đến tài chính (finance). Phải đảm bảo các nguồn lực trên được phân phối hiệu quả, đúng lúc và theo những tiêu chuẩn cao nhất.

Dưới đây là tổng hợp các thông tin quan trọng (và rất thú vị) từ buổi trao đổi giữa Ajay Banga với Trung tâm Phát Triển Toàn Cầu (Center for Global Development) chỉ vài tháng trước khi ông chính thức nhậm chức, trong đó chứa đựng nhân sinh quan về tương lai của định chế có sức ảnh hưởng toàn cầu này và đặc biệt mối quan hệ giữa WB và khối tư nhân. Trong vòng 30 hay 40 năm vừa qua, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) đã tập trung cao độ vào mục tiêu lan tỏa thịnh vượng (prosperity) và xóa đói giảm nghèo (reducing poverty). Sự phát triển mạnh mẽ của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam, Indonesia và Bangladesh đã cho thấy các tác động tích cực của định chế này, tất nhiên cũng phải dựa trên nền sức mạnh của giao thương toàn cầu (global trade). Các chuyến du hành vòng quanh thế giới đã giúp Banga nhận ra không thể tách rời mục tiêu xóa đói giảm nghèo với biến đổi khí hậu bởi các vấn đề (khủng hoảng) hiện tại luôn bện xoắn chặt vào nhau (intertwined crisis). Do đó, tuyên ngôn sứ mệnh của ngân hàng phải thay đổi từ "giải quyết đói nghèo và thúc đẩy thịnh vượng" sang "tạo dựng một hành tinh ôm ấp mọi sự sống" (liveable planet). Đường hướng của ngân hàng sẽ có chuyển dịch đôi chút với vài câu chữ thêm vào trên, không chỉ tập trung con người cùng kĩ năng của họ mà còn phải quan sát bức tranh lớn của tương lai. WB phải đảm bảo ai ai cũng được dự phần trong quá trình phát triển (đặc biệt phụ nữ và người trẻ). Trong thực tiễn, tổ chức này trước tiên phải đảm bảo đại đa số nhân loại tiếp cận được các công việc hay cơ hội, bởi đây chính là phương pháp cốt lõi để giảm đói nghèo và lan tỏa thịnh vượng. Thứ hai, đảm bảo chất lượng cuộc sống con người, điều này gắn với tập hợp các (spectrum) nghị trình phát triển (development agenda) liên quan đến biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng, cung cấp không khí và nước sạch, tiếp cận bộ ba giáo dục - y tế - tài chính.

(1) Sức mạnh chuyển hóa của công nghệ số đã giúp WB chạm đến các mục tiêu nhanh hơn, cụ thể các nền tảng số đã chuyển đổi thời cuộc (landscape) và tạo ra sân chơi công bằng hơn cho nhiều người. Những ai từng bị bỏ ra bên lề thì nay đã được dự phần nhiều hơn vào hệ thống WB (ví dụ như phụ nữ, trẻ em gái, và những người nghèo) và thông tin hay kiến thức đã chảy đến khu vực nông thôn ngày một nhiều hơn (rural). Hãy quan sát cách hệ thống số cứu rỗi nền giáo dục trong suốt ba năm đối diện đại dịch Covid vừa qua (học hành từ xa và qua mạng), cách các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân từ xa, cách các thông tin quan trọng về nông nghiệp (năng suất mùa màng, thời điểm gieo hạt, giá cả công bằng) đã không còn là đặc quyền tiếp cận của các nông trại lớn (large farms) mà dành cho tất cả nông dân thông qua các nền tảng số. Hệ thống trở nên sạch hơn (cleaner) với công nghệ, nó khiến việc tham nhũng lặt vặt bị loại bỏ (khi con người không còn tiếp xúc tiền trực tiếp), nó khiến những bàn tay nhớp nháp (sitcky hands) không thể chạm dễ dàng đến số tiền WB muốn trao cho những ai thực sự cần. Hệ thống IT luôn minh bạch, được dựa trên nền tảng trách nhiệm/ghi chép rõ ràng (accountability), do đó trở thành chìa khóa mấu chốt cho năng lực quản trị tốt (good governance). Đây chính là kinh nghiệm mà Ajay đã thu nhặt được khi làm việc tại Mastercard, tổ chức này dưới triều đại của ông đã nỗ lực đưa 500 triệu người đến với các hình thức thanh toán thẻ (điều không thể thành hiện thực nếu thiếu vắng công nghệ).

(2) WB đóng vai trò trung tâm trong việc điều phối các nỗ lực toàn cầu (Global Action), cụ thể là đứng giữa các ngân hàng phát triển đa phương (multilateral development banks - MDBs) khắp thế giới và các định chế phát triển (development institutions), đảm bảo các ảnh hưởng (impact) tích cực có thể được khếch đại tối đa. WB thiết lập các đề tài thảo luận (set the tone) và khiến các tổ chức phát triển trở nên đồng điệu hơn trong vận hành nhờ bám vào nền tảng năng lượng (energy), sáng tạo (creativity), khẩu vị rủi ro (risk-taking) và các kết quả/ mục tiêu (results) của định chế quốc tế này.

(3) Tiếp theo, WB cần phải phát triển thành một ngân hàng tri thức (knowledge bank), bên cạnh bảng cân đối kế toán (balance sheet), tài sản giá trị nhất của WB chính là con người, các trải nghiệm, những bài học đắt giá thu nhặt được trong gần 80 năm làm việc trong tiền chiến phát triển (front lines of development). Tài sản giá trị này thuộc về thế giới và cần được chia sẻ để ích lợi chảy đến tất cả chúng ta: cải thiện năng lực phát triển chính sách, nâng cao khả năng quản trị quốc gia và học hỏi các hướng đi thành công.

(4) WB phải tận dụng các nguồn lực một cách hiệu quả và hiệu suất (efficiently and effectively). Hội nghị G20 đã đưa ra các đề xuất liên quan đến CAF (Capital Adequacy Framework) của nhóm MDBs (ngân hàng phát triển đa phương) liên quan đến việc điều chỉnh các khẩu vị rủi ro (risk appetite), sáng tạo tài chính (financial innovation) và xây dựng kết nối với các tổ chức đánh giá tín dụng (CRAs - Credit Rating Agencies). Hiện tại tất cả các nguồn lực khan hiếm phải được sử dụng một cách chắt bóp (squeeze), điều này hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay. WB phải tìm mọi cách để bảng cân đối kế toán (balance sheet) của mình hoạt động hiệu quả, Ajay Banga ủng hộ kế hoạch mở rộng cho vay 5 tỷ đô (giúp các nước thu nhập trung bình chống biến đổi khí hậu cùng các khủng hoảng toàn cầu khác) do người tiền nhiệm đề xuất (Chủ tịch trước đó của WB - David Malpass), tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu trong nỗ lực cải tổ WB của Banga.

Cần hiểu rõ, con số vài tỷ đô không bao giờ có thể đáp ứng các đòi hỏi chuyển hóa hạ tầng, khí hậu và bất bình đẳng trên toàn cầu. Các ước tính luôn chạm đâu đó ở ngưỡng nghìn tỷ (trillions), do đó WB không thể làm một mình mà buộc phải song kiếm hợp bích với khu vực tư nhân. Các nguồn lực và hiểu biết chính sách của WB sẽ giúp khu vực tư nhân tổ chức dòng vốn hiệu quả hơn, cả ở quốc tế và nội địa. Tất nhiên, khu vực tư luôn có thái độ thận trọng nhất định với các khoản đầu tư nếu họ không thể thẩm thấu mức độ rủi ro liên quan (dù thành công họ có được chính là nhờ đón nhận rủi ro). Trong địa hạt năng lượng tái tạo (điện năng), các công nghệ liên quan và mô hình kinh doanh hiện tại đã phát triển đến giai đoạn "tiềm năng" khiến niềm tin khu vực tư nhân đã hình thành sơ khởi tạo đà cho những khoản rót vốn đầu tiên. Đây là dấu hiệu cho thấy cảm nhận về mức độ rủi ro trong địa hạt "năng lượng tái tạo" của khu vực tư đã giảm dần. WB phải trở thành một tổ chức đứng ra bảo chứng về mức độ rủi ro, để lèo lái vốn khu vực tư chảy mạnh mẽ vào các sáng kiến mới (liên quan đến mục tiêu của WB) từ đó tạo ra cái gọi là "quy mô thực sự" (real scale). WB phải quan sát một số thử nghiệm tiên phong (pilots) để nhanh chóng loại bỏ những thứ không phù hợp nhanh nhất tránh lãng phí nguồn lực (những thứ không đưa chúng ta đến mục tiêu 2030 và 2050). Ajay đặt ra giả định liệu định chế tài chính này có thể đón nhận rủi ro trước tiên (first loss position), liệu có thể tăng quy mô áp dụng các giải pháp còn trong giai đoạn tiền vận hành (pre-operation stage) hay còn nhiều thiếu sót (meager), liệu có thể đưa nhiều dự án trong giai đoạn thai nghén vào bảng cân đối kế toán của IFC hay không. Khi đã có mức độ kiểm chứng hay kết quả nhất định, WB sẽ đẩy ra cho khu vực tư để rót vốn cho giai đoạn vận hành và phát triển, điều này sẽ giảm thiểu rủi ro cho khu vực tư trong giai đoạn sơ khai của các ý tưởng.

WB cũng có thể tạo ra các bể tài sản tiêu chuẩn hóa (standardized pools of assets), từ đó các nhà đầu tư dài hạn (long duration investors), quỹ hưu trí (pension funds), các nhà quản lý tài sản (asset managers) có thể đầu tư theo quy mô lớn hơn (scale). Ajay Banga cho rằng định chế này phải cực kỳ sáng tạo, không chỉ trong xử lý các con số tài chính (financial engineerning), mà còn phải đảm bảo kiến thức (knowledge) cũng như ảnh hưởng toàn cầu của mình (global footprint) lan tỏa đến các quốc gia kém phát triển, trang bị cho họ các kế hoạch và lộ trình rõ ràng để đi đến phát thải carbon bằng không (các kế hoạch chuyển dịch - transition plans), các bộ khung quản trị nhất quán (consistent governance frameworks), các chính sách và quy định hợp lý (sound policies and regulations). Tổ chức này giới thiệu đến khu vực tư (thuộc các nước giàu) những khu vực địa lý kém phát triển đã đạt được các dấu mốc trên để họ tư tin rót vốn vào các cơ hội mới, tham gia vào quá trình phát triển của các quốc gia nghèo và trung bình.

Ajay Banga là một chuyên gia sừng sỏ trong việc xây dựng hợp tác công tư (public private coalitions), điển hình như các trải nghiệm tại khu vực Trung Mỹ (ông là đồng chủ tịch của Hợp Tác Trung Mỹ - Partnership for Central America, cũng như thành viên của các tổ chức quyền lực như Trilateral Commission và CFR có những ảnh hưởng quan trọng đến địa chính trị toàn cầu). Ông đã kêu gọi gần 4 tỷ đô la cam kết đầu tư vào khu vực này để giảm thiểu việc người dân nơi đây rời bỏ quê hương trên một chặng hành trình dài đẩy hiểm nguy để chạy đến Hoa Kỳ (với mong muốn chạm đến cuộc sống tốt đẹp hơn). Mục tiêu lớn là tạo ra hàng triệu công việc tại đây trong vài năm sắp tới (có thể từ 1 tới 5 triệu công việc). Banga không thể biết chắc con số cụ thể nào được tạo ra (như con số 500 triệu người tiếp cận thanh toán thẻ mà ông đặt mục tiêu khi còn ở Mastercard) tuy nhiên tham vọng to lớn thì luôn hiện diện trong tâm trí. Điều quan trọng là phải có một tiến trình hợp lý (process) để chạm đến các con số. Ngân Hàng Thế Giới sẽ làm bất cứ điều gì để tối đa hóa bộ khung vốn (capital adequacy framework), cải thiện vận hành, lan tỏa kiến thức, tạo ra lực tác động lan tỏa (force multiply), và thuyết phục khu vực tư đồng hành mạnh mẽ trong các nỗ lực tại Trung Mỹ và các khu vực khác trên thế giới.

Đối với nhân sự tại WB, điều này có nghĩa họ phải luôn lắng nghe cẩn thận mọi người xung quanh (như Banga đã làm vài tháng trước khi nhậm chức) và sau đó hành động với cảm giác cấp bách (sense of urgency). Tiếp theo, tổ chức này phải nhìn nhận rủi ro một cách thấu đáo bởi không ai có thể chạm đến thông tin hoàn hảo (perfect information). Ai ai cũng phải làm việc đầy nhiệt huyết (being empowered) trong tâm thế hướng đến kết quả (being accountable for results). Thang đo cho kết quả không chỉ đến từ các khoản tiền cho vay, hay việc điều phối dòng vốn tư nhân mà còn đến từ số lượng trẻ em gái đến trường và các công nhân có kỹ năng tìm được việc làm. Tất cả đều là kim chỉ nam quan trọng cho WB.

Đối với những người liên quan khác như nhóm hoạt động xã hội (civil society), học giả (scholars) và cộng đồng kinh doanh (business community), nỗ lực này đòi hỏi WB phải minh bạch các kết quả đạt được thay vì chỉ nhìn vào đầu vào (input), làm rõ các tác động đạt được (impact) thay vì chăm chăm mô tả quá trình (process). Ở khía cạnh lãnh đạo, tổ chức phải ăn mừng các thành công đạt được tuy nhiên cũng biết cách chấp nhận thất bại (đi kèm các bài học đúc kết được). Điều quan trọng là đừng mắc cùng một sai lầm hai lần.

Chúng ta sẽ không bao giờ chạm đến các mục tiêu 2030 và 2050 nếu không bám theo đường hướng trên. Rõ ràng, công việc kinh doanh theo cách bình thường (usual) sẽ không thể thay đổi thế giới tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta, mà trước tiên chúng ta chỉ cần xây dựng một môi trường làm việc đong đầy sự tôn trọng, trên cơ sở tôn vinh sự đa dạng, ai cũng được dự phần và dễ tiếp cận (diversity, equity and inclusion and accessibility). Banga nhận định: "đây gần như là tiêu chuẩn không thể thỏa hiệp, chỉ có nhìn về cùng một hướng chúng ta mới có thể tạo ra thay đổi cùng nhau." Vào năm 1945, Tổng Thống Roosevelt đã gửi một lá thư đến Quốc Hội Hoa Kỳ với lời nhắn: "tôi không muốn để lại ấn tượng rằng các đề xuất về nguồn quỹ và ngân hàng (thế giới) đã hoàn hảo đến mức không còn cần điều chỉnh gì nữa, những điều cần cải thiện chỉ xuất hiện thông qua trải nghiệm thu nhặt được trong nhiều năm sắp tới (tương lai)". Rõ ràng, World Bank hiện tại đang tham gia giải quyết một số vấn đề mà người sáng lập không thể chân nhận trước, đây chính là điều thú vị của việc dẫn dắt một định chế toàn cầu.

Ajay Banga rất lạc quan về thế giới, ông tin rằng luôn có ai đó mày mò làm điều gì đó hay ho tại mọi ngóc ngách của địa cầu, mọi người đều muốn tạo dựng điều gì đó riêng biệt cho bản thân mình và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người thân yêu (con cháu họ). Ai cũng mong có công việc và chất lượng cuộc sống đảm bảo. Thêm nữa, Banga cũng được động viên bởi khát vọng của những người trẻ, tinh thần lạc quan và sức sáng tạo vượt mọi khuôn khổ của họ (đặc biệt ở Nam Bán Cầu). Thách thức của Banga và WB chính là khai mở tất cả các cảnh cửa cơ hội mà họ cần để chạm đến thành công.