Biến lời nói thành hành động (Walk the talk)

Biến lời nói thành hành động (Walk the talk)


Khó ai có thể phủ nhận, giáo sư Klaus Schwab, cha đẻ của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum), là người có quyền lực lớn trong "môi giới" công tư, nghĩa là mang khu vực công và tư đến với nhau. Chỉ vài giờ trước đó, khi giáo sư Schwab xuất hiện trong một phiên thảo luận tại APEC CEO Forum 2022, ngồi cùng ông là hai đại diện công tư nổi bật: Tổng thống Phillipines Bongbong Marcos và chủ tịch toàn cầu của PwC (một trong tứ đại kiểm toán thế giới Big4), quý ngài Robert E. Moritz. Phần nội dung dưới đây là chia sẻ của giáo sư tại APEC 2022, trong đó nhấn mạnh các chuyển đổi to lớn do khủng hoảng toàn cầu gây ra cùng những gợi ý chiến lược cho giới doanh nhân. Rất thú vị:

Khi quan sát tương lai của thế giới, chúng ta không chỉ đối diện với một cuộc khủng hoảng mà còn cả một sự chuyển đổi về mặt cấu trúc và hệ thống sâu sắc (deep & systemic transformation). Điều này sẽ xâm chiếm hay ảnh hưởng chúng ta không chỉ trong vài tháng như một cuộc khủng hoảng thông thường mà có khi cả năm, hoặc thậm chí kéo dài vài năm với hậu quả để lại nặng nề. Có bốn yếu tố dẫn dắt quá trình chuyển đổi này:

(1) Biến đổi khí hậu cùng nhu cầu của việc chuyển đổi năng lượng (energy transformation). Theo như IEA (Cơ quan Năng lượng Quốc Tế) chúng ta cần phải đầu tư 4 nghìn tỷ $ (4 trillion), chiếm khoảng 4% GDP toàn cầu trước năm 2030. Trong ngắn hạn, khoản đầu tư này là gánh nặng nhưng về dài hạn, tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội to lớn hơn đang chảy đến.

(2) Để chuyển đổi toàn cầu (global transformation), rõ ràng, phải tái định hình các chuỗi cung ứng (supply chains), làm sao để trở nên dẻo dai hơn với các biến cố "chính trị" (political resilience) và dĩ nhiên, các yếu tố "hậu Covid" (post Covid).

(3) Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải nội hóa chi phí ngoại tác (internalize external costs) - các phương pháp đảm bảo những thứ gây ra "chi phí ngoại tác" (hoặc lợi ích ngoại tác) phải được xem xét khi ra quyết định kinh doanh (ngoại tác nghĩa là tác động ra bên ngoài). Hãy hình dung quá trình nội hóa các yếu tố "ngoại tác" của chi phí vận chuyển (external transport costs), hướng đến tối đa hóa sự đóng góp của việc vận chuyển đến phúc lợi xã hội. Quá trình nội hóa này có thể đạt được bằng những phương pháp chính sách khác nhau (policy measures) như các công cụ dựa trên thị trường (thu phí, thuế và các giấy phép thương mại), các công cụ chính sách (tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn phát thải CO2, giới hạn giao thông) cùng các công cụ tình nguyện (như các thỏa thuận với ngành ô tô để giảm phát thải CO2 từ những dòng xe mới). Một ví dụ điển hình là cách ứng xử với plastics (nhựa), có tới 10 tỷ tấn plastics đang trôi nổi trên đại dương.

Tôi rất phấn khởi khi tại hội nghị G20 diễn trước đó không lâu (ở Bali), World Economic Forum đã có cơ hội hợp tác với G20 (Presidency) để tạo ra O20, dự án công tư kết hợp, một nền tảng cho phép tích hợp tất cả các nỗ lực nhằm tạo ra Một nền kinh tế châu Á xanh (Blue Asian Economy) nhằm giám sát an toàn nguồn lực rất quan trọng của nhân loại: biển xanh (như một công cụ chính sách).

(4) Tôi cũng muốn đề cập đến một số rủi ro mà trong đó chúng ta phải đầu tư xử lý ngay bây giờ, bởi nếu không hành động thì chắc chắn phải trả cái giá đắt đỏ hơn sau này, ví dụ như vấn đề an ninh mạng (cyber security) hay toàn bộ nỗ lực thích nghi (the whole adaptation efforts) (khi khí hậu nóng lên chẳng hạn). Khoản này thường ví von như một gánh nặng lên GDP bởi đó là các khoản chi phí (costs) hay đầu tư (investments) vào tương lai dài hạn. Khi phải tái cấu trúc chi phí công ty của mình, bạn phải đưa nó ra khỏi bảng cân đối kế toán, dĩ nhiên lúc này các cổ đông sẽ bị thiệt hại (suffer) nhưng nếu nhìn vào kinh tế toàn cầu, thì hậu quả là cả một quá trình suy giảm khả năng mua sắm (purchasing power) lớn lao, do đó tái cấu trúc kinh tế sẽ khiến cho một số quốc gia đối diện với căng thẳng xã hội (social tensions). Dù vậy, hãy nghĩ về cái giá đắt của tương lai.

Vậy các doanh gia làm sao để thành công? Chiếc cúp thành công đang được phân bổ lại và khi quá trình chuyển đổi này kết thúc, sẽ có kẻ thắng và người thua. Qua trao đổi với cộng đồng doanh nhân, để dành chiến thắng, có bốn chiều kích khác nhau mà chúng ta phải coi trọng:

(1) đón nhận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tôi từng viết quyển sách về đề tài này cách đây 5 năm và có thể đã khiến khái niệm này trở nên phổ biến. Cuộc cách mạng này hoàn toàn khác với 3 cái trước đó. Về quy mô, không chỉ áp dụng một công nghệ mà còn nhiều loại công nghệ khác nhau, củng cố bổ trợ cho nhau. Nó hướng đến tốc độ (speed), tăng trưởng cao (exponential) và có vẻ như, những người chiến thắng ôm trọn miếng bánh (the winner takes it all). Bởi việc sao chép gần như là không thể. Chúng ta có thể sao chép đầu máy hơi nước, hay sao chép việc chế tạo máy tính nhưng gần như không thể sao chép trí tuệ nhân tạo (AI) hay các ứng dụng của AI - nó thách thức hơn nhiều. Đừng để tổ chức mình trượt xa khỏi xu hướng cách mạng trên và trở nên lạc hậu. Tôi cũng luôn nhìn vào tương lai khi vận hành tổ chức của mình, do đó World Economic Forum phải cho ra mắt "Ngôi làng hợp tác toàn cầu" (Global Collaboration Village), một nơi hướng đến mục tiêu chung, các phúc lợi xã hội (public goods) và ứng dụng của metaverse, cụ thể làm thế nào thế giới có thể gia tăng hợp tác thông qua sử dụng metaverse.

(2) Phát triển khả năng tư duy chiến lược. Rõ ràng, rất khó tìm câu trả lời để giải quyết khủng hoảng phức tạp hiện tại. Đừng chỉ dựa trên lối mòn tìm kiếm câu trả lời đơn giản cho vấn đề phức tạp, mà còn phải có tầm nhìn hệ thống (systemic view), kết nối nhiều điểm chấm một lúc. Đừng chỉ để bối cảnh hay diễn dịch tự nhiên đánh lừa mình, bởi như thế là chưa đầy đủ. Ví dụ như để giảm phát thải carbon trong công ty (decarbonize), chúng ta đừng chỉ nhìn vào các giải pháp dựa trên tự nhiên, mà hãy nhìn cả vào thay đổi phong cách sống, cả vào sáng tạo (innovation) cùng nhiều chiều kích khác nữa. Các hoạt động khác nhau như vậy là một phần trong lối tiếp cận hay tư duy "hệ thống" (systemic). Tất nhiên, dưới quan điểm của giới doanh gia, lối tiếp cận này luôn luôn phải hướng đến các cơ hội mới (opportunity oriented).

(3) phát triển và coi trọng hợp tác công tư (public private cooperation). Khi Covid bắt đầu bùng phát, đã có tranh cãi quanh việc doanh nghiệp hay chính phủ đóng vai trò xử lý khủng hoảng chính yếu. Thực ra, giải pháp cho tương lai là khả năng điều phối các nguồn lực hay năng lực (capabilities) của chính phủ kết hợp với sự sáng tạo của doanh nghiệp.

(4) Sự tương hỗ giữa các nỗ lực toàn cầu và địa phương. World Economic Forum hiện tại đã trở thành một tổ chức toàn cầu hướng đến hợp tác công tư. WEF luôn chào đón các nỗ lực bắt nguồn từ địa phương, tất cả cần được tích hợp vào trong một nền tảng nơi các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu, chính quyền quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp địa phương, và chính quyền địa phương có thể làm việc hay hợp tác cùng với nhau. Cần tìm ra các giải pháp toàn cầu (Global Solutions) trong các vấn đề như môi trường (vì chúng ta sống cùng nhau trên Trái Đất) hay các thách thức khác.

Khi đến APEC 2022, tôi đã nhìn thấy khẩu hiệu "Tái lập niềm tin (Rebuild Trust)" được nêu ra trong các thảo luận của giới kinh doanh. Điều này lấp lánh phản ánh khái niệm mà WEF đã thúc đẩy từ rất lâu "chủ nghĩa tư bản dành cho tất cả" (stakeholder capitalism) - nghĩa là đừng chăm chăm chạy theo lợi nhuận mà hãy làm việc vì con người, vì xã hội và hành tinh này. Tôi gọi đây là nền kinh tế 3P nghĩa là: con người (people), tiến bộ (progress) và hành tinh (planet). Việc trao đổi về ESGs (cụm từ viết tắt bởi E-Environmental -Môi trường; S-Social -Xã hội và G-Governance - Quản trị doanh nghiệp, là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) cũng như đưa ra các tuyên bố đao to búa lớn không bao giờ là đủ. Phải biến lời nói thành hành động.

Hiện tại, WEF và PWC đều đã đồng hành cũng nhau để tạo ra các thang đo (metrics) giúp cho doanh nghiệp có thể đảm bảo trong quá trình kinh doanh mình vẫn có thêm các vai trò xã hội hay môi trường - trở thành một lực "thiện" mạnh (strong force for good), không chỉ phục vụ thúc đẩy kinh tế (economic progress). Rõ ràng, doanh nghiệp cũng là một phần của xã hội. Để có niềm tin của xã hội thì chúng ta buộc phải phụng sự xã hội. Do đó, nếu coi trọng Chuyển đổi (Transformations), Sáng tạo (Innovation) và đặc biệt Hợp tác (Collaboration) thì tôi tin, giai đoạn khó khăn này sẽ dẫn chúng ta đến một tương lai tươi sáng hơn - như cam kết của WEF - cải thiện thế giới tốt đẹp hơn.

PS: Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được giáo sư Klaus Schwab, một chuyên gia kinh tế Đức, thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ (được đặt tại Cologny, Geneve) vào năm 1971, hoạt động dựa trên nguyên tắc “stakeholder approach” (tiếp cận tất cả các bên hay stakeholder theory) trong đó cho rằng sự thành công của một tập đoàn hay tổ chức phải bắt nguồn từ việc quan tâm đến lợi ích của rất nhiều bên: không chỉ các nhà đầu tư, khách hàng, đối tác mà đồng thời cũng phải chú ý đến nhân viên, cộng đồng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở bao gồm cả chính quyền sở tại hay các tổ chức phi lợi nhuận. Do đó, WEF tin rằng nhiệm vụ gắn kết các nhà lãnh đạo kinh tế, chính trị, học thuật và nhiều lĩnh vực khác sẽ giúp định hình một cách tích cực nghị trình (agenda) cho thế giới. Tìm hiểu thêm:

Thế giới có cần Davos
Tổ chức đứng phía sau Davos đang đối diện với ba thách thức: danh tính đầy mâu thuẫn, gia tăng cạnh tranh và sự kế thừa không chắc chắn.