Bức tường Việt Nam

Bức tường Việt Nam

“Nếu bạn có thể, hãy lưu giữ hình ảnh của họ vào sâu bên trong trái tim bạn và trước khi rời đi hãy quay lại ngoái nhìn họ một lần nữa. Nơi bạn sắp đến là nơi họ không bao giờ còn đặt chân đến được nữa. Đừng ngại khi gửi lời yêu thương, điều mà bạn có thể hoặc không luôn luôn làm. Hãy đem theo những gì họ mặc khải bạn qua sự hi vinh và giữ nó cho riêng mình. Sẽ có khoảng khắc bạn và nhân loại nhận ra sự vô vọng của chiến tranh, lúc ấy hãy tri ân những người anh hùng thầm lặng đã rời bỏ chúng ta ra đi mãi mãi.”

Bức tường Việt Nam

Đây là lời gửi gắm của thiếu tá Michael Davis O’Donnell khi tham chiến tại Đắk Tô, Kon Tum, Việt Nam năm 1970. Nơi ông ra đi chính là nơi tôi sinh ra. Trên bức tường đen này, tên của ông được khắc tại tọa độ Army – MAJ – O4 cùng gần 58000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và mất tích trong lò lửa chiến tranh Việt Nam. Một cuộc chiến khốc liệt kéo dài gần hai thế kỉ do Hoa Kỳ tiến hành nhằm áp dụng Học thuyết Domino tại Đông Dương, tiêu tốn một khoản tiền “duy trì” khổng lồ hơn 700 tỷ $ nhưng cuối cùng lại chuốc lấy thất bại nặng nề. Việt Nam trở thành một vết nhơ, một nỗi đau dai dẳng kéo dài trong lòng siêu cường số một thế giới, là một nỗi ám ảnh và gây chia rẽ tới mức họ gọi là “Hội chứng Việt Nam”.

Dự án Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam hay bức tường Việt Nam được khởi xướng bởi Jan Scruggs, người từng tham chiến tại Việt Nam trong giai đoạn 1969 – 1970 với vai trò hạ sĩ quan bộ binh. Ông cùng những người bạn cựu binh nổi tiếng của mình như John Wheeler, Robert Doubek thành lập VVMF – Quỹ tưởng niệm cựu binh Mỹ tại Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích vận động hành lang nhằm xin Quốc hội một mảnh đất 2 acre (8000 m2) trong Vườn Hiến Pháp (Constitution Gardens). Trên mảnh đất này họ sẽ xây dựng một biểu tượng hữu hình nơi toàn bộ nhân dân Mỹ có thể hướng đến để tưởng nhớ các cựu binh của chiến tranh Việt Nam. VVMF cũng là tổ chức đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Với sự hỗ trợ rất nhiệt tình của hai thượng nghị sĩ Charles McC. Mathias, Jr. (bang Maryland) và John W.Warner (bang Virginia), dự án được đệ trình thẳng lên Quốc hội và vào ngày 1/7/1980 Tổng thống Jimmy Carter đặt bút ký chuẩn thuận khu đất mà VVMF yêu cầu.

Tháng 10/1980 VVMF công bố rằng bản thiết kế đài tưởng niệm sẽ được lựa chọn thông qua một cuộc thi cấp quốc gia với giải thưởng 50,000$ dành cho tất cả các công dân Hoa Kỳ trên 18 tuổi với bốn tiêu chí: phải đảm bảo tính suy nghiệm và liên tưởng, hài hòa với khu vực xung quanh, chứa tên của những người chết và mất tích trong cuộc chiến, không thể hiện bất kì bình luận chính trị nào về chiến tranh.

Có tổng cộng tất cả 1421 thiết kế được gửi đến vào tháng 3/1981 và sẽ được xem xét bởi một hội đồng giám khảo gồm 8 người ẩn danh do VVMF lựa chọn bao gồm những nghệ sĩ và nhà thiết kế đẳng cấp quốc tế. Quá trình lựa chọn được tiến hành tại một nhà để máy bay của Căn cứ Không quân Andrews nơi các bản thiết kế được trưng bày theo hàng và được định danh bằng số để che dấu tên người dự thi nhằm đảm bảo tính khách quan. Bản thiết kế được lựa chọn cuối cùng mang số hiệu 1026 là thành quả của một nữ kiến trúc sư trẻ đến từ đại học Yale. Tên của cô là Maya Lin, 21 tuổi và là người Mỹ gốc Hoa.

Lin muốn tạo ra một hình thái công viên trong công viên, một cách thức sắp đặt tối giản có khả năng kích khởi sự suy nghiệm cao độ và đi ngược với mô hình “tưởng niệm” truyền thống. Một bức tường hình chữ V góc tù (ẩn ý Vietnam) với chiều cao mở rộng dần về phía đáy, được đánh bóng trên nền đá Granite đen nhằm phản chiếu lại tất cả khung cảnh xung quanh và những người thăm viếng tượng trưng cho sự kết nối vô cực giữa quá khứ và hiện tại. Mỗi cánh của chữ V được thiết kế xoay về phía đông và phía tây lần lượt hướng tới hai đài tưởng niệm của hai tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kì Washington và Lincoln như một quá trình tiếp nối và hài hòa với bố trí “lịch sử”.

Phác thảo thiết kế của Lin

Thiết kế của Lin ngay lập tức làm hài lòng hội đồng giám khảo về hình mẫu một đài tưởng niệm khác biệt sáng tạo, không chủ đích vinh danh cái chết của một ai mà là để cả nước Mỹ suy ngẫm về những sai lầm và hy sinh không cần thiết trong quá khứ. Ngay sau khi công bố kết quả, tính phi truyền thống của dự án đã khiến công chúng trái chiều của Mỹ phẫn nộ và gây sức ép lên VVMF. Một số nhà bình luận cho rằng hai cánh đá đen của đài tưởng niệm trông như đi sâu vào lòng đất gợi cảm giác một mộ bia khổng lồ hay một bức tường than khóc kiểu Mỹ, lại thiếu vắng tượng hình và cột cờ nên trông từ trên cao giống như một vết cắt trên nền đất tựa như khứa vào danh dự và lòng tự trọng của nước Mỹ. Thêm nữa vì Lin là một người gốc Hoa (Trung Quốc là đồng minh chiến tranh của Việt Nam) nên một số phần tử quá khích đã kêu gọi tẩy chay, thậm chí châm chọc và mỉa mai cô là “chả giò/egg roll” như cách gọi miệt thị cho thiết kế của cô.

Vượt qua mọi chỉ trích, Lin đứng ra bảo vệ bản thiết kế của mình trước Quốc hội Hoa Kỳ cùng một ủy ban nghệ thuật tái thẩm định và cuối cùng đi đến một phương án dung hoà “quan điểm”: bên cạnh bức tường chữ V sẽ bổ sung thêm một nhóm tượng ba người lính Mỹ có gốc khác nhau Âu, Phi và Mỹ Latin được điêu khắc bởi Frederic Hart. Sau này vào năm 1993 tổng thể công trình còn được bổ sung thêm cụm tượng Tưởng niệm phụ nữ trong chiến tranh Việt Nam, chủ yếu là các y tá do Glenna Goodacre thiết kế.

Quỹ VVMF đã kêu gọi được gần 9 triệu $ tiền đầu tư cho dự án từ nhiều nguồn tư nhân khác nhau như các tập đoàn, tổ chức, liên đoàn lao động, cựu chiến binh và tổ chức dân sự. Dự án chính thức ra mắt vào 13/11/1982 và dần dần được công nhận theo thời gian. Năm 2007, Đài tưởng niệm được Viện kiến trúc sư quốc gia bình chọn là một trong 10 công trình kiến trúc tiêu biểu nhất Hoa Kỳ.

Bức tường đã làm công việc hàn gắn “nỗi đau chiến tranh” tuyệt vời trong suốt 35 năm qua. Nhiều gia đình thân nhân đã tìm đến bức tường để kết nối với người thân yêu của mình. Đây là nơi họ chìm đắm trong hồi ức quá khứ, những khoảng khắc thinh lặng xen lẫn tiếng lẩm bẩm đọc thành tiếng hoặc thỉnh thoảng tiếng sột soạt do bút chì tạo trên nền giấy nhằm lưu lại tên khắc trên đá và thông thường chuyến viếng thăm kết thúc bằng việc để lại một kỉ vật. Hàng ngày bức tường đón nhận rất nhiều “tình cảm” như vậy do họ để lại, có những thứ giản dị như hộp thư tình, những bông hoa, chú gấu Teddie, hộp quẹt Zippo, tấm áp phích, giày thể thao, bộ quân phục, điếu xì gà, huy chương, bức ảnh chân dung đến những thứ kỳ lạ mảnh cánh quạt từ trực thăng hay thậm chí là cả một chiếc mô-tô Harley – Davidson … tất cả đều được đặt trân trọng phía dưới tên khắc của người nhận. Cho đến nay, bức tường đã thu thập được hơn 400 nghìn kỉ vật “tình cảm” của công chúng Hoa Kỳ gửi tới những người đã khuất và sau đó đều được Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ tiến hành thu thập, bảo quản và phân loại. Có một cuốn sách dày đã được xuất bản mang tên  “Vật tế lễ bên Bức tường” của tác giả Thomas B. Allen (Offerings at the Wall ) nhằm tập hợp lại và kể câu chuyện về số lượng khổng lồ kỉ vật này. Nhiều triển lãm về kỉ vật được tiến hành sau đó đã giúp người dân Mỹ hiểu biết phần nào về Cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tổng quan Đài tưởng niệm

Nỗi đau cho các bên tham gia chiến tranh (dù ủy nhiệm hay không ủy nhiệm), đặc biệt là nhân dân, những người thấp cổ bé họng luôn luôn ngầm ẩn dù đã một thời gian dài qua đi. Lặng nhìn những kỉ vật ở nơi đây, trái tim tôi lại một lần nữa rộn ràng cùng nhịp đập lịch sử, đặc biệt xúc động hơn nữa khi mối liên hệ của nó kéo dài tới nửa bên kia bán cầu nơi tôi sinh ra và lớn lên. Phía bên ấy, chiến tranh đã để lại một quốc gia nhỏ bé với những hậu quả nặng nề: hàng triệu sinh mạng trong đó có nhiều người trong gia đình tôi, hơn 15 triệu tấn bom mìn trong đó có hơn 10% đã không phát nổ sau khi sử dụng cùng gần 77 triệu lít vũ khí hóa học được rải thảm xuống, một đống tro tàn cùng nỗi đau và di chứng chiến tranh dai dẳng, một nền kinh tế đói kém lạc hậu. Quốc gia đó đã rất kiên cường vượt qua nỗi đau để vươn mình chuyển đổi trong một thế giới toàn cầu hóa ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Xin dành tặng một đóa hoa cho thiếu tá Michael, thế hệ tương lai của cả hai quốc gia sẽ không quên quá khứ đau thương nhưng sẵn sàng tha thứ và hòa giải. Hãy để bài học chiến tranh là nền tảng để chúng ta cùng xây dựng tình yêu, hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng chung cho cả hai quốc gia, dân tộc.