Bunker của Quốc trưởng

Bunker của Quốc trưởng

[Đức – Berlin]

Tấm biển mình đang đứng cạnh đây chỉ mới được dựng lên vào mùa FIFA World Cup 2006 để đánh dấu địa điểm nổi tiếng của Berlin – Hầm quốc trưởng (Fuhrerbunker) (hình do anh Viet Tran chụp). Nội dung trên đó mô tả sơ đồ của hệ thống hầm ngầm kiên cố – thành trì cuối cùng của một trong các chế độ man rợ nhất hành tinh – nằm ở góc của hai con đường nhỏ Ministergarten và Gertrud-Kolmar-Straße, chỉ cách ba phút đi bộ đến quảng trường Potsdamer Platz. Tại nơi đây vào đúng ngày 30/04/1945 (cùng ngày giải phóng miền Nam Việt Nam sau đó 30 năm) Hitler đã tự sát bằng súng lục cùng người vợ chỉ mới cưới cách đó 1 ngày Eva Braun. Tất nhiên đây chỉ là một phiên bản về cái chết của hắn ta trong nhiều thuyết âm mưu khác nhau (tùy vào ý chí chính trị của Liên Xô khi đó – thậm chí có phiên bản hắn còn sống và được các đồng minh phương Tây đối nghịch Liên Xô che chở). Những ngày du hí ở Đức, mình đã có cơ hội hiểu hơn về thái độ của người Đức hiện đại với con quái vật Nazi do chính họ tạo ra – nguyên cớ cho Thế chiến II.

Vào ngày 11 tháng 1 năm 2018, một giáo sư khoa học chính trị của Đại học Georgetown (49 tuổi) quá cảnh tại phi trường Frankfurt Đức khi đang trên đường đến Delhi dự hội nghị. Hãng bay United đưa bà Carol Christine Fair đến Đức bị chậm trễ do một sự cố bất ngờ khiến bà phải dời lại chuyến bay nối đến Ấn Độ với thời gian quá cảnh gấp rút. Trong lúc kiểm tra an ninh sân bay, hành lý xách tay của bà bị phát hiện chứa nhiều chất lỏng cùng mỹ phẩm không được đặt trong túi bóng trong suốt. Nghi ngờ chứa chất nổ, cảnh sát Liên Bang Đức đã kiểm tra gắt gao đồng thời yêu cầu bà phải bỏ chai lăn khử mùi vào hành lý ký gửi. Nhận ra quá trình kiểm tra mệt mỏi đang khiến mình bỏ lỡ thêm một chuyến bay nữa đến Delhi, Fair bùng nổ – bà tức giận mắng cảnh sát là những kẻ phân biệt giới tính (sexism) và lính Nazi. Ngay lập tức, pháp luật Đức được áp dụng: bà bị buộc tội báng bổ (defamation/slander) đồng thời phải đóng phạt 260$ phí pháp lý phát sinh sau đó để có thể tiếp tục cuộc hành trình của mình. Sự việc dậy sóng dư luận khi bà đăng bài thanh minh trên Huffpost (trường Georgetown thậm chí cũng phải lên tiếng). Ở Đức, việc phỉ báng hay đùa cợt bằng cụm từ “Nazi” thực sự là vấn đề lớn (big deal) – một làn ranh giữa sự báng bổ (slander) và tự do ngôn luận. Luật hình sự Đức – đoạn 185 đã mô tả sự phỉ báng là một tội hình sự. Việc so sánh một ai đó gắn với Nazis hay Đế chế thứ ba cũng được xếp vào khu vực này. “Nếu bạn nói ai đó là đồ mặc môn (moron), kẻ ngu (idiot), Nazi thì tất nhiên là nghiêm trọng hơn việc chê người đó ngốc (dumb).” Tất nhiên luật Đức không mô tả chi tiết bằng câu chữ liên quan đến Nazi mà chỉ nói chung chung rằng “gây hại đến danh dự” (hurting someone’s honor). Rõ ràng việc dùng hình ảnh một chế độ đã tàn sát hàng triệu người qua hệ thống trại tập trung sắt máu để báng bổ ai đó thì không phải là một câu xúc phạm thông thường.

Cách Berlin khoảng 700 km, có một căn hộ cho thuê ở thị trấn nhỏ Braunau am Im thuộc Áo (ngay sát biên giới Đức) là chứng nhân lịch sử quan trọng của chế độ Nazi. Đây là nơi ra đời của nhân vật quyền lực nhất Đế chế thứ Ba, Hitler vào năm 1889. Sau khi Nazi lên nắm quyền lực, nơi đây trở thành một trung tâm sùng bái của chế độ phát xít. Sau chiến tranh căn nhà này được trả về cho những người chủ cũ rồi chuyển hóa thành thư viện, trường kỹ thuật cũng như trung tâm chăm sóc trẻ em khuyết tật. Công trình sau đó dần bị lãng quên đồng thời rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Năm 2016 để ngăn chặn địa điểm này trở thành nơi hành hương của những kẻ Tân Phát Xít (Neo Nazis) quốc hội Áo quyết định thu hồi tòa nhà (người chủ cũ Gerlinder Pommer sẽ được bồi thường thích đáng). Áo sẽ tiến hành tiêu hủy tòa nhà này hoàn toàn hoặc sẽ thay đổi bề ngoài của nó để hòa lẫn hoàn toàn vào khu vực xung quanh khiến không ai còn nhận ra hình hài trước đó. Một cuộc thi kiến trúc cũng được tổ chức quay quanh ý tưởng này. Đây là nỗ lực kết hợp của Áo – Đức nhằm chống lại các hình thái mới của Nazi. Về phía Berlin, chính quyền cũng dành nhiều nỗ lực trong việc xóa bỏ những dấu ấn còn lại của Nazi trên lãnh thổ Đức. Trong đó có việc xây dựng một số tòa nhà xung quanh khu vực “hầm quốc trưởng” như trên hình. Một chiến lược đảm bảo dấu tích này bị ẩn hoàn toàn và không thể đánh dấu chính xác. Lối thoát hiểm trước kia của hầm quốc trưởng (trước kia là khu vườn Chancellery) nay bị bao phủ bởi một bãi đổ xe.

Song song với đó là việc nâng cao nhận thức cho công chúng Đức về hình thái mới của chính phủ, một lát cắt mà mình đã chân nhận khi ghé thăm tòa nhà Quốc hội Đức Bundestag – trái tim của nền dân chủ Đức. Bất cứ du khách hay công dân Đức đều được chào mừng thăm quan tòa nhà lịch sử này. (Hoàn toàn miễn phí chỉ cần đăng kí trước qua mạng). Đây là nơi ghi lại hình ảnh lịch sử lính Liên Xô cắm là cờ đỏ Chiến Thắng (bùa liềm) trên Nóc đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của Nazi. Tòa nhà với mái vòm kính ấn tượng này được tái thiết hoàn toàn sau ngày thống nhất nước Đức dưới sự chỉ huy của kiến trúc sư trưởng người Anh – Norma Foster. Trước khi tham quan tòa nhà, du khách sẽ được phát một quyển brochure rất chi tiết về cách nước Đức kiến tạo một chính phủ mới qua hai biến cố Nazi và sự sụp đổ của bức tường Berlin. Tầng trên cùng là một không gian kể chuyện với hành lang xoắn ốc men theo mái vòm kính – du khách tham quan sẽ đeo tai để được thuyết minh về các địa điểm lịch sử xung quanh thủ đô Berlin. Thông điệp quan trọng nhất ở Bungestag có lẽ là ở cách họ chấp nhận sai lầm lịch sử trong việc tạo ra Nazi. Bài học này thôi thúc họ xây dựng một cấu trúc chính phủ mới hạn chế hoàn toàn sự nắm ưu thế của một đảng phái cực đoan hay kẻ độc tài như Hitler đồng thời ý tưởng “cân bằng và kiểm soát” quyền lực phải chảy vào nhận thức của nhiều thế hệ người Đức sau này.

Các bạn có thể tải Brochure của Bundestag ở đây:

https://www.btg-bestellservice.de/pdf/80140000.pdf