Khoảng khắc pe

Khoảng khắc pe

“Darwin có thể có một chút sai lầm”. Đây là quan điểm mà đại sư tài chính Jim Coulter đã nêu ra tại hội nghị đầu tư thường niên “Năm sắp tới – Year Ahead Summit 2018” (do hãng truyền thông Bloomberg tổ chức ở New York) nhằm minh họa cho khái niệm “cân bằng đứt quãng – punctuated equilibrium” (pe moments) – một tập hợp các giai đoạn cân bằng/hay ổn định nối tiếp với giai đoạn “thay đổi” nhanh chóng trong các ngành công nghiệp. Những khoảng khắc pe như vậy sẽ tạo ra cơ hội đầu tư mới.

Coulter là đồng sáng lập và CEO của một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới – TPG đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về sự tiến hóa của các ngành công nghiệp. Một trong những “triết gia” tài chính mà mình yêu quý. Bài chia sẻ chỉ 30 phút của ông tại hội nghị Year Ahead 2018 chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng về các xu hướng đang dẫn dắt thế giới cùng sự vận động liên đới của các ngành công nghiệp. Mình đã tóm lược và hệ thống hóa lại những lời “vàng ngọc” của ông dưới đây (bài khá dài và chia làm nhiều note nhỏ phân tích từng ngành công nghiệp).

TPG là một tổ chức đầu tư tài chính do Coulter sáng lập cùng với luật sư Do Thái David Bonderman. Một sự kết hợp đầu tư “tín ngưỡng” thú vị khi Coulter sinh ra trong gia đình Tin Lành – thuộc Phong trào Giám lý Methodism. Ra đời từ năm 1992, TPG là một trong những cái tên dẫn đắt và định hình thị trường đầu tư Alternatives (có nghĩa là các khoản đầu tư thay thế cho thị trường chứng khoán bao gồm quỹ đầu cơ (hedge), đầu tư tư nhân (Private equity, trong đó chia nhỏ ra gồm có: đòn bẩy mua – buyout + Đầu tư mạo hiểm VC), bất động sản, hàng hóa) – giúp cho loại hình đầu tư này trở nên phổ biến trong cộng đồng những người nắm giữ vốn lớn trên thế giới. Thực hành PE – đầu tư vào các công ty tư nhân chưa niêm yết (mà cụ thể là mua đòn bẩy buyouts) – miếng bánh lớn trong Alternatives là ngón nghề lão luyện của TPG.

TPG không chỉ là một hãng đầu tư mà còn tổ chức nghiên cứu, trong hàng thập kỉ qua họ đã theo dõi (tracking) hàng trăm ngàn công ty trên khắp thế giới cùng việc tiến hành các phân tích đầu tư kĩ lưỡng (investment memos: mô hình kinh doanh, bản đồ thị trường) để mỗi năm như vậy họ chỉ ra một vài quyết định đầu tư. Sau gần hai thập kỉ, danh sách đầu tư của TPG đã mở rộng ra gần 250 công ty trong 12 lĩnh vực với phổ địa lý kéo dài qua 29 quốc gia. Doanh thu hàng năm từ hệ sinh thái của họ là vào khoảng trên 169 tỷ $.

Đầu tư tài chính đòi hỏi một khả năng nhạy cảm với những thay đổi của các ngành công nghiệp. Thập niên 80s khi Coulter vừa tốt nghiệp trường kinh doanh Stanford (SGSB), thế giới quan của đại đa số những nhà kinh doanh khi đó bị ảnh hưởng bởi quan điểm của Darwin: một sự tiến hóa hay cải tiến liên tục – cái mà người Nhật gói gọn lại trong chữ Kaizen. Những quan điểm này lại xung đột với góc nhìn của hai nhà cổ sinh vật học Niles Eldredge và Stephen Jay Gould, những người khám phá ra hiện tượng “cân bằng đứt quãng” – punctuated equilibrium (pe), một khái niệm tiến hóa khác biệt với Darwin. Trong “sinh học tiến hóa” (evolutionary biology), pe cho rằng một sinh vật khi xuất hiện trong các hóa thạch thì chúng đã trở nên ổn định và trong suốt chiều dài lịch sử địa chất, chúng hầu như không thay đổi hoặc thay đổi rất ít – được gọi là trạng thái statis. Khi tiến hóa lớn diễn ra do biến động lịch sử nào đó, quá trình đó hầu như chỉ tác động đến một vài cá thể hiếm hoi dẫn đến sự chia nhánh sinh vật – cladogenesis: một loài tách thành hai loài khác biệt chứ không phải một loài này biến đổi thành một loài khác (như Darwin). 95% các loài hiện có trên Trái Đất bắt nguồn từ 5% các loài bị hóa thạch – trước đây chúng ta có khủng long nhưng sau biến cố “tiến hóa”, chúng đã bị tiêu diệt. Đó là góc nhìn của “sự thay đổi/change” trong con mắt Eldredge và Gould – cái mà họ gọi là pe.

Khi Coulter nhìn vào bản danh sách đầu tư/portfolio của TPG ông cũng phát hiện ra sự thay đổi của các ngành công nghiệp không diễn ra dưới ánh sáng “Kaizen” (sự phát triển liên tục) như ông trông đợi mà có một sự linh động (dynamic) theo kiểu pe. Một ví dụ điển hình là ngành công nghiệp âm nhạc. Trong suốt nhiều thập kỉ, ngành này bị chi phối bởi các công ty thu âm và radio (như Universal, iHeart Radio) với mô hình kinh doanh “album” nhưng sự cân bằng trên đã bị phá vỡ bởi sự ra đời của các dịch vụ như Siriusxm, pandora, iTunes, vimeo, directTV, Spotify để sau đó lại nhanh chóng đạt ngưỡng cân bằng mới với mô hình kinh doanh “tour ca nhạc” (economic drop) và “streaming” – với kẻ thắng cuộc Spotify.

Những khoảng khắc pe như vậy diễn ra ở nhiều ngành công nghiệp trên khắp thế giới, thách thức những tượng đài công nghiệp sừng sững (status quo) như bán lẻ, âm nhạc, ô tô. Đó là bản chất “thay đổi” mà Coulter hay TPG đã chân nhận và tập trung tìm kiếm – một nguyên tắc sinh học tiến hóa đã được áp dụng trong đầu tư. Nó là sợi chỉ đỏ để các nhà đầu tư hướng đến một thị trường năng động hơn, tìm kiếm sự tăng trưởng trong đó – thứ mà ngôn ngữ đầu tư gọi là tìm kiếm alpha hơn là beta (thị trường có sẵn ổn định).

Coulter đã giới thiệu sự vận động của bốn ngành công nghiệp trong thời gian 30 phút của phiên thảo luận: giáo dục (education), cần sa (marijuana), dữ liệu (data) và “những người gây ảnh hưởng” (influencers như gia đình Kardashians) dưới ánh sáng của tiến hóa “pe” và những xu hướng công nghệ mới.

Giáo dục

TPG trong những năm gần đây đã lẵng lặng gầy dựng một porfolio có thể nói là lớn nhất thế giới trong lĩnh vực giáo dục với khoản tiền rót xuống khoảng 1,5 tỷ đô. Hệ sinh thái giáo dục mà họ đầu tư đang ảnh hưởng khoảng 21 triệu sinh viên trải ra trên khắp 25000 ngôi trường. (ở Việt Nam, TPG đã đầu tư vào trường quốc tế Việt Úc – Vietnam Australia International School).

Coulter đã mô tả sự vận động chậm chạp của ngành giáo dục xuyên suốt chiều dài lịch sử. Từ những hình thái “giáo dục”đầu tiên như việc Plato tìm đến Socrates thời Hy Lạp cổ đại, việc ghi chép tài liệu tôn giáo trong các tu viện thời Trung Cổ (Tăm tối – Dark Ages) – những hình thái mang tính cục bộ đến sự ra đời của việc in ấn – đưa mặt chữ vào trong các trang sách – cho phép tri thức dễ lan tỏa hơn dù vẫn kém hiệu quả. Đến đầu thế kỉ 18, phương pháp “gia sư” ra đời (giáo dục thầy trò một – một) và được thực hành ở Oxford hay Cambridge – rõ ràng không thể nhân rộng.

Kiểu giáo dục dây chuyền (AL) (assembly line of education – nhiều học sinh ngồi trong lớp học) chỉ ra đời vào giữa thế kỉ 18 nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp – một mô hình sẽ phân cấp học sinh ra thành các lớp (như tiểu học: lớp 1 đến lớp 5). Đây là một thành tựu đáng kinh ngạc của giáo dục, một mô hình đã giúp cắt giảm chi phí thấp tới mức giáo dục có thể phổ cập cho nhiều người tuy nhiên nó có một bất cập lớn: không ảnh hưởng mấy đến cách mà chúng ta học. Ý tưởng một đứa trẻ tới tuổi đi học lớp 4 phải học sách toán lớp 4 soạn sẵn nghe có vẻ vô lý – không phải lúc nào sự ép buộc trên cũng phù hợp vì sự biến động trong “khả năng” của các bé. Mô hình AL có thể có tính hiệu suất (efficiency) nhưng lại thiếu tính hiệu quả (efficacy). Dù vậy nhân loại đã vật lộn với mô hình này hơn 150 năm qua mặc cho mọi biến động nhanh chóng của các mô hình kinh doanh khác (như phần mềm, thương mại). Liệu mô hình kinh doanh (business model) và mô hình phổ cập giáo dục (delivery model of education) đã thực sự có những bước thay đổi lớn?

Hãy nhìn vào dòng chảy của công nghệ và những ảnh hưởng của nó đến giáo dục. Chúng ta đã có một bước tiến lớn từ điện thoại nắp gập, máy Palm Pilot (một kiểu PDA) đến iPhone – đồng hành cũng quá trình trên là sự ra đời của trò chơi/phần mềm giáo dục đầu tiên – Oregon Trail (được đặt theo tên một đường mòn di dân nổi tiếng trong thời kì Hoa Kỳ theo đuổi thuyết Vận mệnh Hiển Nhiên) đến nhiều kiểu hình phần mềm giáo dục/giáo dục số mà ta thấy ngày hôm nay.

Một miếng ghép của cách mạng trong giáo dục chính là sự ra đời Internet. Việc kết nối trực tuyến cho các trường học trong thời kì đầu là rất đắt đỏ nhưng khi công nghệ phát triển và Internet rẻ đi (như điện thoại thông minh hoạt động với mạng 3G), TPG  đã nỗ lực cùng chính phủ giúp cho gần 98% các trường học ở Hoa Kỳ kết nối với băng thông internet – cánh cửa tiếp cận giáo dục số mở ra cho nhiều người.

Coulter đã mô tả viễn cảnh số hóa của hệ thống giáo dục K-12 của Hoa Kỳ từ mẫu giáo đến lớp 12. K-12 được xây dựng dựa trên chương trình lõi (hay sách giáo hoa – core curriculum) nhưng đây cũng là thứ dịch chuyển sau cùng do sự nặng nề quan liêu của nhà nước (hiện tại chỉ có khoảng 20% sách giáo hoa được số hóa). Một thị trường lớn hơn mà đa số mọi người không nhìn ra là hệ thống giáo dục bổ trợ (supplementary institution), đánh giá quá trình (formative assessment – quá trình phân tích cải thiện việc dạy học) và đánh giá bổ trợ (supplemental assessment) – thứ sẽ di chuyển nhanh chóng hơn vào hệ thống số.

Hãy xem xét hai khoản đầu tư nổi bật của TPG trong giáo dục số là everFi và DreamBox.

EverFi được quỹ The Rise của TPG Growth đầu tư 150 triệu $ (cùng với Main Street Advisors và Advance Publication – tổng cộng 190 triệu $) một phi vụ do Bill McGlashan dẫn dắt (người mà nghịch lý thay vừa dính vào bê bối tuyển sinh Hoa Kỳ và bị TPG sa thải). Trước đó EverFi từng được Jeff Bezos (Amazon), Eric Schmidt (Alphabet) và Evan Williams (Twitter) đầu tư. EverFi là một nền tảng giáo dục số (SaaS – Phần mềm như là một Dịch vụ) giúp kết nối các khu vực công và tư trong giáo dục từ đó giúp thiết kế một trải nghiệm học tập phù hợp cho các cá nhân. Mô hình kinh doanh của EverFi dựa trên hệ thống các chương trình học trực tuyến (online curriculum) với trải nghiệm học như chơi (game-based). Người học sẽ được tham gia tư duy giải quyết những đề tài khó như: giáo dục tài chính, phòng chống xâm hại tình dục, sức khỏe công sở, sự đa dạng (diversity) hay sự hòa hợp (inclusion) … trên nền tảng này. Hiện mạng lưới giáo dục của EverFi đã có gần 4300 đối tác ở Hoa Kỳ và Canada (khách hàng tập đoàn và tổ chức tài chính).

Quỹ The Rise cũng đầu tư 130 triệu $ cho DreamBox – một công ty tiên phong trong công nghệ IAL – Intelligent Adaptive Learning (tạm dịch là công nghệ học tập thích ứng thông minh). Tầm nhìn của DreamBox là phát triển IAL nhằm cá nhân hóa trải nghiệm học tập của mỗi người bằng trí tuệ nhân tạo AI. DreamBox sẽ học cách mà mỗi cá nhân học tập – giống như khi bạn cầm trên tay cuốn sách giáo khoa số, từ ngữ và hình ảnh ở trong đó sẽ tự động thay đổi cho phù hợp với cá nhân bạn (như khi bạn mở Netflix lên và họ biết ngay những thể loại phim mà bạn thích). Hiện tại nền tảng này đang được sử dụng bởi khoảng 3 triệu sinh viên với 120 ngàn giáo viên ở mỗi bang của Hoa Kỳ (bao gồm DC) và ở Canada. Gần đây nhất họ đã mở rộng sang Mexico với phiên bản tiếng Tây Ban Nha.

Rõ ràng, một cuộc cách mạng giáo dục đang diễn ra – một cuộc đấu tranh dân quyền (civil rights struggle) mới của thế hệ chúng ta. Khi hiểu ra điều này và nhìn ra xung quanh chúng ta có lẽ sẽ cảm thấy một chút bối rối khi cấu trúc giáo dục thời cách mạng công nghiệp vẫn còn hiện hữu nơi những đứa trẻ vẫn đến trường với cái cặp nặng trĩu trên vai. Ngành giáo dục đang ở đường biên của một kỉ nguyên mới và đang trong khoảng khắc pe.

Hệ sinh thái Giáo Dục

Cần sa:

Coulter mở đầu phần phân tích ngành công nghiệp cần sa bằng các đề cập đến quy mô thị trường – thứ TPG tìm kiếm đầu tiên khi đầu tư vào các công ty công nghệ như Airbnb, Spotify hay Uber.

Khung tư duy thị trường của ông được đặt trong tương quan với các ngành có tính chất “nghiện ngập” như bia, thuốc lá và rượu (quy mô thị trường: bia > thuốc lá > rượu).

Ngành cần sa mặc dù chưa được xem là hợp pháp rộng khắp ở nước Mỹ nhưng đã có cùng quy mô với ngành rượu, hãy thử tượng tượng nó lớn như thế nào khi được hợp pháp hóa. Từ thập niên 30, 26 bang ở Mỹ xem việc sử dụng cần sa là có tính sai trái pháp lý (mức độ nhỏ – misdemeanor) và hầu như hợp pháp ở các bang còn lại. Thời gian này nhiều tổ chức tôn giáo đã tài trợ cho những thước phim quảng cáo sự hủy hoại của cần sa – nổi tiếng như thước phim “Reefer Madness” mô tả cần sa như một loại cỏ ma quỷ có rễ đến từ địa ngục. Thước phim gây ảnh hưởng tới công chúng đến mức chính phủ Hoa Kỳ đã buộc phải đưa ra các điều luật quản lý cần sa (với ngôn ngữ vay mượn từ phim). Ngành này tiếp tục bị kiểm soát chặt hơn trong nhiều thập niên tiếp theo. Năm 1970, Tổng thống Nixon, người coi việc lạm dụng thuốc phiện là kẻ thù số một của Hoa Kỳ, đã kí một đạo luật kiểm soát cần sa gắt gao hơn cả ma túy đá (meth), chất gây nghiện cocaine (coke) và thuốc giảm đau (fentanyl).

Nhưng bầu không khí xung quanh cần sa đã dần thay đổi khi mà tổng thống khác của Hoa Kỳ như Bill Clinton và Barack Obama tiết lộ đều đã từng thử món này – một nghiên cứu đã chỉ ra 65% dân số Hoa Kỳ ủng hộ việc hợp pháp hóa “cần sa dùng trong giải trí” (recreational marijuana – RM – rất khó để kêu gọi 65% dân số Hoa Kỳ ủng hộ một việc gì) và 85% dân số Hoa Kỳ ủng hộ hợp pháp hóa “cần sa dùng trong y tế” (mecial marijuana  – MM). Từ năm 1996 đến nay, 46 trong 50 bang của Hoa Kỳ đã hợp pháp hóa mảng MM. Mảng RM có nhiều hạn chế hơn khi chỉ được hợp pháp hóa ở 10 bang (2 bang đầu tiên tham gia là Colorado và  Washington – nhân tiện ngành bài bạc/gambling có mặt ở 24 bang). Ngành cần sa đã giúp California đã thu được 633 triệu $ từ thuế còn Washington thu được 320 triệu $ – số tiền này lớn hơn tiền thuế họ thu được từ rượu (alcohol) rất nhiều – hãy hình dung một rổ thuế lớn đang chờ đợi chính quyền trong tương lai. TPG đã phân tích ngành cần sa bằng một khung tư duy có thế áp dụng cho mọi ngành nông nghiệp khác (như cà phê) gồm năm yếu tố: Sự tăng trưởng (Scale), Quảng bá (Marketing), Vấn đề tiền mặt (Cash Problem), Canh tác (Farming) và Bán lẻ (Retail).

Lá cần sa

Sự tăng trưởng (Scale): Ngành cần sa đang được các ông lớn Hoa Kỳ chú ý. Constellation Brands, một đại gia trong lĩnh vực sản xuất bia (Corona), rượu vang và rượu mạnh (spirits) đang chống lưng cho một công ty cần sa tên là Canopy Growth với khoảng tiền đầu tư gần 4 tỉ$. Altria Group (đổi tên từ Philip Morris Companies Inc) gã khổng lồ ngành thuốc lá Hoa Kỳ đã bỏ khoảng 1,8 tỉ đô để mua 45% cổ phần của công ty cần sa khác là Cronos Group. Cocacola, một ông lớn khác trong ngành F&B Hoa Kỳ, đã có dự định làm việc cùng với Aurora Cannabis, một công ty sản xuất cần sa ở Canada nhằm cho ra đời một loại nước uống mới có chứa cần sa bên trong (CBD-infused beverages – ngành CBD được dự báo có thể đạt 22 tỷ $ vào năm 2022). Chỉ cách đây vài tháng, Canada đã trở thành nước thứ hai trên thế giới hợp pháp hóa cần sa (sau Uruguay) dù vậy vẫn đi kèm quy định kiểm soát gắt gao (cấp phép) việc sở hữu, trồng và bán các sản phẩm cần sa cho người lớn. Do vậy, thị trường cần sa hợp pháp  thời gian đầu không thể đáp ứng đủ nhu cầu thị trường – khiến khách hàng vẫn tìm đến thị trường chợ đen. Điều này thôi thúc Canada mở rộng cửa cho các công ty cần sa đến từ Hoa Kỳ tham gia thị trường – đến nay đã có trên 40 công ty (Có thể hình dung tới năm 2020, thị trường cần sa sẽ vượt mặt thị trường rượu hay bia ở Canada). Một huyền thoại của ngành này Tilray – công ty này chỉ vừa niêm yết trên sàn (IPO) vào tháng 7/2018 với giá trị vốn hóa hiện tại là 14 tỷ $ cùng doanh thu 30 tỷ $.

Quảng bá (Marketing): Ngành cần sa cần được quảng bá như thế nào? Nó nên dựa trên cơ sở các thành phần bên trong như THC và CBD (tinh dầu cần sa) hay là ở các giống/loại cây (plants/strains) hoặc là kết hợp (joint). Mối quan tâm tiếp theo là quảng bá đến ai? Một nghiên cứu đã chỉ ra một số thông tin đáng ngạc nhiên như: 50% lượng bán hàng của cần sa là để phục vụ cho người dùng trên 35 tuổi nhằm giúp họ thư giãn và gắn kết xã hội (chứ không phải là tìm kiếm cảm giác phê /highs). Và nếu chia ra các đối tượng khách hàng của cần sa thì sẽ có khoảng 15% thuộc nhóm Baby Boomer (thế hệ Bùng nổ trẻ sau thế chiến 2 – từ 4x tới 6x), 51% thuộc nhóm Millenials (8x đến 10x), 34% thuộc nhóm Generation X  (6x tới 8x).

Vấn đề tiền mặt (Cash Problem): Hiện tại ở Hoa Kỳ, việc thanh toán “cần sa” qua hệ thống ngân hàng quốc gia vẫn được xem là chưa có tính hợp pháp (chỉ có một số ít ngân hàng được cấp phép) do đó gần 70% các công ty trong ngành này sử dụng tiền mặt (unbanked). Điều này kéo theo nhiều vấn đề về kế toán, thu thập và bảo vệ tiền mặt – ví dụ như ở Oregan, một công ty đã chi trả thuế bằng những túi vải (duffle bag) chứa đầy tiền mặt được đặt trong một tòa nhà vũ trang nghiêm ngặt. Vấn đề này đã dẫn tới sự ra đời của của một chuỗi các dịch vụ thanh toán trên nền tảng công nghệ mới (tiền mã hóa, chuỗi khối – blockchain) (Dash, alt thirty six hay webjoint), Dịch vụ chăm sóc/quản lý khách hàng CRMs cùng hệ thống quản lý ERP dành cho ngành cần sa.

Canh tác cần sa (Farming): Đây là một trong các phần thú vị nhất trong ngành cần sa,  một giống cây được trồng một cách bí mật bên trong nhà của người dân lại có thể tạo ra một ngành có quy mô tới 50 tỷ đô. Ngành cần sa cũng như các ngành nông nghiệp khác, nếu được canh tác một cách đúng đắn có thể tăng hiệu suất lên đến 150% (cắt giảm 1/2 thời gian) so với cách truyền thống (trồng trong nhà riêng). Những nhà xưởng trồng cần sa quy mô theo phương pháp canh tác chiều dọc (vertical farm) đã được tiến hành xây dựng – nguồn điện năng để nuôi các cơ sở này gấp 16 lần trung bình của các trung tâm dữ liệu (data center) – năng lượng chiếm tới 50% chi phí cho sản phẩm (ngành cà phê là phân bón). Hãy hình dung 4% lượng điện ở Denver là được dùng để trồng cần sa. (hãy tham khảo một số doanh nghiệp trồng cần sa như GrowX, GreenLife, GreenLiving, MedMen)

Bán lẻ (Retail): Chúng ta sẽ đưa cần sa tới tay người dùng như thế nào. Ở Denver hiện tại, các Dispensaries (trạm khám, phát thuốc) nhiều gấp 3 lần so với các cửa hàng cà phê Starbucks và McDonald kết hợp lại. Nhưng sâu bên trong đó, luật lệ kiểm soát có một chút phức tạp. Như ở thành phố San Francisco, dispensary bị cấm ở đại đa số các khu vực dân cư và công nghiệp. Nó phải được đặt cách 1000 feet khỏi trường học hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ cho người dưới 18 tuổi. Do đó chỉ 2% diện tích của SF được dành cho dịch vụ này. Điều này đã thôi thúc một số công ty khởi nghiệp nhảy vào cái gọi là “uber for weed” – các dịch vụ vận chuyển cần sa cho cư dân thành phố (SpeedWeed, Eaze). Nhiều phân tích chuyên môn trong ngành cần sa đã thiết lập các tiêu chuẩn mới về chất lượng (mùi vị) kéo tới sự ra đời của phân khúc cao cấp trong ngành (Trichome, Cultivating Spirits – tương tự như làn sóng thứ 3 đặc sản của cà phê). Cần sa bắt đầu được nâng tầm như rượu rang kéo theo đó là các dịch vụ kết hợp cần sa – thức ăn, các chuyên gia thử nếm cần sa (weed sommelier – một nghề nghiệp mới).

Dữ liệu lớn

Ngành dữ liệu có một số thông số cơ bản đáng chú ý: khối lượng dữ liệu sẽ gia tăng gấp đôi sau hai/ba năm; 90% tất cả dữ liệu được tạo ra trên thế giới này chỉ là trong vòng hai năm vừa qua; và chỉ 1% trong số dữ liệu tạo ra được đưa vào phân tích; nhân loại hiện tại tạo ra khoảng 3 Quintillion bytes mỗi ngày (tưởng tượng khoảng 1 nửa tỷ bộ phim HD được tải xuống). Khối lượng dữ liệu này thực sự quá lớn.

Coulter đã đặt ngành dữ liệu trong mối tương quan với ngành dầu mỏ – đây là khung tư duy của ông: “Dữ liệu là một loại dầu mỏ mới”. Cả dầu mỏ và dữ liệu đều tồn tại hầu như mãi mãi (dầu mỏ được khai thác bài bản lần đầu vào năm 347 AD) nhưng chính bởi khả năng thu thập và tinh lọc các sản phẩm trên đã giúp kiến tạo ra những kỉ nguyên mới. Cả hai ngành này đều được gầy dựng bởi những gã khổng lồ – Titans: ngành dầu mỏ có gia đình Mellon, Getty và Rockefeller; ngành dữ liệu có Mark Juckerberg (Facebook), Larry Page & Sergey Brin (Google) và Jeff Bezos (Amazon).

Cả hai ngành đều được định hình bởi các cuộc khủng hoảng: sự cố tràn dầu (spills) đã khiến Exxon Mobil thay đổi các điều luật ngành còn các vụ tấn công mạng (hacks) lại góp phần cách tân ngành dữ liệu. Hình ảnh Mark Juckerberg đứng ra điều trần trước Thượng Viện về sự cố của Facebook (Cambridge Analytica) gần đây cũng tương tự như khi Rockefeller đứng trước tòa Tối Cao năm 1907 để phân trần – hậu quả là công ty của ông Standard Oil bị chia thành 34 công ty nhỏ (mà sau này trở thành Exxon, Amoco, Mobil, Chevron). Bên cạnh đó cũng nên xem xét những ảnh hưởng lịch sử của hai ngành này. Sự cố Trân Châu Cảng (1941) (Nhật ném bom Mỹ) xảy ra là do việc Mỹ đã cắt đứt nguồn cung dầu đến Nhật, Đức đã xâm chiếm Nga (1941) vào một thời điểm không thích hợp – nhưng chỉ vì say “dầu”. Dầu là nguyên cớ gây ra khủng hoảng Kênh đào Suez (1956), sự hình thành OPEC (1960), chiến Tranh 6 Ngày của Israel (1967), Khủng hoảng dầu lần 2 (1979) chiến tranh Iran-Iraq (1980-88), hay chiến tranh vùng vịnh (1990-91). Dữ liệu cũng có cùng tương quan như vậy: Vụ Snowden (2010), Trả thù của Bắc Hàn đến hãng Sony (2014 – do bộ phim nhạo báng lãnh đạo vĩ đại) hay vụ hack email của Clinton (2016), vụ điều tra Mueller (2017) và gần đây nhất vụ Facebook.

Dữ liệu lớn

Điều khiến cho dầu hay dữ liệu có giá trị lại nằm ở những sản phẩm được chế biến từ đó. Có gần 800 công ty tham gia vào chuỗi giá trị của dầu (từ thăm do, khai thác, chế biến, dịch vụ …) với tổng giá trị ngành 4000 tỷ. Ngành dữ liệu lại chủ yếu là tập hợp của 5 ông lớn sau (khoảng 2300 tỷ). Google là một cỗ máy tìm kiếm quyền lực nhất thế giới dữ liệu – họ đã tiền tệ hóa dữ liệu một cách khéo léo. Facebook giúp chúng ta thõa mãn sự tò mò về dữ liệu của người khác – kết nối với bạn bè. Amazon cung cấp dữ liệu về hàng hóa chúng ta muốn mua, Netflix cũng cấp dữ liệu ta muốn xem, Spotify cung cấp dữ liệu mà ta muốn nghe. Ý tưởng tạo ra các sản phẩm dữ liệu sẽ chi phối tương lai của chúng ta.

Như trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe, khi bạn cung cấp dữ liệu sức khỏe từ Fitbit (vòng theo dõi sức khỏe), bạn sẽ được giảm giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp. Điều này đã khai sinh ra cơ hội công việc mới – nhiều người sẽ đeo vòng Fitbit của bạn đi vòng quanh để tạo dữ liệu sau đó đem bán. Bạn cũng có thể chi trả bằng dữ liệu – khi đến cửa hàng cà phê Brown, nếu các sinh viên cung cấp thông tin cá nhân, họ sẽ nhận được một ly cà phê miễn phí. Brown sau đó có thể lại bán dữ liệu này cho các đối tác khác. Như việc JP Morgan ở Nhật đã tuyển dụng khoảng 40% nhân viên từ nguồn “dữ liệu cà phê” này.

Dưới ánh sáng này, rõ ràng các dịch vụ của Google, Facebook hoàn toàn không miễn phí. Bạn đã chi trả dịch vụ bằng một loại tiền tệ có đơn vị đặc biệt – đơn vị “dữ liệu”.  Trong suốt nhiều năm qua, TPG đã tiên phong đầu tư cho rất nhiều công ty khai thác dữ liệu: Spotify, Uber, airbnb, CircleUp, kakaomobility, iQvia là những ví dụ điển hình.

Quy mô đầu tư giúp TPG có thể hình dung được sức mạnh của ngành dữ liệu tác động xã hội kéo theo đó nhiều cảnh báo về “ảnh hưởng tiêu cực”-  nhiều định chế mới sẽ ra đời để kiểm soát dữ liệu. Phải mất đến 50 năm FAA mới ra đời để kiểm soát ngành hàng không (1958) hay sự ra đời Đạo luật Dây An Toàn (1967) cho ngành Ô tô – những kiểm soát mới cho dữ liệu sẽ đến nhanh hơn như cái cách mà xã hội thích ứng với công nghệ mới. Đào ngược lại lịch sử, đạo luật quyền riêng tư của Hoa Kỳ lại bắt nguồn từ camera của máy ảnh Kodak (một công ty đã phá sản) – ý tưởng của nó xoay quanh việc một ai đó sẽ chụp hình của bạn và sử dụng nó mà không có sự cho phép của bạn sẽ là một sự vi phạm quyền riêng tư.

Những người có tầm ảnh hưởng (Influencers):

Để vận hành một hãng đầu tư, TPG buộc phải tìm cách nắm bắt những xu hướng mới. Mỗi tháng một lần, Coulter sẽ hỏi mọi người trong hãng ở cấp junior (sơ khởi) – những người trẻ ở độ tuổi 25 về những xu hướng mới mà có thể ông đã bỏ qua và trình bày nó trước các nhân viên khác.  Một associate đã giới thiệu ông một công ty truyền thông thế hệ mới chỉ mới 11 tuổi với khoảng 500 triệu lượt theo dõi trên Instagram. Công ty này sản xuất các chương trình TV, mỹ phẩm, thời trang (trang sức, phụ kiện, quần áo) đồng thời tạo ra một tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Đó chính là gia đình Kardashians. Họ là những gã khổng lồ trong ngành Influencers – một ngành chỉ mới rầm rộ trong những năm gần đây nhờ giúp các nhà quảng cáo giải quyết một vấn đề.

Gia đình Kardashians

Trung bình, cứ một dollar dành cho quảng cáo thì có 77 cents đi vào túi của Google hay Facebook, các nhà quảng cáo không cảm thấy thoải mái vì họ không biết được những quảng cáo trên sẽ được đặt ở đâu – họ muốn nhìn thấy và đo được sự tương tác/gắn kết (engagement) của các khách hàng tiềm năng. Có một công cụ được các nhà quảng cáo ưu ái mang tên Instagram, một nền tảng để tạo sự tương tác/gắn kết. Khi Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỷ đô, TPG đã từng cho rằng đây là một quyết định điên rồ – nhưng thực tế chỉ ra đây là một phi vụ quá hời cho Facebook. Đến thời điểm này Instagram đã có trên 1 tỷ followers và có một sự tăng trưởng đáng kinh ngạc. Ý tưởng về việc sử dụng Instagram như một nền tảng thương mại là thứ mà Coulter đã không nghĩ tới. Đại gia đình Kardashians có tới 3 nhân vật nằm trong top những người ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội – mỗi một post trên mạng xã hội (Instagram) của Kylie Jenner (top 1) được trả 1 triệu $, Kim là 720k $ và Kendall Jenner (500k$). Hãy hình dung về sức mạnh của các influencers, sau khi Kylie Jenner đăng một lời than phiền về Snapchat (do họ thay đổi giao diện), giá trị thị trường của công ty này đã mất khoảng 1,3 tỷ $. Các influencers giúp cho nhà quảng cáo có thêm nhiều lựa chọn chiến lược trong tiếp cận khách hàng và quản lý được “engagement” của họ. Một chiến dịch quảng bá cho trận SuperBowl có thể chi trả cho Alexa hoặc thuê cô Kim với cùng một giá nhưng có tỉ lệ engagement cao hơn hoặc họ cũng có thể thuê các micro-influencers (những người ảnh hưởng quy mô nhỏ) để tiếp cận tập khách hàng nhỏ hơn (với mức giá hấp dẫn hơn). Có một gia đình ở New Zealand đã dành nhiều tháng đi du lịch khắp thế giới và đăng tải những hình ảnh này trên Instagram (gia đình Kiwi) – ở mỗi bài post họ lại dùng những hashtag mà người xem có thể click vào để mua những quần áo mà họ đang mặc trong bức hình – việc du lịch của họ hoàn toàn được chi trả bằng cách là một micro-influencer.  Giana là micro influencers khác, cô bé chỉ mới 9 tuổi nhưng bố mẹ cô đã thuê hẳn một hãng truyền thông để làm hình ảnh cho cô trên instagram – việc kiếm tiền cũng dựa trên #hashtag. Hay như Loki, một chú chó giống Malamute của Alaska được người chủ của mình gầy công xây dựng hình ảnh trên Instagram với 1 triệu người theo dõi – chú là đại diện hình ảnh cho Mercedes và Volvo. Một micro influencer thú vị khác là Lil Miquela – một nhân vật ảo do một công ty Brud (do quỹ Sequoia chống lưng) tạo ra. Cô có tới 1,4 triệu followes và đã từng làm đại diện hình ảnh cho Chanel, Prada, Balenciaga và Supreme – cô có lẽ sẽ không bao giờ vướng vào bất cứ scandals nào như những influencers ngoài đời thật. Một số công ty trong ngành mỹ phẩm làm đẹp dựa hẳn vào các influencers để phát triển kinh doanh như Anastasia (có 18 triệu followers trên Instagram và người vận hành trang này chính là CEO của công ty), ipsy (xuất phát từ beauty vlogger Michelle Phan, đầu tư hẳn một studio để influencers có thể tự ghi hình), elf hay beauty counter.

CAA, một công ty do TPG đầu tư (53% cổ phần) lại có cách tiếp cận “độc đáo” với các influencers – họ phân tích cơ sở dữ liệu khổng lồ của các influencers cùng sản phẩm/dịch vụ của khách hàng để tìm kiếm những influencers phù hợp cho khách hàng (matching). Qua đó, bạn sẽ tìm được Influencers phù hợp với sản phẩm công ty mình, ngôi sao phù hợp cho bộ phim bạn đầu tư. CAA chính là điểm giao của ngành “influencers” và ngành “dữ liệu” – một khoảng khắc pe trong quảng cáo tương lai.

Tổng kết bài phát biểu của TPG tại hội nghị "Năm Sắp Tới" 2019

Splinternet, Subscription và Thế giới của chữ “Và”
Tuy nhiên thực tế khắc nghiệt đã đè bẹp ý tưởng “The Internet”, thế giới mạng đang được vận hành thực ra là “The Splinternet” nơi các dòng chảy thông tin bị kiểm soát bởi ranh giới giữa các quốc gia.