Chuyện Đà Lạt, chuyện Seattle

Chuyện Đà Lạt, chuyện Seattle

[US – Seattle]

Cách đây hai năm, khi qua Seattle theo chương trình fellowship PFP của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, mình được Hội đồng Mỹ (American Councils) sắp xếp ở cùng một gia đình bản xứ rất đáng mến (host family) gồm có ba thành viên là cặp vợ chồng Anne Lowe và Mike Saunder cùng cậu sinh viên Nhật Bản Takafumi Sugimoto đang theo học tiếng Anh ở đây. Ngôi nhà của họ nằm tọa lạc trên một ngọn đồi tuyệt đẹp ở khu Renton với tầm nhìn ra ngọn núi tuyết Rainier trứ danh, quanh nhà là một khu vườn đáng yêu với dàn hoa tử đằng tím (Wysteria) rủ bóng mơ màng. Mike làm việc ở một thư viện địa phương còn Anne là một nhà thiết kế nội thất, họ có ba đứa con nhưng đều làm việc xa nhà. Ông bà Ann – Mike là một kho tư liệu lịch sử đồ sộ về Seattle. Điều này trước tiên thể hiện qua không gian nhà với cách sắp xếp duyên dáng tinh tế, mọi vật dụng dường như đều có mục đích kể chuyện (về gia đình Mike cùng chú chó Beaucoup, về lịch sử Seattle cùng những biến động của Mỹ) sau đó là qua những câu chuyện họ chia sẻ trên bàn ăn. Nhờ ở trong môi trường thuần “Seattle” như vậy nên mình góp nhặt được rất nhiều thông tin thú vị – như câu chuyện mình kể lại dưới đây.

Trước khi theo chương trình PFP ở trung tâm IEC (đại học Seattle), mình có ba ngày cuối tuần nghỉ ngơi để nhịp sinh học cơ thể thích nghi dần với múi giờ ở đây (jetlag). Anne và Mike đã tranh thủ đưa mình đi khám phá những địa danh đầu tiên ở Seattle: Tháp Space Needle cùng bảo tàng EDM, khu khóa Ballard (Locks – nơi có các bậc thang cho cá hồi đi ngược dòng) và ấn tượng nhất – khu chợ có phần cũ kĩ tên là Pike Place Market, nơi mà người bản địa xem là linh hồn của thành phố.

Khu chợ này được đặt theo tên con đường chạy xuyên qua khu thương mại trung tâm của Seattle, “Pike Place” kéo dài theo hướng tây bắc từ đường Pike tới đường Virginia. Địa điểm này hàng năm đón gần 10 triệu du khách, là nơi thu hút nhiều du khách nhất ở Seattle (nhiều thứ 33 trên thế giới). Hãy xem thử cấu trúc khu vực này có gì đặc biệt mà lại hấp dẫn đến như vậy.

Pike Place Market được xây dựng trên rìa của một khu đồi dốc và được chia ra nhiều khu vực (levels) phân bổ theo địa hình thấp dần đến bờ biển. Mỗi một khu vực như vậy là một tập hợp các cửa hàng bán nhiều mặt hàng gia truyền khác nhau: từ đồ cổ, sách truyện tranh, tạp hóa đến các nhà hàng gia đình nhỏ, tiệm bán thuốc lá lâu đời (head shops). Tầng trên cùng của khu chợ là nơi những người thợ bán cá (với tiệm cá bay nổi tiếng), các cửa tiệm hoa quả hữu cơ, sạp hoa đa sắc màu cùng hàng thủ công mỹ nghệ. Đây là nơi cư trú của gần 500 cư dân được phân bổ ở 8 công trình khác nhau xuyên qua khu chợ. Đa số công trình này bắt nguồn từ những khu nhà thu nhập thấp trong quá khứ. Ngôi chợ được vận hành bởi PDA (Cơ quan Bảo tồn và phát Triển khu chợ Pike Place) – một tổ chức độc lập với chính phủ (quasi-government). Cấu trúc này đã được hình thành từ những năm đầu thế kỉ 20 nhằm phục vụ cho giao thương công cộng giữa nông và ngư dân (1907), có thể nói là lâu đời nhất ở Mỹ còn hoạt động đến hôm nay.

Những người nông dân trong khu vực Seattle trước năm 1907 thường bán hàng hóa của họ ở một khu vực công cộng kéo dài ba khối nhà gọi là The Lots ở khúc giao của Đại lộ số 6 (Sixth Avenue) và đường King. Đại đa số hàng hóa trao đổi ở The Lots sau đó được đưa đến các nhà bán sỉ ở Đại lộ Phía Tây (Western Avenue) – còn được gọi là Produce Row. Những người nông dân do phải dành nhiều thời gian của mình trên nông trại nên thường gửi hàng hóa ở Produce Row để bán và ăn một khoảng phần trăm nhỏ (consignment) – mối quan hệ này không phải lúc nào cũng tốt đẹp do sự chi phối thị trường bất thường của hệ thống sĩ dẫn đến sự thua lỗ thiệt thòi cho nông dân. Tình huống tranh chấp này đã buộc các thành viên Hội đồng thành phố như Thomas P. Revelle và Charles Hiram Burnett tiếp tục nỗ lực thực hiện sắc lệnh (ordinance) năm 1896 của Seattle: hình thành một khu chợ công cộng dành riêng cho những người nông dân (một khu vực bán các sản phẩm từ xe ngựa/wagons). Ngày 17/08/1907, Burnett cắt băng khánh thành khu chợ công cộng này. Sự mở rộng của khu vực này sau đó xuất phát từ tầm nhìn của gia đình Frank Goodwin, những người sở hữu khách sạn Leland trên đường Pike cùng một số khu đất trống xung quanh Pike Place. Vào ngày khách thành khu chợ, Goodwins đã âm thầm quan sát cách đám đông du khách thương thảo cùng những người nông dân và ngay lập tức cảm nhận giá trị khu đất của mình sẽ tăng lên nhanh chóng. Gia đình Goodwin sau đó đã tiến hành quảng bá việc bán các khu đất liền kề (adjoining plots) – từ đó giúp hình thành nên khu công trình đầu tiên của khu chợ này – Main Arcade. Nhu cầu giao thương ở đây tăng lên nhanh chóng sau đó, số lượng sạp hàng tăng lên gấp nhiều lần kéo dài lên phía bắc từ đường Pike đến đường Steward, gia đình Goodwins sau đó đã mua quyền thuê dài hạn công trình Bartell ở góc Đại lộ số 1 và đường Pike như một phần mở rộng của Main Arcade, gọi là Economy Market (chợ kinh tế). Trước năm 1942, khoảng 4/5 nông dân bán hàng ở các sạp chợ là người Mỹ gốc Nhật. Nhưng biến cố Trân Châu Cảng trong thế chiến II đã thay đổi cấu trúc này. Năm 1941, khi Nhật tiến hành ném bom Hoa Kỳ, tổng thống Franklin D.Roosevelt đã đưa ra sắc lệnh hành pháp 9066 (Executive Order) nhằm đưa những người Mỹ gốc Nhật ở các bang bờ tây và Nam Arizona vào các trại giam giữ, buộc họ phải từ bỏ các tài sản của mình ở khu vực “ngăn chặn/exclusion zone” – một trang sử đau thương cho cộng đồng người Nhật ở Mỹ.

Năm 1971, tiệm cà phê Starbucks đầu tiên khai trương một cách lặng lẽ ở một góc nhỏ của khu chợ cá Pike Place ngay cạnh bến tàu vịnh Eliiott – cùng năm sáng kiến bảo tồn khu vực lịch sử của chợ được hội đồng thành phố thông qua, PDA được thành lập và khu chợ được chuyển giao về tay công chúng. Cách đó 1 thập kỉ, năm 1961, khu chợ đã đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ trước đề xuất dự án khu đô thị Pike Plaza. Các nhà phát triển bất động sản Seattle trước đó đã nhận ra khu vực chợ này là một nơi hoàn hảo để đầu tư khoản tiền chỉnh trang đô thị do liên bang rót về (federal urban renewal funds – khoảng 10,6 triệu $). Dự tính của họ là sẽ thay đổi hoàn toàn khung cảnh xung quanh khu chợ Pike Place bằng một tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, phòng hội nghị và bãi đỗ xe. Pike Plaza có được sự ủng hộ liên thủ của thị trưởng Wes Uhlman, hội đồng thành phố, Phòng thương mại (Chamber of Commerce), cùng một số nhà đầu tư nhưng lại đứng trước sự phản kháng của một tổ chức tên là Friends of the Market (FOM)– “những người bạn của khu chợ” do kiến trúc sư Victor Steinbrueck, một giảng viên ở Đại học Washington thành lập năm 1964 (cũng là người cùng thiết kế tháp Space Needle). Victor e ngại dự án trên sẽ xóa sổ những khu vực lịch sử của khu chợ đồng thời đẩy những người nông dân, thương lái nhỏ và cư dân khỏi nơi chốn quen thuộc do sự gia tăng giá cả phi mã (giá thuê) – họ là những nhân tố định hình nên những giá trị nội hàm cho cộng đồng ở đây. FOM đã tiến hành nhiều chiến dịch cộng đồng (tới các cư dân Seattle) nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho Market Initiative – một kế hoạch nhằm bảo vệ cho khu vực lịch sử rộng 7 acre bao xung quanh chợ đồng thời kêu gọi chính phủ hỗ trợ việc giám sát khu chợ. Họ đã thu thập được gần 53000 chữ kí ủng hộ. Betty Bowen, người sáng lập SAM – Bảo tàng nghệ thuật Seattle cũng là một trong số đó. Bà là một tiếng nói tri thức góp phần lan tỏa Market Initiative rộng khắp đến giới tinh hoa Seattle. Đứng trước sự chống đối của nhiều thế thực “kim tiền”, năm 1971, Market Initiative được thông qua với 59% ủng hộ – khu chợ được bảo vệ cho nhiều thế hệ tương lai.

Đến Pike Place Market thì không thể bỏ qua màn trình diễn cá bay tại sạp Pike Place Fish.Co, sờ vào chú heo Rachel bằng đồng – biểu tượng khu chợ, tới bức tường kẹo cao su (Gum Wall), ăn ở nhà hàng Powell hay đi dọc vào các quầy hàng hoa quả sặc sỡ. Nếu có thêm thời gian nữa thì ghé vào công viên phía bắc của chợ được đặt theo tên của Victor nhằm tri ân những đóng góp của ông. Đó là cách Mike và Anne gây ấn tượng về Seattle cho mình. Peter, con trai của Victor từng nói về thành quả của cha mình: “như một tượng đài lỗi thời (anachronism) đứng sừng sững trong một thế giới đổi thay nhanh chóng – một địa điểm kì diệu của Seattle (genius loci)” – là một du khách mình mến nhớ Seattle qua hình ảnh khu chợ này.

Seattle và quê hương Đà Lạt của mình có rất nhiều nét tương đồng: cũng những con đường dốc lên dốc xuống, cũng những rặng núi xa xa, cũng thời tiết ẩm ẩm ương ương (mưa nhiều) cùng những con đường ngập tràn hoa cỏ – làm nền cho các chất liệu văn hóa và lịch sử. Nhóm người nhập cư từ Illinois đến định cư ở Seattle năm 1851, còn Đà Lạt là do bác sĩ Yersin phát hiện năm 1893 – hai thành phố nằm ở hai phía của địa cầu cùng hòa vào dòng chảy chinh phạt của con người. Chiều dài lịch sử đóng một vai trò rất quan trọng làm nên sức hấp dẫn của thành phố: sự ra đời văn hóa bản sắc, sự hình thành các cộng đồng người: bản xứ pha trộn nhập cư, những cá nhân kiệt xuất, các câu chuyện huyền thoại cùng các địa danh gắn với tiến trình đó. Là một du khách đường xa, mình luôn cố gắng kết nối những hiểu biết trên để đào sâu hơn những trải nghiệm về nơi chốn mới – thứ cấu thành nên hiểu biết về thế giới. Chính vì vậy, mình rất biết ơn vì Seattle đã đấu tranh để giữ lại khu chợ nho nhỏ Pike Place – một nơi chốn luôn để lại tình cảm đậm đà trong lòng lữ khách đường xa. Những ngày gần đây khi hay tin đề án quy hoạch mới của khu trung tâm Đà Lạt sẽ thay đổi hoàn toàn cấu trúc khu vực “lịch sử” của thành phố – kéo theo đó là sự phá hủy hoàn toàn Rạp hát Hòa Bình đồng thời di dời dinh tỉnh trưởng, một công trình chảy cùng dòng lịch sử với khu Pike Place (ra đời 1910), mình không khỏi băn khoăn về cách chính quyền định vị sự phát triển của Đà Lạt. Trục khu Hòa Bình, chợ Đà Lạt cùng Dinh tỉnh trưởng hoàn toàn có thể cải tạo – kết nối để hình thành một khu vực “di sản đẹp đẽ” cho Đà Lạt – những giá trị vô giá không thể mua được bằng tiền. Các nhà kĩ trị/văn hóa hoàn toàn có thể đào sâu để kể lại câu chuyện lịch sử Đà Lạt trên cái nền này – dùng nó để tạo điểm nhấn đi vào tim du khách. Nhìn vào hình ảnh các khu thương mại cao cấp bóng láng trong đề án mới, mình không cảm thấy ngạc nhiên vì một lần nữa, đây lối tư duy phát triển “consumerism sơ đẳng” – chuyển hóa mọi thứ thành dịch vụ thương mại – cách tiếp cận đã và đang phủ sóng khắp Việt Nam. Vài năm nữa, khi khu consumerism này hình thành, mình có thể hình dung một dòng du khách “trẻ trung thời thượng” tấp nập đến đây mua sắm, chụp hình tự sướng, ăn uống – họ đến vì tò mò về Đà Lạt nhưng rồi cũng bị cuốn vào dòng xoáy “tiêu thụ” thay gì góp nhặt hiểu biết về Đà Lạt – cái nền lịch sử và văn hóa của thành phố đần bị tước đoạt. Hình ảnh trung tâm Đà Lạt sẽ chẳng khác gì trung tâm Sài Gòn, Hà Nội hay Đà Nẵng (đèn màu lấp lánh). Tiền sẽ chảy vào túi một số ít các nhà đầu tư (chắc chắn không phải người Đà Lạt) còn phần lớn cộng đồng làm nên bản sắc Đà Lạt sẽ bị gạt ra bên lề.

Phối cảnh mới khu trung tâm Đà Lạt

Dù vậy, có những sự thật lịch sử mình buộc phải chấp nhận. Đà Lạt không như Seattle, chất liệu nhập cư của hai thành phố rất khác nhau dẫn đến sự đa dạng văn hóa khác nhau. Quan trọng hơn nữa là nền tảng tri thức của hai thành phố: dân trí và quan trí rất khác biệt. Không phải ai cũng quan tâm đến “văn hóa” hay “lịch sử” như mình – có lẽ đại đa số sẽ quan tâm đến cái dạ dày và những hình ảnh bóng bẩy trên mạng xã hội hơn là dành thời gian tìm hiểu văn hóa bản địa. Mọi vận động xã hội đều xoay quanh “trí tuệ tập thể” như vậy. Sự phát triển của Đà Lạt ảnh hưởng rất nhiều từ tư duy rời rạc của các nhà kĩ trị (người Việt rất kém trong tư duy tổng thể và tầm nhìn dài hạn) xuất phát từ những va vấp lịch sử. Tổng thể thành phố theo thời gian cứ thế bị hư đi đến mức không còn liều thuốc nào cứu nỗi nữa. Do đó đôi khi giữ thêm cái nhà hát hay cái dinh thì cũng chẳng để làm gì?

Nhiều bạn chưa từng đến Đà Lạt hỏi mình rằng – chỗ nào là hay ho nhất của Đà Lạt? Đây là câu hỏi rất khó trả lời: liệu có phải là Vườn hoa Đà Lạt, Thung Lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ hay Đường hầm Đất Sét hay cụm cộng trình Trung Tâm thời thượng sắp xây. Theo mình, những nơi chốn trên không phải là Đà Lạt trong tâm khảm nhiều người – những địa điểm nổi tiếng trên là kết quả của quá trình truyền thông bài bản hướng đến du lịch đại trà (mass tourism) chứ không phải hình thành từ sự tôn trọng lịch sử. Đà Lạt trong mắt mình là những buổi sáng tinh sương đám trẻ đắt nhau đi học trong làn sương mù, những làn hơi thuốc lá ở tiệm cà phê Tùng, những góc cà phê bạc xỉu ở cầu thang chợ, tụi trẻ con chơi trốn tìm ở tháp sao Đại học Đà Lạt, những vườn rau xanh mướt trên đồi (thời chưa có nhà kính), những khu biệt thự cổ, là chợ Đà Lạt, là rạp Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng. Đó chính là linh hồn của Đà Lạt, thứ khiến người ta thương và nhớ vùng đất này.