Đức - Hiệu ứng Bilbao của Elphi

Đức - Hiệu ứng Bilbao của Elphi

[Đức - Hamburg]

Khu phức hợp Elbphiharmonie (Elphi – gồm hai phòng hòa nhạc, một khách sạn và khu căn hộ) vươn lên cao gần 108m và được bao bọc bởi ba phía của khu bến cảnh sầm uất Hamburg (sông Elbe) như mỏm một chiếc thuyền buồm bằng kính khổng lồ đặt trên nóc một nhà kho Kaispeicher A bằng gạch đỏ (khu nhà kho lớn nhất trên mặt nước ở Hamburg, từng là nơi chứa ca cao, thuốc lá và trà). Nhìn từ xa dưới ánh nắng chiều công trình trở nên siêu thực đến mức dường như chỉ có trong các bộ phim giả tưởng. Được bắt nguồn từ giấc mơ của Alexandar Gerard, nhà phát triển bất động sản tư nhân, người với tầm nhìn là sẽ góp vốn cho một dự án lớn gồm 45 căn hộ sang trọng và khách sạn 250 phòng được đặt trong một khối núi thủy tinh. Ông đã kêu gọi các kiến trúc sư đưa ra một sự thay thế phù hợp cho dự án ảm đạm – tháp văn phòng truyền thông cao 90m từng được quy hoạch ở khu vực cảng này (một dự án đã bị khai tử vào cuối thời điểm bong bóng dotcom). Sau nhiều lựa chọn, thiết kế thay thế của hãng Thụy Sĩ Jacques Herzog & Pierre de Meuron đã thu hút sự quan tâm ủng hộ lớn của công chúng Đức và nhanh chóng được thành phố đưa vào quy hoạch thành dự án trọng điểm của quốc gia trong năm 2003. Cụ thể, thiết kế của công trình bao gồm một khối kính khổng lồ vươn cao phía trên nhà kho góp phần tạo nên trần nhà hình lượn sóng rung rinh sống động hòa theo sóng nước của cảng, trên bề mặt kính từng khối vòm cong mở ra tạo thành những khuôn miệng cười hân hoan đón nắng – gió. Để tạo nên lớp vỏ cho công trình siêu “kỹ nghệ” này cần tới gần 1000 tấm kính phẳng nung tới 600 độ C để uốn cong, mỗi tấm kính được gắn với những tấm kim loại nhỏ có khả năng đổi màu theo ánh sáng. Sản phẩm xuất phát từ trí tưởng tượng của hai kiến trúc sư Jacques Herzog và Pierre de Meuron (bạn học cùng lớp với Alexandar Gerard và là người thiết kế Tate Modern và sân vận động tổ chim của Olympic ở Bắc Kinh) được hiện thực hóa. Công trình còn có sự tham gia của đại sư “thính âm” người Nhật Yasuhisa Toyota – người đã cài hơn 10 ngàn tấm vữa thô siêu nhỏ phía bên trong phòng hòa nhạc chính (với sức chứa 2100 khách) giúp khếnh tán âm thanh – đảm bảo chất lượng hòa âm tuyệt hảo cho công trình. Nhà thầu thi công của công trình là Hochtief – công ty xây dựng lớn và uy tín nhất nước Đức (cũng là một trong các công ty lớn nhất ở Mỹ thông qua gốp vốn cho Turner hay ở Úc thông qua việc nắm 73% cổ phần của CIMIC Group). Elphi là một kì công nghệ thuật quy mô lớn do một tập hợp trí tuệ toàn cầu điều phối. Tòa nhà sau khi khánh thành là công trình cao nhất ở Hamburg, một biểu tượng mới của thành phố cảng này.

Cấu trúc bên trong của Elb

Tuy vậy, công trình cũng trở thành nổi xấu hổ trong thập kỉ vừa qua của Đức với nhiều bê bối liên quan đến việc ngân sách bị tăng cao phi mã và sự trì hoãn trong thi công. Lòng tự hào về khả năng “kĩ trị” và “phân tích dự toán” của nước Đức bị tổn thương nghiêm trọng trước nhiều mối đe dọa cho sự thất bại của công trình sẽ để lại ở cảng Hamburg một đống hoang tàn (giống như Ozymandian). Dự án khi khởi công năm 2007 được dự toán tổng chi phí vào khoảng 241 triệu Euro và được lên kế hoạch hoàn thành năm 2010. Nhưng thực tế công trình đã bị đội giá liên tục theo thời gian – năm 2008 tăng lên 450 triệu Euro và năm 2012 – 500 triệu Euro và khi khánh thành vào tháng 10/2016 tổng chi phí đã dội lên 789 triệu Euro. Như vậy khi hoàn thành đã đội giá lên gấp bốn lần và trễ bảy năm so với dự kiến- người nộp thuế ở Đức phẫn nộ, công trình trở thành chủ thể của biểu tình, tranh chấp, kiện tục và các cuộc điều tra dài hơi từ nghị viện. Mà cụ thể cuộc điều tra năm 2014 đã phát hiện ra các nhà hoạch định dự án đã chi phí cho cây chà toa let gần 300 Euro và khay đựng giấy toa lét với chi phí 957 Euro. Nhiều tranh cãi nổ xoay xung quanh việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho các sự cố trên – nhà thầu xây dựng Hochtief hay là hãng kiến trúc sư 5 sao của Thụy Sĩ Pierre de Meuron & Jacques Herzog. Hochtief thì cho rằng các kiến trúc sư thường xuyên giao nộp bản vẽ chi tiết quá trễ, còn phía bên kia Meuron và Herzog thì đổ lỗi các sai sót và thiếu hụt trong quá trình xây dựng cho Hochtief. Không bên nào chịu nhường bên nào. Nghị viện Hamburg đã trở thành trung gian hòa giải giữa hai bên đồng thời là người cho tiến hành các cuộc điều tra. Căng thẳng tới mức Meuron từng thổ lộ:”Đã có những lúc chúng tôi nghĩ rằng công trình này sẽ hủy hoại hoàn toàn sự nghiệp của chúng tôi. Dù thế nào chúng tôi sẽ phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng nếu có thảm họa nào xảy ra cho công trình, vì chúng tôi đã quy tụ tất cả mọi người xoay quanh thiết kế của mình.” Quản lý của dự án – Heribert Leutner, người đứng giữa đã mô tả vai trò của anh trong cơn khủng hoảng:  người điều phối, người điều đình và là kẻ tế thần.” Thực tế chứng mình, mỗi công trình nghệ thuật khổng lồ với vốn đầu tư  hàng trăm triệu đều phải đứng trước búa rìu dư luận: chính quyền tin vào tham vọng của mình (có thể do tham nhũng), người dân nộp thuế thì kêu ca phản đối còn các nhà đầu tư thì như những con kền kền luôn tận dụng những kẽ hở để kiếm lời dù dự án thành công hay thất bại.

Kiến trúc của Elb

Dù vậy, vào ngày 31 tháng 10 năm 2016, đèn của đại công trình Elbphiharmonie bật sáng tạo nên dòng chữ fertig – tiếng Đức có nghĩa là hoàn thành – một dấu hiệu thở phào nhẹ nhõm cho các bên liên quan của dự án và của cả nước Đức. Hamburg đã vượt qua dư luận đa chiều để chinh phục dự án bằng mọi giá. Các nhà kĩ trị “Đức” đã đặt niềm tin vào tương lai và vào hiệu ứng Bilbao. Hiệu ứng Bilbao là một thuật ngữ do kiến trúc sư Witold Rybczynski (thuộc đại học Penn) đề cập trong cuốn sách Atlantis về khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế đáng kinh ngạc của các công trình nghệ thuật. Cụ thể là câu chuyện của dự án bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, Tây Ban Nha do kiến trúc sư lừng danh Frank Gehry thiết kế với tổng chi phí gần 89 triệu $, một con số khổng lồ vào thập niên 90. Một “sự liều lĩnh” của chính quyền và hoàng gia Tây Ban Nha trong thời điểm khu tự trị Basque vừa trải qua một cơn suy thoái kinh tế. Tuy nhiên sau nhiều thập kỉ, đóng góp hiệu quả về kinh tế của công trình đã được minh chứng bằng số lượng du khách khổng lồ đổ về bảo tàng kéo theo dòng vốn đầu tư không ngừng chảy vào Basque – chỉ trong 3 năm đầu tiên, bảo tàng đón 4 triệu du khách và thu về gần 500 triệu Euro. Guggenheim trở thành một biểu tượng kiến trúc đương đại (tương tự như Paris với Pompidou và Sydney với nhà hát con sò) – một dự án hiếm hoi mà các nhà phê bình, các nhà học thuật và công chúng ở Tây Ban Nha cùng tìm được tiếng nói chung.” Thành công trên đã thu hút nhiều thành phố khác ở châu Âu tham gia tham gia vào hiệu ứng Bilbao bằng cách đầu tư xây dựng biểu tượng văn hóa (như bảo tàng và nhà hát) nhằm sử dụng nghệ thuật kiến ​​trúc như một đòn bẩy đón làn sóng du lịch toàn cầu. Hamburg cũng không ngoại lệ – với quyết tâm chính trị sắt đá – Hamburg bằng mọi giá phải hiện thực hóa dự án Elphi để tận dụng hiệu ứng trên – công trình đắt đỏ bậc nhất thế giới này khi ra mắt đã chứng minh cho công chúng rằng các kiến trúc sư và nhà thầu đã giữ đúng cam kết của mình về tính thẫm mĩ, công năng cũng như khả năng lan tỏa hiệu ứng Bilbao chỉ sau vài tháng đưa vào hoạt động. Từ khi khai trương vào tháng 11 dự án đã đón gầm 4 triệu lượt khách/năm và giúp ngành du lịch của Hamburg tăng trưởng gần 3,7% . Dự án trở thành một chất xúc tác quan trọng giúp thay đổi hình ảnh nhàm chán của Hamburg thành một thành phố toàn cầu.