John Doerr - từ cách mạng máy tính đến cách mạng khí hậu

John Doerr - từ cách mạng máy tính đến cách mạng khí hậu

Thế giới công nghệ bùng nổ như ngày nay không thể thiếu sự song hành của giới đầu tư mạo hiểm (VC), trưởng thành từ nền móng trước đó xây bởi nhiều đại gia đình giàu có ở Hoa Kỳ (như Rockefellers, Vanderbilts, Whitneys, JP Morgan), tiếp đến là quỹ ARDC thành lập bởi Georges Doriot - cha đẻ của khái niệm chủ nghĩa tư bản mạo hiểm (venture capitalism) (quỹ nổi tiếng với thương vụ đầu tư vào Digital Equipment Corporation - sau này được định giá 355 triệu $ - lợi nhuận thu về gấp 1200 lần), cùng những nhánh rẽ sau đó như Greylock Partners và Charles River Ventures (do cựu nhân viên của ARDC tạo lập năm 1965 và 1970). Một số quỹ đặt những viên gạch sơ khởi khác là Draper & Johnson Investment Company (thành lập 1962) và hai quỹ Kleiner Perkins và Sequoia Capital (1972). Hai quỹ này được đặt tại Menlo Park, CA - môi trường khiến họ có cơ hội tiếp cận rất sớm vào các công ty chế tạo bán dẫn đặt trụ sở tại thung lũng Santa Clara cùng những công ty máy tính sớm nhất (có sử dụng thiết bị bán dẫn).

Đó là bối cảnh khiến cho John Doerr, đối tác của quỹ Kleiner Perkins, trở thành nhà đầu tư mạo hiểm (venture capitalist) thành công bậc nhất trên thế giới, ông có nhiều thương vụ ngoạn mục, đặc biệt là việc rót vốn vào Google và Amazon. Doerr hiện tại đang là chủ tịch của Kleiner Perkins, vận hành cùng lúc 32 quỹ con với hơn 675 khoản đầu tư. Bài phỏng vấn dưới đây giữa John Doerr và David Rubinstein hé lộ một số lát cắt rất thú vị trong lịch sử của giới VC, một số nguyên tắc đầu tư cùng những chuyển dịch nhận thức quan trọng của Doerr (từ cuộc cách mạng Internet sang cách mạng khí hậu), một nhân vật có lẽ ít được biết đến trong việc định hình thế giới mà chúng ta sống hôm nay. Ngành mà ông dự phần, theo số liệu của Factset, riêng trong năm 2021, các khoản đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong năm 2021 đạt trên 612 tỷ đô la, tăng 108% so với 2020.

John Doerr là một trong những người kết nối tuyệt vời nhất trên thế giới. Ông sinh ra tại cửa ngõ miền trung nước Mỹ - St. Louis, Missouri trong một gia đình có cha vừa là kĩ sư - doanh nhân, người mà ông xem như một anh hùng. Doerr được đào tạo để trở thành kĩ sư tại Rice (thay vì Caltech hay MIT, hai trường này ở khá xa St. Louis), đến Harvard để lấy bằng MBA (cũng như học thêm nhiều khóa học khác ở MIT), và thực tập mùa hè (giữa năm nhất và năm hai) tại một công ty chế tạo chip nhỏ mang tên Intel. Cơ hội này đã đưa John đến với thung lũng Silicon, một địa điểm khiến con tim ông bừng sáng (The Valley of Heart's Delight). Nơi này có các vườn cây ăn trái và những con đường dẫn tới Stanford, cũng như căn nhà ông từng sống và làm việc. Trở thành nhân sự chủ chốt tại Intel, nhưng cuối cùng Doerr đã quyết định rời Intel đến làm việc cho quỹ nhỏ mang tên Kleiner Perkins. Andy Grove, nhà sáng lập huyền thoại của Intel (người Doerr nhận định có khả năng thò bàn tay vào trong lồng ngực người đối diện và lấy trái tim của người đó ra), thuyết phục: "John, anh có thực sự muốn trở thành tổng giám đốc trong một công ty công nghệ (Doerr trả lời chắc chắn rồi), vậy tại sao anh không cùng tôi dẫn dắt Intel. Đầu tư mạo hiểm, đó không phải là một công việc thực sự. Nó trông giông giống địa hạt môi giới bất động sản."

John Doerr bắt đầu tham gia vào Kleiner Perkins thập niên 1980, thời điểm tổ chức này chỉ là một quỹ đầu tư nhỏ với 4 đối tác: Eugene Kleiner, Tom Perkins, Frank Caufield, và Brooke Byers - quản lý một khoản tiền khiêm tốn tầm 100 triệu đô la. Quỹ hứa hẹn sẽ đứng sau hỗ trợ cho một công ty mà Doerr sáng lập cùng những người bạn của mình - cam kết này đã được thực hiện. Bản kế hoạch kinh doanh của Genentech, một công ty công nghệ sinh học được sáng lập bởi giáo sư Herb Boyer và Bob Swanson (Bob là partner của quỹ Kleiner Perkins) được viết bên trong văn phòng quỹ, cũng là nơi thảo luận cách thức để thúc đẩy công nghệ lai liên quan đến "kháng thể đơn dòng" (monoclonal antibodies) của Genentech. Eugene Kleiner và Tom Perkins là những nhà đầu tư mạo hiểm tiêu biểu - cả hai đều xuất thân kỹ sư, học cách vận hành và trở thành những doanh nhân thành công trong địa hạt này.

Thế giới VC thường có khoản cam kết vốn/đầu người/thương vụ nhỏ hơn so với giới mua cổ phần kiểm soát (đầu tư tư nhân - buyout) - và các thương vụ của quỹ Kleiner Perkins không đòi hỏi phải có sự đồng ý hoàn toàn của các đối tác. Khoản đầu tư tốt nhất của quỹ là thương vụ gây tranh cãi nhất nhiều - rót vốn vào Google. Các tranh cãi nổ ra cả trong thỏa thuận hợp tác (partnership) và cả trong ngành - bởi nền tảng này được định giá đến 100 triệu đô là khi vẫn chưa có doanh thu, chưa có kế hoạch kinh doanh cụ thể và các nhà sáng lập không có bất cứ kinh nghiệm kinh doanh nào ngoại trừ một ý tưởng phi thường. Quỹ đã rót 11 triệu đô đổi lấy 11% công ty. Khi Doerr hỏi Larry Page, nhà lập Google: "Anh nghĩ nền tảng này sẽ lớn như thế nào?" Không chớp mắt, Larry phản hồi: "10 tỷ đô la". Khi Doerr chất vấn "liệu có phải là vốn hóa thị trường", thì Larry chỉnh ngay: "đó là doanh thu, Doerr, ông không biết là chúng tôi có khả năng cải thiện năng lực tìm kiếm như thế nào và tầm quan trọng của việc tìm kiếm toàn bộ thông tin và dịch vụ trên thế giới này".

Cũng chỉ vài năm trước đó, Doerr đã cơ hội gặp chàng trai Jeff Bezos, khi đó tầm 30 tuổi. Cả hai người nhanh chóng kết nối vì có chung mối quan tâm về khoa học máy tính. Amazon khi đó đã có sẵn một bản kế hoạch kinh doanh - trở thành một nền tảng bán sách trực tuyến lớn nhất trên thế giới. Lúc đó, Doerr đã quyết định rót khoản 8 triệu đô la để đổi lấy 15% của Amazon và cùng với Jeff xây dựng một đội ngũ đẳng cấp thế giới. Nhà sáng lập Amazon có một tầm nhìn vĩ đại đã được hiện thực hóa này nay: tạo một nền tảng thương mại trực tuyến có thể cho ra một loạt các lựa chọn đa dạng với giá cả hợp lý nhất cùng với trải nghiệm khách hàng tốt nhất - với bánh đà này anh có thể khiến khách hàng ám ảnh với nền tảng Amazon. Dù hoàn toàn tin tưởng Jeff, nhưng Doerr hoàn toàn không thể ngờ nó có thể lớn mạnh và đạt giá trị tới 1.2 nghìn tỷ đô ngày nay.

Hai thương vụ Amazon và Google, đã giúp Doerr ghi dấu ấn trong địa hạt VC.

Đội ngũ Kleiner Perkins nhận được khoảng 3000 đề xuất đầu tư mỗi năm. Quỹ phải dành thời gian tìm hiểu tất cả các ý tưởng và thường tỷ lệ chọn gặp mặt chỉ là: 1 trong 10 đội. Cuối cùng phải lọc lại khoảng 300 ý tưởng và mỗi năm chỉ có trung bình từ 40 tới 50 khoản đầu tư mới. Thông qua khảo sát (survey), cụ thể quan sát hiệu quả đầu tư trong suốt 20 năm vừa qua, đặc biệt là những thương vụ thành công nhất của Kleiner Perkin, Doerr đúc kết ra: điểm khác biệt giữa nhóm thành công vượt trội và nhóm trung bình. Một khoản đầu tư trung bình của Kleiner thông thường chỉ trả về lợi nhuận trong khoảng 45% thời gian. Còn lại thì không, hoàn toàn thất bại. Tuy nhiên, một trong những điều phi thường về VC là bạn có kiếm gấp nhiều lần số tiền bỏ ra trong một thương vụ thành công mà chỉ mất tiền một lần (lose 1 times ur money). Do đó, có 5 điều cần soi thật kỹ:

(1) Xuất sắc về mặt kĩ thuật
(2) Chiến lược tập trung vào thị trường mới hoặc thị trường hiện tại rộng lớn
(3) Quản lý xuất sắc
(4) Chi tiêu có trách nhiệm
(5) Cảm giác cấp bách

Rất khó để một công ty khởi nghiệp mới có đủ cả 5 yếu tố trên. Nếu muốn được Kleiner Perkins đầu tư, các nhà sáng lập phải có khả năng thuyết phục về sự xuất sắc trong nền tảng công nghệ của mình, cách thức thay đổi thị trường này cùng sự khiêm tốn trước những khiếm khuyết, cởi mở với sự giúp đỡ bên ngoài. Cả David Rubinstein và Doerr đều từng bỏ lỡ một số cơ hội đầu tư hấp dẫn. David đã đi lướt qua Mark Zuckerberg khi đến trường Harvard, ông cũng không tin Jeff Bezos có thể làm được. Còn Doerr, khi còn theo học tại Stanford, ông từng có cơ hội gặp Andy Bechtolsheim, người sáng lập của Sun Microsystems; John Hennessy, nhà sáng lập MIPS (người trở thành chủ tịch thứ 10 của trường Stanford) và James H. Clark của Silicon Graphics. Ông cũng hối tiếc vì đã không đi xuống tầng hầm nơi Len Bosack và Sandy Lerner tạo ra Cisco. Tất cả đều là những cơ hội đáng tiếc đã bỏ lỡ.

Gần đây nhất, Doerr đã có cơ hội đầu tư vào ngành xe điện. Tuy nhiên, giới đầu tư mạo hiểm thường có rất e dè khi rót tiền vào ngành này, cụ thể là các công ty ô tô mới. Xuyên suốt lịch sử, quốc gia này đã có gần 400 công ty xe mới - thể nghiệm xe điện. Tất cả đều phá sản trừ một công ty duy nhất (Tesla). Dù sao thị trường này vẫn rất hút cuốn John Doerr. Quỹ đã cơ hội đỡ đầu cho một nhà thiết kế ô tô xuất sắc mang tên Henrik Fisker hay một doanh nhân tham vọng có chút điên rồ mà ai cũng biết tên Elon Musk. Chúng tôi đã ra quyết định sai. Tesla đã làm quá tốt và ngành xe điện đang tăng tốc. Tất nhiên khi ra quyết định sai, Doerr không chìm đắm trong hối tiếc nhưng quả thực khó có thể quên được những tên tuổi bỏ lỡ trên.

Khi đã ra quyết định đầu tư, Kleiner Perkins sẽ cùng làm việc hài hòa với các nhà sáng lập, dựa trên mục tiêu của công ty và những điều đội ngũ cần hỗ trợ nhất - thường quay quanh vấn đề tuyển dụng và phát triển đội ngũ. Các công ty khởi nghiệp đang trong một cuộc đua toàn cầu: thu hút những người tài năng nhất để hiện thực hóa tầm nhìn. Có một "ý tưởng" hay ho nào đó thực ra là rất dễ, nhưng quá trình thực thi mới là tất cả. Kleiner Perkins tôn trọng kế hoạch, lộ trình (agenda) của đội ngũ sáng lập, không ép buộc công ty phải đi sai lệch khỏi quỹ đạo đã lập ra. Tuy nhiên, các nhà sáng lập phải đủ thông minh để hiểu rằng: nếu muốn thu hút người tài và giữ chân họ, không phải chỉ ở lợi lộc (mercenaries), mà còn cả một sứ mệnh (missionaries).

Lợi thế lớn nhất của John Doerr chính là nền tảng công nghệ sâu sắc, khả năng lắng nghe chăm chú, tò mò và luôn hướng đến phụng sự (service-oriented). VC không phải là ngành kinh doanh có khả năng tăng trưởng (scalable) mà thực ra như một ngành dịch vụ. Trong ngành dịch vụ, người thắng cuộc (the McKinsey của thế giới) trông giông giống các CEO mà họ phụng sự. Giống từ cách ăn mặc đến nói chuyện. Các nhà đầu tư VC cần phải trở thành doanh gia, có khả năng kết nối thực sự với những thách thức mà đội ngũ đang đối diện trong quá trình khởi nghiệp.

Một điều thú vị khác, Doerr đã chuyển dần mối quan tâm của mình từ "công nghệ" sang lĩnh vực mới "biến đổi khí hậu". Doerr kể lại câu chuyện cá nhân. Sau khi cùng gia đình và bạn bè xem bộ phim của Al Gore (Phó tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ) mang tên "Sự thật phũ phàng" (Inconvenient Truth), trong bữa ăn tối, một vài người Cộng Hòa nhận xét: "chắc chắn là thế giới đã trở nên ấm lên - nhưng chúng tôi không chắc đó có phải là do con người gây ra bởi khoa học liên quan vẫn chưa rõ ràng". Cô con gái 15 tuổi của Doerr - Mary nhìn thẳng vào bố mình và phản hồi: "Bố, con cảm thấy sợ hãi và rất tức giận. Thế hệ của bố đã tạo ra vấn đề này. Bố hãy sửa chữa nó." Cả căn phòng trở nên im lặng. Khi đó, Doerr cũng không biết nói gì hay làm gì. Khoảng khắc đó đã khiến ông và các đối tác quyết định mình phải học hỏi nhiều hơn nữa. Doerr chia sẻ: "chúng tôi bắt đầu đi khắp nơi trên thế giới, đến Amazon, quan sát nhiên liệu sinh học tại Brazil, đi đến Trung quốc, đến tìm hiểm về nhiệt điện mặt trời (solar thermal) ở sa mạc Mojave (California). Đến rất nhiều phòng thí nghiệm khác nhau. Cuối cùng, ba trong nhiều quỹ của chúng tôi dần dần rót vốn vào các doanh nhân đột phá đang muốn giải quyết vấn đề này. Kleiner đã rót khoảng 1 tỷ đô là và vào 70 công ty qua ba quỹ đó. Giá trị của các khoản đầu tư này hiện tại đã vọt lên 3 tỷ đô la. Một số thương vụ thành công của Kleiner trong địa hạt công nghệ sạch (cleantech) là Beyond Meat và QuantumSpace. Dù nhìn chung không thua lỗ, nhưng 7 trong 8 công ty năng lượng mặt trời của chúng tôi bị đè bẹp bởi chính sách từ chính quyền Trung Quốc. Chúng tôi đã học được nhiều điều và cần phải học thêm nữa. Hiện tại, mối quan tâm của giới học thuật và đầu tư đến địa hạt này đang không ngừng tăng, có lẽ là vì Mary vẫn còn sợ hãi và giận dữ."

Bối cảnh của buổi phỏng vấn diễn ra trong khuôn viên trường Stanford, nơi Doerr và vợ mình cho đi 1,1 tỷ đô la (đồng thời thuyết phục nhiều người khác rót tiếp 600 triệu đô la) để xây dựng nên ngôi trường mới: The Stanford Doerr School of Sustainability (Trường Doerr về bền vững). Khi đó John Doerr đã tìm hiểu về tất cả các dự án năng lượng xanh trên toàn thế giới. Ngôi trường mới là một định chế giáo dục quan trọng. Trường có kế hoạch tham gia khắc phục biến đổi khí hậu với tư duy sâu sắc và tham vọng lớn - tinh thần mà gia đình John Doerr muốn đồng hành cùng. Ngôi trường mới đầu tiên của ngôi trường Stanfrod sau 70 năm sẽ được mở cửa vào mùa thu này. Cấu trúc của trường có ba phần: 1> Các phân khoa học thuật 2> Các viện nghiên cứu liên ngành (interdisciplinary) 3> Các vườn ươm bền vững (sustainability accelerator).

Arun Majumder, trưởng khoa của "Trường bền vững Doerr tại Stanford" chia sẻ: "Trường là nơi tái tư duy lại cách mà giới học thuật tiếp cận vấn đề "khí hậu" và ươm mầm/tăng tốc các giải pháp: (1) những giải pháp công nghệ có thể mở rộng theo quy mô (2) cũng như các giải pháp về chính sách hay liên quan đến các tổ chức phi lợi nhuận. Một bệ phóng (launchpad) cho những ý tưởng lớn xuất phát từ gần 1000 sinh viên đại học và cao học tham gia khóa mới. ILO (tổ chức lao động quốc tế) đã ước tính có đến 24 triệu công việc trên khắp thế giới có thể được tạo ra bởi nền kinh tế xanh trong năm 2030. Do đó, con người cần được huấn luyện để có tư duy phản biện (critical thinking) khi tiếp cập khái niệm "bền vững", hiểu rõ các thách thức đi kèm. John Doerr và Arun đều có chung mục tiêu trong việc xây dựng trường: "không một định chế nào có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bền vững một mình, chúng ta cần có rất nhiều trường học tốt về khí hậu (như cách nhìn về những trường y tế tốt). Nó sẽ thúc đẩy mối quan tâm rộng lớn trên khắp thế giới."

John Doerr cũng viết một cuốn sách về biến đổi khí hậu mang tên "Tốc độ và quy mô", nhưng ông không xem đây là một cuốn sách "kể lể" mà là một bản kế hoạch - theo sát mục tiêu dài hạn của các phong trào khí hậu. Cuốn sách mô tả kế hoạch của "một kỹ sư" làm sao để đi đến đó: từ phát thải carbon 59 gigatons/ năm tới con số "0" trong năm 2050. Có 6 thành tố trong bản kế hoạch:

(1) Điện khí hóa các phương tiện giao thông (electrify transportation). Sử dụng pin và các phương tiện giao thông chạy điện thay vì dùng dầu diesel hay xăng (gasoline).

(2) Sử dụng hệ thống điện không phát khí thải (decarbonize the grid). Thay thế hệ thống điện hiện tại sang điện gió hay điện mặt trời, cùng các giải pháp hạt nhân an toàn thay vì nhiên liệu hóa thạch.

(3) Sửa chữa hệ thống thực phẩm (food systems) - ăn ít thịt lại. Cải thiện hệ thống nông nghiệp (agri-systems) và giảm thiểu lãng phí thực phẩm (food waste)

(4) Bảo vệ tự nhiên - không đốt rừng và khai thác tận diệt biển cả.

(5) (Phần khó nhất) Làm sạch các ngành công nghiệp. Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra thép và bê tông cần cho sự phát triển - mà nó lại là nguồn gốc chính của phát thải carbon. Đây là một vấn đề siêu khó để giải quyết.

(6) Giảm phát thải carbon - Khi chúng ta làm giảm phát thải xuống thấp nhất có thể, có thể thông qua các phương tiện tự nhiên như trồng cây chẳng hạn. Hay đón bắt không khí một cách trực tiếp (direct air capture), thông qua "cây máy" (mechanical trees).

(7) Bản kế hoạch cũng bao gồm một số cách thức tăng tốc để đảm bảo chúng ta có thể làm được điều này nhanh hơn. Cụ thể, dành chiến thắng trong địa hạt chính trị và thúc đẩy các chính sách

(8*) Chuyển hóa các phong trào thành hành động (thay vì chỉ là biểu tình hô hào)

(9) Sáng tạo, thực hiện nghiên cứu trong nhiều thứ mới mẻ khác.

(10) Đầu tư thật nhiều vào quá trình chuyển đổi trên.

David phản biện về quyển sách: "giả sử như tôi đang sống ở Ấn Độ hay Trung Quốc. Là công dân của những quốc gia này và phảo pháo lại người Mỹ - kiểu như các bạn đã làm ô nhiễm thế giới này một thời gian dài rồi. Chúng tôi vẫn là nước đang phát triển, do đó có quyền làm mọi cách đưa nền kinh tế đi lên mà không nhất thiết phải đi theo các tiêu chuẩn của Mỹ." John Doerr phản hồi: "Các bạn nói đúng. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà tất cả chúng ta đều phải cùng đối diện và phải cùng nhau giải quyết. Sự đoàn kết sẽ giúp toàn cầu phát thải carbon ít hơn trên đầu người. Về mặt lịch sử, rõ ràng Hoa Kỳ là nước phát thải carbon lớn nhất trên thế giới. Hiện tại vị trí này đã nhường lại cho Trung Quốc, tuy nhiên Mỹ vẫn là nước giàu có nhất, do đó nước này phải giữ vai trò tiên phong. Chúng ta phải chứng minh rằng điều này có thể đạt được mà không nhất thiết phải hủy hoại sự phát triển kinh tế. Chỉ mất 2% GDP để tiến hành các khoản đầu tư cần thiết. Cuốn sách Tốc độ và quy mô có đề cập - để đạt được net zero (không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển) toàn cầu, chúng ta cần đầu tư khoảng 1,7 nghìn tỷ $ một năm và kéo dài liên tục trên 20 năm." Hoa Kỳ, cùng với Trung Quốc và châu Âu đang tìm cách đưa dòng chảy vốn vào quá trình chuyển đổi này - sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta có một kế hoạch rõ ràng. Đây chính là mục tiêu của cuốn sách.

Tất nhiên, có nhiều người không ủng hộ biến đổi khí hậu vì xét cho cùng, nó sẽ khiến họ tốn nhiều tiền bạc hơn hoặc thậm chí chính mình bị loại bỏ bởi tiến trình trên - khi xét cả hai khía cạnh: công việc và tiền bạc. Đầu tiên, trong giai đoạn từ 2022 đến 2030, thế giới sẽ có khoảng 25 triệu công việc lương cao mới được tạo ra. Mỗi quốc gia muốn phát triển thì phải đảm bảo công dân của họ có thể dành được những công việc này. Do đó, sẽ có đâu đó 4 triệu công việc liên quan đến nhiên liệu hóa thạch biến mất. Chuyển dịch này đã trở nên rõ ràng. Vấn đề cần quan tâm tiếp theo chính là chi phí, các khoản đầu tư cần phải tiến hành. Ước tính khoản 1 nghìn tỷ/năm (theo, IEA chiếm khoảng 2% GDP). Ai sẽ là người dẫn dắt các ngành công nghiệp mới của tương lai. Trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng Internet, Doerr đã gây tranh cãi khi đề cao Internet (ông nhận xét nó đang bị đánh giá thấp) thì hiện tại, ông cũng đang dành nhận xét tương tự cho cuộc cách mạng khí hậu. Công cuộc chuyển đổi "xanh" không phải là một "kumbaya" (từ "kumbaya" bắt nguồn từ một bài hát nổi tiếng được viết bằng thổ ngữ của châu Phi sau quãng thời gian làm nô lệ của Mỹ. Quãng thời gian này, nó trở thành một bài hát phổ biến để mọi người cùng hát quanh lửa trại) - ám chỉ hô hào trong một nhóm nhỏ mà thực sự sẽ là một cuộc cách mạng. Sẽ có kẻ thắng và người thua. Larry Fink, CEO của Blackrock từng nói: "Thực hiện cuộc cách mạng này là một mệnh lệnh" (imperative). Sẽ có hàng ngàn "kỳ lân" tư nhân đáng giá hàng tỷ đô la nhảy vào lĩnh vực khí hậu. Ngay tại trường Stanford này, khoa học khí hậu đã trở thành ngành khoa học máy tính mới - địa hạt mà có lẽ những người trẻ với sứ mệnh cao quý muốn dự phần.