Manila - thành phố toàn cầu
[Phillipines – Manila]
Nền giao thông rối rắm tại các đô thị lớn tại Việt Nam có lẽ cũng không thấm vào đâu so với Manila, thủ đô của Phillipines. Khi đặt chân đến đây cách đây bốn năm, ấn tượng đọng lại trong mình vẫn là sự chen chúc đến nghẹt thở của các luồng phương tiện lớn bé nối đuôi nhau xuôi ngược trên các xa lộ. Manila có một sự hòa trộn cộng sinh kỳ lạ giữa các tầng lớp xã hội giàu nghèo với nhau. Chỉ cần một vài bước chân từ khu khách sạn sang trọng dọc bờ vịnh bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những người nghèo mưu sinh la liệt trên vỉa hè mà sự sinh tồn của họ được duy trì bằng những gói pagpag tức thức ăn thừa từ các nhà hàng fastfood chế biến lại với mức giá rẻ mạt. Hàng ngày từ khu ổ chuột Tondo ngay giữa lòng thủ đô Manila cách đó chỉ vài cây số, họ tỏa ra khắp nơi để gia nhập nền kinh tế đô thị với các công việc ở mức lương tối thiểu. Nhiều người chọn nơi che mưa che nắng chỉ là những bậc thềm nhà dọc theo đại lộ hoặc những con thuyền nhỏ neo đậu bên bờ vịnh kiếm sống bằng cách chở khách ngắm hoàng hôn. Sau này mình mới hiểu rõ hơn đó là hình thái của một thành phố “phi chính thức”, một khái niệm do phó Giáo sư về lịch sử của trường đại học UC San Diego Nancy Kwak chia sẻ trong một bài viết trên tạp chí Aeon. (Bà là tác giả của cuốn sách thú vị “Thế giới của những người sỡ hữu nhà: Quyền lực Hoa Kỳ và Tính chính trị của viện trợ nhà ở” -2015 ).
Nhìn chung người dân Phillipines rất hiền hòa, lạc quan, yêu đời (họ rất thích đàn ca múa hát) và luôn cho mình cảm giác yên tâm khi làm việc chung. Nhiều người Phillipines sang Việt Nam mưu sinh chủ yếu ở ngành dịch vụ như việc hát tiếng Anh ở các quán bar khách sạn hoặc phục vụ ở các nhà hàng nơi họ luôn được ưu ái hơn người bản xứ vì khả năng ngoại ngữ, sự chăm chỉ cùng tính cách trung thực trong công việc. Nhân dịp trở lại Manila dự hội nghị YSEALI 2017, mình đã lược dịch lại bài báo của Phó giáo sư Nancy về thành phố phi chính thức để các bạn có thể tham khảo thêm:
Ít ai nghĩ rằng Manila nằm trong danh sách những thành phố hàng đầu của thế kỉ 21 sánh ngang cùng Tokyo, London, New York, Paris và càng khó tin hơn nữa khi thủ đô của Phillipines là một điểm nút tập trung quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Manila gần như là tâm điểm của một trong những xu hướng đô thị quan trọng nhất trong nửa thế kỷ qua: thành phố với mật độ dân số cao nhất thế giới và tiếp tục gia tăng theo cấp số nhân đồng thời cũng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới (thứ 10 theo như số liệu của World Bank năm 2017). Người Phillipines đặc biệt là cư dân Manila tỏa ra khắp thế giới để làm nhiều công việc khác nhau như y tá, vú em, ca sĩ, công nhân xây dựng và thợ may. Họ cung cấp cho nền kinh tế dịch vụ toàn cầu nguồn lao động lớn có chất lượng. Trong thế giới dần bị đô thị hóa, Manila cùng một số thành phố đang tăng trưởng nhanh chóng khác sẽ là hình mẫu thiết yếu để chúng ta nghiên cứu cách thức hoạt động của một thành phố toàn cầu.
Manila từ lâu đã được xem là điểm nút giúp kết nối các nền kinh tế trong khu vực ASEAN, thuộc địa trước kia và toàn cầu. Thành phố tọa lạc bên bờ vịnh Manila với địa hình bằng phẳng là là ngang mặt nước biển trải dài dọc từ cửa sông Pasig đi sâu vào trong đất liền. Không quá ngạc nhiên khi địa hình này mang đến gió mùa và gió xoáy nhiệt đới khiến Manila thường xuyên phải đối diện với những trận lụt kinh hoàng. Điều nổi bật nhất trong cuộc sống tại Manila không nằm ở những thuộc tính vật lý mà là ở trạng thái pháp lý của cộng đồng sống bên trên và xung quanh dòng chảy của con sông. Đối với cư dân của thành phố gần 2 triệu người này, tính “phi chính thức” phủ sóng khắp nơi góp phần định hình cuộc sống hàng ngày ở thủ đô.
Tính “phi chính thức/informality” là một khái niệm để ám chỉ những khu vực ngoại vi (periphery) hoặc những nơi dị biệt (exclusion), nhưng định nghĩa chính xác hơn chính là sự thiếu vắng của kiểm soát nhà nước, quản trị công hoặc tri thức ở một khu vực nào đó. Một thành phố có tính phi chính thức chiếm ưu thế nếu ở đó tồn tại những khu chợ đen tấp nập, đại đa số dân lao động và nơi cư trú của họ không được đặt dưới bàn tay điều phối sắp xếp của chính quyền. “Phi chính thức” không nhất thiết phải xảy ra ở ngoài rìa của cuộc sống hàng ngày. Ở Manila, đặc tính phi chính thức rất phổ biến nhưng lại ít được quan tâm tìm hiểu, các số liệu thống kê thường thay đổi nhiều và được thu thập một cách thất thường. Chính phủ ước tính trong năm 2010 nhìn chung cứ năm cư dân của Metro Manila (Vùng đô thị Manila với dân số 13 triệu người) thì có một người mà nơi cư trú của họ chính phủ nắm hồ sơ rất hạn chế và hầu như có ít thẩm quyền. Con số này đang có xu hướng gia tăng.
Dự án nghiên cứu về “Thành Phố Phi Chính Thức” của Quỹ Rockefeller ( https://nextcity.org/informalcity/city/manila ) đã cung cấp một vài ước tính. Theo như báo cáo gần đây, 40 tới 80% cư dân Phillipines làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và có khoảng 20-35% dân số của Metro Manila sống ở các khu ổ chuột. Do đó những nơi cư trú phi chính thức mọc lên ở khắp mọi nơi, chúng lan theo các con nước và lấp đầy gần như mọi ngóc ngách có thể của thành phố dưới dạng những cấu trúc nhà tự xây vụng về. Những cư dân “phi chính thức” sống trong đó cũng tham gia làm việc ở nhiều mảng khác nhau của nền kinh tế đô thị.
Chỉ cần nhìn thoáng qua Manila và một số thành phố mới phất lên trên khắp toàn cầu chúng ta có thể thấy hoạt động của nền kinh tế đô thị phụ thuộc rất lớn vào khu vực phi chính thức. Khu vực phi chính thức cho phép các nhân công tồn tại ở ngưỡng thu nhập tối thiểu đồng thời cũng cung cấp nơi cư trú cho họ khi mà thị trường chính thức không thể. Mặc dù họ có thể tham gia vào rất nhiều mảng trong nền kinh tế đô thị nhưng do khả năng chi trả khiêm tốn (đạm bạc), vai trò mà họ đóng góp thường chỉ ở một ngưỡng giới hạn nào đó. Một người thợ giày mở một quầy hàng dọc bên đường sẽ giúp cho các nhân viên nhà hàng đối diện có thể đem giày mình đi sửa với mức giá cho phép, đến lượt họ lại là những người phục vụ tiệc cho một tầng lớp cao hơn như các nhà đầu tư bên ngoài và doanh nhân địa phương. Manila cũng có một lượng lớn tài xế ngủ qua đêm ở những nơi phi chính thức trước khi thức dậy để lái những chiếc xe jeepney (xe lam kiểu Phillipines) đơn sơ chở theo những người đàn ông và phụ nữ với mức phí siêu rẻ tới khu vực trung tâm Makati để làm việc. Những người này đến lượt họ lại làm các công việc chăm sóc khách hàng (trả lời những câu hỏi và lời than phiền từ khách hàng) ở chi nhánh Manila của một công ty đa quốc gia có trụ sở ở New York, London và nhiều nước phát triển khác. Tất cả những người tham gia mắt xích trên thường có thu nhập thấp. Rõ ràng khu vực phi chính thức cung cấp nền tảng cho việc gia tăng lợi nhuận của địa phương và toàn cầu.
Manila giúp cho chúng ta hiểu được cách mà các khu vực phi chính thức trở nên thịnh hành ở một số thành phố và là một phần tích hợp trong nền kinh tế toàn cầu. Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai năm 1945, những người nhập cư nghèo đói ở khu vực nông thôn tìm mọi cách đổ bộ vào Manila vì nhu cầu công việc và thức ăn. Đối với những con người tuyệt vọng này tìm được mảnh đất cắm dùi lập nghiệp có ý nghĩa hơn việc được chứng nhận sỡ hữu nó. Những người nhập cư đã xây những nơi cư trú đầu tiên trải khắp khu vực chưa có ai chiếm cứ ở thành phố, họ cắm nhà dọc theo các cung đường tàu, mở rộng ra theo dòng chảy của sông, hoặc bên dưới những cây cầu. Từ nền tảng đó, họ dần hình thành cảm giác sở hữu bao gồm quyền thuê và cho thuê phần đất đai mà mình có được.
Sau cùng nhiều người nhập cư dồn đến cư trú ở khu vực gần hoặc ngay trên vịnh Manila (ở quận phía bắc Tondo) giúp hình thành một cộng đồng cư dân gần 180000 người vào đầu những năm 1970. Các cư dân không phủ nhận việc chính quyền không công nhận quyền sử dụng đất của họ nhưng dù thế nào đi chăng nữa, họ vẫn duy trì cảm giác sở hữu của mình. Năm 1973, Tổ chức Zone One Tondo Organization đã lý giải các động lực của các cư dân khi họ ở trong những căn nhà thiếu tiện nghi (unserviced) ở khu vực trên: ” mọi người vẫn thích được ở trong một cái lều (barung barong) nhỏ nơi họ sỡ hữu còn hơn là phải đi thuê một nơi khác.
Cựu Tổng Thống Ferdinand Marcos hiểu rất rõ về khái niệm phi chính thức. Ông cũng thừa hiểu động lực của những người nhập cư khi họ tuyên bố về quyền sở hữu tài sản của mình. Trong vai trò nắm cán cân hành pháp, ông cố gắng để trung hòa lại quyền lực chính trị của cư dân Tondo bằng cách xem khu vực “phi chính thức” là đối nghịch với khu vực “chính thức” – những không gian do chính quyền điều phối. Vào năm 1975, Marcus kí một sắc lệnh hành pháp nhằm tội phạm hóa những người chiếm cứ đất đai công (squatter) và xem đó là hành động phi pháp đáng bị trừng phạt bằng bỏ tù hoặc đóng phạt. Chính quyền Phillipines rõ ràng đang thực thi một sự chia rẽ hợp pháp – chính thức đối chọi với phi chính thức, dùng pháp chế đối chọi với sự xâm lấn đất công (squatting). Đây là một nỗ lực của Marcus nhằm tăng cường sức mạnh của nhà nước trong khi đó hạ thấp quyền lực chính trị của người nghèo những người rất dễ lay động để chống đối lại tầng lớp cai trị. Tóm lại, chính nhà nước là người tạo ra khu vực “phi chính thức”.
Chính quyền Phillipines không phải là chính quyền duy nhất đang tìm cách chia rẽ khu vực chính thức và phi chính thức, mà hầu như mọi chính quyền trên thế giới đều làm giống như vậy với những lý do lịch sử và chính trị. Các nhà cố vấn quốc tế ở Liên Hiệp Quốc trong các nhiệm vụ hỗ trợ kĩ thuật và các chương trình viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ thường cố cài cắm ý tưởng đó vào các nước như Kenya, Nam Phi, Thái Lan, Peru, Phillipines và nhiều nước đang phát triển khác. Những nhà kĩ trị, quy hoạch, chuyên gia nhà ở và các chuyên gia phát triển quốc tế cho rằng tốc độ đô thị hóa của những thành phố này đang trở nên quá lộn xộn và mất phương hướng. Vì thế họ kêu gọi chính quyền quốc gia phải nuôi dưỡng trật tự bằng cách thử nghiệm và tái khởi động mạnh mẽ các đợt khảo sát đất đai cùng các chương trình sở hữu đi kèm. Nếu một cá nhân nắm quyền sở hữu đất đai, miếng đất đó sẽ trở thành tài sản – có thể dùng để đầu tư và khai thác để sinh lời. Các bản thống kê lưu trữ có tính pháp lý về đất đai của chính quyền sẽ giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài thuận tiện hơn khi ra quyết định. Còn đối với các chuyên gia phát triển ở phương Tây đó là trật tự, là tiến bộ và hiện đại.
Những nhà kĩ trị về phát triển sẽ tư vấn và giúp chính phủ có thể nuôi dưỡng một tầng lớp những người sỡ hữu tài sản hay một tầng lớp công dân trông cậy vào sự ổn định chính trị để duy trì đặc quyền đặc lợi của mình. Tính ổn định sẽ giúp chính quyền đảm bảo an ninh của mình. Điển hình như việc các thành viên hội đồng thành phố Manila thường xuyên yêu cầu lời khuyên từ William Levitt, một nhà phát triển nhà đất ở Hoa Kỳ, người năm 1948 đã từng tuyên bố: “Không có ai sỡ hữu nhà và đất đai mà lại là những người cộng sản. Anh ta phải đấu tranh khó nhọc để có được điều đó.”
Cộng đồng cư dân sinh sống và làm việc trong khu vực “phi chính thức” qua hàng thập kỉ phải đấu tranh với những áp lực từ chính phủ nhằm làm giảm tính pháp lý trong các hoạt động kinh tế của họ và ở khía cạnh chính trị làm suy yếu họ. Họ hoàn toàn không ảo tưởng về sự cách ly của mình với phần còn lại của thành phố toàn cầu này mà rất thực tế. Một tài xế taxi là cư dân Tondo than phiền một cách cay đắng: “Chính phủ nghĩ chúng tôi là những con người rác rưởi”. Nhưng anh thêm vào một cách hóm hỉnh: “Nếu đây không phải là lúc bầu cử.”
Link bài trên Aeon: