100 tỷ $ bí mật nhất trong giới đầu tư

100 tỷ $ bí mật nhất trong giới đầu tư

Giữa 2018, ngân hàng Deutsche Bank sang nhượng lại 8,75 triệu cổ phiếu của Techcombank (TCB, ngân hàng Kỹ thương Việt Nam) cho một nhóm quỹ đầu tư ngoại được đặt theo tên hai đỉnh đồi/núi nhìn xuống thành phố Salt Lake, tiểu bang Utah ở Hoa Kỳ: 8 quỹ của Grandeur (nắm gần 8 triệu cổ phiếu TCB) và 1 quỹ của Ensign (nắm gần 1 triệu cổ phiếu TCB). Nhóm đầu tư đến từ Utah này là một thế lực khổng lồ trong giới tài chính Hoa Kỳ – họ đều là thành viên trực tiếp hoặc gián tiếp liên đới đến Giáo hội thánh hữu ngày sau của Chúa Jesus Christ (hay còn gọi là đạo Mặc Môn – Mormon), một tôn giáo trẻ ra đời vào cuối thế kỷ 18 nhưng rất nghiêm cẩn (đôi khi kỳ quái): tín đồ phải đóng góp 1/10 thu nhập cho nhà thờ, không có bất cứ hạn chế nào liên quan đến việc tiêu thụ thịt nhưng bất cứ đồ uống có cồn (bao gồm bia) hay đồ uống nóng (như trà, cà phê) đều bị cấm, không cho phép quan hệ tình dục trước hôn nhân hay tôn sùng hôn nhân vĩnh cửu nhưng lại gây tranh cãi quanh thực hành đa thê (nay đã bị cấm), khuyến khích tín đồ dự trù nguồn cung thực phẩm trong ba tháng (phòng khi có biến cố) nhưng lại dẫn đến niềm tin cực đoan về “sự sống còn” (như Tata Westover mô tả trong sách Có giáo dục (Educated) của cô).

Hiện nay, đạo Mặc Môn phát triển tới gần 16 triệu tín đồ trên khắp thế giới, trong đó có khoảng 2 triệu ở Utah (chiếm 61%), ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh xã hội và văn hóa của tiểu bang. Tất cả xuất phát từ chuyến hành trình do Brigham Young dẫn dắt năm 1847 nhằm tìm kiếm một vùng đất (Utah) mà tín đồ có thể tự do hành đạo sau khi giáo chủ Joseph bị bức hại tại Illinois. Cộng đoàn Mặc Môn sau 189 năm từ Utah đã chảy vào ngóc ngách quyền lực trong cấu trúc xã hội và trở thành một phần giới tinh hoa Hoa Kỳ tương tự như nhóm Do Thái (hay nhóm The Family, tổ chức phía sau của National Prayer Breakfast). Giáo sư quá cố Clayton M. Christensen tại trường kinh doanh Harvard (HBS), người phát triển lý thuyết “sáng tạo phá hủy/đột phá”, từng nhận xét nếu HBS là một tôn giáo thì ắt hẳn đó là đạo Mặc Môn. Clayton là thành viên của nhà thờ Mặc Môn từng theo học HBS thập niên 70 cùng với các tín hữu Mặc Môn nổi tiếng khác như Mitt Romney (ứng cử viên Tổng Thống, CEO của công ty tư vấn Bain), hay Kim Clark (cựu hiệu trưởng HBS), Joel Peterson (chủ tịch của JetBlue) hay Neil Anderson, một trong 12 sứ đồ (Twelve Apostles) đang lãnh đạo nhà thờ LDS (Mặc Môn). Trong 2 nhóm quỹ đầu tư vào TCB ở trên, Grandeur Peak là quỹ quản lý tài sản nắm trong tay khoảng 2,6 tỷ $ (theo số liệu 2015 của Forbes) do một nhà truyền giáo Mặc Môn thành lập, Robert Gardiner. Ông là người có kinh nghiệm 25 năm tại Wasatch Funds, một quỹ đầu tư tư nhân vốn hóa nhỏ thành lập 1975 bởi Samuel Stewart thuộc gia tộc tài chính nổi tiếng ở Utah.

Ensign Peak, dù chỉ tham gia rất khiêm tốn trong thương vụ Techcombank, là một thế lực khủng khiếp hơn nhiều. Họ hiện đang quản lý số tài sản trị khổng lồ trị giá 100 tỷ $ sếp ngang hàng với quỹ Vision Fund của Softbank, cao hơn nhà thờ Công Giáo (50 tỷ $), quỹ Bill & Melinda (46,8 tỷ $), endowment (quỹ tài trợ) của Harvard (40,9 tỷ $). (chỉ xếp sau một số quỹ đầu tư quốc gia (SWF) của các nước lớn như Trung Quốc (China Investment Corporation – 859 tỷ $) và Nga (Russia’s National Wealth Fund -126 tỷ $)). Bàn tay lông lá đang nắm Ensign Peak chính là nhánh đầu tư của nhà thờ Mặc Môn mà quy mô của nó khi được tiết lộ gần đây (do người thổi còi) đã gây sửng sốt cho phố Wall. Tạp chí Wall Street Journal chỉ vài giờ trước đã đăng tải một bài viết đào sâu vào sự bí ẩn của quỹ do hội đồng giám mục Mặc Môn nắm giữ cùng mối liên đới tới các quỹ tương hỗ nổi tiếng như Bridgewater Associates, Fisher Investments cùng mạng lưới công ty vỏ bọc (shell) mà thông qua đó nhóm Mặc Môn có thể nắm cổ phần ở nhiều tập đoàn khổng lồ như Apple Inc, Chevron, Visa Inc, JP Morgan Chase, Home Depot. và Google. Mình đã lược dịch bài viết ra sau đây:

Hơn một nửa thế kỷ vừa qua, nhà thờ Mặc Môn đã lặng lẽ xây dựng một trong những quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới. Hầu như không một ai ở bên ngoài nhà thờ có thể biết được điều này.

Một phần của bí mật bị bốc hơi ra vào ngoài năm ngoái khi một người thổi còi (whistleblower – ám chỉ người tiết lộ thông tin mật) phàn nàn với IRS (Sở Thuế Vụ – Internal Revenue Service) về một quỹ có tên gọi Ensign Peak Advisors, trong đó tiết lộ tổ chức này đã thu thập được tài sản trị giá tới 100 tỷ $. Người thổi còi cũng cáo buộc nhà thờ đã sử dụng một cách không thích hợp một vài quỹ của Ensign Peak. Các viên chức của Nhà thờ Các Thánh hữu Ngày Sau của Chúa Jesus Christ (LDS), thường được biết đến là nhà thờ Mặc Môn, từ chối mọi cáo buộc. Họ cũng từ chối bình luận về số lượng tiền bạc mà quỹ đầu tư Ensign Peak đang kiểm soát. Roger Clarke, người đứng đầu của quỹ, chia sẻ tại văn phòng nằm ở tầng 4, phía trên một khu ăn uống (food court): “Chúng tôi luôn cố gắng để trở nên ẩn danh nhất có thể”. Ensign Peak không xuất hiện trong chỉ dẫn của tòa nhà. Wall Street Journal (WSJ) đã tiến hành phỏng vấn với hàng chục cựu nhân viên và đối tác kinh doanh nhằm cung cấp cái nhìn sâu hơn vào bên trong tổ chức đã chuyển hóa từ một nhà vận hành quỹ “tí hon” (shoestring) trong thập niên 90 trở thành một gã khổng lồ (behemoth) đáng gờm cạnh tranh trực tiếp với phố Wall.

Trong năm ngoái, tổng tài sản của Ensign gần như tăng từ 80 tỷ $ lên tới 100 tỷ $. Con số này ít nhất là gấp đôi quỹ tài trợ của trường đại học Harvard (endownment) (~40 tỷ $) và ngang bằng với quỹ Vision Fund của SoftBank, quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất trên thế giới. Ensign đang nắm khoảng 40 tỷ $ cổ phiếu Hoa Kỳ, một dải đất rừng ở Florida (panhandle) và các khoản đầu tư trong một số quỹ đầu cơ danh tiếng như Bridgewater Associates LP. Các viên chức nhà thờ Mặc Môn nhận ra quy mô của quỹ là một bí mật cần được bảo vệ chặt chẽ, bởi Ensign Peak phụ thuộc hoàn toàn vào các khoản đóng góp – được biết đến là tithing (thuế thập phân, đóng góp 1/10 thu nhập cho nhà thờ) – từ 16 triệu thành viên trên khắp thế giới của nhà thờ này. Tổ chức này không có trách nhiệm pháp lý phải báo cáo tình hình tài chính ra công chúng. Tuy nhiên, báo cáo “thổi còi” của David Nielsen, một cựu quản lý danh sách đầu tư của Ensign Peak, đã đặt áp lực buộc nhà thờ Mặc Môn phải minh bạch hơn về tình hình tài chính, điều mà định chế này đã chối từ xuyên suốt nhiều thập kỷ.

Hãng đầu tư Ensign Peak (firm) có cách thức thực hành rất khác phố Wall, họ không tiết lộ cho các đối tác kinh doanh quy mô số tiền đang quản lý. Các nhân viên của hãng buộc phải ký các thỏa thuận bảo mật trọn đời. Hiện tại, đại đa số các nhân viên không còn nói về tổng tài sản dưới sự quản lý và chỉ một số ít hiểu về mục đích của các khoản tiền. Trong buổi phỏng vấn đầu tiên về hoạt động của Ensign Peak, ngài Clarke và các viên chức nhà thờ, những người giám sát quỹ cho rằng đó là tài khoản “trong những ngày mưa” (rainy day account) chỉ được sử dụng trong thời điểm khó khăn, như khi nhà thờ tiếp tục phát triển ở những khu vực nghèo khó hơn (như châu Phi) nơi các thành viên không thể đóng góp nhiều, quỹ Ensign Peak sẽ giúp chi trả cho các hoạt động ban đầu. Christopher Waddell, một thành viên trong nhánh “giáo hội” giám sát Ensign Peak (ecclesiastical arm hay còn được biết đến nhóm giám mục chủ tịch – presiding bishopric) đề cập đến vụ cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây 12 năm “Chúng tôi không biết là liệu có một năm 2008 nữa sẽ diễn ra. Nếu một thứ tương tự lặp lại, chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng công việc truyền giáo của mình.” Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính gần nhất, nhà thờ Mặc Môn đã không chạm đến các khoản dự trữ mà Ensign Peak thu thập mà thay vì thế cắt giảm chi tiêu.

Báo cáo “người thổi còi” cũng nhắc đến lý giải của Clarke về sự tồn tại của Ensign Peak nhằm phục vụ cho sự trở lại lần thứ hai của Chúa Jesus Christ. Người Mặc Môn tin rằng trước khi đón nhận chúa Jesus trở lại, thế giới sẽ trải qua chu kỳ chiến tranh và khổ đau. Ngài Clarke cho rằng các nhân viên sẽ hiểu nhầm ý sau của ông “Chúng ta tin rằng đến một lúc nào đó đấng cứu thế sẽ trở lại. Tuy nhiên, không một ai biết điều đó xảy ra lúc nào.” Khi sự trở lại thứ hai diễn ra “chúng ta không biết được tài sản tài chính lúc đó sẽ có giá trị ra sao. Vấn đề là những gì xảy ra trước đó, không phải là tại thời điểm Chúa trở lại lần hai.”

Quỹ tài trợ ở đại học (endowment) thường trang trải chi phí hoạt động từ thu nhập đầu tư, Ensign Peak lại làm ngược lại. Đóng góp hàng năm từ các thành viên nhà thờ luôn lớn hơn khoản ngân sách chi trả cho các hoạt động. Khoản thặng dư sẽ đi đến Ensign Peak. Thành viên của tôn giáo này luôn phải cho đi 10% thu nhập hàng năm (thuế thập phân – tithing) để nhằm duy trì vị trí trong nhà thờ. Dean Davies, một thành viên khác trong “nhánh giáo hội” làm nhiệm vụ giám sát Ensign Peak, tiết lộ nhà thờ không chia sẻ quy mô tài sản ra công chúng vì tính chất linh thiêng của quỹ, không thể trưng bày ra (flaunt) cho công chúng giám sát và chỉ trích. Các lãnh đạo nhà thờ lo lắng nếu công chúng nắm bắt được sự giàu có của quỹ, điều này sẽ không còn khuyến khích họ thực hiện trách nhiệm thuế tithing. “Mục đích chi trả tithing không nằm ở nhu cầu tiền bạc của nhà thờ mà là cam kết trách nhiệm của cộng đoàn. Không ai muốn ở vị trí mà họ cảm thấy mình không có đóng góp nào.” Tuy nhiên, hiện nay một vài thành viên Mặc Môn đang tiến hành chất vấn rất kỹ về việc tại sao quỹ lại được quản lý một cách chặt chẽ lâu đến như vậy, khoản tiền này dùng cho việc gì, hay liệu đóng thuế thu nhập nhiều như vậy cho nhà thờ có nên là một thực hành tiêu chuẩn. Carolyn Homer, một thành viên Mặc Môn ở Virginia, đã quyết định đóng khoản thuế nhà thờ ít đi và dành phần còn lại cho các tổ chức từ thiện khác khi cô biết đến khoản tiền khổng lồ quản lý bởi Ensign Peak. Sách Mặc Môn (The Book of Mormon) có đề cập đến niềm tin: Thiên chúa sẽ buộc tội các nhà thờ quan tâm đến sự giàu có bản thân hơn là đứng ra bảo vệ người nghèo. Rõ ràng, “Khi tôi nghe thấy viên chức nhà thờ nhấn mạnh: sự giàu có của giáo hội không phải là công việc của bạn.” đó là dấu hiệu không tốt lành, xét theo câu chữ của Kinh Thánh. Các viên chức nhà thờ và quý ngài Clarke từ chối tiết lộ quy mô khoản ngân sách hàng năm của nhà thờ hoặc số tiền chảy vào Ensign Peak nhưng đưa ra ước tính chi tiêu chính yếu của quỹ vào khoảng 5 tỷ $.

Đại đa số tiền đang nắm bởi Ensign Peak đến từ lợi nhuận của các khoản đầu tư đã tồn tại chứ không đến từ đóng góp của các thành viên. Trong những năm gần đây, quỹ đã tăng trưởng 7% mỗi năm. Theo thông tin do cựu nhân viên Ensign Peak tiết lộ, trong suốt một thập kỷ “thị trường bò” vừa qua (thị trường theo chiều giá cổ phiếu đi lên), quỹ đã tăng trưởng từ 40 tỷ $ năm 2012 tới 60 tỷ $ năm 2014 và 100 tỷ $ năm 2019. Khoảng 70% số tiền có tính thanh khoản. Khi tài sản tăng trưởng thần tốc, Ensign Peak ngày càng trở nên bí ẩn. Hãng không bao giờ vay mượn tiền – nhà thờ khuyến khích các thành viên tránh rơi vào nợ nần. Họ cũng không đầu tư vào những ngành công nghiệp mà người Mặc Môn chống đối – bao gồm bia rượu, các đồ uống có caffein, thuốc lá và cờ bạc. Ngài Clarke tiết lộ quỹ đã rút một phần tiền của họ khỏi một hãng đầu tư Fisher Investments sau khi ông chủ Ken Fisher gây bão dư luận bằng các phát ngôn liên quan đến “tình dục và nô lệ” thứ mà sau này ông thừa nhận là “không phù hợp”. Người phát ngôn của Fisher từ chối bình luận về việc này.

Ơn gọi

Nhà thờ thành lập bộ phận đầu tư, sau này trở thành Ensign Peak, vào thập niên 60, trong suốt giai đoạn kinh tế khó khăn của tôn giáo này. Vào năm 1969, việc xây dựng toà nhà văn phòng cho nhà thờ bị hoãn lại khi khoản tiền dành cho việc xây dựng cạn kiệt. Lãnh đạo nhà thờ từ lâu luôn căn dặn các thành viên phải chuẩn bị các khoản dự phòng cho thời kỳ khó khăn (provisions). Nathan Eldon Tanner, một cố vấn của Đệ nhất Chủ Tịch Đoàn (First Presidency), vị trí cao nhất trong lãnh đạo của nhà thờ, tiết lộ nhà thờ cũng buộc phải thắt lưng buộc bụng tương tự như vậy. Ban đầu bộ phận đầu tư chỉ có ba nhân viên và một trong ba lãnh đạo nhà thờ phải đứng ra chuẩn thuận cho mỗi giao dịch. Vào cuối thập niên 70, bộ phận này quản lý đã quản lý khoản tiền 1 tỷ $ (theo Thông tin từ Viện SWF – Sovereign Wealth Fund Institution). Bộ phận đầu tư phải báo cáo hàng tháng cho bộ phận giám sát (oversight body) còn được gọi là ủy ban đầu tư, trong đó bao gồm các lãnh đạo của Giáo hội. Họ sẽ tiến hành so sánh hiệu quả hoạt động của bộ phận này với chuẩn mực của thị trường. Vào năm 1997, bộ phận đầu tư được chuyển hóa thành Ensign Peak Advisors để có tư cách pháp lý độc lập. Tên của quỹ được đặt theo đỉnh một ngọn đồi nhìn xuống thành phố Salt Lake, nơi có câu chuyện hấp dẫn riêng: vào năm 1847, Brigham Young và những người Mặc Môn tiên phong đã đến đây để khảo sát một vùng thung lũng trong mơ, nơi tiềm năng trở thành địa điểm định cư cho các tín đồ. Quý ngài Clarke được yêu cầu dẫn dắt hãng đầu tư mới này đồng thời đón nhận thách thức “đưa bộ phận đầu tư vào thế kỷ 20”. Trước đó, ông đang là giáo sư tại đại học Brigham Young, một tổ chức do nhà thờ nắm giữ. Sau khi chuyển sang dẫn dắt một hãng đầu tư ở Los Angeles, thì nhóm lãnh đạo giáo hội (presiding bishopric) gọi ông quay về. Theo Clarke: “Rõ ràng đây chắc chắn là một văn phòng tài chính hấp dẫn nhất. Khi bạn muốn làm điều gì đó khác biệt trong cuộc đời … thì đây là một cơ hội quá lớn.”

Hãng đã tăng trưởng đều đặn dưới nhiệm kỳ của Clarke. Khi khủng hoảng tài chính 2008 tấn công. “Chúng tôi cũng lung lay, như nhiều người khác.” Lúc đó, Ensign Peak đã đóng băng mọi hoạt động tuyển dụng, nhưng sau đó nhanh chóng hồi phục và tuyển thêm nhân viên sau đó. Hiện tại họ đã có số lượng nhân sự tầm 70 người và có tỷ lệ một trong bảy người là phụ nữ. Thực lòng mà nói, văn phòng Ensign Peak trông giống như bất kỳ hãng đầu tư nào: màn hình ti-vi trình chiếu chương trình CNBC đặt ở lối vào cùng các tờ báo tài chính được đặt dọc bàn ở hành lang. Nhưng những bức tường lại ẩn ý về tôn giáo mà Ensign Peak phụng sự bằng các bức tranh mô tả khung cảnh từ kinh thánh và lịch sử của Mặc Môn, một số trong đó mô tả những người tiên phong khám phá vùng đất lạ thập niên 1800 mà bây giờ là Utah. Các nhân viên của quỹ cần phải có “Giấy giới thiệu đi đền thờ” (Temple Recommend) – một vinh dự cho phép họ được bước vào những không gian linh thiêng nhất trong đạo Mặc Môn (mà các thành viên thông thường khó có được) để có thể làm việc cho Ensign Peak. Khoản tiền họ kiếm được ít hơn ở phố Wall rất nhiều (ít hơn 150 ngàn đô, một phần nhỏ của tài sản khả dĩ kiếm được trong ngành tài chính). “99,9% thời gian của quỹ không có tính hào nhoáng hay tôn giáo. Đối với đại đa số, làm việc cho hãng đầu tư này là một ơn gọi tâm linh.”

Các nhà quản lý trước kia thường chia sẻ thông tin về tài sản nằm dưới sự quản lý của mình với các nhân viên. Điều này đã thay đổi trong những năm gần đây; bây giờ chỉ một vài nhân viên được phép nói các con số ra bên ngoài. Hãng cũng tạo ra một hệ thống hàng chục công ty vỏ bọc (shell company) để khiến các khoản đầu tư chứng khoán của họ không thể thăm dò. Nó được thiết kế để tránh các thành viên nhà thờ bắt chước những gì Ensign Peak làm để bảo vệ họ khỏi chệch hướng trong quản lý quỹ riêng do thiếu vắng thông tin. Neuburgh Advisers LLC, một trong những công ty vỏ bọc của Ensign, đang nắm hàng trăm loại cổ phiếu, bao gồm của Apple Inc trị giá 175 triệu đô và của Amazon.com Inc trị giá 70 triệu $ (theo hồ sơ quản lý gần đây) (regulatory filing). Các lãnh đạo nhà thờ trong “nhánh giáo hội” giám sát Ensign Peak luôn sắp xếp các buổi họp ăn trưa với nhân viên của hãng. Trong phiên hỏi đáp, thỉnh thoảng các nhân viên băn khoăn mục đích sử dụng số tiền của quỹ thì chính các lãnh đạo nhà thờ lại phản hồi: “chính họ cũng muốn biết điều đó”.”Nó thật là vô định hình (amorphous). Chúng ta cần có chỉ dẫn từ các nhà tiên tri. Mọi người cần kiên nhẫn chờ đợi thông điệp từ thượng đế. Các nhà tiên tri chính là chủ tịch của nhà thờ.”

Gã khổng lồ lặng lẽ

Phố Wall không nắm bắt được quy mô Ensign Peak cho đến gần đây. Hãng không tiết lộ với các đối tác kinh doanh về số tiền họ đang quản lý, quả là một mức độ bảo mật khác thường trong thế giới tài chính. Các chuyên gia tài chính không thể ngờ nhà thờ Mặc Môn lại có thể quản lý tài sản lên đến con số 100 tỷ $. Chủ tịch của SWFI (Soveregin Wealth Fund Institute), tổ chức theo dõi các khoản tiền khổng lồ chia sẻ: “Giới tài chính luôn nghĩ rằng họ sẽ nằm đâu đó giữa 30 và 40 tỷ $.” Các nhân viên của quỹ ít khi chia sẻ với người ngoài về công việc của họ, thậm chí cả những người bạn trong giới. Nhân sự một hãng quản lý tiền (money management firm) tiết lộ khi tìm kiếm đầu tư từ Ensign Peak, quỹ Mặc Môn đã từ chối chia sẻ số tiền mà họ quản lý. Ensign Peak nói với người này rằng khoản đầu tư nhỏ của quỹ sẽ vào khoảng 30 triệu $ và khoản đầu tư lớn tầm 350 triệu $. Theo Clarke, quỹ Ensign đầu tư thận trọng bởi vì họ có “chân trời (tầm nhìn) dài hạn” hơn các hãng khác. Trong những năm gần đây, Clarke đã phát triển một chương trình mua bán chứng khoán định lượng (quantitative stock trading program), thứ được xem là xu hướng nóng hổi nhất trong giới tài chính gần đây. Trong tủ sách tại văn phòng làm việc, ngài Clarke có giữ một bản sao quyển sách “Nguyên lý” của Ray Dalio, nhà sáng lập hãng đầu cơ Bridgewater Associates. Cấp phó của Bridgewater từng thăm nơi này trong quá khứ và hãng đầu cơ của Dalio đã “giúp chúng tôi suy nghĩ về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế rộng lớn này.” Bridgewater từ chối bình luận về điều này.  Ngài Clarke cũng giữ một đồng xu La Mã cổ trong văn phòng như một tham chiếu đến câu chuyện trong Kinh Thánh về khoản đóng góp nhỏ bé của một góa phụ (widow’s mite), người góp phần vào ngân sách đền thờ. “Đó là lời nhắc nhở cho mục tiêu của quỹ. Nhiều quỹ được tạo ra từ những người không có nhiều tiền.”

Một tranh luận được bắt đầu tại Salt Lake

Đối với các thành viên bình thường của nhà thờ (rank-and-file), các báo cáo thổi còi đã khích khởi tranh luận về tiền thập phân (tithing) và cách nhà thờ sử dụng nguồn lực to lớn trên. Vào một ngày Chủ nhật đầy tuyết tại một ngôi nhà gặp gỡ (meetinghouse) ở thành phố Salt Lake, các thành viên tuyên bố mình tin tưởng cách lãnh đạo nhà thờ sử dụng đồng tiền của mình, và sẽ tiếp tục đóng góp 10% thu nhập của họ. Lasi Kioa, một người nhập cư 61 tuổi từ Tonga, một thành viên lâu đời của nhà thờ cho rằng: “Họ sẽ sử dụng chúng hiệu quả để giúp đỡ người khác hay xây nhà thờ. Tôi tin điều đó.” Nhưng Sam Brunson, thành viên nhà thờ đồng thời là giáo sư thuế tại trường Loyola, lại mong muốn viên chức nhà thờ sử dụng 100 tỷ$ này để giúp đỡ những người khốn khó trong xã hội ngày nay: “Họ có thể bắt đầu những công việc tốt như loại bỏ bệnh sốt rét, hoặc sửa chữa mạng lưới điện ở Puerto Rico. Mặt khác, nhà thờ có thể xem xét lại khoản thuế thập phân, cho phép các thành viên cho đi 10% thu nhập tới các tổ chức từ thiện, thay vì bản thân nhà thờ.”

Báo cáo của Nielsen, được chia sẻ lần đầu bởi tờ Washington Post, đã khơi mào cho tranh luận này. Báo cáo này cáo buộc quỹ đã không thực hiện bất cứ đóng góp từ thiện nào mặc dù nó được đăng ký tư cách pháp nhân là tổ chức từ thiện được miễn thuế. Nhân viên nhà thờ và quỹ cho rằng họ không vi phạm bất cứ luật thuế nào, và tổng thể tổ chức nhà thờ mà Ensign Peak là một phần trong đó, cho đi gần 1 tỷ $ mỗi năm cho các hoạt động từ thiện và nhân đạo. Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS), đơn vị không thể buộc tội nhà thờ bất cứ hành động sai trái nào,  từ chối bình luận về các tuyên bố “thổi còi”. Nielsen cũng từ chối mọi bình luận liên quan.

Người thổi còi cũng cáo buộc Ensign Peak sử dụng các khoản đóng góp miễn thuế bất hợp pháp để bảo lãnh cho hai công ty mạo hiểm trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế – một công ty bảo hiểm nhân thọ mà nhà thờ nắm giữ và một công ty xây dựng dự án City Creek Center, một trung tâm thương mại ở Salt Lake nằm dọc con đường đi lại giữa các văn phòng nhà thờ. Các viên chức nhà thờ xác nhận với the Journal rằng họ tiến hành các khoản thanh toán nhưng từ chối nhận định điều này là phi pháp. Gerald Causse, giám mục chủ tịch, cho rằng khoản chi trả trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế không phải là khoản giải ngân cho mục đích từ thiện, mà là đầu tư. “Nó không phải là một khoản chi tiêu. Vào ngày mai, chúng tôi có thể bán nó và kiếm về một khoản lợi nhuận.” Trong một bài phỏng vấn với the Journal viên chức nhà thờ tiếp tục bảo lưu quan điểm: việc chi trả trên không được lấy từ thuế thập phân, bởi vì, đại đa số tiền bạc của Ensign Peak không đến trực tiếp từ thuế thập phân mà từ lợi nhuận của các khoản đầu tư. Các luật sư thuế đã công khai tranh luận vấn đề liệu Ensign Peak có phạm luật như những người thổi còi tố cáo. Ngài Brunson, một giáo sư luật, không tán thành ý kiến trên. Nhưng là một thành viên nhà thờ, ông cho rằng sự thiếu minh bạch đã gây ra nhiều phiền toái “Tôi là một cổ đông của nhà thờ, và xã hội cũng có nắm cổ phần trong đó. Ngay cả khi tôi sẵn sàng đóng thuế thập phân một cách mù quáng, tôi vẫn muốn biết điều gì xảy ra với chúng.”