Nhật kí Saudi Arabia

Nhật kí Saudi Arabia

[Chia sẻ][Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn]

Nhật kí Saudi Arabia 1. Hai Lúa và dầu hỏa

Tuần qua, tôi bận đi công tác bên Saudi Arabia, nên không có thì giờ cập nhật hóa trang blog. Chuyến công tác ngắn ngủi nhưng tôi có nhiều chuyện để suy nghiệm. Tôi sẽ dần dần ghi lại những chuyện tôi nghe và thấy trong chuyến đi như là “mua vui cũng được một vài trống canh”. Hôm nay bắt đầu bằng vài ghi chép linh tinh trước.

Không nên làm Hai Lúa với xứ dầu hỏa !

Chuyến đi Saudi Arabia của tôi không nằm trong chương trình làm việc năm 2009, nhưng hóa ra là một chuyến công tác thú vị, để lại nhiều kỉ niệm khó quên. Tất cả sự việc bắt đầu từ một email của ông Chủ tịch Royal Society của New Zealand (ở Úc, Anh và New Zealand Royal Society giống như viện hàn lâm khoa học) vào đầu tháng 7. Trong email, ông Chủ tịch Royal Society nói rằng ông được mời thành lập một nhóm chuyên gia gồm 5 người (gọi là Review Panel) để thanh tra và đánh giá hoạt động của một trung tâm xuất sắc chuyên nghiên cứu loãng xương ở Saudi Arabia. Tên chính thức của trung tâm này là Centre of Excellence for Osteoporosis Research (CEOR). Ông ta phải nhờ đến các hiệp hội chuyên môn về xương, và họ đề cử được 5 người, trong đó có tôi. Thật ra, sau này tôi biết được là danh sách 5 người này cũng là sáng kiến của CEOR. Do đó, ông viết thư mời tôi tham gia vào Review Panel. Thấy công việc cũng thú vị và chưa từng đi Saudi Arabia lần nào, nên tôi chấp nhận lời mời. Thế là tôi trở thành một thành viên trong nhóm “ngũ nhân bang” thực hiện một việc làm rất đơn giản nhưng căng thẳng.

Dù được bổ nhiệm làm thành viên Review Panel nhưng tôi vẫn phải qua hai khâu hành chính khác. Đầu tiên là Bộ Giáo dục của Saudi Arabia phải phê chuẩn tư cách khoa học của tôi. Sau khi phê chuẩn, Bộ gửi tôi một mã số để làm thủ tục xin visa từ tòa đại sứ Saudi Arabia ở Úc. Một điều đáng nói là đại sứ quán không làm việc trực tiếp với người xin visa, mà chỉ làm việc qua trung gian (hay nói theo ngôn ngữ thời nay ở nước ta là qua “cò”). Những tay cò này là đại lí các hãng du lịch lữ hành. Chính vì thế mà chi phí cấp visa của Saudi Arabia đắt đỏ kinh khủng: 220 AUD! Tôi chưa bao giờ thấy một nước nào mà lấy chi phí cao như thế. Nhưng trong trường hợp của tôi thì mọi chi phí này đều do phía Bộ Giáo dục của Saudi Arabia “chăm sóc” chu đáo.

Có visa rồi đến vé máy bay, và cũng là một kinh nghiệm cần chia sẻ. Từ Úc đi thành phố Jaddah chỉ có thể đi bằng 4 hãng hàng không như Malaysian Airlines, Singapore Airlines, Cathay Pacific, và Emerates. Tôi quen tính tiết kiệm cho các cơ quan bảo trợ, dù là tư nhân hay chính phủ, nên tôi thường hay tìm hiểu giá cả của các hãng tôi thường bay. Lần này, giá cả chênh lệch giữa hãng đắt nhất và rẻ nhất gần 3000 AUD, một sự khác biệt mà tôi cho là quá đáng. Không nói ra chắc ai cũng biết hãng đắt nhất là Singapore Airlines và hãng rẻ nhất là Malaysian Airlines. Nếu đi với Malaysian Airlines, tôi phải chuyển đến 3 chuyến bay, còn với các hãng khác thì chỉ 2 chuyến bay. Dù đi với hãng nào, tôi vẫn phải mất từ 8 giờ đến 13 giờ chờ đợi giữa hai chuyến bay nối. Tôi báo cho Bộ Giáo dục của Saudi Arabia biết về sự khác biệt giá cả, và tỏ ý chọn hãng nào vừa phải (không quá đắt mà cũng không phải rẻ nhất, vì tôi nghĩ hãng rẻ nhất chắc phục vụ không mấy tốt). Ngạc nhiên thay, phía Saudi Arabia lịch sự trả lời tôi rằng vấn đề không phải là tiền bạc, và khuyên tôi nên chọn hãng nào mà tôi thấy tiện lợi nhất. Ngụ ý trong lời khuyên này là tôi chọn Singapore Airlines. Đương nhiên, tôi đâu phụ lời khuyên của “ông bạn” Bộ Giáo dục của Saudi Arabia. Tôi chọn hãng đắt nhất. Sau này khi kể chuyện đó cho đồng nghiệp trong Review Panel bên Mĩ nghe, anh ta vỗ vai tôi và nói đại khái: Ồ, mày “ngây thơ” quá! Saudi Arabia là xứ dầu hỏa, tiền không phải là vấn đề đối với họ; việc của mày và tao làm sẽ tiết kiệm cho họ hàng triệu đôla; không nên đánh giá thấp việc mình làm, nghe chưa! Yes Sir, nghe. Tôi thấy mình quả là Hai Lúa.

Nhật kí Saudi Arabia 2. Việt Nam – Hồ Chí Minh

Tôi đến phi trường Jeddah lúc 7:30 pm, và lại có thêm kinh nghiệm một phi trường Ả rập khác. Phi trường Jeddah cũng rộng mênh mông, không kém phi trường Changi (Singapore), nhưng đương nhiên là ít máy bay và ít tấp nập hơn phi trường Changi. Cũng như phi trường Abu Dhabi, phi trường Jeddah cũng mang dấu ấn của một nước nghèo: lượm thượm, nhếch nhác, và đường băng kém chất lượng. Xe cộ đậu vòng phi trường một cách chẳng có thứ tự nào cả. Phi đạo gồ ghề. Máy bay taxi một vòng mà lâu lâu thì nghe “cụp” một cái, cứ như là bị … ổ gà. Thật ra thì không phải ổ gà, mà do chất lượng xây dựng kém nên những mảnh bê tông nối nhau không tốt nên dẫn đến tình trạng ghồ ghề như thế. Phi trường không có những xe ống đón khách tận máy bay tại nhà ga. Thay vào đó, máy bay phải đổ ở ngoài phi đạo rất xa với nhà ga, và có xe bus chở hành khách vào nhà ga. Từ chỗ máy bay đáp đến nhà ga đi xe bus cũng phải tốn khoảng 10 phút (chứ không phải chỉ 1,2 phút như ở Tân Sơn Nhất). Trên đường vào nhà ga, tôi lại thấy những nhếch nhác của phía ngoài phi trường này. Những cảnh tượng ban đầu này làm tôi thấy hơi nản lòng khi đi công tác ở cái nước có tiếng là giàu có này.

Sân bay Jeddah

Nhà ga của phi trường Jeddah cũng hỗn độn và nhếch nhác, và chắc chắn là tồi hơn Tân Sơn Nhất. Thật ra, so sánh như vậy không công bằng, vì TSN ở một đẳng cấp khác với nhà ga Jeddah. Đó là một building tương đối mới, kiến trúc đặc thù Hồi giáo, và được thiết kế theo kiểu tiết kiệm năng lượng. Phía trong nhà ga chỉ có lác đác vài hàng quán bán đồ lưu niệm, đồ gia dụng, và nước ngọt giải khát. Khó tưởng tượng nổi đây là nhà ga của phi trường thuộc một thành phố lớn của Saudi Arabia !

Nhân viên hải quan ở đây cũng lạnh lùng và không thân thiện. Trong nhà ga, nhân viên an ninh và hải quan với trang phục quân đội (có người còn đeo súng) đi vòng nhà ga, quét những tia nhìn tò mò vào hành khách như nghi ngờ có kẻ gian. Tôi đến quầy hải quan làm thủ tục thì thấy có khoảng 10 quầy nhưng chỉ có 2 người đang uể oải làm việc. Tôi đứng xếp hàng chờ đến phiên mình. Dù chỉ có 5 người phía trước tôi, nhưng phải tốn hơn 10 phút mới đến lượt tôi làm thủ tục hải quan. Trên mỗi quầy hải quan là một cái máy chụp hình digital hiệu Canon (có lẽ do low tech nên họ không có những máy hiện đại như bên Mĩ) sẵn sàng chụp hình hành khách khi cần thiết. Anh nhân viên hải quan, khoảng 30 tuổi, râu ria xồm xoàng, đón nhận passport và giấy tờ hải quan, rồi nhìn mặt tôi để so sánh với hình trong passport mà không nói gì. Anh ta chưa vội scan passport, mà bỏ ra vài chục giây để đọc passport của tôi. Có lẽ thấy tôi đề nơi sinh là Việt Nam nên anh ta hỏi bằng một giọng tiếng Anh lơ lớ nhưng nghe được: ông đến từ Việt Nam hả? Tôi nói: không, tôi đến từ Sydney, nhưng tôi sinh ra ở Việt Nam. Anh ta cười, dơ ngón tay trỏ tỏ ý nói “Number One” rồi nói: Việt Nam – Hồ Chí Minh hả ? Tôi cũng cười nói: Vâng, nhưng ông cụ ấy qua đời cả 40 năm rồi. Anh ta không nói gì tiếp, mà scan passport rồi đóng mộc cái cụp, trả lại giấy tờ cho tôi để ra ngoài nhận hành lí. Chẳng nói chẳng rằng gì cả. Thấy vậy, tôi cũng chẳng thèm chào khi từ biệt anh ta. Thủ tục hải quan tốn gần 5 phút, mà đáng lẽ chỉ nên tốn 30 giây như ở Singapore. Tôi thấy hình như ở các nước chậm tiến, những nước có nền chính trị bảo thủ, thì thủ tục hải quan chậm chạp, và con người làm việc thì lề mề, vô cảm cứ như là cái máy, rất thiếu thiện cảm.

Khu lấy hành lí là một cảnh tượng khó tin: người ta hút thuốc thoải mái. Thật vậy, khu hành lí đã hẹp, mà người thì đông đúc và chen chúc nhau, nên cảnh tượng trông rất hỗn độn. Người dân ở đây cũng chẳng có ý thức gì mấy, họ chen chân chạy đi lấy hành lí như sợ bị ai lấy trộm. Tiếng gọi ơi ới khi tìm được hành lí giống như là báo tin vui cho bè bạn hay bà con biết hành lí chưa bị thất lạc! Nhìn cảnh tượng này tôi thấy sao mà giống như cảnh ở phi trường Việt Nam quá. Chẳng lẽ dân mình lại xếp hạng ngang hàng với mấy người Ả rập này?

Lấy xong hành lí tôi nhanh nhẹn ra ngoài để về khách sạn thì mới biết tên mình đã bị đổi. Phía ngoài phòng chờ của nhà ga là hàng trăm người đang đón chờ thân nhân, phần lớn là đàn ông, chứ rất rất ít phụ nữ. Một “đội quân” khác thì trương bảng tên tìm kiếm đối tác hay người mà họ được ủy nhiệm đi tìm. Theo kế hoạch, có người đưa limousine ra đón tôi ở đây. Tôi nhìn qua những bảng tên này mà không thấy tên mình. Nhìn một lần nữa cũng không thấy. Tôi ra ngoài định đi taxi, thì hàng tá tài xế taxi, ông nào cũng mặc áo thụng màu trắng râu ria xồm xoàng, đến chào đón đi taxi của họ. Tôi rất ghét cảnh chào đón này nên cứ trả lời nhát gừng là tôi chờ người quen. Ấy thế mà họ không để tôi yên, cứ lẽo đẽo theo sau chào đón đi taxi! Trời ơi, đây là văn hóa taxi ở Saudi Arabia sao? Tôi quyết định đi một vòng để tìm tên mình một lần nữa. Lần này thi tôi thấy một người dơ cao bảng “Welcome Prof. Tuanvan NQUYEN”. Chắc chắn là tôi chứ còn ai nữa. Tôi nhủ thầm: họ chưa nấu nồi chè mà đã dám đổi tên do Ba Má tôi đặt cho! Còn cái họ nổi tiếng của Việt Nam cũng bị đổi! Mà thôi, trách gì mấy loại nhầm lẫn này. Tôi đến bên anh ta và tự giới thiệu tôi là người anh đang đi tìm. Anh ta vui mừng bắt tay, và nhất định tiếp tôi một tay đẩy hành lí ra xe.

Chúng tôi ra ngoài bãi đậu xe. Mới bước ra ngoài nhà ga, cái nóng đã hắc vào người rất khó chịu. Tôi hỏi anh tài xế hôm nay bao nhiêu độ, anh ta nói: ồ, hôm nay nhiệt độ mát mà, bây giờ chỉ có 35 độ C thôi. Trời ơi! Vậy mà anh ta dùng chữ “cool” (mát) và “only 35 degrees”.

Nói là xe limousine cho oai, chứ thật ra chỉ là chiếc Mercedes dài, chắc cũng 10 tuổi, chứ không giống như limousine thứ thiệt. Nhưng xe rất tiện nghi. Mới lên xe, anh ta đã làm thủ tục: tự giới thiệu tên anh ta, làm cho ai, rồi kéo ra cái khăn lau mặt cho tôi, cộng thêm một chai nước lọc, nói là … chào mừng. Anh này lái xe rất cẩn thận, và trên đường về khách sạn chúng tôi có một buổi trò chuyện hết sức thú vị. Anh này là người Ấn Độ, mới làm việc ở đây được 7 năm. Anh ta nói chỉ làm thêm 3 năm nữa, kiếm đủ tiền là anh ta về Ấn Độ làm business chứ không ở cái xứ này đâu. Sao vậy? Anh ta nói cái xứ này chẳng có gì hấp dẫn anh ta cả. Anh ta chê dân Saudis lười biếng và không chịu học hành. Anh ta chỉ ra rằng 75% công nhân ở đây là người ngoại quốc. Hầu hết các kĩ sư xây dựng và chuyên gia công nghệ thông tin là người Á châu. Ngay cả các giáo sư đại học cũng là người nước ngoài. Anh cho biết nếu tất cả “đội quân” nước ngoài đồng loạt rút về nước thì cái xứ Saudi Arabia này sẽ sụp trong vòng 1 ngày.

Khách sạn Intercontinental

Bộ Giáo dục sắp xếp cho tôi ở khách sạn Intercontinental. Đây là lần thứ 3 tôi tạm trú trong khách sạn thuộc tập đoàn Intercontinental. Lần thứ nhất ở bên Mĩ, lần thứ 2 ở Hà Nội (Hồ Tây), và lần này thì ở Jeddah. Mỗi nơi có kiến trúc khác nhau, nhưng tôi nghĩ Intercontinental ở Hà Nội là đẹp nhất, lịch sự nhất trong 3 nơi tôi đã ở qua.

Ở Saudi Arabia, an ninh là điều rất quan trọng, nhất là ở các khách sạn lớn. Tôi đến khách sạn Intercontinental khoảng 8 giờ tối. Tôi ngạc nhiên (nhưng anh tài xế thì chẳng ngạc nhiên) khi thấy đường vào khách sạn được thiết kế rất ngoằn ngoèo, và ngay tại cổng vào khách sạn có một cái barrier (vật cản) và cái lô cốt với 2 người lính gác trong đó, tôi nói với anh tài xế là chắc họ đang xây gì hả, mình phải tìm hướng khác đi chứ. Anh tài xế cười nói: không phải đâu, đó là barrier tự động. Anh tài xế mở cốp sau của xe, một người lính mang súng nhanh nhẹn đến khám và nhìn chúng tôi, rồi nhấn cái nút để vật cản đó xuống hầm, và xe chúng tôi tiến vào cổng chính của khách sạn. Chưa hết, vào đến khách sạn lại là một ngạc nhiên. Ngay tại đại sảnh khách sạn, họ có cái máy scan X quang (y như ở phi trường), và khách phải để hành lí của mình để máy quét nhìn xem có gi nguy hiểm hay không. Sau đó, mới đi check-in. Sự việc xảy ra cứ như là theo kịch bản của phim James Bond 007 !

Mới nhận phòng xong và đang loay hoay bày biện quần áo cho buổi làm việc ngày mai thì đã có người gõ cửa phòng. Tôi ngạc nhiên mở cửa thì thấy người tiếp viên đưa cái cặp táp màu đen và nói “This is for you” (cái này dành cho ông)! Tôi càng ngạc nhiên hơn và thấy hơi nghi ngờ, chưa dám đưa tay nhận, và nói: không phải, tôi không có cái này và cũng không biết ai đưa tôi cái này, coi chừng họ bom thì sao :-). Nhưng người tiếp viên quả quyết nói: không, đây là quà dành cho ông từ Bộ Giáo dục. À, thì ra là thế. Tôi nhận cái cặp táp và tò mò mở ra xem cái gì trong đó thì thấy một đống tài liệu cho buổi làm việc ngày mai, cộng với cái plaque của Bộ Giáo dục đề tặng tôi. Tôi hơn ngạc nhiên là mình chưa làm gì cả, mà sao họ lại tặng tấm plaque này? Ôi biết nói với ai bây giờ, của thiên hạ đưa thì cứ nhận trước rồi sẽ tìm câu trả lời sau.

Không đầy 30 phút sau, Tiến sĩ DS gọi điện hẹn tôi đi ăn tối và cùng bàn phương án cho buổi làm việc ngày mai. Nhóm của chúng tôi gồm có 5 người: DS là trưởng đoàn (và cũng là người đứng ra nhận trách nhiệm tổ chức chuyến đi này); Tiến sĩ DF là người Úc, một chuyên gia về tổ chức khoa học và quản lí dự án; Giáo sư ME, người Mĩ, chuyên gia về loãng xương và di truyền (cùng chuyên môn với tôi); Giáo sư RF, người Anh, chuyên gia về bệnh xương khớp; và tôi người Úc gốc Mít.

DS đã chọn sẵn một nhà hàng gần khách sạn, nên chúng tôi cũng chẳng đi đâu xa. Nhà hàng thuộc loại bậc trung, không phải loại “bình dân” nhưng cũng không hẳn là “up market”, trang trí xem tàm tạm được nhưng không có gì gây ấn tượng. Đến phần thức ăn là một cực hình cho tôi, bởi vì tôi biết thức ăn Ả Rập rất ngọt và mùi vị tôi không thể nào thích hợp được. Thật vậy, khi menu đem ra và nhìn qua các món thì đúng như tôi dự đoán, toàn những món tôi không thích. Lòng dạ thì héo hon, dù ngoài mặt vẫn cười nói vui vẻ. Tôi không biết kêu món nào, đành phải chọn món cá nướng với salad. Hóa ra món này cũng không đến nổi tệ, nhưng nếu cho điểm thì chắc tôi sẽ cho 2/10. Một lần nữa, tôi thấy thèm món ăn Việt Nam làm sao, vừa ăn mà vừa tưởng tượng như mình đang ăn trong một nhà hàng ở Sài Gòn! Phải tưởng tượng như thế để … thưởng thức, chứ không thì mệt lắm. Ở Saudi Arabia không có bán bia rượu hay bất cứ thức uống nào có alcohol. Các đồng nghiệp tôi gọi một loại “bia” (tên gì tôi quên rồi) không có alcohol nhưng màu thì giống như bia. Tôi cũng bắt chước gọi một lon, và không cách nào uống hết một li! Loại nước gì rất lạ lùng, bia không ra bia (đương nhiên) mà nước cũng chẳng ra nước. Vì thế, ăn nhà hàng này thật là chán. Chẳng phải riêng gì tôi, những đồng nghiệp Tây phương cũng nói y chang như thế. Riêng DS thì đã quá quen với xứ sở này nên ông ta chỉ nhìn chúng tôi mỉm cười thông cảm.

Vừa ăn uống, chúng tôi vừa bàn phương án đi duyệt (hay nói chính xác hơn là thanh tra) ngày mai. Theo chương trình do DS đề nghị thì ngày thứ nhất là ngày của phía trung tâm CEOR, và ngày thứ hai là ngày của chúng tôi. Ngày thứ nhất, ban giám đốc của CEOR và các trưởng bộ môn sẽ báo cáo cho chúng tôi biết họ đã làm được gì, khó khăn ra sao, và định hướng trong tương lai là gì. Trong ngày thứ hai, chúng tôi sẽ dựa vào báo cáo của họ cộng với thanh tra cơ sở lâm sàng và phòng thí nghiệm (lab) để đưa ra những nhận xét và đề nghị. (Tôi sẽ nói qua trung tâm và nhận xét của tôi trong một phần sau). Theo kinh nghiệm của DS thì đoàn cần có 1 người trưởng nhóm và một phát ngôn viên (spokesperson). Ông ta nói vì ông ta là người được Bộ Giáo dục Saudi Arabia giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn thanh tra nên ông ta đương nhiên là … sếp. Còn người phát ngôn ? Sau một hồi bàn qua tán lại, họ đồng ý giao cho tôi đóng vai trò đó, vì họ nói tôi có vẻ ngoại giao hơn họ. Nhiệm vụ của người phát ngôn là tổng kết các ý kiến của thành viên trong đoàn và trình bày lại cho ban giám đốc trung tâm CEOR và đại diện của Bộ Giáo dục.

Cái khổ của đi công tác xa là sự khác biệt giờ giấc. Thật vậy, vì giớ giấc đảo lộn giữa Sydney, Singapore rồi Jeddah, nên đêm đó tôi chỉ chợp mắt được vài giờ và phải thức suốt. Tôi tranh thủ đọc tài liệu để nắm vấn đề kĩ hơn. Chờ đến sáng để đi tắm ở hồ bơi, và đi ăn sáng. Mới 6 giờ mà nhiệt độ đã hừng hực (tôi đoán phải trên 30 độ), nên xuống hồ tắm rất thú vị. Càng thú vị hơn khi cả hồ tắm mênh mông chỉ có vài người, toàn là người Tây!

Đi nhiều nơi và ở nhiều khách sạn, nhưng buổi ăn sáng tại khách sạn này có lẽ tôi sẽ khó quên trong đời. Phòng ăn sáng cũng như bao nhiêu khách sạn upmarket khác, tức cũng lịch sự và bố trí khá hoa hòe, nhưng món ăn thì rất khác. Đi dạo một vòng tôi thấy họ có 2 khu thức ăn sáng: một khu dành cho người Ả Rập, và một khu dành cho người phương Tây hay ngoại quốc. Người theo đạo Hồi không ăn thịt heo, nên hai khu đều không có món thịt heo. Tuy nhiên, tôi để ý món “Beef Bacon” trong khu dành cho khách Tây. Từ hồi nào đến giờ, tôi chỉ biết món “bacon” (tức là món thịt ba rọi nướng khói) nhưng lần này thì có món thịt bò … ba rọi ! Tôi cũng thử cho biết, nhưng không thích chút nào cả. Chẳng có món nào là ngon cả. Tôi đành chỉ ăn trái cây và uống cà phê, chứ không thể nào chịu nổi mấy món của người Ả Râp.

Nhật kí Saudi Arabia 3. Đại học King Abdulaziz

Tiến sĩ AA đón chúng tôi ngay tại đại sảnh khách sạn đúng 8:30 am. Anh ta chỉ trạc tuổi 40, mặc áo thụng màu trắng như phần lớn đàn ông người Saudis khác. Tuy ăn mặc theo mốt truyền thống như thế, nhưng AA là người rất Tây phương. Nói chuyện một lúc, tôi mới biết AA từng học ở Úc 2 năm và sau đó tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Boston. Bây giờ anh ta là Vụ trưởng Vụ nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Giáo dục, và có trách nhiệm cùng với chúng tôi đi thanh tra 12 trung tâm xuất sắc mà Bộ đã lập ra. Thấy anh ta vui vẻ và thân thiện, tôi hỏi rằng nghe nói ở Saudi Arabia vẫn còn “chế độ đa thê”. Anh ta nói đúng thế, Saudi Arabia là một trong những nước thiểu số còn duy trì luật cho phép đàn ông có nhiều vợ, nhưng những người “modern” (chữ anh ta dùng) như anh ta thì chỉ có một vợ mà thôi, bởi lí do đơn giản là không có khả năng tài chính lo cho nhiều vợ! Anh ta hỏi chúng tôi có thèm bia rượu thì nên nhịn, vì không thế tìm mấy thứ đó ở thành phố này, nhưng ở chỗ khác (cách Jeddah 150 km) thì may ra mới có, và chỉ có dưới hình thức lậu.

Chúng tôi lên xe đi trung tâm CEOR, nằm trong trường đại học King Abdulaziz University (KAU). Trên đường đến KAU tôi thấy người Saudi cũng lái xe rất ẩu và có thể nói là giống giống Việt Nam. Tuyệt đối không có phụ nữ lái xe vì đó là luật pháp của nước này! Nhiều đường lộ không có vẽ lằn xe, nên mạnh ai nấy chạy, gây ra cảnh hỗn độn trông rất quen mắt, nhất là đối với người Việt chúng ta. Có khi hai xe chạy song song rất gần nhau, hay xe từ trong một đường nhỏ đâm thẳng ra xe đang chạy làm tôi thấy thót ruột bao phen. Kẹt xe là chuyện thường ngày ở đây, vì một phần là người Saudi cũng khá vô kỉ luật, và một phần là quá nhiều xe ôtô (ở đây tôi không thấy xe gắn máy như ở nước ta hay Á châu).

Đại học King Abdulaziz University (KAU)

KAU là một trường lớn của Saudi Arabia. Theo Ali, KAU tọa lạc trong một khu đất khoảng 150 hecta, nếu xây hết thì đây là một đô thị nhỏ. Trường KAU chỉ mới ra đời 30 năm, nhưng đến nay đã có hơn 45.000 sinh viên theo học. Trường được tổ chức theo mô hình phương Tây, tức là “tổng hợp” (nói theo ngôn ngữ Việt Nam sau 1975), với 7 colleges, bao gồm y khoa, kĩ thuật và công nghệ, và khoa học tự nhiên. Các college (hay khoa) này cách nhau nhiều con đường. Có thể nói mỗi college chiếm một khu phố. mà Muốn di chuyển từ college này sang college khác có khi phải lái xe, một phần vì xa, một phần vì khó có ai có thể cuốc bộ trong cái nắng khắc nghiệt này. Trong khuôn viên trường có 2 bệnh viện lớn trực thuộc khoa y, dược và nha. Bệnh viện lớn đến nổi phải có một building riêng chỉ để … chạy máy lạnh. Hiện nay, trường vẫn chưa chiếm hết 150 hecta đất, nhưng trong tương lai các building sẽ mọc lên theo đà phát triển của trường.

Cách tổ chức của trường cũng rất giống với các đại học Âu Mĩ. Chủ tịch (president, hay hiệu trưởng) của trường mang danh xưng “His Excellency”, tức là tương đương với chức bộ trưởng trong chính phủ. Dưới chủ tịch là 6 phó chủ tịch (vice-president), phụ trách những khâu như nghiên cứu khoa học, giáo vụ, ngoại giao quốc tế, v.v… Riêng nhóm của tôi thì làm việc trực tiếp với ông giáo sư phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu khoa học của trường. Ngoài ra, trường còn có một hội đồng quản trị và hàng tá ủy ban, hội đồng khoa bảng khác. Có thể nói rằng những ai từng quen với cơ cấu tổ chức đại học ở phương Tây sẽ rất cảm thấy quen thuộc với hệ thống quản lí ở đây.

Sáng hôm đó, theo chương trình, trước khi bắt đầu cuộc thanh tra, chúng tôi đến chào giáo sư phó chủ tịch. Điều đầu tiên gây ấn tượng cho tôi là văn phòng của phó chủ tịch còn lớn cả văn phòng thủ tướng Úc! Phía ngoài văn phòng là một sảnh đường rộng được trang trí theo kiểu Hồi giáo, với 3 nhân viên (toàn là nam), trong đó hình như một người là thư kí riêng cho ngài phó chủ tịch. Cánh cửa văn phòng của ông (đóng kín mít) trông vừa rất to, vừa rất nặng nề (có lẽ được làm bằng gỗ quí). Khi cánh cửa mở ra, một người đàn ông mặc đồ thụng màu trắng, bụng to (chắc chắn là béo phì) lê tấm thân một cách cực nhọc đi về phía chúng tôi. Đó là ngài phó hiệu trưởng. Ông đến bắt tay từng người trong đoàn với sự kính cẩn giới thiệu của Tiến sĩ AA (Vụ trưởng của Bộ Giáo dục). Ông mời chúng tôi vào văn phòng làm việc của cá nhân ông. Tôi nhìn quanh văn phòng của ông và thấy diện tích cũng phải 20 mét bề dài và 15 mét bề ngang. Bàn làm việc của ông cũng rất rộng: cỡ 4 x 5 mét. Mới ngồi xuống chưa kịp nói rằng gì thì đã có hai người đến phục vụ trà, cà phê, và thức ăn. Chúng tôi vừa ăn uống vừa nói chuyện xã giao. Ông giáo sư phó chủ tịch là một cựu du học sinh ở Cambridge và lấy bằng tiến sĩ hóa học bên Mĩ nên nói tiếng Anh rất thạo, và cách hành xử cũng rất Tây. Thú thật, mới nói qua vài câu, tôi đã thấy ngay rằng ông này đúng có cùng “băng tần” với mình. Trước khi chia tay để làm việc, ông ta cám ơn chúng tôi đã đi đường xa đến đây giúp ý kiến cho trường ông hoạt động tốt hơn. Thật ra, chúng tôi được trường “chăm sóc” rất tốt, từ khâu đi máy bay đến khách sạn và giải trí ăn uống. Tôi nhẫm tính trường chắc phải chi cho mỗi người trong chúng tôi ít nhất là 10 ngàn USD cho chuyến đi không đầy 1 tuần này! Nói chung, tôi thấy họ hành xử quá đẹp với chúng tôi, đẹp đến nổi tôi không có gì để phàn nàn cả.

Thanh tra

Sau buổi chào ông phó hiệu trưởng, chúng tôi quay về trung tâm CEOR để làm việc. Theo chương trình, hôm nay là ngày của phía CEOR. Đầu tiên, giáo sư giám đốc CEOR trình bày về sứ mệnh, mục tiêu, và tổ chức của trung tâm, kế đến là phần của những người đứng đầu từng chương trình nghiên cứu nói về chương trình của họ đã, đang hay sẽ làm gì. Sau đó là buổi thanh tra lab và an toàn lab. Ngồi suốt một ngày nghe những người này nói chuyện không phải là điều thoải mái chút nào, nếu không muốn nói là cả một cực hình. Tôi và các thành viên trong đoàn đều nhận thấy lãnh đạo của trung tâm này muốn kéo dài thì giờ, bằng cách “cà kê dê ngỗng” những điều mà đáng lẽ họ có thể nói tóm tắt cho chúng tôi nghe. Mỗi chương trình đưa ra cả chục mục tiêu, mà theo tôi thì có thể gói gọn trong vòng 3 mục tiêu. Có người nêu lên vài chục “achievements” (thành quả) mà theo tôi là không có thành quả nào cả. Họ trình bày bằng powerpoint, nhưng phạm phải những sai lầm cơ bản : đó là màu mè, hoạt hình quá nhiều, slides thì chi chít những chữ (không có biểu đồ). Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là ai cũng lải nhải đọc mấy slides! Điều này chứng tỏ rằng dù mấy người này mang danh xưng giáo sư này nọ, nhưng thật ra họ thiếu những kĩ năng mềm mà đáng lẽ họ phải có ngay từ những năm theo học đại học. Giáo sư ME ngồi bên cạnh tôi thở dài liên tục và tỏ ý không hài lòng, vì ông ta cho rằng mấy người này cố tình kéo dài thì giờ! Tôi cũng đồng ý với ME.

Đến phần chúng tôi đặt câu hỏi và trao đổi có lẽ là phần sống động nhất. Phải nói ngay rằng họ cũng rất thành thật về những gì họ chưa làm được và cũng thẳng thắn trả lời những câu hỏi mang tính xâm phạm của chúng tôi. Tôi để ý họ có phần cảm tính. Chẳng hạn như khi tôi đặt câu hỏi tại sao họ theo đuổi chương trình nghiên cứu về tế bào gốc trong khi họ chưa có chuyên gia lành nghề, thì thay vì trả lời câu hỏi tôi, ông giám đốc nghẹn ngào kể lại chuyện cha ông bị gãy cổ xương đùi và chết trong sự đau đớn như thế nào. Sự nghẹn ngào của ông làm cho tôi lúng túng chẳng biết nói sao và không biết có nên tiếp tục hỏi tiếp hay không. May thay, DS – người lớn tuổi nhất và cũng là sếp trong nhóm – lên tiếng an ủi và lái câu hỏi sang một chiều hướng khoa học hơn.

Buổi làm việc thay vì kết thúc lúc 5 giờ chiều lại kéo dài đến 7 giờ tối. Ai cũng mệt nhừ, nhất là tôi đã kinh qua một chuyến bay cả 20 giờ đồng hồ! Tuy nhiên, việc cần làm vẫn phải làm. Về khách sạn, chúng tôi ngồi bên cạnh bàn ăn để tóm lược những điểm chính trong ngày, và lên chương trình cho ngày làm việc hôm sau.

Nhât kí Saudi Arabia 4. Phổ cổ Jeddah

4/10/09

Hôm nay là ngày của chúng tôi, có nghĩa là chúng tôi làm chủ tọa và điều khiển chương trình. Theo chương trình, buổi sáng chúng tôi tiếp tục làm rõ một số vấn đề mà ngày hôm qua chưa được giải đáp thỏa đáng, nhất là phần ngân sách, và buổi chiếu là buổi tôi sẽ thay mặt đoàn báo cáo sơ bộ cho họ biết chúng tôi nghĩ gì về tiến trình của trung tâm.

Hình như cái gì dính dáng đến tiền bạc cũng đều nhạy cảm. Khi vài người trong đoàn hỏi về khả năng tài chính, các khoản chi tiêu, và cách quản lí tiền bạc, tôi để ý thấy phía lãnh đạo trung tâm tỏ ra “defensive”, dù họ cũng cố gắng lịch sự trả lời chúng tôi. Trong đoàn có ông người Úc DF, một chuyên gia về quản lí dự án, một người có tính rất thẳng, và ông hỏi toàn những câu hóc búa, rất sốc cho lãnh đạo trung tâm. Tuy nhiên, ông này không có ý gì tiêu cực, mà chỉ muốn chuyện tài chính phải rõ ràng như trắng với đen, chứ không mập mờ được. Thật ra, qua những câu hỏi của DF, ai cũng phát hiện ra là thủ tục chi tiêu còn quá “hành là chính”, nhưng lại không có hệ thống quản lí tốt. Nhưng bù lại, thủ tục họ bình duyệt các công trình nghiên cứu thì rất nghiêm chỉnh, theo đúng chuẩn mực của các nước tiên tiến (chứ không phải kiểu Việt Nam). Đại khái, những người ngo62i trong hội đồng duyệt các đề cương nghiên cứu đều là những người có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua bằng chứng về công bố quốc tế. Họ còn có qui định là phải có ít nhất 5 bài báo là tác giả đầu hay tác giả chính mới có tư cách ngồi trong hội đồng duyệt đề cương nghiên cứu. Tôi thấy về mặt này, rõ ràng họ làm việc rất nghiêm chỉnh, rất đáng khen.

Buổi chiều, chúng tôi họp kín 1 giờ để thống nhất những ý chính mà tôi sẽ thay mặt đoàn trình bày. Chúng tôi tranh luận nhau về cách sử dụng từ ngữ sao cho nhẹ nhàng, nhưng nói lên được những khía cạnh mạnh và những yếu kém còn tồn tại ở trung tâm. Hội ý xong, chúng tôi cho mời phía trung tâm vào và tôi báo cáo cho họ biết những nhận xét ban đầu của đoàn. Mấy phút đầu tôi cố gắng vào đề bằng những mẫu chuyện hài hước mua vui để làm giảm sự căng thẳng, nhưng vẫn không sao xóa được những ưu tư trên những khuôn mặt của các lãnh đạo CEOR. Tôi nói về những điểm mạnh trước, khen tận mây xanh về những việc họ đã làm được, rồi đến những mặt yếu tôi cố biện minh cho họ vì thiếu thời gian, và xem đó là cơ hội. Phần thứ ba của báo cáo, tôi thay mặt đoàn đưa ra một số khuyến cáo và đề nghị thiết thực để giúp trung tâm đạt được những mục tiêu họ đề ra. Tôi nói một mạch 2 tiếng đồng hồ, và lúc nào cũng chú ý vào “body language” của họ để điều chỉnh câu chuyện. Tôi chỉ thấy họ ưu tư theo dõi, ghi chép, nhưng không thấy họ bày tỏ thái độ qua body language nào cả. Sau phần báo cáo của tôi là đến phần họ trao đổi và giải thích về những yếu kém của họ. Họ cám ơn chúng tôi rối rít về những nhận xét chí tình chí nghĩa. Họ bày tỏ muốn học hỏi từ chúng tôi về những chương trình nghiên cứu. Buổi thảo luận diễn ra tốt đẹp, tốt hơn là tôi và các thành viên trong đoàn dự tính.

Phố cổ Jeddah

Buổi tối, theo chương trình, các lãnh đạo CEOR dẫn chúng tôi đi chợ đêm ở khu phổ cổ, và sau đó là ăn uống. Họ sợ chúng tôi không chịu nổi cái nắng 40 độ C vào buổi chiều, nên đề nghị chờ đến 8 giờ tối sẽ đi dạo phố. Nói là “phố cổ”, nhưng thật ra khu phố này chỉ khoảng 100 tuổi mà thôi. Đó là những dãy nhà xây bằng vôi vào đầu thế kỉ 20, với những con đường ngoằn ngoèo nhưng rất hẹp. Nhiều con đường bề ngang chỉ khoảng 2 mét (tức là nhà cửa hai bên đường cách nhau cũng chỉ 2 mét). Ở đây, người ta bày bán rất nhiều hương liệu lấy từ rừng ở Mã Lai và Cambodia. Những hương liệu này thực chất là những miếng gỗ vụn và nhỏ, thường được sử dụng như là nhang ở nước ta. Khi đốt lên một mùi thơm nhè nhẹ tỏa ra, và người Ả Rập có vẻ rất thích mùi này. Còn tôi có lẽ chưa quen nên không thấy có gì thú vị cả. Sản phẩm thứ hai cũng thông dụng ở đây là nước hoa. Không phải nước hoa của các hãng bên Pháp, Nhật, Mĩ, mà là nước hoa được ép (hay chiết xuất) từ nhiều loại hoa (kể cả hoa hồng) ở Saudi Arabia. “Nước hoa” giống như là dầu dừa của VN mình. Chỉ cần thoa lên da một chút là có thể thơm đến cả ngày – họ quảng cáo như thế. Tôi cũng thử qua một số loại hoa thì thấy mùi vị giống vơi một số loại nước hoa đắt tiền trên thế giới. Chỉ khác với những lọ nước hoa phương Tây, ở đây họ bán “nước hoa” trong những lọ rất nhỏ. Người đi chợ rất đông, có lẽ vì hôm nay là ngày Chủ Nhật, nhưng cũng có thể lúc này là lúc trời dịu mát (khoảng 30 độ C) nên mọi người đổ xô đi dạo phố. Rất nhiều người Phi châu ở đây. Đại đa số phụ nữ đều mặc áo thụng đen, che kín mặt, chỉ chừa 2 mắt, trông họ như là những bóng ma bên đường. Cũng có nhiều người ăn xin ven đường. Nói chung, hàng quán ở đây cũng lượm thượm, dơ dấy, nhếch nhác, với mùi nước hoa cộng với mùi nước tiểu quyện lại thành một mùi rất đặc trưng … Ả Rập. Người dân ở đây cũng giống như ở nước ta: đó là họ cũng khạc nhổ đầy đường, đi đụng nhau lia chia nhưng không bao giờ tỏ ra hối tiếc, vì hình như hai chữ “xin lỗi” không có trong ngữ vựng của họ.

Dạo phố xong, chúng tôi lên xe đi ăn ở nhà hàng có tên là Bubbles. Nhà hàng này nghe nói thuộc vào loại đắt nhất và sang trọng nhất ở đây. Nhà hàng được trang trí theo kiểu Ả Rập và Hồi giáo, nhưng phục vụ các món ăn hỗn hợp Thái Lan, Ý, và Ả Rập! Tôi nhìn qua menu thì chẳng thấy có món gì thú vị. Khai vị thì chả giò kiểu Thái (nhìn phát ớn), entré thì có soup Tom yum Thái (chua quá), và món chính thì có thịt bò, gà, cá. Đương nhiên là không có thịt heo. chẳng có món nào đặc biệt. Tôi thử món cá nướng, nhưng không thể nào ăn hết vì nó quá ư là dở. Cuối cùng tôi chỉ ăn salad! Ở đây, cũng như bất cứ nhà hàng nào trong lãnh thổ của Saudi Arabia, không có bia rượu. Do đó, bữa ăn thật là vô vị, chán ơi là chán. Tôi chỉ mong mọi người ăn xong để về khách sạn ngả lưng cho khỏe người. Ấy thế mà nói chuyện qua lại cũng đến hơn 12 giờ đêm tôi mới về đến khách sạn! Một ngày làm việc căng thẳng được bù lại bằng một bữa ăn dở đến … nhớ đời!

Béo phì ở Saudi Arabia (5/10/09 )

Hôm nay tôi chỉ làm việc buổi sáng, còn buổi chiều thì rảnh rang để dạo phố trước khi bay về Sydney. Đúng 8 giờ sáng, có xe đến đón chúng tôi vào tham quan trường đại học KAU và gặp sếp khoa y. Thật ra, đây chỉ là buổi tham quan trên xe, vì dù là buổi sáng nhưng thời tiết rất nóng, chúng tôi không thể nào đi bộ được. Tài xế lái xe (là giáo sư giám đốc trung tâm CEOR) lái xe vòng vòng, giới thiệu cho chúng tôi biết lịch sử của trường, các khoa (college), và dự định trong tương lai. Đây là trường duy nhất nhận sinh viên nữ. gần như 100% sinh viên nữ ở đây cũng mặc áo thụng màu đen, che kín mặt, chỉ để 2 mắt (có người thậm chí che luôn cả mắt). Điều lạ lùng là họ cũng mang guốc cao gót! Tôi vẫn thắc mắc họ ăn mặc “khiêm tốn” như thế, thì những tiệm bày bán quần áo thời trang Âu Mĩ họ bán cho ai, và nếu bán cho những phụ nữ này thì họ mặc đi đâu? Chẳng lẽ họ mặc trong nhà? Thật là lạ lùng!

Sau đó, chúng tôi đến chào khoa trưởng khoa y. Ông này cũng như ông phó hiệu trưởng, rất mập và cũng lê lết tấm thân một cách nặng nhọc đến chào đón chúng tôi. Lại một buổi uống trà, ăn bánh ngọt. Bánh ngọt đến nổi tôi chỉ ăn được một cái mà như là một cực hình. Tôi muốn nói vài câu xã giao, nên đưa ra một nhận xét có chút tính xã hội mà cũng mang dáng dấp khoa học, là ở Saudi Arabia hình như cơ thể (physic) có phần cao to hơn các sắc dân khác. Thật ra, đó chính là ấn tượng đầu tiên mà tôi có về người dân ở đây là họ có vẻ rất cao to, và cách ăn mặc áo thùng thình của họ càng gây ấn tượng những người khổng lồ. Ông khoa trưởng nhìn tôi, đảo mắt nhìn các đồng nghiệp tôi như là thăm dò ý kiến, rồi cười lớn và nói: Tôi nghĩ ông giáo sư còn thiếu một câu nữa chứ — đó là béo phì. (Cần nói thêm rằng ở đây hình như người ta rất quan trọng danh xưng, nên ai cũng gọi tôi bằng danh xưng professor. Ngày đầu tiên tôi và các đồng nghiệp khác trong đoàn nói cứ gọi chúng tôi bằng tên, nhưng họ không chịu, riết rồi cũng quen). Thấy ông ta vui vẻ, tôi bèn nói: Ừ đúng là tôi muốn nói về tình hình béo phì ở Saudi Arabia. Ông ta cho tôi biết béo phì là một vấn nạn y tế công cộng ở Saudi Arabia, bởi vì tỉ lệ béo phì lên đến 70%, tức còn cao hơn nước Mĩ! Ngay cả ở thiếu niên, tỉ lệ này cũng đã vượt quá 50%!

Ông khoa trưởng cho biết chính ông ở trong tình trạng béo phì, cao huyết áp, và nguy cơ bệnh tiểu đường rất cao. Ông cho biết người Saudi ăn uống rất vô … kỉ luật. Ông nói nửa đùa nửa thật rằng người dân Saudi tiêu ra nhiều thời giờ để ăn hơn là để vận động cơ thể hay giải trí. Mà, ngay cả khi giải trí, họ cũng … ăn. Ông cho biết rằng một người ở vị trí như ông phải đi dự rất nhiều buổi lễ lạc, và trong những buổi lễ đó ăn uống là chính. Ông sợ đi dự lễ đến nỗi phải nhờ người khác đi dự — nếu được. Tôi thấy một bữa ăn của người Saudi thường thường tràn trề thức ăn. Ngay cả một bữa ăn trưa trong giờ họp, mà họ bày la liệt những thức ăn (cũng trên 10 món) trên bàn. Nhưng thức ăn của họ cũng chẳng có gì để nói là ngon. Cũng có thể tôi chưa quen, nhưng quả thật tôi chưa thấy một món nào của người Trung Đông được gắn tính từ “ngon” cả. Một điều đáng nói là thức ăn của họ thường rất ngọt, đến nỗi tôi có cảm giác cái gì họ cũng để rất nhiều đường. Bánh ngọt của họ thì không thể nào ăn được do quá ngọt. Nhìn tổng thể, tôi thấy những yếu tố môi trường xã hội và văn hóa này là một mối đe dọa lớn nhất đến sức khỏe của người dân ở đây.

Nhật kí Saudi Arabia 5. Một thoáng Saudi

Bây giờ ngồi trên máy bay, hồi tưởng lại những gì mình biết, nghe, thấy và sờ được, tôi tự hỏi ấn tượng của mình về xứ sở này là gì? Cái nhìn và cảm nhận của tôi về Saudi Arabia có thể tóm gọn như sau: đó là một đất nước giáo điều và khép kín. Có lẽ tôi phải nói thêm về nhận xét này.

Saudi Arabia theo thể chế quân chủ, và hoàng gia ở đây đóng vai trò như là những ông trời nhỏ. Có thể nói đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ cái gì, tôi cũng đều thấy hình ảnh của các ông vua theo đuổi mình. Những đường phố chính đều lấy tên các vua làm tên đường. Nhiều đại học cũng lấy tên vua làm tên trường. Một số quĩ nghiên cứu khoa học cũng lấy tên nhà vua, dù hoàng gia chẳng cung cấp một cent nào cho quĩ! Ở bất cứ công sở nào cũng đều có hình của những ông vua, một số đã qua đời, một số còn sống. Ngay cả ở phi trường người ta cũng treo hình của vua ngay tại phòng chờ. Có thể người dân ở đây kính trọng nhà vua và hoàng gia. Còn nhớ hôm đầu tiên tôi đến thành phố này, trong lúc nhà vua đọc diễn văn khai mạc một trung tâm ở một thành phố phía đông của Saudi Arabia, thì ở thành phố Jeddah (cách chỗ nhà vua khoảng 2000 km) có một nhóm thiếu niên nghe nói lên đến 20 người quậy phá đường phố. Thế là báo chí làm rùm beng, cho rằng hành động của mấy thiếu niên này là khinh thị nhà vua! Hình thức phạt dành cho mỗi thiếu niên này là 20 roi, đánh trước công chúng! Ấy thế mà 2 ngày sau tôi vẫn thấy báo chí phân tích sự kiện này, và phần lớn ý kiến cho rằng tại chúng nó … mất dạy, và mất dạy vì do gia đình, do cha mẹ, cho nên có người yêu cầu phạt cả cha mẹ! Không thấy nhà vua bình luận gì. Thông thường, trong một xã hội chậm tiến, chính quyền thường kiểm soát thông tin cho nên người dân thường bị thiếu thông tin hay do trình độ học vấn còn hạn chế (tỉ lệ mù chữ ở đây lên đến 15%) chính là môi trường cho hoàng gia và chính quyền dựng nên hình ảnh đáng kính của nhà vua, và làm cho người dân nhìn nhà vua và hoàng gia như là những thượng đế ban phát ân huệ cho họ. Nhưng trong giới trí thức, đã có người nói nhỏ với tôi rằng hoàng gia Saudi Arabia là một trong những gia đình giàu có nhất thế giới, tham lam nhất và tham nhũng nhất thế giới.

Báo chí ở đây rất nghèo nàn. Tôi đã có dịp đi dạo phố và thấy họ bán nhiều nhất là đồ ăn, thức uống, và quần áo, chứ rất ít sạp bán báo, và rất ít những nhà sách. Trong một cái mall được quảng cáo là lớn nhất ở thành phố mà không có đến một nhà sách, và không có bóng dáng một chỗ nào bán báo. Do đó, để tìm hiểu tin tức tôi phải nhờ vào một tờ báo tiếng Anh duy nhất: đó là tờ Arab News. Ba ngày đọc tờ báo này, tôi thấy nó khá giống tờ … Việt Nam News của thông tấn xã Việt Nam quá. Trang đầu là những thông tin về các thành viên trong hoàng gia và chính phủ đi thăm chỗ này, chúc tụng chỗ kia, đón tiếp chính khách nọ, v.v… Có hôm báo chạy một cái tít khổng lồ ngay trên trang đầu “Talibans killed 8 Americans in Afghanistan” như là một niềm khuyến khích cho đám sát nhân Taliban. Suốt ba ngày liền, tôi khó thấy một tin tức về xã hội nào (ngoại trừ bản tin về đám thanh thiếu niên quậy phá). Tuy nhiên tờ này còn hơn Việt Nam News một chỗ: đó là họ có phần bình luận và ý kiến người dân. Nhưng đọc phần bình luận của họ, tôi thấy giới trí thức (thể hiện qua những cây bỉnh bút) rất … ấu trĩ. Họ lí giải về một vấn đề nào đó dựa vào cảm tính, kinh nghiệm cá nhân, mà bất chấp những sự thật, những dữ kiện khoa học. Một cây bỉnh bút nọ bắt đầu bài bình luận bằng câu chuyện gia đình của ông ta, rồi từ đó ông mở một cuộc “tấn công” vào những hành động ác quỉ của Mĩ. Một cây bỉnh bút khác thì than van rằng sở dĩ khoa học của Saudi Arabia và thế giới Ả Rập kém là do bọn Mĩ và phương Tây nắm agenda, rồi như lên giây cót tinh thần, ông ta nhắc lại rằng thế giới Hồi giáo từng là cường quốc về khoa học trong quá khứ!

Trong một buổi ăn trưa, tôi nghe được một bình luận “lạ lùng” về cơn động đất tsunami mới nhất ở Nam Dương. Người bình luận đặt câu hỏi tại sao tsunamia thường xảy ra ở Đông Nam Á, rồi ông ta tự trả lời rằng do các nước này mở cửa cho du khách Tây phương tràn vào, để cho họ du nhập những điều xấu xa vào vùng đất phì nhiêu đó, và “Thượng đế” trừng phạt. Thật khó tưởng tượng nổi những câu chữ này được thốt ra từ một nhà khoa học! Do đó, tôi không ngạc nhiên khi thấy khoa học ở thế giới Ả Rập dẫm chân tại chỗ. Họ — cũng như người Việt Nam – có vẽ quá tự hào về quá khứ của mình, ngủ trên cái nệm êm ấm của quá khứ, mà quên rằng thế giới đã thay đổi lâu lắm rồi, và hệ quả là họ vẫn mãi mãi là những người đi sau.

Bất bình đẳng giới tính nghiêm trọng. Tôi chưa thấy một đất nước nào mà người phụ nữ đóng vai trò thấp bé như ở đây. Phụ nữ ra đường phải che kín mặt và chỉ mặc những bộ đồ đen, cứ như là những cái bóng ma biết đi. Ngay cả trong đại học, trong phòng thí nghiệm, họ cũng ăn mặc như thế. Điều buồn cười là có người che luôn cả mắt, nhưng khi để sử dụng ống kính thí nghiệm, họ phải vén tấm vải lên khỏi đầu để nhìn. Tôi thật sự không thể nào tin tưởng vào những kết quả xét nghiệm do những người này đọc! Nếu tôi là trưởng phòng thí nghiệm ở đây tôi chắc chắn yêu cầu họ phải bỏ cái kiểu ăn mặc như thế, rất nguy hiểm trong phòng thí nghiệm. Khi tôi đề cập đến ý kiến này như là một đề nghị trong báo cáo của chúng tôi, thì ông DS ngăn ngay. DS nói: tao lạy mày, mày nói gì thì nói, đề nghị gì cũng được, nhưng đừng đụng đến truyền thống mang tín tôn giáo của họ. Tôi cãi lại bằng cách dựa vào nguyên tắc an toàn trong phòng thí nghiệm mà thế giới khoa học chấp nhận, nhưng sếp DS khẳng định đó là chủ đề không có bàn cãi.

Trên thế giới này, có lẽ Saudi Arabia là nước duy nhất (?) không cho phụ nữ lái xe. Còn bao nhiêu nước trên thế giới cho phép đàn ông có nhiều vợ cùng một lúc? Còn bao nhiêu nước trên thế giới không khuyến khích nữ theo học đại học? Điều khá thú vị là ông khoa trưởng y khoa nói với tôi rằng sinh viên nữ ở đây học giỏi hơn sinh viên nam, và ở ngay khoa y, sinh viên nữ có điểm thi cao hơn nam. Thế thì tại sao lại kì thị nữ, tôi định hỏi câu này nhưng tôi chợt nhớ ra sự nhạy cảm của vấn đề nên tôi .. im lặng. Tôi là đàn ông mà còn cảm thấy rất giận trước những sự bất bình đẳng này. Thật ra, tôi phải nói thẳng là kinh tởm cho những trò kì thị nữ giới như thế. Một quốc gia ức chế phân nửa dân số thì quốc gia đó sẽ không thể nào khá nổi.

Saudi Arabia là một nước giàu dầu hỏa, nhưng trong thực tế thì vẫn là một nước lạc hậu. Thật vậy, nói đến Saudi Arabia là ai cũng nghĩ đến xứ của dầu hỏa, là xứ giàu có. Trong thực tế thì Saudi Arabia chỉ khai thác chưa đầy 10% tiềm năng dầu hỏa, các đồng nghiệp nói với tôi như thế. Họ mới phát hiện một mỏ dầu trên lục địa cách đây có 1 năm, và chưa định khai thác gì ở đây cả. Nhìn bề ngoài tôi thấy cuộc sống của người dân ở đây rất tốt: họ lái xe hơi, nhà cửa không đến nổi tồi tàng như ở các khu nghèo bên Mĩ, chế độ y tế cũng tốt, và thu nhập thì thuộc vào hàng các nước đã phát triển. Nhưng nhìn kĩ thì Saudi Arabia vẫn là nước có trình độ phát triển kém, kém hơn các nước như Mã Lai và chắc chắn thua Singapore xa. Đường xá của họ tuy nhiều, nhưng nói chung là xấu và dơ bẩn. Cũng giống như ở Việt Nam, đi đâu cũng thấy người dân xả rác, đến nỗi nhà cầm quyền Saudi Arabia phải phát động phong trào kêu gọi người dân ăn ở sạch sẽ hơn một chút và đừng xả rác nước. Nhưng có ai lắng nghe hay biết đọc hay không là một chuyện khác, bởi vì số người mù chữ, như đề cập trên, vẫn còn khá cao. Có cơ hội “đụng đầu” với nhân viên hành chính ở đây, có dịp đi qua chợ cổ và có dịp lang thang trong các siêu thị lớn nhất của thành phố Jeddah này, tôi mới thấy xã hội Saudi Arabia vẫn còn … lạc hậu. Sự lề mề, quan liêu, vô trật tự, dơ bẩn, nhếch nhác, có lẽ chỉ bằng hay thậm chí còn hơn Việt Nam một chút.

Sẵn đây, xin kể qua một kinh nghiệm và cũng là một bài học cho những ai sắp đến Saudi Arabia. Hôm tôi ra phi trường làm thủ tục xuất cảnh, tôi mới thấy cái tính “nhảy hàng” (queue jumping) ở đây không kém gì so với Việt Nam ta. Tôi đi vé hạng nhất mà họ không có chỗ check-in riêng dành cho hành khách hạng này; thay vào đó tôi và các bạn khác phải xếp hàng rồng rắn chờ mệt nghỉ. Thật ra, chờ đợi cũng ok, nhưng bực mình nhất là có những người chẳng biết từ đâu xuất hiện và vượt lên hàng đầu làm thủ tục trước chúng tôi. Họ ngang nhiên vượt hàng, xem chúng tôi như chẳng có mặt ở đó! Nhân viên phục vụ ở đây dù làm cho hãng Singapore Airlines, nhưng là người Ả Rập, nên họ làm việc vừa chậm vừa quan liêu. Họ chẳng hề nói chuyện với khách, mà chỉ cấm đầu chúi mũi làm việc. Đến khi xếp hàng ra xe bus (họ không có nhà ống) để ra máy bay lại càng hỗn độn hơn, bởi vì chẳng có ai có vẻ chịu đứng chờ mà cứ nhìn qua nhìn lại để nhảy hàng. Họ cũng chẳng có ưu tiên gì cho hành khách hàng nhất hay hạng thương gia; mọi người đều bình đẳng như nhau, ai có máu du côn vượt hàng thì đi trước, còn lịch sự thì ráng chịu mà chờ. Tôi chưa thấy phi trường nào mà quái đản và vô trật tự như ở đây. Phải nhìn như thế mới thấy phi trường Tân Sơn Nhất của “phe ta” còn tốt hơn ở đây cả ngàn lần.

Thánh địa Mecca

Đến khi xếp hàng ở khu hải quan lại càng bực mình hơn nữa: lại những ông bà áo thụng hiên ngang vượt hàng làn thủ tục trước. Họ vượt hàng một cách … vô tư, chẳng thấy biểu hiện xấu hổ gì cả. Cũng có thể dây thần kinh xấu hổ bị tê liệt hay họ không có gien xấu hổ trong người. Đứng sau và kế tôi là một đoàn chuyên gia Nhật Bản, họ cũng lắc đầu như tôi. Tôi chịu không nổi cái thói ngang ngược này, nên tôi dơ tay hỏi anh chàng hải quan là tại sao mấy người này vượt hàng một cách vô văn hóa như thế, thì anh ta cười (ôi, sao tôi không ưa nổi nụ cười của anh ta) và nói rằng: Oh, họ là công dân Saudi Arabia. Tôi càng nổi nóng hơn, hỏi tại sao công dân Saudi Arabia có đặc quyền vô lí đó, thì anh ta im và quay lại làm việc. Tôi đoán chưa chắc anh ta hiểu chữ privilege có nghĩa là gì, mà lúc đang nóng thì tôi lại chưa tìm ra chữ nào dễ hiểu hơn để nói, nên tôi chỉ biết lắc đầu và chờ. Tôi chưa thấy ở nơi nào lại có cái luật kì thị trắng trợn như ở đây. (Ngay cả mấy vị quan chức Việt Nam đuổi ông bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển xuống hàng ghế economy cũng không đến nổi kì thị như mấy người Ả Rập này). Chả trách chẳng có ai đi du lịch ở cái xứ này. Có chăng là những tín đồ Hồi giáo hành hương về vùng đất thánh mecca (cách phi trường khoảng 65 km), chứ tôi không thấy du khách nào cả.

Nhà ga phi trường Jeddah vừa dơ dấy, vừa hỗn loạn, nó không xứng đáng chút nào với chữ “international airport” (phi trường quốc tế). Người Ả Rập hình như có thói quen rất truyền thống: đó là họ ngồi bệt xuống sàn ở bất cứ chỗ nào, bất cần người ta qua lại. Do đó, nếu đi mà không nhìn thì rất dễ gây … tai nạn. Tôi ngồi chờ một lúc thì đột nhiên có một giọng nam nói gì đó bằng tiếng Ả Rập, và sau đó khoảng 1 phút thì tôi mới biết là đọc kinh Koran. Trời ạ, hệ thống loa là để thông tin chuyến bay và ra thông báo, chứ có ai lại dùng để đọc kinh bao giờ. Ấy thế mà hệ thống loa phóng thanh được sử dụng cho mục tiêu đó ở đây!

Nói chung, Saudi Arabia có thể là một nước giàu, nhưng vẫn là một nước lạc hậu, chưa thoát ra khỏi cái bóng tôn giáo còn đang đè nặng vào đời sống hàng ngày của người dân. Ở đất nước này, chính trị và tôn giáo nhập nhằng nhau, và khó mà phân biệt đâu là luật pháp và đâu là giới luật. Có khi luật pháp được soạn dựa vào giới luật. Thưở đời nay một văn bản về khoa học mà bắt đầu bằng câu nói phải tin tưởng vào Allah (Thượng đế)! Giới lãnh đạo và hoàng gia Saudi Arabia chắc chắn cũng nhận ra rằng dù thu nhập bình quân đầu người của người dân là 28,000 USD, nhưng họ chỉ là những người có tiền mà thiếu chữ. Tình trạng này cũng giống như mấy anh trọc phú mà dốt. Họ có ước nguyện biến Saudi Arabia vừa giàu mà vừa có học và hiện đại. Nhưng khổ nỗi khoa học hiện đại không nhất quán với niềm tin tôn giáo, cho nên tôi nghĩa ước nguyện của họ vẫn chỉ là giấc mơ khó thực hiện được.

Đi đâu và làm cái gì tôi cũng nghĩ đến cái quê hương hình chữ S. Tôi liên tưởng đến bài học gì cho sự phát triển của Việt Nam. Tôi nghĩ Saudi Arabia cho ta những bài học chúng ta không nên làm. Thứ nhất là không nên quá giáo điều, bởi vì giáo điều kìm hãm quá trình phát triển xã hội và là hàng rào cản cho sự phát triển khoa học. Đã giáo điều thì khó mà đặt vấn đề (vì mỗi khi nêu vấn đề là bị chụp mũ), mà không phát hiện vấn đề thì chẳng khi nào phát triển được.

Thứ hai là không nên nhập nhằng tôn giáo với chính quyền. Thật ra, ở nước ta không có nhập nhằng này, nhưng lại có sự nhập nhằng giữa đảng và nhà nước. Thật ra, ở nước ta, có thể xem đảng như là một tôn giáo (giống như đạo công giáo vậy). Bên đảng có tổng bí thư, công giáo thì có giáo hoàng; bộ chính trị có lẽ tương đương với hội đồng hồng y; bí thư chi bộ là ông cha; cán bộ đảng viên là những ông từ. Có lẽ ai cũng phải công nhận hệ thống đảng và chính quyền song song chẳng những tốn kém ngân sách nhà nước, cồng kềnh, mà còn khó giải quyết vấn đề. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cố gắng áp đặt hệ thống tổ chức cho các trường đại học tư là một ví dụ.

Thứ ba là không nên dựa vào tài nguyên để phát triển kinh tế. Saudi Arabia giàu chỉ nhờ vào tài nguyên thiên nhiên (dầu hỏa). Họ chẳng làm gì khác ngoài khai thác dầu và đem bán cho thế giới. Kĩ sư, bác sĩ, y tá, chuyên gia, v.v… đều phụ thuộc vào nguồn nhân lực từ nước ngoài. Họ không làm ra cái gì để có thể nói là sáng tạo. Đến bây giờ, họ mới thấy rằng chiến lược làm giàu như thế là sai. Còn ở nước ta, đành rằng trong thời kì còn nghèo thì chúng ta có thể đào xới đất, khai thác biển, xẻ núi, v.v… để lấy của cải thiên nhiên đi bán và làm vốn. Nhưng phải đến một giai đoạn nào đó, phải ngưng ngay những kiểu làm giảu một cách lười biếng như thế. Kinh nghiệm của Saudi Arabia cho thấy những dự án bauxite Tây Nguyên là không nên, bởi vì chẳng những nó không làm giàu cho đất nước mà còn tàn phá môi trường thiên nhiên rất nghiêm trọng.

Thật ra, tôi còn suy nghĩ đến nhiều cái “không nên” nữa, nhưng chỉ một chuyến đi vài ngày mà nói nhiều quá thì tôi e rằng mình “lắm lời”. Bởi vậy tôi nghĩ là chỉ “thoáng Jeddah” thôi, và hi vọng rằng một thoáng đó “mua vui cũng được một vài trống canh”.

http://tuanvannguyen.blogspot.com