Offshore Citizen

Offshore Citizen

[Chia sẻ] [Việt Trần/Steve Tran]

Việt Nam mới mở cửa được khoảng 30 năm, sau một thời gian tích lũy tư bản, mặc dù cùng hệ tư tưởng nhưng vẫn có một vài trận “thanh trừng”, đấu đá chính trị, tài sản của nhiều cá nhân bị cưỡng bức đổi chủ, người Việt bắt đầu biết đến các khái niệm ngân hàng offshore và mô hình công ty holding khoảng chục năm đổ lại đây. Cũng chính vì thế ở Việt Nam có câu “không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”.

Trong các nền văn minh khác, việc giấu giếm tài sản cá nhân gia đình để tránh bị nhà nước đánh thuế hoặc bị tịch thu tài sản đã có từ thời cổ đại vài nghìn năm trước công nguyên. Từ Ba Tư, Trung Quốc, Ai Cập, Babylon, từ khoảng năm 2000 trước công nguyên, các thương gia có kinh nghiệm thông thương quốc tế đầu óc mở mang, hiểu biết nhiều nền văn hóa đã biết che giấu tài sản của họ, đôi lúc giầu hơn vua nên không thể để vua biết được, nếu không sẽ có nguy cơ bị tịch thu toàn bộ tài sản rồi bị trục xuất ra khỏi vương quốc, thậm chí bị tru di cả dòng họ. Ngoài việc giấu tài sản, các thương gia đã chuyển tiền và đầu tư vào các doanh nghiệp khác ở các tỉnh xa hơn kinh đô hoặc thậm chí ở bên ngoài lãnh thổ vương quốc. Nhiều thương nhân Trung Quốc đã mở các thương điếm dọc theo con đường tơ lụa mà nhà vua chắc chắn không có khả năng đếm và kiểm soát được. Trong hàng thiên niên kỷ, nhiều vua chúa đã áp đặt các quy tắc cho phép tịch thu tài sản của các thần dân của họ, các chính quyền cs và độc tài ngày nay cũng vẫn áp dụng những bộ luật man rợ cổ xưa này, nếu thích là “quốc hữu hóa” và điều này dẫn tới sự phát triển của “ngân hàng offshore” và công nghệ giấu giếm tài sản.

Công dân Offshore

Trong suốt mấy nghìn năm lịch sử khi chưa có ngân hàng hiện đại như ngày nay, hệ thống chuyển tiền phi chính thức, “chợ đen” đã hình thành, không chỉ cho phép cá nhân chuyển tiền trong lãnh thổ vương quốc mà còn chuyển tiền quốc tế luôn. Hệ thống tín dụng chợ đúng theo nghĩa đen này cho phép chuyển tiền ra nước ngoài mà tránh được sự giám sát của nhà nước. Bất kỳ ai cũng có thể gửi vô danh tính.

Hệ thống tín dụng này phát triển dọc theo con đường tơ lụa, từ tiêu cục ở Trung Hoa sang đến Trung Đông, Ả Rập thì gọi là Hawala, sang đến Châu Âu gọi là “awala” và chính là từ “agent” (chi nhánh, đại diện) ngày nay. Hệ thống chuyển tiền có lịch sử mấy nghìn năm này với nguyên tắc thô sơ hoàn toàn dựa trên chữ tín, còn không có giấy tờ vẫn hoạt động hữu hiệu bên cạnh hệ thống chuyển tiền chính thức của ngân hàng hiện đại được kiểm soát bởi chính phủ. Không tin bạn cứ thử ra bất kỳ tiệm vàng nào ở Việt Nam hoặc ra các khu phố Tàu, khu Ả Rập khắp thế giới sẽ thấy. Đầu này cho vào, đầu kia nhận ngay mà chẳng có tí giấy tờ nào xuất hiện.

Con đường tơ lụa

Lịch sử ngành ngân hàng có lẽ bắt đầu từ các võ sĩ. Đầu tiên các võ sĩ hành nghề bảo tiêu, đi áp tải hàng hóa cho các thương nhân, sau dần họ mở trạm để các thương nhân gửi hàng hóa, tài sản vào đó và họ giữ bảo vệ dùm. Các hiệp sỹ dòng Đền của châu Âu (Knights Templar) cũng vậy, đầu tiên là bảo vệ người hành hương và tài sản của họ, rồi dần dần làm luôn cả nghề tiêu cục thu phí đàng hoàng. Họ cũng chính là ông tổ của nghành ngân hàng hiện đại. Nhà thờ Temple Church ở London có thể nói chính là ngân hàng đầu tiên của Anh nơi có thể ký gửi tài sản, của cải. Từ banco (trong tiếng La tinh) hay bank trong tiếng Anh có nghĩa gốc là các ghế, quầy đổi tiền ở các thương điếm trên con đường tơ lụa. Ngày hôm nay chỉ cần đi ra các chợ đường biên nhìn các bàn đổi tiền là sẽ thấy được lịch sử của cả mấy nghìn năm trước.

Các thương nhân người Ý như được miêu tả trong hành trình của Marco Polo cũng đã mang nghề tiêu cục phương Đông về và phát triển thành ngành ngân hàng thương mại hiện đại của thế giới ngày nay. Gia tộc Medici lừng danh vốn là nhà buôn gấm, lụa, len, sau khi phất lên nhờ thương mại đã mở ngân hàng Banco dei Medici từ năm 1397. Gia tộc này cũng đã phát triển hệ thống tín dụng thư (Letter of Credit) dành cho buôn bán thương mại dựa trên hệ thống bảo tín bằng dấu ấn của các hiệp sỹ dòng Đền một dạng như Traveller’s cheque dành cho người lữ hành.

Chỉ cần đưa tiền vào một nhà thờ dòng Đền ở châu Âu nhận một lá thư có ấn tín và mang sang Jerusalem trình ra là có thể nhận được tiền. Đến tận cuối những năm 90, khi tôi đi du lịch thế giới cũng vẫn sử dụng những tấm Traveller’s cheque phát hành bởi ngân hàng Bank of America cho an toàn. Khi đó hệ thống thẻ tín dụng cũng chưa phát triển, Traveller’s cheque vẫn rất phổ biến. Đến khoảng năm 2000, khi mạng Internet đã phổ biến và thanh toán thẻ tín dụng đã phủ sóng gần như toàn cầu và có thể thanh toán online thay vì offline thì Traveller’s cheque bị đào thải và biến mất.

Hiệp sĩ Dòng Đền

Nhà Medici cũng nghĩ ra hệ thống ghi chép sổ kế toán, tài khoản checking và mô hình công ty holding để quản lý tất cả các chi nhánh, công ty con của họ trên toàn thế giới. Gia tộc Do thái Rothschild sau này học tập và áp dụng rất nhiều nguyên tắc của gia tộc Medici. Hệ thống tín dụng thư đầu tiên của hệ thống ngân hàng Rothschild sử dụng các ký hiểu mật ngữ gia đình bằng tiếng Yiddish (một ngôn ngữ lai giữa tiếng Đức và tiếng Hebrew).

Bây giờ thì người Việt đã đầu tư khắp thế giới, đã mua nhà ở Mỹ, đầu tư bất động sản, mua bán trang trại và công ty ở châu Âu. Tên người Việt đã xuất hiện trong hồ sơ Panama. Người Việt tuy đi chậm nhưng dù sao cũng là một bước tiến xa ra phết so với mấy nghìn năm trước. Hy vọng từ giờ trở đi sẽ có những dòng họ người Việt danh giá nhiều đời thay vì đến đời con cháu là giải tán.