Qua các miền xung đột

Qua các miền xung đột

Có một cách để hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới & tiến trình lịch sử của nó: lắng nghe câu chuyện của những con người đã đi qua các miền xung đột hay chiến tranh. Trải nghiệm cá nhân của họ sẽ là một lát cắt hay điểm chấm đong đầy cảm xúc trong bức tranh chung đầy biến động của thế giới. Trong suốt mười năm qua – từ khi rời ghế giảng đường Bách Khoa – mình luôn cố gắng tăng cường hiểu biết về thế giới bằng cách dấn thân vào một số dự án đa quốc gia và tham gia các diễn đàn quốc tế để có cơ hội hiểu hơn câu chuyện ở các vùng xung đột qua bạn bè bốn phương – một chuyến hành trình đưa mình đến hơn 20 quốc gia. Những gì mình quan sát thấy càng củng cố đúc kết sau về nhân loại: sự va đập của luồng tư tưởng khác nhau sẽ luôn dẫn đến xung đột, mâu thuẫn và cạnh tranh đôi khi là nguyên cớ cho bạo lực đẫm máu – nhiệm vụ nhỏ bé của chúng ta là cổ súy hòa bình và các giá trị nhân bản nhằm giảm thiểu sức tàn phá của nó hết mức có thể.

Một người bạn của mình Hyppolite Ntigurirwa , đại sứ của One Young World ở Rwanda là người may mắn sống sót sau cuộc giệt chủng chống lại người Tutsi ở quốc gia nhỏ nhắn nằm kín trong lục địa đen (Trung Đông châu Phi). Quyền lực quốc gia do nhóm người Hutu nắm trong nhiều thập kỉ nhưng tới thời điểm năm 1993 buộc phải chia sẻ một phần cho nhóm Tutsi (chiếm 15% dân số Rwanda) để xoa dịu các phong trào phản kháng của nhóm này. Nhưng vào tháng 4 năm 1994, khi tổng thống Juvenal bất ngờ bị ám sát, tộc người Hutu đã quyết định thanh trừng nhóm đối lập Tutsi. Cả đất nước Rwanda chìm trong loạn lạc đẫm máu – chỉ trong vòng 100 ngày của cuộc diệt chủng – gần 70% dân Tutsi bị sát hại. Gia đình Hyppolite cũng không ngoại lệ, từng thành viên trong gia đình anh lần lượt bị giết, cha anh thậm chí còn bị ném thây ra ngoài cho động vật hoang dã ăn. Trong loạn lạc, Hyppolite không có một cơ hội nào để chôn cất cha mình tử tế hay nói lời tạm biệt với ông. Để sinh tồn, anh buộc phải ẩn mình như thú hoang, đôi lúc phải giả chết nằm giữa những cái xác thối rữa, hay bới tìm thức ăn xuyên màn đêm trong vườn nhà hàng xóm. Khi ấy anh chỉ mới mười một tuổi và đã sống sót một cách kì diệu. Con mắt trẻ thơ của anh đã chứng kiến nhiều điều mà không một đứa trẻ nào nên thấy, đôi tai phải nghe nhiều điều mà không một đứa trẻ nào nên nghe. Một trải nghiệm có thể biến Hyppolite thành một đứa trẻ chất chứa thù hận. Nhưng anh đã chọn một con đường khác – con đường đấu tranh cho hòa bình ở Rwanda – anh muốn dành cả đời mình để chống lại sự lan truyền thù hằn từ thế hệ này qua thế hệ khác giữa các sắc tộc ở Rwanda qua tổ chức mà mình sáng lập Be The Peace.

Nạn diệt chủng ở Rwanda

Một câu chuyện phi thường khác là của @Yeomi Park đến từ Bắc Hàn – một quốc gia cô lập “bí ẩn nhất trên thế giới”, hiện đang sinh sống và học tập ở New York, Mỹ. Cô sinh ra trong một gia đình giàu có theo tiêu chuẩn Bắc Hàn ở Hyesan, tỉnh Yanggang. Gia đình cô được chính phủ cấp cho một căn hộ hạng sang ở Bình Nhưỡng – tuy nhiên điều kiện kinh tế lại khiến cô có cơ hội tiếp cận với những tư tưởng và góc nhìn mới. Sau khi xem một bộ phim DVD nhập khẩu (Titanic), câu chuyện tình cảm động khiến cô nhận ra bản chất đàn áp của chính quyền Bắc Hàn hay dòng họ Kim cùng ý nghĩa thực sự của tình yêu và giá trị của tự do. Nhiều biến cố xảy đến với gia đình cô sau đó: cha cô bị cáo buộc hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và có thể lưu đày lao động khổ sai cùng sự đào thoát không tung tích của một chị lớn (Eunmi) trong gia đình khỏi Bắc Hàn. Lo lắng trước sự thanh trừng của chế độ, cha cô quyết định sẽ đưa cả gia đình chạy trốn. Thông qua mạng lưới các nhà môi giới buôn người từ Bắc Hàn vào Trung Quốc (chợ đen), đêm ngày 30/03/2007 Park cùng mẹ cô đã vượt dòng sông đóng băng lạnh lẽo cùng 3 ngọn núi để vào tới biên giới của Trung Quốc. Riêng cha của cô buộc phải ở lại Bắc Hàn do tình hình sức khỏe không cho phép – ông sợ mình sẽ làm chậm lại cuộc đào thoát của cả gia đình. Sau khi đến Trung Quốc, Park cùng mẹ đến sống tạm thời tại tỉnh Jilin. Do không nghe bất kì tin tức gì của Eunmi, Park xem như người chị của mình đã chết. Cả gia đình sống trong trạng thái hoang mang lo sợ sẽ bị phát hiện danh tính ở một vùng đất xa lạ. Thậm chí, một kẻ buôn người đe dọa sẽ tiết lộ gia đình cô cho chính quyền nếu cô không cho phép hắn hãm hiếp – mẹ cô đã lao đến hi sinh thân mình cho hắn để bảo vệ cô con gái nhỏ. Sau đó vài tháng người cha ốm yếu đoàn tụ với gia đình ở Trung Quốc nhưng ông sớm qua đời do căn bệnh ung thư. Do đang sống trong bí mật, gia đình cô không thể chính thức tổ chức một đám tang – ông được chôn cất lặng lẽ ở một ngọn núi gần đó (2008). Sau này nhờ sự giúp đỡ của những người truyền giáo (Công giáo) người Trung Quốc và Nam Hàn – cô và gia đình đến định cư ở tỉnh Qingdao nơi một cộng đồng Công giáo Hàn ở đây có thể giúp cô ẩn náu (với điều kiện cô phải cải giáo). Năm 2009, sau khi nhận được khoản tiền hỗ trợ nhân đạo từ các tổ chức truyền giáo, cô và mẹ cùng đi đến Mông Cổ để tìm kiếm nguồn sống mới (asylum) bằng cách băng qua sa mạc Gobi. Khi đến biên giới Mông Cổ, những người lính biên phòng giữ chân họ lại và đe dọa sẽ trục xuất họ trở lại Trung Quốc. Không còn lựa chọn nào khác, mẹ con Park rút con dao phòng thân ra và đe dọa nếu không cho họ qua họ sẽ tự sát. Hành động này đã thuyết phục cửa biên giới mở cho họ vào nhưng họ không được phép đi lại tự do – bị bắt giam và sau đó được đưa đến một trung tâm trục xuất đặt tại Ulaanbaatar thủ đô của Mông Cổ. Vào tháng 4 năm 2009 họ được đưa thẳng đến phi trường Chinggis Khaan để bay đến Nam Hàn. Sau nhiều thăng trầm khổ đau, cánh cửa tự do đã mở. Gia đình Park tái lập cuộc sống mới không dễ dàng nhưng tự do hơn ở Seoul nơi chỉ cách căn nhà cũ của cô ở Bình Nhưỡng chỉ 200 km – thật không thể tin nổi. Cô và mẹ làm phụ việc ở các cửa hàng hay quán ăn sau đó Park kiếm được học bổng để theo học tại đại học Dongguk. Năm 2014 cô được cơ quan tình báo Nam Hàn cho biết người chị của mình Eunmi vẫn còn sống và đã đào thoát đến Seoul theo một con đường khác qua Trung Quốc tới Thái Lan và sau đó Nam Hàn – cả gia đình cô đoàn tụ. Biến cố gia đình đã chuyển hóa cô trở thành một người đấu tranh cho các nạn buôn người ở Trung Quốc (nơi một số người Bắc Hàn kém may mắn sẽ bị buôn bán như nô lệ, bị đánh đập hãm hiếp bởi những kẻ buôn người) và bảo vệ nhân quyền cho người dân Bắc Hàn. Các bạn có thể tìm nghe bài chia sẻ gây xúc động mạnh mẽ của cô tại diễn đàn One Young World 2014 ở Dublin, Ireland với gần 80 triệu lượt xem online.

Yeonmi Park

Gần đây nhất mình có cơ hội hiểu nhiều hơn dư chấn của cuộc khủng hoảng Crimea/Krym năm 2014 qua chia sẻ của hai bạn nhà báo người Ukraina – Yullia và Anton, những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc xung đột này. Crimea là một phần bán đảo nối liền với đất nước Ukraina với lịch sử tranh chấp phức tạp – nơi định cư của nhiều nhóm người Nga (65%), Ukraina (15,7%) và Tatar (12%). Từng thuộc về Nga trong thế kỉ 18 nhưng sau đó lại dành quyền tự chủ một thời gian dưới thời Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, một thỏa thuận kí kết giữa Nga và Ukraina công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraina bao gồm phần bán đảo này (vào năm 1954 – một quyết định mà Nga coi là sai lầm lịch sử – qua giác thư Budapest). Thỏa thuận trên đã không được tôn trọng. Năm 2014 cuộc khủng hoảng Crimea diễn ra cùng lúc với nhiều phong trào li khai xuyên khắp Ukraina do các nhóm thân Nga phát động (cùng chủ nghĩa dân tộc ở Donetsk và Luhansk). Mâu thuẫn sắc tộc trong nội tại của Ukraina cùng sự can thiệp quân sự sau này của Nga đã đẩy Ukraina vào bất ổn và xung đột đẫm máu. Hai bạn mình là người đưa tin nhiều khía cạnh của cuộc khủng hoảng này và may mắn sống sót. Crimea sau đó gần năm năm đã bị chia cắt khỏi phần đất liền rộng lớn Ukraina – từ bán đảo trở thành một hòn đảo cô lập với biên giới bị quân sự hóa kèm theo cấm vận và bị lãng quên – nền kinh tế của đảo hoàn toàn suy sụp trong một vài năm đầu cấm vận. Nga đã đổ nhiều tiền vào đảo để hiện đại hóa hạ tầng đồng thời xây dựng một hàng rào an ninh công nghệ cao để chia cắt triệt để Crimea khỏi Ukraina (mà chỉ mới hoàn thành cách đây vài tháng). Hiện tại Yullia đang làm việc tại Kiev nhưng mẹ của cô lại sống ở Crimea. Trước đây để đi thăm nhà, cô chỉ cần bay một chuyến bay ngắn đến đảo nhưng hiện tại điều này không thể (trừ khi có một giấy phép đặc biệt của chính phủ). Cô buộc phải bay khỏi Ukraina đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga (Moscow) hay các nước vùng Baltic rồi sau đó trở ngược đến Crimea – một chuyến hành trình mệt mỏi kéo dài nhiều giờ đồng hồ.

Ba câu chuyện ở ba miền xung đột khác nhau xảy ra không quá xa thời đại mà chúng ta đang sống. Có thể nói thế hệ những người Việt như mình được sinh ra và lớn lên trong thời bình – ở một quốc gia đã nếm đủ mùi của chiến tranh và xung đột – là một điều quá may mắn. Rất khó để những người trẻ có thể hình dung cha ông mình đã trải qua chiến tranh như thế nào hay những trải nghiệm như trên – giữa làn ranh sự sống và cái chết. Mình nhớ đến câu chuyện của chị Tan Le – một kĩ sư công nghệ, người sáng lập Emotiv đồng thời là một thuyền nhân đã chạy khỏi Việt Nam sau biến cố 1975. Cô đã chia sẻ trong bài TED cảm động – lịch sử có thể nghiền nát nhiều số phận – như chính số phận của cha ông cô. Nhưng biến cố lịch sử cũng khiến những ai vượt qua nó trở nên mạnh mẽ hơn – (what doesn’t kill you makes you stronger). Khi chị Tan Le quay trở lại Việt Nam để chia sẻ về công nghệ điều khiển bằng suy nghĩ tại diễn đàn Forbes 30 under 30 – một cảm giác kì lạ chạy xuyên suốt tâm trí mình khi nghe bài chia sẻ của chị – sự ngưỡng mộ xen lẫn sự đồng cảm với cay đắng lịch sử – nó mở ra nhiều con đường hoặc cực kì đen tối hoặc rải hoa rất đẹp – không ai biết trước được.