Scott kiện Sandford

Scott kiện Sandford

[US – St. Louis]

Trước cửa tòa nhà lịch sử Tòa Án Cũ (Old Court House) của St. Louis có một tấm biển ghi nội dung như sau: “Vào ngày 6 tháng 4 năm 1846, có một người nô lệ tên là Dred Scott và vợ của anh Harriet đã đến ngôi nhà công lý này để kiện đòi tự do cho mình. Gia đình Scott đã được chủ nhân của mình đưa đến làm việc ở vùng “có phán quyết tự do” (vùng không có chế độ nô lệ) và sau đó quay trở về Missouri, một bang theo chế độ nô lệ. Vào năm 1857, Tổng chưởng lý Roger B.Taney của Tòa tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra một quyết định về trường hợp Dred Scott kiện Sandford (án lệ). Ông cho rằng những người Mỹ gốc Phi thì không đủ tiêu chuẩn để trở thành công dân Hòa Kỳ với lý lẽ dựa trên một tuyên bố lịch sử: “người nô lệ không có quyền ngang hàng với người da trắng”. Quan điểm của Taney cũng đồng nghĩa với việc Quốc hội không có quyền chống lại sự lan tỏa của chế độ nô lệ vào các vùng lãnh thổ phía tây. Điều này đã châm ngòi cho mâu thuẫn trong khu vực và dẫn tới cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ.” Tấm biển trên đã tóm lược ngắn gọn án lệ nổi tiếng Scott kiện Sandford – mà phán quyết của nó được xem là một trong những quyết định tồi tệ nhất của Tòa Tối Cao Hoa Kỳ.

Nguyên đơn của vụ kiện là Dred Scott, một người nô lệ da đen mù chữ được chủ của mình đưa từ Missouri, một bang theo chế độ nô lệ tới “vùng khác” trong lãnh thổ Missouri (Missouri Territory, bang Missouri sau này tách từ lãnh thổ này năm 1821), nơi được xem là vùng đất tự do theo Thỏa ước Missouri năm 1820. Khi người chủ của Scott đưa ông về lại Missouri, Scott đã đấu tranh để đòi tự do cho mình bằng cách kiện lên tòa với lý lẽ: ông đã được đưa đến lãnh thổ “phi nô lệ”, điều đó có nghĩa là ông nghiễm nhiên trở thành con người tự do và không còn là nô lệ về mặt pháp lý. Scott trước tiên theo kiện ở tòa bang Misouri nhưng không thành công khi tòa cho rằng ông vẫn là nô lệ theo luật ở đây. Ông sau đó đã kiện lên tòa liên bang, nhưng kết quả cuối cùng vẫn không như ý khi họ cho rằng ông phải phục tùng luật Missouri trong trường hợp này. Không nản chí, ông kiện lên Tòa Tối Cao. Vào tháng 3 năm 1857, Tòa tối cao đã ra quyết định 7-2 chống lại Dred Scott. Tổng chưởng lý Roger Taney đã viết rằng những người da đen “không bao gồm, hay có ý định sẽ bao gồm, trong khái niệm “công dân” được nêu ra trong Hiến pháp, do đó có thể tuyên bố rằng họ không có quyền hay lợi ích tương xứng và được đảm bảo dành cho công dân Hoa Kỳ”. Taney ủng hộ quan điểm trên dựa trên một cuộc khảo sát mở rộng ở các bang của Hoa Kỳ và từ các luật địa phương vào thời điểm mà Hiến pháp được phác thảo năm 1787 nhằm minh chứng “một rào cản không thể vượt qua và có tính liên tục đã được tạo ra giữa chủng tộc da trắng và một chủng tộc khác được xếp vào dạng nô lệ.” Tòa đã xem Scott không phải là một công dân Hoa Kỳ và do đó bất cứ yêu cầu kiện tụng nào mà Scott đưa lên đều tự động bị từ chối – và ông cũng không thể thiết lập cái gọi là “sự đa dạng công dân” (diversity of citizenship – có nghĩa là các bên đối nghịch nhau trong một vụ kiện phải là công dân của các bang khác nhau hay là công dân nước ngoài) được quy định trong Điều 3 Hiến pháp Hoa Kỳ để có thể yêu cầu tòa liên bang xử lý vụ việc. Taney không chỉ đè bẹp Scott mà còn đi xa hơn bằng cách hủy toàn bộ Thỏa ước Missouri (Missouri Compromise), một nỗ lực của Quốc hội nhằm cân bằng quyền lực giữa hai phe ủng hộ và phản đối chế độ nô lệ (Missouri là bang nô lệ, Maine là bang tự do). Hai thẩm phán khác là John McLean và Benjamin Robbins Curtis đã phản đối quan điểm trên, họ cho rằng khảo sát của Taney là không chính xác và các tiến trình pháp lý đã chỉ ra có nhiều người da đen đã thực sự là công dân của Hoa Kỳ vào thời điểm tạo lập Hiến Pháp và đòi hỏi loại bỏ Thỏa ước Missouri là vượt qua giới hạn chịu đựng. Taney và phe nhóm của ông không ngờ rằng việc đè bẹp Scott không những không làm lắng đi các tranh luận quanh chủ đề nô lệ mà còn góp phần châm ngòi cho nội chiến Hoa Kỳ sau đó 4 năm. Phe ủng nô lệ ở miền Nam những tưởng nắm cơ trên sau phán quyết của Taney lại tiếp tục tham lam đòi phá bỏ thỏa thuận giúp Nam và Bắc chung sống với nhau hòa hợp (Missouri Compromise). Cái giá họ phải trả là một biển máu (nội chiến) và mực (bút chiến) của sự chia rẽ.

Scott tuy thất bại nhưng lại góp phần vào chiến thắng sau đó: “sự bãi bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ của Hoa Kỳ”. Ông và vợ mình đã đi vào lịch sử, chỉ cách tấm biển trên vài bước chân là bức tượng đồng của Dred và Harriet đang nắm tay nhau đứng ngạo ngễ – họ là nhân tố quan trọng cho tiến trình phát triển “Dân quyền” của Hoa Kỳ.

Thành phố St. Louis cùng dòng sông lịch sử Mississipi cuộn chảy đã từng là cửa ngõ để “những con người dũng cảm” du hành về phía Tây Hoa Kỳ theo tiếng gọi của “Vận mệnh hiển nhiên” – một niềm tin rằng Hoa Kỳ có sứ mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương kết hợp cùng với tinh thần của “chủ nghĩa bành trướng/exceptionalism và chủ nghĩa Quốc gia hảo huyền/Romantic nationalism nhằm biện hộ và bảo vệ cho việc thu phục và xâm lấn các vùng lãnh thổ khác của Tân thế giới. Ngay khi đặt chân đến thành phố này, mình đã bị ấn tượng ngay bởi công trình “Cổng vào miền Tây” (Gateway Arch) lấp ló ở chân trời xa, một vòm cong hình nón được làm bằng thép không gỉ cao 192m – một kiệt tác nhằm thể hiện tham vọng chinh phục phía Tây của Hoa Kỳ. Du khách có thể tìm hiểu tư duy và tham vọng của những người lập quốc bằng cách tham quan bảo tàng dưới chân “arch”, đi thang máy lên đỉnh để quan sát toàn thành phố cũng như dòng sông Mississipi sau đó ghé qua tòa nhà Tòa Án Cũ chỉ cách đó mấy bước chân nơi tôn vinh gia đình Scott.

Kết quả cuối cùng của cuộc nội chiến là sự chấm dứt hoàn toàn chế độ nô lệ trên toàn Hoa Kỳ, điều mà Scott không thể tưởng tượng vào năm 1846 khi ông quyết định sẽ đấu tranh cho tự do của mình. Ông chỉ đơn giản là đã đứng dậy và tuyên bố rằng mình xứng đáng với mọi quyền lợi và sự bảo vệ của quốc gia này. Dread và Harriet cung cấp một bài học quan trọng cho nước Mỹ – thứ mà các nhà lập quốc đã hàm ý khi họ tạo dựng quốc gia này. Abraham Lincoln tin rằng tuyên bố “mọi người sinh ra đều bình đẳng” không chỉ là nói suông mà là một mục tiêu và thách thức cho tất cả chúng ta “ phải không ngừng nhìn vào” và “không ngừng đấu tranh, thậm chí ngay cả khi không chạm đến điều đó một cách hoàn hảo”. Những ảnh hưởng từ Dred Scott đã mở rộng dần theo thời gian. Sau nội chiến, người Mỹ gốc Phi tiếp tục đấu tranh cho quyền bầu cử và dân quyền, phụ nữ cũng mở rộng quyền mình hơn (suffrage), người Mỹ Ấn đưa các băn khoăn của mình đến tòa, những người nhập cư đòi hỏi chia phần miếng bánh sự giàu có của Hoa Kỳ nhiều hơn. Cả xã hội đều nỗ lực để thúc đẩy việc gia tăng hay tìm kiếm những quyền lợi cụ thể dù rằng những “quyền lợi” đó không có gì xa lạ – nó được đảm bảo từ Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Họ đòi hỏi cả đất nước cần phải thức tỉnh chân nhận ra một số quyền đảm bảo của họ đã bị từ chối. Nước Mỹ ngày nay đã chân nhận những con người dám dấn thân lên tiếng như Scott là những anh hùng. Đó là Rosa Parks, Mục sư Martin Luther King, Virginia Minor, Lone Woft những người chia sẻ con đường tương tự như Scott. Họ đã giúp dân chủ thực sự bao hàm tới mọi ngóc ngách xã hội và nuôi dưỡng sự bao dung trước mọi khác biệt. Họ đã thực sự đi theo tôn chỉ của Abraham như mô tả ở trên.