Singapore - Lẩu thập cẩm sắc tộc
[Singapore]
Chính phủ Singapore từ năm 1989 đã đưa ra một chính sách Gắn Kết Sắc Tộc – EIP (Ethnic Integration Policy – do Bộ trưởng Phát Triển Quốc Gia S. Dhanabalan đề xuất) nhằm thúc đẩy sự hòa hợp sự đa dạng các tộc người ở Singapore và phòng tránh những xung đột có thể xảy ra do sự phân cấp xã hội (social stratification). Một chính sách mà kéo theo đó Cơ quan phát triển nhà ở của Singapore (Housing and Development Board – HDB) phải tiến hành một sự sắp xếp pha trộn các sắc dân khác nhau vào trong hệ thống nhà ở/căn hộ do họ tiến hành – một nồi lẩu thập cẩm sắc dân (melting pot). Trong đó, tỷ lệ cho phép dành cho người Mã Lai: khu lân cận (neighbourhood) là 22% và khu căn hộ (block) là 25%. Đối với người Hoa lần lượt là 84% và 87% và người Ấn là 10% và 13%. Thậm chí có cả quota dành cho những người nước ngoài cư trú lâu dài ở Singapore (các gia đình SPR – The Singapore Permanent Resident – không tính người Mã Lai do sự tương đồng với Singapore – Cho block là 8% và Neighbourhood 5%). Chính sách này đã có một ảnh hưởng vô cùng lớn đến việc mua và bán các căn hộ ở Singapore từ sau năm 1989 với hai nguyên tắc chính: FCFS (ai đến trước phục vụ trước -first come first served) và quota cho sắc dân. Người sở hữu nhà có quyền bán cho các sắc dân khác miễn là vẫn trong hạn mức quota cho phép.
Tại hội nghị YSEALI Summit 2018, mình đã có cơ hội cùng bác phó chủ tịch Asia Foundation Gordon Hein và cộng đồng YSEALI đi thăm một loạt các dự án của HDB do Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Singapore tổ chức – một cơ hội tuyệt vời để hiểu biết sâu sắc hơn chính sách nhà ở tại Singapore. Công việc của nhóm mình là tiếp xúc với cư dân của khu dự án HBD (Block 115 và 118 – Một khu nhà 11 tầng với gần 150 hộ sinh sống) nhằm giới thiệu một chương trình sau trường học dành cho trẻ em của tổ chức phi lợi nhuận Blessings in the Bag Asia. Nhờ vậy mình có cơ hội quan sát trực tiếp cách mà chính sách EIP ảnh hưởng đến người dân ở đây. Thật thú vị khi lướt qua các dãy căn hộ/flat ở đây và quan sát sự thay đổi cách trang trí trước cửa nhà để định vị danh tính của cư dân: những flat Ấn với dấu ấn Hindu đặc trưng như bàn thờ các vị thần Hindu, flat người Hồi với trang trí thư pháp Arabic, hay khu nhà người Hoa rực rỡ với câu đối đỏ. Thậm chí mình còn có cơ hội nói chuyện với một chủ nhà gốc Ấn nhưng lại theo cả 3 tôn giáo Hindu, Phật và Thiên chúa Giáo (giống như cậu bé Pi – trong Cuộc đời của Pi) – trong nhà cô có treo hình của thần Vishnu, Gautama Buddha và cả Jesus. Sống trong một cộng đồng dân cư đa dạng và phong phú như vậy, rõ ràng cư dân Singapore sẽ phải thích nghi và cởi mở hơn trước những sự khác biệt. Hệ thống nhà ở của HDB đã được minh chứng thành công theo thời gian. Người Singapore có áp lực nhà cửa hầu như thấp nhất thế giới, tỉ lệ người vô gia cư là 0%. Nhìn chung các tòa nhà HDB sạch sẽ, thoáng mát, mỗi căn hộ có diện tích vừa phải cho một gia đình nhỏ bù trừ cho thiết kế nhàm chán và tẻ nhạt. Tuy nhiên luôn có một sự bất cân bằng nhất định về thu thập cùng với những xung đột ngầm về mặt giá trị giữa các sắc dân khác nhau mà hầu như không thể xóa bỏ. Chính sách EIP dựa trên một niềm tin rằng việc các cư dân sống chung với nhau sẽ buộc họ phải tiếp xúc và tương tác với nhau qua đó tăng cường sự hòa hợp, nhưng liệu sống gần nhau có nhất thiết dẫn tới thấu hiểu và hòa hợp với nhau. Những người Singapore mà mình tiếp xúc và trao đổi họ hầu như không có xu hướng quan tâm hay để ý đến hàng xóm làng giềng (việc ai nấy làm). Do đó, liệu giá trị cốt lõi của EIP có thực sự đúng. Một ví dụ điển hình là trường hợp của Amy Cheong (2012), trợ lý tổng giám đốc của NTUC (Liên đoàn thương mại quốc gia Singapore). Do việc người hàng xóm gốc Mã Lai tổ chức một đám cưới ồn ào ở khu vực dành cho cộng đồng dân cư ở tầng 1 (void deck), Amy đã đăng lên Facebook cá nhân của mình lời phàn nàn đồng thời ám chỉ một cộng đồng Mã Lai rẻ tiền ở Sing. Hậu quả đến tức thì, cộng đồng mạng đảo quốc dậy sóng, cô nhận được cảnh báo từ cảnh sát và bị cho thôi việc ở NTUC. Do đó nhiều tổ chức phi lợi nhuận của Singapore đã đề xuất nhiều điều chỉnh cho EIP trong đó hướng đến việc phát triển các không gian công cộng và kết nối vốn xã hội cho cộng đồng. Chính sách quota cần được chuyển hướng sang việc tổ chức các sự kiện và hoạt động khuyến khích sự thấu hiểu và tôn trọng tính đa dạng xã hội.
Cần nhớ rằng từ thập niên 40, Singapore từng được xem là một trong những khu ổ chuột tệ hại nhất trên thế giới – một phần cách ly khỏi thế giới văn minh. Và khi ấy tỉ lệ người trên mật độ công trình chỉ là 18.2. Cho đến tận năm 1959, thời điểm đảng Nhân Dân Hành Động PAP của Lý Quang Điệu bắt đầu nắm chính quyền Singapore, vấn đề nhà ở như trên vẫn còn tồn tại dai dẳng: gần 300k người sống ở những khu vực ngoài quy hoạch, 250k sống ở những khu nhà buôn bán dơ dáy bẩn thỉu ở khu trung tâm. Đảng PAP đã xác định đây là một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết và cần phải có những giải pháp nhà ở giá rẻ cho cộng đồng nghèo ở đây. PAP nhanh chống thông qua đạo luật Phát Triển & Nhà ở năm 1960 và thay thế cơ quan Tín Thác Cải Thiện Singapore (Singapore Improvement Trust) bằng HDB. HDB được ra đời nhằm giải quyết tình trạng thiết hụt nhà ở, cải thiện hạ tầng cùng với đó tái thiết lại những hư hỏng do thế chiến II để lại.
Người đầu tiên dẫn dắt HDB là Lim Kim San đã xây dựng một nền tảng ban đầu cho cơ quan này thực hiện việc xây dựng một hệ thống các nhà ở xã hội chi phí thấp rải khắp Singapore – một kết hoạch mang tên Phát Triển Năm Năm. Ban đầu HDB phát triển nhà cho thuê dành cho nhóm dân cư thu nhập thấp sau đó phát triển khung sở hữu nhà cho cụm cư dân này, cho họ có quyền mua thay vì đi thuê – một giải pháp nhằm tránh lạm pháp và bảo vệ sự đảm bảo tài chính cho nhóm yếu thế này. Cư dân Singapore có thể dùng Quỹ Dự Phòng Trung Tâm (CPF – Central Povident Fund – kiểu như quỹ hưu trí tiết kiệm) để trả dần. Cụ thể, mỗi người dân Singapore có thể rút một phần quỹ tiết kiệm (20% tiền lương hàng tháng) tiền đặt cọc cho căn hộ HDB. Đi cùng với đó là các khoản vay thế chấp giá rẻ với tiền trả lãi lấy cừ CPF hàng tháng. Các nỗ lực ban đầu tuy vậy vẫn rất khó có thể thu hút cư dân rời bỏ nơi chốn quen thuộc của họ để di chuyển đến các khu căn hộ cao tầng. Điểm bùng phát của HDB lại xuất phát từ một thảm họa. Năm 1961, một trận hỏa hoạn lớn xảy ra ở khu dân cư Bukit Ho Swee khiến 4 người chết, 54 người bị thương đồng thời tiêu hủy 2800 ngôi nhà đã thay đổi thâm thức người dân hướng về HDB. Tương tự như vụ hỏa hoạn Shek Kip Mei ở Hồng Kong đã tiêu hủy nơi sinh sống của gần 53000 người, từ đó khiến chính phủ Hong Kong nhanh chóng đưa ra một loạt các chương trình nhà ở công quy mô lớn dành cho người thu nhập thấp (hiện hơn 50% cư dân Hong Kong sống ở nhà công). Từ năm 60 đến 69 chính phủ Singpaore ước lượng có khoảng gần 147000 đơn vị nhà cần phải được xây dựng (14000/năm). HDB bằng quyền lực của mình bắt đầu tiến hành thâu tóm đất đai và chuyển hóa thành các dự án nhà ở xã hội và các công trình công cộng qua đó giúp chính phủ Singapore nắm gần như 90% đất đai ở đây.