Tại sao chúng ta không ghen tị với nữ hoàng Anh

Tại sao chúng ta không ghen tị với nữ hoàng Anh

Công cuộc chạy đua địa vị tiền tài diễn ra khốc liệt ngày nay xuất phát từ một lý do rất đơn giản: mọi đối đãi trịnh trọng chảy vào các cá nhân đa số đều dựa trên tầm vóc địa vị (status). Không phải ngẫu nhiên mà câu hỏi chúng ta thường đặt cho những người mới gặp là: “Bạn đang làm nghề gì?”. Xã hội hiện đại được cấu thành bởi “nỗi bất an địa vị” (status anxiety): lo lắng cách người khác nghĩ về mình, sự phán xét quanh thành công hay thất bại, khoảng cách giữa kẻ chiến thắng người chiến bại. Con người hiện đại tìm kiếm các “phần thưởng cảm xúc” nhất thời qua nỗ lực chiếm hữu vật chất. Họ có lẽ không thực sự mong muốn vật chất, mà thường tìm kiếm cảm giác phấn khích đi kèm: ánh mắt trầm trồ của những người xa lạ, số lượt like trên mạng xã hội, hay đơn giản là ảo giác xứng tầm với vòng tròn “tinh hoa”.

Cuộc chạy đua “vật chất” được nuôi dưỡng bằng hy vọng (hay kỳ vọng gieo trong tâm khảm) được bơm cao hơn trước đó nhiều thế kỷ. Cụ thể, niềm tin vào xã hội phân tầng (caste) dần mai một nhường chỗ ý niệm được rao giảng liên tục qua báo đài, sách dạy làm giàu, khóa học kĩ năng mềm: chỉ cần có ý chí con người có thể leo lên bấc cứ thang bậc xã hội nào. Ngầm ẩn trong ý tưởng tuyệt vời trên là tinh thần bình đẳng giữa các cá nhân (một giá trị được ghi vào Tuyên ngôn độc lập của một số quốc gia). Liệu chúng ta có quá may mắn khi sinh ra trong thời đại mà số phận con người ít bị định đoạt bởi nơi sinh ra hơn? Tuy nhiên, sự bình đẳng đi kèm với một một vấn đề thời đại dai dẳng: “Sự tỵ hiềm hay ghen tị” khiến cấu trúc bình đẳng phức tạp hơn chúng ta hình dung.

Sách "Bất an địa vị" của Alain de Botton

Triết gia Thụy Sĩ đương đại, Alain de Botton, đặt câu hỏi tại Ted Talk: “Tại sao chúng ta không quá ghen tị với nữ hoàng Anh”. Bà ấy quá nổi tiếng, siêu giàu có (sống trong các tòa lâu đài lộng lẫy), hưởng nhiều đặc quyền, bao quanh bởi những người có tầm ảnh hưởng – nhưng rõ ràng khi quan sát, cảm giác ghen tị trong ta không trỗi dậy mạnh mẽ. Alain lý giải tương quan giữa “cảm xúc ghen tị” và “mối liên hệ giữa các cá nhân”, trong phổ giàu có (wealth spectrum), nữ hoàng Anh nằm cách công chúng quá xa, cấu trúc xã hội mà họ dự phần quá khác biệt với nữ Hoàng khiến tâm “ghen tỵ” khó có thể duy trì mối liên hệ liên tục. Rõ ràng, chúng ta không cảm thấy ghen tị với những ai mình không có mối liên hệ. Hai cá nhân càng gần gũi nhau, về nền tảng, tuổi tác, hay cùng khởi điểm trong nỗ lực xây dựng danh tính, thì mối nguy “tỵ hiềm” càng ẩn hiện. Alain cảnh báo “cảm xúc tiêu cực” có thể xuất hiện ở những buổi họp mặt bạn học cũ vì không có mối tham chiếu nào mạnh hơn những người chia sẻ với mình cùng một nền tảng học thuật.

Xã hội hiện đại đã xuất sắc biến cả thế giới thành một trường học rộng lớn, mà nói vui là ai cũng biết mặc quần jean, chơi Facebook, đi bar – mọi người trông giông giống nhau. Tuy nhiên, tinh thần bình đẳng nghịch lý thay lan tỏa trong bối cảnh xã hội với khoảng cách giàu nghèo đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Alain dành tâm huyết cho cuốn sách thú vị “Status Anxiety” (Bất An Địa Vị) để phân tích góc nhìn trên đồng thời tái định nghĩa các khái niệm “thành công”, “thất bại”, hay cụ thể hơn cách chúng ta nhận thức về hàng hóa xa xỉ (như túi Hermes Birkin chẳng hạn). Ông dẫn dắt chúng ta khám phá giấc mơ thời hiện đại “thành công giàu có như Bill Gates” trong tương quan ngưỡng vọng dự phần vào giới quý tộc Pháp trong thế kỷ 17 (Cách mạng tư sản). Nỗi bất an địa vị hay “ham muốn thành công” gắn với một khái niệm “metritocracy” (tạm dịch chế độ nhân tài) được cổ súy bởi nhiều nhà nước ngày nay, niềm tin nếu một ai đó có được các phẩm chất tốt đẹp: giàu năng lượng, kiến thức sâu sắc, kỹ năng siêu hạng, sáng tạo cao độ – họ chắc chắn sẽ vươn cao lên đỉnh các thang bậc xã hội mà không thế lực nào có thể cản trở.

Tuy nhiên, bức bối thay, góc nhìn trên buộc chúng ta ngầm chấp nhận việc một số thành phần trong xã hội phải nằm dưới đáy (trái ngược với bình đẳng). Mọi vị thế đang có được xây trên nền các thành tựu và sự nỗ lực, thành công là xứng đáng còn thất bại bị khinh rẻ. Trong thời Trung Cổ ở Anh, những người nghèo chỉ đơn giản được gọi là những người kém may mắn (tiếng Anh là unfortunate, nghĩa là không được ban phước để nắm tài sản) còn ngày nay trong xã hội tư bản cao độ (như ở Mỹ), người nghèo bị gọi một cách khinh miệt là “kẻ thất bại” (loser). Sau 400 năm tiến hóa của xã hội, nhận thức nhân loại đã đi thật xa, từ số phận trong lòng bàn tay Thiên Chúa sang trách nhiệm bản thân (hay vô thần), đặt một áp lực khủng khiếp lên tâm khảm, đẩy họ đôi khi không có lựa chọn nào khác ngoài tự sát. Rõ ràng, các nước càng phát triển, càng công nghiệp hóa thì tỷ lệ tự tử càng cao.

Quá trình chuyển dịch tư tưởng to lớn “từ chấp nhận số phận an bài đến niềm tin chỉ cần một ga-ra ô tô làm làm nên nghiệp lớn” trên được nuôi dưỡng một nghị trình “truyền bá” toàn cầu. Ngày nay khi bước chân ra tiệm sách, chúng ta rất dễ bắt gặp hai loại sách dạy kĩ năng. Loại thứ nhất truyền cảm hứng: “Bạn có thể làm được mọi thứ, không gì là không thể.” Còn loại thứ hai giúp chúng ta cải thiện “sự tự tôn của bản thân” (low self-esteem) hay vượt qua cảm giác mình là người kém cõi.

Thú vị thay, hai nghịch lý tham vọng thành công và lòng tự tôn cùng tồn tại song song. Trong xã hội mới, các anh hùng được bình thường hóa, nhân loại cũng dần bỏ quên những giá trị siêu việt hơn: thượng đế, tâm linh, các lực lượng siêu nhiên (vốn là cấu thành quan trọng trong cuộc sống cha ông trước kia). Dù vậy, trong guồng máy cạnh tranh cao độ ngày nay, tâm thức cha ông đôi khi ùa về, chẳng phải chúng ta thường tìm đến thiên nhiên như một sự giải thoát, hay kiếm tìm “suy nghiệm” khi ngắm nhìn một đỉnh núi hay đi dạo bờ biển (như một sự giải thoát khỏi những thứ bức bối gắn với con người). Khái niệm thành công được gắn chặt hơn với vật chất bề ngoài, mà đối với Alain, nếu bạn nhìn thấy ai đó khoe mẽ đồ hiệu như Chanel hay chạy xe Ferrari thì thay vì nghĩ “Đây ắt hẳn là ai đó tham lam” thì hãy chân nhận “Đó là một người yếu đuối đang tìm kiếm ngưỡng vọng hay sự yêu thương” từ những người xa lạ. Hãy cảm thông thay vì ghen tị.

Tuy nhiên, nhân loại cần tỉnh táo bởi “meritocracy” rất khó để hiện thực hóa, ý tưởng chúng ta có thể chấm điểm toàn xã hội, giỏi đặt trên đỉnh, tệ chìm dưới đáy sẽ bị nhiễu bởi nhiều yếu tố “thực tế”: nơi sinh ra, cấu trúc gia đình, những tai nạn vô hình, bệnh tật hay khủng khoảng. Một tấm danh thiếp không nói nhiều cho chúng ta về người đối diện cùng những giá trị ngầm ẩn họ mang theo – thứ mà chỉ có một người có thể phán xét sau cùng là Thiên Chúa hay một đấng siêu nhiên nào đó.

Nhân loại ngày nay khoanh vùng, phán xét các cá nhân khác bằng một thứ văn hóa “lá cải” hời hợt như cách báo mạng đẩy công chúng chìm đắm trong nền văn hóa “giễu cợt/ridicule”. Họ tiêu khiển bằng những câu chuyện chắp vá: ngoại tình, khoe thân, phạm luật – họ cười cợt, tỵ hiềm quanh thất bại, thành công hay cuộc sống rối loạn của một người mình không quen biết sâu. Văn hóa mới này là thành tố tạo nên xu hướng “Famous for being famous” (nổi tiếng vì đột nhiên trở nên nổi tiếng), ám chỉ những người trở thành “celeb” không bởi một lý do hợp lý khả dĩ (như thành tựu, kĩ năng hay tài năng), họ đơn giản chỉ là được biết tới bằng tên (fame) – mà điển hình là nhà Khardashian hay Paris Hilton.

Hiện trạng trên là kết quả của nỗi bất an xã hội cấu thành bởi năm thành tố: sự thiếu yêu thương, kì vọng, chế độ nhân tài, cấu thành con người chúng ta (snobbery – như nghề nghiệp, gia đình), tương quan phụ thuộc (dependence) – song song với năm giải pháp mà Alain hệ thống hóa: triết học, nghệ thuật, chính trị, tôn giáo, tinh thần Bohemian (thực hành các lối sống khác biệt, phiêu lưu hơn, tâm linh hơn). Đó là tập hợp các minh triết cha ông coi trọng nhưng đôi khi bị bỏ quên bởi con người hiện đại hay tiến hóa ngược, nơi bi kịch hay thất bại được đặt trong vòng tròn cảm thông lớn lao như kịch William Shakespeare, tranh cổ Hy Lạp (thế kỷ thứ 5) hay Opera Ý (người xưa không coi Hamlet là một kẻ thất bại).

Alain de Botton có lẽ cũng không cần “ghen tị” với ai, bởi ông sinh ra trong một gia tộc Do Thái quyền quí “de Botton”, hậu duệ của học giả lừng danh Abraham de Boton. Bố của ông là nhà đại tư bản Glibert de Botton, người tham gia vào mạng lưới kinh tài của gia tộc Rothschild, ông phụ trách hoạt động tài chính của gia đình này ở Thụy Sĩ đồng thời là chủ tịch của ngân hàng Rothschild ở New York (1982). Gilbert cũng đồng thời là cha đẻ của mô hình “kiến trúc mở” trong quản trị tài sản, ảnh hưởng to lớn đến cách thức người giàu quản lý tiền bạc. Cụ thể, trước thời Gilbert những người giàu thường gửi tiền của mình cho các ngân hàng hay định chế tài chính để các quản lý gà nhà của họ trông coi. Tuy nhiên, những nhà quản lý tiền bạc (money managers) giỏi nhất lại phân tán và hiếm hoi không phải tổ chức nào cũng tuyển dụng được, do đó Gilbert đề xuất cách tiếp cận khác: gom tiền bạc của nhiều người giàu lại, xác định những nhà quản lý tiền giỏi nhất, sau đó tạo nên các quỹ đặc biệt (funds) chứa khối lượng tiền bạc khổng lồ trên để giao cho nhóm tài năng này quản lý.

Tổ chức do Gilbert sáng lập năm 1983 GAM Investment sau này bán lại cho UBS với giá 600 triệu $ (1999). Gia đình de Botton là thông gia của gia tộc Wolfson, những người làm ăn kinh doanh với bố già Sir. James Goldsmith (một gia đình Do Thái khác cạnh tranh và đối trọng với Rothschild), Jim Slater, Roland Fraklin – nhóm tài phiệt sành sỏi trong thôn tính hung hãn doanh nghiệp (corporate raid) giai đoạn 70, 80, 90 (hay LBO – mua bán sáp nhập doanh nghiệp bằng tiền vay). Do đó, khi Alain bán quyển sách bestseller đầu tiên, Gilbert đã không cảm thấy ấn tượng mấy (bởi 1 triệu $ đối với ông chí là một hạt đậu bé nhỏ), thậm chí còn ngờ vực mục tiêu mơ hồ của chàng trai trẻ. Alain dù vậy vẫn lặng lẽ theo đuổi đam mê “triết học” của mình, ông tạo dựng một tổ chức giáo dục mang tên “Trường học Cuộc đời” (The School of Life) để đào tạo triết học, nâng tầm duy lý, cải thiện nhận thức cho công chúng.

Ngoài ra, kiến trúc cũng là mối quan tâm lớn của Alain, ông đồng hành cùng nhóm kiến trúc sư nổi tiếng như Peter Zumthor, Michael & Patti Hopkins, MVRDV, JVA, NORD trong dự án “Living Architecture” (Kiến trúc sống động), xây nhà nghỉ cho thuê ở Anh đồng thời ra mắt quyển sách khá thú vị “Kiến trúc mang đến hạnh phúc” (The Architecture of Happiness), phân tích cách không gian kiến trúc định hình suy nghĩ và lối sống. Khi Gilbert mất năm 2000, Alain được thừa hưởng từ cha mình một quỹ tín thác khổng lồ tiêu nhiều đời không hết.