Quyền lực tài chính của Thụy Sĩ và SNB

Quyền lực tài chính của Thụy Sĩ và SNB

Trong thần học Calvin (Calvinism), một nhánh của phong trào Khánh Cách hay Tin Lành, tinh thần khổ hạnh cùng “chức nghiệp trần thế” của con người rất được đề cao, các tín đồ cần chu toàn công việc hầu cho danh Chúa tỏa sáng. Calvinism xem công việc, thực hiện bởi bàn tay – khối óc, là cách thức con người bắt chước Thiên Chúa tạo dựng cuộc sống và thật là sỉ nhục cho những ai lười biếng.

Tinh thần chăm chỉ kết hợp với thái độ dè dặt của cải (không tiêu sài hoang phí), theo Max Weber, chính là động lực thúc đẩy con người tái đầu tư mọi lợi nhuận mình có được, từ đó tạo nên “lối ứng xử cần thiết” trong xã hội tư bản (capitalism). Góc nhìn này được ông phân tích rất sâu sắc trong “Nền đạo đức Tin Lành và Tinh thần của chủ nghĩa tư bản”, một tác phẩm “xã hội học” bàn về cách thức hoạt động kinh doanh (entreprises), thương mại (trade) và tích lũy của cải sục sôi trong các nhánh Khánh Cách như Quakers (Tín Hữu), Baptists (Báp Tít), Methodists (Giám Lý), Puritans (Thanh Giáo) và nổi bật nhất – mạng lưới tín hữu Calvin hay Presbyterianism (Trưởng Lão – phổ biến ở Mỹ). Weber đặc biệt đào sâu phong trào tư tưởng do Jean Calvin khởi xướng tại Thụy Sĩ (cùng các nhà cải cách tôn giáo khác như Martin Luther, Zwingli, Erasmus) – nhằm đánh đổ vai trò tư tế (giúp kết nối tín đồ với đấng Messiah hay chúa Jesus) của giáo hội Công Giáo – tổ chức tôn giáo gắn với quyền lực chính trị của Đế chế La Mã Thần Thánh (Holy Roman Empire) xuyên suốt lịch sử Trung Cổ.

Cụ thể, nhóm Kháng Cách từ chối công nhận thẩm quyền của đức Giáo Hoàng, xem Kinh Thánh là nguồn chân lý duy nhất (không coi trọng Thánh Truyền – sacred tradition) đồng thời tin rằng con người có thể được cứu rỗi chỉ bởi ân điển Thiên Chúa. Nỗ lực của Calvin đã biến thành phố Geneva, Thụy Sĩ thành trung tâm quảng bá thần học “cải cách” ở châu Âu trong giai đoạn Phục Hưng – vô hình trung thúc đẩy một nghị trình (agenda) mới định hình nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thế kỷ sắp tới. Nhà thờ St. Pierre Catheral, nơi nhà thần học thuyết giảng xưa kia, là một trong các địa điểm quan trọng ở Geneva mà mình từng ghé chân khi dự hội nghị GSAS do WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới) tổ chức. Phía bên trong ngôi thánh đường Gotic tuyệt đẹp này, chiếc ghế gỗ giản dị mà Calvin ngồi khi xưa được bảo quản một cách cẩn thận như một biểu tượng cho cội nguồn của chủ nghĩa tư bản.

Thụy Sĩ, quốc gia nhỏ bé với 8,5 triệu dân (33% theo tư tưởng Calvin), ngày nay đã trở thành một trung tâm “tài chính, kinh tế, tiền bạc” của châu Âu. Không chỉ vậy, quốc gia hình thành trên dãy Alps này còn là hình mẫu của nền dân chủ trực tiếp” (direct democracy) và học thuyết liên bang (federalism). Chính sách trung lập lâu đời (Swiss neutrality – từ Hiệp ước Paris 1815) đã giúp vùng đất này khéo léo tránh né các cuộc chiến tranh xuyên suốt hai thế kỷ (đặc biệt là Thế chiến I và II) – một đặc thù giúp Thụy Sĩ trở thành địa điểm chọn mặt gửi vàng (đặt trụ sở) của các định chế quốc tế – như Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Liên Hiệp Quốc (UN – văn phòng lớn thứ hai), Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) – ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của nghị trình toàn cầu (từ tài chính đến thể thao, chính trị, văn hóa).

Quan trọng hơn cả, Thụy Sĩ được xem là nơi cất giữ tài sản an toàn (safe haven) cho mạng lưới tinh hoa toàn cầu. Quốc gia này đứng đầu thế giới về năng lực quản lý tài sản (wealth/asset management), hoạt động ngân hàng tư nhân (private banking) và tinh chế vàng (gold).

Vào cuối năm 2018, AUM (tài sản được quản lý – asset under management) nằm ở các ngân hàng ở Thụy Sĩ đã đạt đến 6,9 nghìn tỷ CHF (Frac Thụy Sĩ) (gần 7,5 nghìn tỷ $). Trong đó nhóm khách hàng tư nhân (private) chiếm 53% tổng tài sản trên (3,6 nghìn tỷ CHF, bao gồm nội địa/domestic 1,3 nghìn tỷ CHF và ngoài biên giới/cross-border 2,3 nghìn tỷ CHF) và nhóm khách hàng công ty – định chế (companies and institutional clients) chiếm 47% (3,3 nghìn tỷ CHF). AUM trên cũng có thể chia một cách khác: 1,1 nghìn tỷ CHF là tiền gửi (deposits) và 5,8 nghìn tỷ CHF là chứng khoán (securities).

Ghế ngồi của nhà thần học Calvin

Một phần tài sản trên được kiểm soát (tái đầu tư) bởi ngành “quản lý đầu tư” (IMI – investment management industry), trụ cột của hệ thống tài chính Thụy Sĩ (đang quản lý 3,3 nghìn tỷ CHF – bao gồm cả tài sản nằm ngoài ngân hàng Thụy Sĩ). Trong đó, nhánh AM của IMI (Asset Management – quản lý tài sản hay các lựa chọn đầu tư), chuyên phục vụ những nhà đầu tư giàu có nhất, nắm 2,2 nghìn tỷ CHF (vào cuối 2018) – cụ thể 1,3 nghìn tỷ CHF nằm ở các khoản đầu tư tập thể (collective investment) và 0.9 nghìn tỷ CHF thuộc nhóm “đầu tư ủy thác” cho các tổ chức/định chế (institutional mandate). AM được vận hành bởi các công ty quản lý quỹ (fund management companies), nhà giao dịch chứng khoán (security dealers), ngân hàng và các chuyên gia quản lý tài sản (dưới sự kiểm soát của FINMA – Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ) (FINMA-supervised asset managers). Họ cung cấp các sản phẩm tài chính phức tạp dành cho tầng lớp HNWI và UHNWI (giàu và siêu giàu) bao gồm đầu cơ (hedge), chứng khoán (stocks), phái sinh (derivatives), bất động sản (real estate), cổ phần (equities), thu nhập cố định (fixed income), tương hỗ (mutual) và ETFs (hoán đổi doanh mục) với vòi bạch tuộc vươn đến mọi ngóc ngách toàn cầu. Con số 2,2 nghìn tỷ CHF này cao gấp ba lần GDP Thụy Sĩ và gấp hai lần tài sản nằm trong các quỹ hưu trí nước này (pension schemes). Nhờ năng lực bảo vệ các bí mật tài chính (financial secrecy and discretion) mà Thụy Sĩ được mạng lưới tinh hoa toàn cầu đặt trọn niềm tin, cụ thể IMV (International Market Volume – các tài sản được quản lý ở một địa điểm tách biệt khỏi nơi chủ sỡ hữu cư ngụ) của nước này luôn đứng đầu mọi bảng xếp hạng.

Thụy Sĩ cũng nằm ở vị trí trung tâm trong ngành công nghiệp vàng thế giới (cùng nước Anh). Bốn nhà tinh chế vàng (refineries) hàng đầu thế giới đều đóng đô ở Thụy Sĩ, tham gia xử lý khoảng 65-70% lượng vàng thô khai thác toàn cầu (như ở châu Phi): Argor-Heraeus (do Heraeus của Đức sỡ hữu), PAMP (do MKS Finance của Thụy Sĩ sỡ hữu), và Valcambi (do Rajesh Exports của Ấn Độ sở hữu) (3 công ty trên giúp hình thành nên khu vực tam giác vàng ở bang Ticino, Thụy Sĩ) và Metalor Technologies (ở bang Neuchatel – do nhóm các nhà đầu tư Thụy Sĩ sỡ hữu). Hoạt động này đem về cho Thụy Sĩ từ 70 – 90 tỷ CHF hàng năm. Cụ thể như trong năm 2017, nước này nhập khẩu gần 2404 tấn vàng trị giá 70 tỷ CHF (chiếm 31% tổng nhập khẩu), đồng thời xuất khẩu tương đương 67 tỷ CHF (chiếm 24% tổng xuất khẩu). Từ đây, đại đa số vàng sau tinh chế sẽ chảy đi khắp thế giới: dự trữ tại các hầm vàng (vault) của hệ thống ngân hàng trung ương các nước và IMF (tới cuối 2018, hệ thống này nắm 33,2 nghìn tấn vàng – chiếm một phần năm tổng số vàng từng được khai thác), chế tác trang sức, phục vụ công nghiệp sản xuất (như điện thoại di động), và đầu tư (ETFs, CEFs, OEF như hoạt động của quỹ ETFs vàng lớn nhất thế giới – SPDR Gold Shares).

Quyền lực “bạch tuộc” của Thụy Sĩ còn nằm ở một định chế bảo thủ lâu đời: Swiss National Bank (SNB) – Ngân hàng Trung Ương Thụy Sĩ. Tổ chức được chính quyền trao đặc quyền độc quyền in tiền, cụ thể là đồng franc Thụy Sĩ (Swiss franc banknotes), đồng thời kiểm soát chính sách tài khóa quốc gia. Điều đặc biệt là ngay từ khi được tạo dựng vào năm 1907 (trước cả FED – Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ và BIS – Ngân hàng thanh toán quốc tế), SNB đã là một tổ chức đại chúng (hay công ty cổ phần) – được niêm yết (listed) trên sàn giao dịch SWX (SIX Swiss Exchange). Ý tưởng mua cổ phần của ngân hàng trung ương nghe có vẻ xa lạ với đại chúng, nhưng SNB không phải ngoại lệ duy nhất. Ngân hàng trung ương Nhật Bản, Hy Lạp, Bỉ (hay thậm chí FED và BIS) cũng có các cổ đông tư nhân (private shareholders). Cổ phiếu của SNB gây chú ý thế giới khi đột ngột tăng vọt lên 3000 CHF (tăng 300%) tầm tháng 08/2016 (kèm tỷ số P/E không tưởng 0,08 cho một công ty niêm yết không phải công ty công nghệ) từ mức giá ổn định 1000 CHF trong suốt 10 năm trước, sau đó tiếp tục tăng chóng mặt đến đỉnh điểm 7540 CHF vào ngày đầu tháng 3/2018 – gây phấn khích tột độ cho các cổ đông (rồi giảm xuống duy trì ổn định tầm 5000 CHF trong hai năm tiếp theo 2019 và 2020). Martin Straub, Đối tác Điều hành (Managing Partner) của Envisage Wealth Management ở Zurich, cho rằng thời điểm đó (2016), SNB đã được định giá bởi “ai đó” không phải với vai trò “ngân hàng trung ương” mà như một quỹ đầu tư (investment fund) hay SWF (Soverign Wealth Fund – Quỹ tài sản/đầu tư hay ích lợi quốc gia) lớn nhất thế giới.

Chuyện này đã xảy ra như thế nào? Trên tạp chí Inside Paradeplatz (09/2017), Martin Straub đã lý giải bằng cách quan sát cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, biến cố tạo ra hai lực chuyển. Thứ nhất, một khối lượng lớn tiền bạc do các ngân hàng trung ương châu Âu (bao gồm ECB và NCBs) phát hành đang sục sôi tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn mới: đồng franc Thụy Sĩ. Thứ hai, nhu cầu nắm giữ franc Thụy Sĩ tăng cao đẩy giá trị của nó cao vọt lên. Điều này khiến những nhà xuất khẩu, ngành du lịch, hay bất cứ ai bán hàng hóa – dịch vụ xuyên biên giới tại Thụy Sĩ phải nghiến răng bực tức (80% nền kinh tế phụ thuộc việc tiếp xúc nước ngoài). Trước áp lực đảm bảo “ổn định giá cả (price stability)”, SNB buộc phải đẩy giá trị đồng franc xuống, cụ thể tăng cung tiền thông qua in ấn (do lãi suất bằng 0). Do đó, một khối lượng tiền franc Thụy Sĩ được tạo mới từ thinh không (như sáng thế trong Kinh Thánh) rồi tiếp tục được chuyển hóa thành Euro hay Đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối (forex) (theo cơ chế neo giá Euro trong 2008 – Euro peg – 1,2 CHF đổi 1 Euro – sau đó vào 2015 thay đổi xuống tỷ lệ 1:1 sau một đêm – làm điêu đứng nhiều quỹ đầu cơ). Trong 2015, SNB cũng đẩy lãi xuất xuống dưới 0: -0.75% (có nghĩa là phải đóng thêm tiền để được gửi tài sản vào SNB) nhằm làm giảm sức hút của franc Thụy Sĩ. Đến cuối 2017, SNB đã nắm khoản tiền ngoại hối, chủ yếu là Đô-la và Euro, trị giá tới 500 tỷ franc Thụy Sĩ.

Không thể trao tặng, chi tiêu hay trả ngược về nơi sản xuất – SNB đem số tiền này đi đầu tư: cụ thể mua về tài sản “tạo thu nhập/tăng vốn” (income producing assets) bằng tiền mặt (như trái phiếu, cổ phần, cổ phiếu). Chỉ sau một đêm, SNB đã biến mình thành một trong những SWF lớn nhất trên thế giới. Rõ ràng, việc in tiền thường gây ra “siêu lạm phát” (hyperinflation), tương tự như cách nó tàn phá Zimbabwe (đồng tiền lạm phát 500 tỷ % trong 2009). Tuy nhiên, hành động “in tiền” của SNB đặc biệt không gây hiện tượng trên, phần lớn bởi sức hút vượt trội của đồng franc so với Zims (rõ ràng không ai muốn mua đồng tiền xa lạ của một quốc gia châu Phi). Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008, SNB chỉ có khoảng 120 tỷ CHF trong bản cân đối (balance sheet). Tuy nhiên, từ khi tổ chức này bắt đầu sục sôi in tiền, con số này đã nâng lên 724 tỷ CHF giữa 2017 (vượt qua GDP hàng năm) – song song với sự tăng trưởng “tình cờ” của dự trữ ngoại hối (euro và đô la), thứ lại được chuyển hóa thành AUM như trái phiếu và cổ phiếu.

Nhà thờ Chánh Tòa St. Pierre

Sự hình thành SWF từ SNB đi ngược lại cảm giác thông thường bởi số tiền franc Thụy Sĩ khổng lồ trên được rót từ “thinh không” chứ không qua bất kỳ hoạt động kinh tế nào như NSWF (Norwegian Sovereign Wealth Fund) – quỹ SWF lớn nhất thế giới của Na Uy (với AUM gần 1,18 nghìn tỷ $ – 2020). Quỹ này được rót tiền từ ngành kinh doanh dầu mỏ và được quản lý một cách chặt chẽ bởi NBIM (Norges Bank Investment Management) – đơn vị có nhiệm vụ giải trình cho quốc hội và ban điều hành ngân hàng trung ương Na Uy. NSWF chỉ được phép đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản ở nước ngoài. Rõ ràng, chỉ bằng cách “in tiền” – một hành động mà nếu các quốc gia khác cả gan làm sẽ dẫn đến siêu lạm phát và sụp đổ kinh tế – Thụy Sĩ đã tạo ra quỹ SWF (hay SNB) của riêng mình.

Ralph Atkins (học giả của tờ Financial Times) lý giải chính bàn tay lông lá của các nhà đầu tư Đức đã thúc đẩy tốc độ tăng giá thần tốc của cổ phiếu SNB. Cụ thể vào 07/2017, Actien Borse, bản tin (newsletter) nổi tiếng dành cho các nhà đầu tư Đức, đã hào hứng giới thiệu “mua vào” cổ phiếu SNB bằng cách so sánh nó với con tem đắt giá hiếm có “Blue Mauritius” (trong thế kỷ 19). Khi đó, miếng bánh SNB đang được chia: 52% thuộc về các bang (cantons) và ngân hàng bang (cantonal banks); 48% còn lại thuộc về các nhà đầu tư cá nhân (tuy nhiên quyền biểu quyết cùng cách thức chia lợi nhuận ròng hai nhóm rất khác biệt – theo điều khoản 31 của Đạo Luật Ngân Hàng quốc gia). Hành động mua vào, bán ra chỉ một lượng nhỏ trong chỉ 100k cổ phiếu SNB cũng khiến giá cả biến động mạnh. Báo cáo thường niên năm 2016 tiết lộ, nhà đầu tư cá nhân lớn nhất của SNB chính là giáo sư Theo Siegert, nhân vật sừng sỏ ngồi trong hội đồng quản trị của Merck KGaA (tập đoàn sản xuất hóa chất lớn nhất nước Đức) và Henkel AG&Co. (công ty hóa chất và sản phẩm tiêu dùng của Đức) – với 6,7% cổ phần (khoảng 6720 cổ phiếu).

Ngoài ra, một giả thuyết khác cho rằng các nhà đầu tư đặt niềm tin vào việc SNB mua lại các cổ phiếu tư nhân (buy out) với giá hời sau này, tương tự như cách BIS (Ngân hàng thanh toán quốc tế) làm trong đầu thập niên 2000 (để tập trung hơn vào các chức năng liên quan đến dịch vụ công thay vì lợi ích cổ đông). Nhà kinh tế tại ngân hàng Raiffeisen, Alexander Koch cho rằng nên xem cổ phần SNB như trái phiếu chính phủ siêu an toàn (ultra-safe government bonds) thay vì phần bánh nắm giữ trong tổ chức (equity stakes) – bởi với năng lực in tiền, ngân hàng trung ương sẽ không bao giờ phá sản – cổ phần SNB chính là trái phiếu vĩnh viễn với phần thưởng cố định (fixed coupon).

Martin trên tờ Inside Paradeplatz, nhấn mạnh sức mạnh “in tiền” của Thụy Sĩ bắt nguồn từ hai lý do. Thứ nhất, môi trường tài chính độc đáo được kiểm chứng qua nhiều thế kỷ của Thụy Sĩ. Thứ hai, tinh thần làm việc chăm chỉ cùng sự cẩn trọng tỉ mỉ (diligence) của người dân dưới ánh sáng của thần học Calvin. Dù không trực tiếp tạo ra “sự giàu có” (wealth) qua việc in tiền nhưng “người dân” chính là nền tảng mạnh mẽ cho sức mạnh của SNB. Tựu chung lại: công dân chăm chỉ – cẩn thận, chính phủ khôn ngoan – bức tranh giúp giới tinh hoa toàn cầu đặt trọn niềm tin trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế đè bẹp khối EU và Hoa Kỳ. Trong tình hình căng thẳng Covid-19 giữa tháng 3/2020, SNB tiếp tục minh chứng sức mạnh của mình bằng cách nâng (hay ra sức mua) cổ phần nắm giữ tại Hoa Kỳ lên 22% mặc cho thị trường chứng khoán rơi rụng gần 30%. Tính đến 31/03/2020, theo số liệu 13F (13F filing) của SEC (Ủy Ban Giao Dịch Chứng Khoán Hoa Kỳ), SNB đã nắm tới 94,2 tỷ $ chứng khoán Hoa Kỳ – là cổ đông đáng gờm của bộ ngũ công nghệ: Alphabet (2,7 tỷ $), Amazon (3,2 tỷ $), Apple (4,4 tỷ $), Facebook (1,6 tỷ $) và Microsoft (4,5 tỷ $). Một trong những nguyên do lý giải tại sao khi đại dịch Covid-19 đè chỉ số S&P500 xuống 13% thì 5 công ty trên (chiếm 20% của S&P) vẫn tăng 10% YTD (tính từ đầu năm). Cùng lúc đó, Fed của Mỹ đang mò mẫm mua lại ETFs (hoán đổi danh mục) nhắm kích thích thị trường một cách nhân tạo đồng thời gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.

Các bạn có thể tham khảo phân tích của Martin trên tờ Inside Paradeplatz (bằng tiếng Đức):

https://insideparadeplatz.ch/2017/09/22/swiss-national-bank-quo-vadis-o-national-bank-quid-pro-quo/