Covid-19 và các đường biên giới

Covid-19 và các đường biên giới

Bài viết của Harari trên tạp chí TIME khơi gợi cho mình rất nhiều suy tư về tiến trình toàn cầu hóa và mặt trái của nó. Giới millenials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) đang dần nắm kinh tế thế giới như mình sẽ mãi mãi như ếch ngồi đáy giếng nếu chân trời cơ hội toàn cầu hóa không mở ra: internet không xuất hiện, thương mại toàn cầu không tồn tại, giao lưu văn hóa quốc tế (cùng cơ hội học bổng) không có chỗ đứng.

Covid-19 đã đặt tiến trình do các công dân toàn cầu dẫn dắt trên vào một phép thử khó khăn, một trải nghiệm có một không hai trong đời. Tin tức dồn dập những ngày qua đã thách thức la bàn đạo đức của tất cả chúng ta: người Vũ Hán bị hắt hủi như xác sống (một tài xế lái xe biển số Vũ Hán bị mắc kẹt trên xa lộ cả tháng trời vì không tìm được nơi cư ngụ), một đại gia Việt phải thuê máy bay riêng đưa con gái yêu từ Anh về nước, virus “kỳ thị” sắc dân gốc Á lây nhanh hơn coronavirus.

Nhân loại dần nhận ra trong nguy không chỉ có “cơ” mà cũng có cả “ngu” nữa (cách nói vui cho sự thiếu hiểu biết), cụ thể thế giới phương Tây đang dần thấm đòn bởi sự chủ quan: đỏ rực thị trường, FED đưa lãi suất về gần 0, cách ly xã hội lan tỏa diện rộng, toàn bộ châu Âu đã đặt đóng cửa chỉ cách đây vài giờ. Harari (sử gia Do Thái danh tiếng, tác giả của sách Sapiens, lược sử loài người) lướt qua lịch sử dịch tễ của nhân loại cùng những liên đới đến hệ thống chính trị, công nghệ cùng tiến trình toán cầu hóa để cảnh báo: bên cạnh nỗ lực đóng cửa biên giới quốc gia nhân loại còn phải bảo vệ đường biên giới sinh học vô hình giữa con người và mầm bệnh.

Covid-19 trở thành một phép thử cho năng lực lãnh đạo hệ thống quốc tế dựa trên “tinh thần hợp tác” vốn bị Mỹ băng hoại dần dần (xu hướng bài ngoại, chủ nghĩa biệt lập, và sự thiếu tin tưởng). Con người hay virus, ai là kẻ chiến thắng? Mình đã lược dịch bài viết rất sâu sắc của Harari dưới đây:

Trong cuộc chiến với coronavirus, nhân loại đang thiếu vắng sự lãnh đạo cần thiết

Nhiều người đổ lỗi đại dịch coronavirus lên quá trình toàn cầu hóa đồng thời cho rằng cách duy nhất để phòng tránh kiểu tai họa trên là phải đảo ngược quá trình này (de-globalize): xây dựng các bức tường, hạn chế du lịch, cắt giảm thương mại. Dù việc cách ly trong ngắn hạn là rất cần thiết để ngăn chặn đại dịch nhưng chủ nghĩa biệt lập dài hạn (isolationism) cuối cùng sẽ dẫn đến sụp đổ nền kinh tế mà không thực sự tạo ra sự bảo vệ cần thiết cho con người trước các căn bệnh truyền nhiễm. Ngược lại, liều thuốc thực sự cho đại dịch không nằm ở sự phân tách mà quá trình hợp tác.

Đại dịch đã giết chết hàng triệu người trước kỉ nguyên toàn cầu hóa. Máy bay hay du thuyền đều chưa từng tồn tại trong thế kỉ 14 khi đại dịch Cái Chết Đen (Black Death) bao phủ một khu vực rộng lớn từ Đông Á đến Tây Âu trong hơn một thập kỉ. Nó đã giết chết khoảng 75 triệu đến 200 triệu người, hơn một phần tư dân số của khu vực Eurasia. Nước Anh khi đó cứ 10 người thì có 4 người chết, còn thành phố Florence thì đánh mất 50 ngàn người trong tổng 100 ngàn cư dân. Vào tháng 3 năm 1520, Francisco de Eguia, người mang trong mình căn bệnh đậu mùa đặt chân đến Mexio. Dù khu vực Trung Mỹ thời điểm đó không có tàu hỏa, xe buýt hoặc thậm chí xe lừa kéo nhưng đại dịch đậu mùa đã tàn phá cả vùng đất này đến cuối tháng 12, cụ thể giết chết gần một phần ba dân số ở đây. Đại dịch cúm nguy hại năm 1918 chỉ trong vòng một vài tháng đã bao phủ đến những ngóc ngách xa xôi nhất của thế giới, lây nhiễm cho một nửa tỷ người (một phần tư nhân loại khi đó). Dịch cúm này ước tính đã giết chết 5% dân số của Ấn Độ, thậm chí một hòn đảo của Tahili có tỷ lệ chết lên đến 14% và ở Samoa là 20%. Tổng cộng đại dịch đã giết chết hàng chục triệu người (có thể cao lên đến 100 triệu người) chỉ trong vòng dưới một năm, nhiều hơn số sinh mạng bị cướp đi trong sự hung hãn của Thế Chiến Thứ Nhất.

Thế kỷ nối tiếp sau đại dịch 1918, nhân loại ngày càng trở nên yếu đuối trước các đại dịch bắt nguồn tự sự gia tăng dân số và sự bùng nổ các phương tiện vận chuyển tốt hơn. Một đô thị hiện đại đông dân như Tokyo hoặc Mexico chắc chắn cung cấp mầm bệnh nhiều hơn vùng đất “săn bắn” của Florence thời Trung Cổ, bên cạnh đó mạng lưới vận chuyển toàn cầu đã nhanh hơn thời điểm 1918 gấp nhiều lần. Virus có thể di chuyển từ Paris tới Tokyo và Mexico dưới 24 giờ. Do đó, chúng ta hãy dần hình dung về một địa ngục “lây nhiễm” mà mình dự phần: dịch bệnh chết chóc này nối tiếp nhiều cái tiếp theo. Tuy nhiên, phạm vi và ảnh hưởng của đại dịch luôn đi xuống một cách đáng kể sau đó. Mặc dù đã từng có những đợt bùng phát khủng khiếp như AIDS và Ebola, các đại dịch trong thế kỷ 21 giết chết ít dân số hơn bất cứ giai đoạn nào trước đó kể từ kỷ nguyên Đồ Đá. Khả năng phòng ngự tốt nhất trước các mầm bệnh không nằm ở việc cách ly mà xử lý thông tin. Nhân loại đã chiến thắng dịch bệnh bởi trong cuộc chạy đua giữa mầm bệnh và bác sĩ: các mầm bệnh chỉ dựa trên quá trình đột biến “mù” trong khi các y bác sĩ “phân tích khoa học” dựa trên thông tin.

Khi Cái Chết Đen nhảy vào thế kỷ 14, con người u mê không nhận thức được nguyên nhân và cách thức để giải quyết khủng hoảng. Trước kỷ nguyên hiện đại, họ thường đổ lỗi dịch bệnh lên các vị thánh giận dữ, quái vật ác độc, hoặc do không khí tồi tệ, chứ không nghi ngờ về sự tồn tại của vi khuẩn và virus. Con người tin vào các thiên thần và các vị tiên trên trời, nhưng họ không thể hình dung rằng chỉ một giọt nước là đã chứa được toàn bộ hạm đội quái vật chết chóc. Do đó khi Cái Chết Đen và đậu mùa viếng thăm, điều tốt nhất mà chính quyền có thể làm là tổ chức những buổi cầu nguyện quy mô lớn nhằm gửi lời thỉnh cầu đến thượng đế và các đấng thánh. Điều này thực sự không giúp ích gì cả mà ngược lại sự kiện tụ tập đông đúc càng giúp quá trình lây nhiễm trải ra trên diện rộng.

Trong thế kỷ vừa qua, các nhà khoa học, bác sĩ, y tá trên khắp thế giới đã đào sâu vào hệ thống thông tin và cùng khai phá cơ chế ẩn sau các đại dịch cùng các phương tiện để chống chọi chúng. Lý thuyết tiến hóa đã giúp lý giải tại sao và cách thức như thế nào để một căn bệnh mới xuất hiện và những căn bệnh cũ không còn nguy hại. Ngành nghiên cứu gen (Genetics) đã giúp các nhà khoa học theo dõi cấu tạo của mầm bệnh (chỉ dẫn sinh học). Trong khi loài người Trung Cổ không thể khám phá ra nguyên cớ nằm sau Cái Chết Đen, các nhà khoa học hiện đại chỉ mất hai tuần để xác định coronavirus, bóc tách bộ gen đồng thời phát triển một bộ kiểm tra đáng tin cậy (test) nhằm xác định những người mắc bệnh.

Một khi các nhà khoa học hiểu được điều gì gây ra đại dịch, công cuộc chiến đấu sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều lần. Tiêm vắc xin, kháng sinh, cải thiện vệ sinh, cùng sự nâng cấp hạ tầng y tế đã cho phép nhân loại nằm ở cơ trên so với con quái vật vô hình. Bệnh đậu mùa trong năm 1967 gây lây nhiễm đến 15 triệu người và giết chết 2 triệu nhưng chỉ trong một thập kỷ tiếp theo, sự thành công của chiến dịch tiêm vắc xin toàn cầu chúng đã loại bỏ chúng hoàn toàn. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) năm 1979 đã tuyên bố nhân loại đã chiến thắng bệnh đậu mùa, sẽ không có một ai bị lây nhiễm hay giết chết bởi bệnh đậu mùa trong năm 2019.

Canh gác biên giới của chúng ta

Lịch sử có thể dạy cho chúng ta điều gì liên quan đến đại dịch Coronavirus hiện tại?

Trước tiên, nó hàm ý rằng chúng ta không thể bảo vệ mình mãi mãi bằng cách đóng cửa biên giới, cần nhớ rằng đại dịch vẫn lan một cách nhanh chóng thậm chí cả ở thời Trung Cổ, thời điểm cách kỷ nguyên toàn cầu hóa rất xa. Do đó thậm chí ngay cả khi bạn giảm thiểu các kết nối toàn cầu tới mức độ như ở Anh năm 1348 điều này cũng không bao giờ là đủ. Rõ ràng, đưa cả xã hội về thời Trung Cổ qua việc cách ly không thực sự giúp bảo vệ bản thân bạn. Giải pháp tốt hơn có lẽ là thời kỳ Đồ Đá nhưng liệu chúng ta có thể làm được điều đó? Thứ hai, lịch sử hàm ý sự bảo vệ thực sự trước đại dịch đến từ việc chia sẻ các thông tin khoa học đáng tin cậy và quá trình liên kết toàn cầu (global solidarity).

Khi một đất nước bị tấn công bởi đại dịch, họ cần sẵn sàng chia sẽ thông tin minh bạch mà không run sợ trước thảm họa kinh tế trước mắt, cùng lúc đó các nước khác cũng phải tin tưởng nguồn thông tin này đồng thời sẵn lòng giúp đỡ thay vì tẩy chay nạn nhân. Ngày nay, Trung Quốc có thể dạy các quốc gia trên thế giới nhiều bài học quan trọng về coronavirus, nhưng điều này đòi hỏi một mức độ tin tưởng và hợp tác cao hơn rất nhiều. Hợp tác quốc tế cũng cần thiết như các biện pháp cách ly hiệu quả. Cách ly và đóng cửa là cần thiết để ngăn chặn sự lan tỏa của đại dịch nhưng khi các quốc gia không còn tin tưởng lẫn nhau. Khi mỗi đất nước đều coi việc chống dịch là việc riêng, các chính phủ sẽ ngần ngại tiến hành các biện pháp cứng rắn. Nếu khám phá ra 100 ca nhiễm coronavirus ở nước mình, liệu bạn có nên đóng cửa toàn bộ các thành phố và khu vực xung quanh? Ở quy mô rộng lớn hơn, các quyết định được đưa ra phụ thuộc rất nhiều vào mong đợi/hay quan sát các nước khác của bạn. Đóng cửa các thành phố sẽ dẫn đến sụp đổ kinh tế, khi đó nếu cho rằng các quốc gia khác sẽ giúp đỡ, động lực để thực hiện các biện pháp cứng rắn của bạn càng mạnh, nhưng nếu nghi ngờ các quốc gia khác chối bỏ mình, bạn có lẽ sẽ có chút do dự khi ra quyết định (cho đến khi mọi thứ đã quá trễ).

Điều quan trọng nhất mà mọi người cần chân nhận về đại dịch là quá trình lây nhiễm diễn ra ở bất cứ quốc gia nào cũng có thể đe dọa đến toàn nhân loại bởi khả năng tiến hóa của virus. Các chủng virus giống như corona thường có nguồn gốc từ động vật (ví dụ như dơi). Khi chúng nhảy vào con người, ban đầu virus có khả năng thích ứng rất kém với vật chủ mới. Khi được sao chép (replicate) bên trong con người, virus thường trải qua quá trình đột biến, đại đa số là vô hại nhưng theo thời gian đột biến có thể khiến virus trở nên có sức mạnh lây nhiễm cao hơn và kháng cự tốt hơn trước hệ miễn dịch, phiên bản virus đột biến này có khả năng lan tỏa nhanh chóng tới toàn bộ dân số. Một cá thể người có thể chứa hàng nghìn tỷ mẩu virus qua quá trình sao chép liên tục (constant replication), mỗi người mắc bệnh lại khiến cho virus có hàng nghìn tỷ cơ hội mới để trở nên thích ứng với con người hơn. Mỗi một vật chủ trở thành “máy đánh bạc” giúp virus có được tấm vé sổ số cần thiết mà chỉ cấn chiến thắng một lần là đủ để đại dịch bùng lên.

Đây không chỉ là phỏng đoán đơn thuần. Quyển sách “Khủng hoảng trong vùng đỏ” (Crisis in the Red Zone) của Richard Preston mô tả chính xác một chuỗi các sự kiện diễn ra trong quá trình bùng nổ đại dịch Ebola năm 2014. Bùng nổ dịch bệnh bắt đầu khi virus Ebola nhảy từ dơi sang người. Những con virus này khiến cho người bệnh trở nên ốm yếu, nhưng chúng vẫn thích nghi tốt hơn trong cơ thể dơi chứ không phải người. Điều biến Ebola từ một bệnh hiếm gặp thành đại dịch kinh hoàng là bởi một quá trình đột biến đơn lẻ, diễn ra ở khu vực Makona của Tây Phi. Đột biến này đã tăng cường sức mạnh cho Ebola, chủng vi sinh Makona (strain) – có thể liên kết với các tế bào con người liên quan đến vận chuyển cholesterol (transporters). Có nghĩa là thay vì cholesterol, tác nhân vận chuyển (transporters) kéo Ebola vào trong tế bào. Chủng Makona mới này có khả năng lây nhiễm cao gấp bốn lần đối với con người. Khi đang đọc những dòng trên, có lẽ quá trình đột biến tương tự cũng đang diễn ra tại một gene đơn lẻ nào đó của coronavirus trong cơ thể nhiễm bệnh ở Tehran, Milan hay Vũ Hán. Nếu điều này thực sự đang diễn ra, đây là mối đe dọa không chỉ đến người Iran, người Ý hay người Trung Quốc, mà cũng trực tiếp đến cuộc sống của chính bạn. Nhân loại rải khắp thế giới chia sẻ cùng mối bận tâm về sự sống và cái chết sẽ không cho phép coronavirus có một cơ hội như vậy. Điều này thôi thúc chúng ta phải bảo vệ các cá nhân ở mỗi quốc gia. Nhân loại trong thập niên 70 đã xoay sở đánh bại virus đậu mùa qua sự đồng lòng tiêm vắc xin chống dịch của các quốc gia. Nếu thậm chí chỉ một đất nước thất bại trong chiến dịch trên, nó có thể đe dọa toàn nhân loại, bởi miễn là virus đậu mùa còn tồn tại và tiến hóa thì ở một nơi nào đó, nó luôn luôn có thể bùng phát trở lại.

Trong cuộc chiến chống virus, nhân loại cần phải canh gác đường biên giới kỹ càng nhưng không phải là giữa các quốc gia, đó là đường biên giới giữa thế giới con người và không gian của virus. Hành tinh xanh Trái Đất chứa đựng vô số virus không thể đong đếm, các virus mới vẫn không ngừng tiến hóa do quá trình đột biến gen. Đường biên giới phân tách không gian của virus khỏi thế giới con người chạy bên trong cơ thể mỗi cá nhân. Nếu virus nguy hiểm có thể xoay sở để xâm nhập vào đường biên này ở bất cứ đâu trên trái đất, nó sẽ đẩy cả nhân loại vào vòng nguy hiểm.

Trong thế kỷ vừa qua, nhân loại đã tăng cường bảo vệ đường biên giới này theo cách chưa từng có trước đó. Hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại được xây dựng như một bức tường vững chãi trên đường biên, còn đội ngũ bác sĩ, y tá, nhà khoa học là các chiến sĩ tuần tra và ngăn cản những kẻ xâm nhập đường biên. Tuy nhiên, một khu vực rộng lớn của đường biên đã bị bỏ quên, phơi bày tự do cho virus xâm nhập. Có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới thiếu vắng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, điều này sẽ đe dọa tất cả chúng ta. Chúng ta thường tư duy về sức khỏe theo các khái niệm khoanh vùng theo quốc gia, nhưng thực ra khi đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho người Iran hay Trung Quốc cũng đồng thời giúp bảo vệ người Israel và người Mỹ khỏi đại dịch. Sự thật đơn giản này đã trở nên quá rõ ràng với đại đa số, nhưng không may là một vài người quan trọng nhất trên thế giới lại bỏ qua.

Một thế giới thiếu sự lãnh đạo

Nhân loại ngày nay đối diện với các khủng hoảng nguy cấp không chỉ từ coronavirus mà còn ở sự thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Để đánh bại đại dịch, công chúng cần tin tưởng các chuyên gia khoa học, công dân cần tin tưởng chính quyền và các quốc gia cần tin tưởng lẫn nhau. Trong một vài năm vừa qua, các chính trị gia thiếu trách nhiệm đã đè thấp sự tin tưởng cần có trong khoa học, chính sách công và trong hợp tác quốc tế. Kết quả là chúng ta phải đối diện với khủng hoảng lãnh đạo toàn cầu trong việc truyền cảm hứng, tổ chức và rót vốn cho các hoạt động phản vệ toàn cầu có tổ chức nhằm đối chọi virus. Nước Mỹ đã từng đóng vai trò lãnh đạo như vậy trong đại dịch Ebola năm 2014 hay trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nhờ tạo dựng sự đồng lòng của các quốc gia khác trong cuộc chiến chống suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng trong những năm gần đây, Mỹ đã rời bỏ vị trí lãnh đạo toàn cầu. Chính quyền hiện tại của Hoa Kỳ đã cắt giảm hỗ trợ cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), đồng thời ngày càng tỏ thái độ rõ ràng hơn với thế giới về quan điểm: không có bạn bè thực sự mà chỉ có lợi ích. Khi khủng hoảng coronavirus ập đến, nước Mỹ đã chọn đứng ở bên lề và bỏ quên vai trò lãnh đạo của mình. Cho dù áp lực từ biến cố đòi hỏi một sự lãnh đạo nhất định thì niềm tin dành cho chính quyền Hoa Kỳ đã bị xói mòn ở mức độ, rất ít các quốc gia khác mong muốn theo đuôi. Bạn có muốn theo chân các nhà lãnh đạo mà khẩu hiệu của họ là “Tôi trước tiên”?

Khoảng trống do Mỹ để lại vẫn chưa được lấp đầy. Ngược lại, xu hướng bài ngoại, chủ nghĩa biệt lập, và sự thiếu tin tưởng đã trở thành “tính cách” của hệ thống quốc tế. Chúng ta không thể ngăn chặn đại dịch coronavirus hay nhiều đại dịch khác trong tương lai nếu thiếu vắng niềm tin và sự đoàn kết toàn cầu. Nhưng mỗi cuộc khủng hoảng luôn đi kèm các cơ hội, tôi hy vọng đại dịch hiện tại sẽ giúp nhân loại chân nhận sự nguy hiểm chết người của sự phân rã toàn cầu (global disunity – thiếu tinh thần hợp tác). Ví dụ điển hình như, đại dịch có thể là cơ hội vàng cho EU lấy lại sự ủng hộ của công chúng, thứ họ đã đánh mất trong những năm gần đây.

Nếu những thành viên may mắn hơn của EU gửi tiền bạc, thiết bị, cùng vật tư y tế một cách hào phóng và nhanh chóng đến cho các đồng nghiệp bị đánh mạnh bởi đại dịch, nó có thể minh chứng cho giá trị của “ý tưởng Liên minh châu Âu” tốt hơn bất cứ bài thuyết trình đẹp đẽ nào. Mặt khác, nếu mỗi quốc gia bị bỏ rơi và phải tự chăm sóc bản thân, thì đại dịch sẽ là sự kết thúc cuối cùng cho sự đoàn kết. Trong thời khắc khủng hoảng thế này, cuộc đấu tranh quan trọng sẽ diễn ra trong lòng nhân loại. Nếu đại dịch dẫn đến sự chia rẽ lớn hơn và sự mất tin tưởng lòng người, đó sẽ là chiến thắng vĩ đại của virus. Khi con người co cụm, virus sẽ lấn tới. Ngược lại, nếu đại dịch dẫn đến quá trình hợp tác toàn cầu chặt chẽ hơn, đó không chỉ là chiến thắng chống lại coronavirus, và còn cho tất cả các mầm bệnh mới trong tương lai.

Link bài khác về Covid-19

Covid-19 và hệ thống tài chính:

Hệ thống tài chính và covid-19
Cơn lốc Covid-19, sự sụt giảm giá dầu cùng cơ cấu trái phiếu thế giới hiện tại (phần lớn là “rác”) đã góp phần đưa biển nợ doanh nghiệp (corporate debt) trị giá 74 nghìn tỷ trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Tại sao chúng ta phải hành động ngay

Tại sao chúng ta phải hành động ngay #coronavirus
Coronavirus đang đến rất gần với tốc độ cấp số mũ: tăng dần và sau đó phóng lên đột ngột. Vấn đề chỉ còn tính bằng ngày, có lẽ chỉ là một hay hai tuần. Khi điều này xảy đến, hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ bị quá tải.

Bài của MIT:

Flattening the Coronavirus Curve Is Not Enough
Addressing the growing pandemic requires a new mindset and it requires it quickly.

VoxEU:

It’s not exponential: An economist’s view of the epidemiological curve
The spread of COVID-19 is not going to follow an exponential curve – and grave errors will follow if analysts believe it will. The number of new cases rises rapidly, peaks, and then declines. It’s