Vượt qua các rào cản

Vượt qua các rào cản

Bill và Melinda ân cần nhắc đến lời gửi gắm của hai nhân vật quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược của quỹ từ thiện lớn nhất thế giới mang tên hai người (Bill & Melinda Gates Foundation – BMGF) trong thư thường niên 2020.

Người thứ nhất là mẹ Bill, vốn cũng là nữ chủ tịch đầu tiên của tổ chức từ thiện nổi tiếng United Way (thành lập 1887). Trong suốt 20 năm vận hành quỹ, Bill và Melinda đã theo đuổi các giá trị đúng như mẹ ông kỳ vọng tại đám cưới: “Cuộc sống của hai con cùng với nhau, cuối cùng, sẽ chân nhận ra trách nhiệm lớn lao song hành cùng nguồn lực khổng lồ mà các con có được.”

Người thứ hai là nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett, ông đã cam kết đóng góp phần lớn gia tài 44 tỷ đô vào năm 2006 cho quỹ của Bill và Melinda (giàu thứ hai thế giới khi đó), đồng thời trở thành cố vấn nhiệt thành cho họ với lời khuyên” Swing for the fences”, một khái niệm trong môn bóng chày, mô tả khoảnh khắc vận động viên phải dùng hết sức lực của mình để đánh bóng đi xa nhất có thể. Dù biết, có thể sẽ đánh hụt nhưng nếu thành công, phần thưởng dành cho họ là rất lớn (mà mình tạm dịch là “vượt qua các rào cản”).

Đây cũng chính là cách hai nhà sáng lập tư duy về quỹ của mình. Trong suốt hai thập kỷ, họ đã tiêu tổng cộng 53,8 tỷ $ cho 4 bốn địa hạt: Phát triển toàn cầu (45%), Sức khỏe toàn cầu (29%), Các chương trình Hoa Kỳ (16%) và Các chương trình từ thiện (10%) nhằm giải quyết 4 vấn đề chính yếu: Sức khỏe toàn cầu, Giáo dục, Biến đổi khí hậu và Bình đẳng giới.

Trong thư, Bill và Melinda đề cập đến sáng kiến GAVI – Liên minh Vắc xin (the Vaccine Alliance), ra đời năm 2000 tại Davos (hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới) với cam kết đóng góp 750 triệu $ từ BMGF, một quyết định đúng đắn nhất của tổ chức này. Gavi hoạt động như một nền tảng hợp tác quốc tế công tư trong lĩnh vực vắc xin (như UN, WHO và NATO). Thành quả của Gavi cho đến 2019 rất to lớn: giúp tiêm vắc xin cho gần 760 triệu trẻ em, bảo vệ 13 triệu khỏi cái chết đồng thời giúp giảm giá thành vắc xin một số bệnh có thể phòng tránh được xuống dưới 1 đô la – góp phần giúp 86% trẻ em trên toàn thế giới nhận được một hệ miễn dịch cơ bản ngày nay (immunization). Bill cũng nhắc đến thành công đạt được trong cuộc chiến chống lại HIV, AIDS, Lao phổi và sốt rét (mà các sáng kiến liên quan được trưng bày trực quan tại trụ sở BMGF ở Seattle, nơi mình từng ghé thăm 2017) thông qua Global Fund – tổ chức rót vốn vào việc phát triển các công cụ phòng ngừa bệnh (như gel âm đạo) . Trong năm 2018, có gần 19 triệu người được điều trị HIV. Tuy nhiên, hành trình đến với các nước châu Phi đã giúp Melinda nhận ra can thiệp thuốc thang hay công cụ y tế mới chỉ là một phần cuộc cuộc chiến với HIV, phần khó hơn nữa là chống lại các hủ tục, lề lối, cơ chế, thái độ khiến bệnh nhân không thể tiếp cận cơ sở y tế (thứ liên đới đến khoảng cách giới, nghèo đói, bạo lực).

Trái ngược với “Sức khỏe toàn cầu”, Bill thừa nhận thất bại của quỹ khi dấn thân vào giáo dục. Cách đây 20 năm, ông từng nghĩ mảng “sức khỏe toàn cầu” chứa đựng nhiều rủi ro nhất, còn khoản đặt cược chắc chắn nhất là giáo dục. Thực tế đã chứng minh ngược lại, mảng y tế có thể đo đếm bằng thang đo rõ ràng (số lượng người bệnh suy giảm) nhưng giáo dục lại mờ hơn nhiều – hệ thống rệu rã hiện tại không tạo ảnh hưởng tích cực tới phần đông sinh viên Hoa Kỳ. Công chúng thường nghi ngại việc các tỷ phú rót tiền để thiết kế phòng học sáng tạo hay phát triển chính sách giáo dục thay vì các giáo viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý hay lãnh đạo công đồng. Tuy nhiên, địa hạt này không có sự đồng thuận về nguyên nhân – hệ quả. Các chuyên gia tranh cãi nhau về: trường công hay tư? thời gian học ở trường nên ngắn hay dài? phân bổ môn học ra sao? Một đứa trẻ có khoảng 13 năm đi học ở trường đồng thời chịu ảnh trực tiếp từ nỗ lực của hàng trăm con người, thật khó để bóc tách một sự can thiệp đơn lẻ nào đó có thể tạo ra khác biệt rõ ràng.

Bill và Melinda nhắc đến Gates Millennium Scholars Program, một chương trình đã cấp học bổng cho 20k sinh viên, một tỷ lệ quá nhỏ bé so với 10 triệu sinh viên tham gia bậc học phổ thông trong suối 16 năm học bổng ra mắt cùng khoản đặt cược lớn nhất của Bill vào giáo dục là Common Core – một tiêu chuẩn giáo dục được các bang ở Mỹ áp dụng một cách miễn cưỡng (mà các giáo viên không biết sách giáo khoa có theo chuẩn hay không) kéo theo đó buộc BMGF phải hỗ trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận như Ed-Reports – giúp tạo ra các tài liệu chỉ dẫn trong giáo dục. Dù vậy, khi các dự án trên chạm đến vài trăm ngàn sinh viên thì thành quả không còn như trông đợi – các giải pháp trong giáo dục khó có thể áp dụng quy mô lớn khi mà nhu cầu của sinh viên và giáo viên (các cá nhân khác biệt) biến đổi không ngừng. BMGF chuyển sự tập trung khỏi chương trình K-12 sang Networks for School Improvement (Mạng lưới cải thiện trường học) với mục đích gia tăng số học sinh da đen, nhóm Latin hay thu nhập thấp đến trường. Tổng cộng, Bill rót 240 triệu $ cho 30 mạng lưới (mỗi nhóm có từ 8 tới 20 trường).

Bill kể lại hành trình xuyên châu Phi từ ngôi làng nhỏ Manhica ở Mozambique đến thành phố Lagos của Nigeria để mô tả khái niệm “nghèo năng lượng” (energy poverty). Trên thế giới có tổng cộng 860 triệu người không được tiếp cận điện: 600 triệu ở châu Phi, 74 triệu ở Ấn Độ (mà bạn mình Jaideep Bansal cũng một thành viên của Global Shapers, cùng tổ chức GHE đang dấn thân khắc phục bằng cách đem điện mặt trời đến các bản làng xa xôi) và 186 triệu ở các nơi khác. Đối với ông khắc phục biến đổi khí hậu có hai phần: giảm phát thải nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng. Bên cạnh ủng hộ Thỏa thuận khí hậu Paris, Bill cũng đồng hành cùng Global Commission on Adaptation (Ủy ban thích ứng toàn cầu) nhằm hỗ trợ cho các nhóm yếu thế trước biến đổi khí hậu như nông dân ở châu Phi (khi nhiệt độ tặng 4 độ, năng suất mùa màng của họ giảm 20%).

Những người nghèo nhất thường đóng góp rất ít vào biến đổi khí hậu nhưng cuối cùng lại là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của nó. Mảng tiếp theo quỹ BMGF quan tâm chính là “bình đẳng giới”. Dịp kỷ niệm 20 năm của BMGF cũng đánh dấu 25 năm của Hội nghị Phụ nữ thế giới ở Bắc Kinh, nơi Hillary Clinton đưa ra câu nói nổi tiếng: “Quyền của con người là quyền phụ nữ và quyền của phụ nữ là quyền con người”.

Melinda nhắc lại các trải nghiệm của mình khi gặp gỡ công nhân tình dục ở Thái Lan hay các tình nguyện viên sức khỏe ở Ethiopia (được nhắc đến trong sách The Moment of Lift) để khẳng định lại: cho dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cuộc đời bạn sẽ khó khăn hơn nếu bạn sinh ra là phụ nữ (mà tiếng Việt mình rất hay đặt tên luôn là phái yếu). Bà cũng đề cập đến kế hoạch hóa gia đình (tránh thai) cùng ba mục tiêu để đạt được bình đẳng giới: đưa phụ nữ vào nhiều hơn ở các vị trí lãnh đạo, phá bỏ các rào cản giới trong đời sống hàng ngày (khoảng cách giới 27% nơi làm việc), thay đổi kỳ vọng và quan niệm xã hội với phụ nữ. Cụ thể hơn, bà đồng hành cùng bình đẳng giới thông qua quỹ đầu tư Pivotal Ventures với cam kết 1 tỷ $ nhằm mở rộng ảnh hưởng và quyền lực của giới nữ.

Toàn văn thư thường niên 2020 của Bill và Melinda rất đáng đọc ở GatesNote:

Why we swing for the fences
Reflecting on the first two decades of our foundation.