Brunei và nhà ở xã hội

Brunei và nhà ở xã hội

[Brunei]

7:30 pm, rất uy tín Muhammad Hj Majid rước tôi tại sảnh khách sạn bằng chiếc Mercedes Benz bốn chỗ đời cũ gắn biển BG, dấu chỉ cho thấy đây là loại xe chỉ dành cho nhân viên chính phủ. Với phong thái tự tin, hào sảng của người dân xứ sở giàu có anh gây ấn tượng ngay với chất giọng tiếng Anh mang âm hưởng Ấn Độ: “Chào mừng bạn trẻ đến Brunei thân thiện và hào phóng. Và nhớ nhé ở đây tuyệt đối không rượu không bia”, khuôn mặt anh cao ngạo pha chút hóm hỉnh. Hẹn hò anh qua một người bạn ở Việt Nam, anh cố thu xếp quỹ thời gian rộng rãi của người đã nghỉ hưu để làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho tôi.
Là người Brunei gốc Mã Lai, đã nghỉ hưu sau gần 30 năm làm việc tại sở Public Works – cơ quan kiến thiết Quốc gia của Brunei, các con đã trưởng thành và là người chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của Brunei, Muhammad là một cá nhân điển hình được thừa hưởng thành quả của đất nước mình từ thiên thời, địa lợi, nhân hoà: sở hữu nhà cửa rộng rãi, xe hơi đẹp, độc lập về tài chính với thu nhập gần 50,000$/ năm, thuế thu nhập cá nhân bằng 0, vốn tiếng Anh trôi chảy, các con anh được chính phủ hỗ trợ giáo dục miễn phí đến bậc đại học, chi phí y tế + ma chay rất thấp gần như cho không và trên hết anh được sống trong một môi trường trong lành, văn minh. Quả là “Giấc mơ Brunei”. Brunei đã lột xác từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu chủ yếu dựa vào cây cao su sản lượng thấp những năm 1929 sang văn minh, giàu có qua việc phát hiện ra dầu mỏ và khí đốt đi kèm với sự trị vì anh minh của Sultan Hassanal Bolkiah. Khai thác dầu ngoài khơi bắt đầu từ 1963 và đến nay chiếm phần lớn sản lượng dầu của Brunei. Hiện nay dầu hoả và khí đốt chiếm 80% tổng thu nhập trong nước và 90% thu nhập về xuất khẩu nhưng chỉ sử dụng 3% lực lượng lao động. Brunei là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Malaysia. Brunei còn là nước sản xuất khí đốt hóa lỏng lớn thứ tư thế giới. Thịnh vượng và thừa tiền, nhà vua cho xây dựng cung vàng điện ngọc, nhà thờ hồi giáo đồ sộ với chi phí xây dựng trăm triệu $, kiện toàn hạ tầng như đường phố, trường học, bệnh viện. Cùng lúc đó nhà vua mở các câu lạc bộ Polo, mua hàng nghìn siêu xe, trực thăng, Airbus 340 và Boeing 747 như một bảo chứng cho tiềm lực tài chính của Brunei. Chưa hết, nhà vua còn hào phóng đến mức mua cả một trang trại gia súc gần 2500 dặm vuông ở Úc để cung cấp thịt bò cho các cư dân của mình.


Với Muhammad trong vai trò một người tham gia việc phát triển cơ sở hạ tầng cho Brunei qua các dự án của Public Works anh thấu hiểu sự thành công của chính phủ hay nhà vua Brunei lại đến từ những khu nhà được tài trợ cho những người có thu nhập thấp hay nhà ở xã hội giúp nâng cao mức sống và tạo dựng nền tảng phát triển. Anh nhấn mạnh tương lai của Brunei sẽ sáng hơn, thậm chí nếu chúng tôi không còn dầu và khí đốt nếu như mọi người dân đều có được nền tảng cơ bản tốt để phát triển đó là nhà ở, giáo dục, sức khỏe và kĩ năng.


Thế nên anh quyết tâm đưa tôi dạo quanh một vòng quanh khu nhà ở xã hội điển hình cùng trụ sở của các cơ quan quản lý nhà nước, cả nơi anh từng làm việc. Chỉ khoảng 15 phút lái xe ra khỏi khu vực trung tâm, đi ngang rừng trong phố, phố trong rừng khu nhà ở xã hội san sát nằm ở phía bìa phố-rừng hiện ra quy củ, sạch sẽ. Nhà dành cho người có thu nhập thấp này vượt xa mọi chuẩn mực mà tôi biết ở quê nhà. Mỗi nhà đều có gara để xe, được lắp máy lạnh, có vườn cây xanh, và đường xá thông nối sạch sẽ. Những khu nhà này được phát triển song song với việc mở rộng của làng nổi Ampong Ayer, nơi cư ngụ của gần 10% dân số Brunei qua đó tạo thành một hình mẫu về tổ chức và nhất quán trong phong cách nhằm phục vụ cho du lịch trong tương lai.

Toàn cảnh Brunei


Muhammad chuyển hướng xe sang khu vực hành chính của Brunei, nằm rất gần khu trung tâm. Trụ sở của các bộ ngành từ Bộ tài nguyên môi trường, Bộ chống tham nhũng, Bộ y tế, Bộ giáo dục … được sắp xếp nằm khá gần nhau và thường cùng chung một mô tip kiến trúc nhàm chán. Có lẽ vẻ đẹp kiến trúc nơi đây là dành cho các nhà thờ và cung điện. Muhammad hào hứng khoe tòa nhà mới xây của sở Public Works và dẫn tôi tham quan một vòng các dự án kiến thiết và phát triển của Brunei. Thật không thể tưởng tượng, chính phủ chăm chút cho người dân từ miếng ăn, giấc ngủ, phương tiện đi lại, hệ thống y tế và trên hết là một tương lai được đảm bảo bằng giáo dục, nền tảng văn hoá, công ăn việc làm và cả vị thế quốc gia. Tôi chia sẻ với anh cảm giác ganh tị không thể tránh khỏi, anh mỉm cười: “Với dân số quá ít ỏi, chỉ gần 400,000 người nên chính phủ mới có điều kiện chăm sóc được như vậy”. Brunei đi theo chế độ quân chủ chuyên chế Hồi giáo, hầu hết mọi người đều tuân theo những nguyên tắc của đạo Hồi, tôn trọng luật lệ và gắn bó với truyền thống Mã Lai lâu đời. Với sự chăm chút cho nhân dân của mình, nhà vua và các thành viên hoàng tộc được tôn sùng và kính yêu.

Vì có điều kiện ngay từ khi sinh ra nên người Brunei bản địa không làm những công việc nặng nhọc và giữ thái độ coi thường hàng xóm xung quanh, trong mắt họ Mã Lai là xứ sở của mông muội, trộm cắp và tha hóa. Giọng điệu của Muhamad khi căn dặn tôi phải coi chừng hành lý ở Kuala Lumpur khiến tôi nhận ra điều đó.

Đền thờ Omar Ali Saifuddien tại Brunei.


Ở đây đa số những công việc giản đơn thường dành cho người lao động nhập cư (như lái xe, phục vụ bàn, osin …) chủ yếu là từ Malaysia, Phillipines, và cả Việt Nam. Những người dám từ bỏ vùng quê nghèo khó của quê hương mình, chấp nhận thái độ phân biệt của người Brunei để gia nhập là tầng lớp được xem là cấp thấp trong xã hội họ nhưng được bù đắp bằng mức thu nhập đáng mơ ước từ 500 -800 $/ tháng. Con số đủ hấp dẫn để thu hút một lượng lớn lao động nhập cư đến đây.

Brunei [Phần 2] – Đẳng cấp của sự giàu có
Ông chi tiền để mua các bất động sản khách sạn, hộp đêm, các hãng chế tác kim cương danh tiếng ở những khu vực đắt giá nhất như London (như Asprey), Paris (Plaza Athenee), New York (New York Palace Hotel), Los Angeles (Hotel Bel-Air) để phục vụ cho sở thích của mình.