Tính khả dụng của nguồn lực

Tính khả dụng của nguồn lực

Nhờ dùi mài bí quyết “Quản lý dự án” mà mình học được một khái niệm gọi là Tính khả dụng của nguồn lực (Resource Availability). Một yếu tố cực kỳ quan trọng trong phân bổ nguồn lực của một dự án hay trong một công ty đang hoạt động – đó là khả năng mà mỗi một người có thể dành thời gian đáp ứng được đòi hỏi từ công việc. Một nguyên tắc mà chúng ta hoàn toàn có thể kiểm chứng (thường được các kĩ sư công nghiệp áp dụng) là dường như không một ai có thể đáp ứng được trên 80% thời gian làm việc. Giả sử bạn có 8 giờ làm trong ngày thì chỉ có 6.4 giờ là khả dụng cho công việc – mà thực tế nên làm tròn chỉ còn là 6 giờ. 20% còn lại sẽ phục vụ cho PFD. P có nghĩa là việc cá nhân (personal) – ai cũng cần có thời gian nghỉ (break) – F (fatigue) là thời gian hoàn toàn không có năng suất do bạn bị mệt mỏi và mất tập trung và D (delay) là thời gian trì hoãn do bạn phải chờ quyết định hay đầu vào của một ai đó hay nhà cung cấp hoặc hướng dẫn chi tiết làm cái gì đó.

Có một điều thú vị, kinh nghiệm chỉ ra rằng chỉ có những người mà công việc buộc họ phải gắn chặt với nơi làm việc qua các quy trình kiểm soát gắt gao mới có thể đạt 80%. Cụ thể là các công nhân nhà máy cấp thấp hay những người làm việc theo một vòng lặp có chu kì (như các phân xưởng lắp ráp). Với những công nhân có kiến thức hơn hay những người ở vị trí cao – dường như không bao giờ bạn có thể đạt 80% thời gian có hiệu suất – con số trung bình là 50% và có thể thấp hơn nữa.

Nhớ hồi năm ngoái mình có đọc đâu đó thông tin: năng suất lao động của người Việt nằm trong nhóm thấp nhất của khu vực châu Á. Cụ thể là bằng 1/18 Singapore, 1/16 Malaysia, 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc, thậm chí thấp hơn Campuchia trong một số lĩnh vực như sản xuất và xây dựng. Ngẫm nghĩ những con số trên để chúng ta hình dung rõ hơn thời gian trung bình có hiệu suất của lao động Việt Nam. Nhiều nơi chắc chỉ nằm ở một con số (3 – 9%). Mình từng quan sát nhiều môi trường làm việc, nhưng ngán ngẩm nhất có lẽ là ở một số cơ quan nhà nước cấp địa phương – các công chức cắp ô đi đi về về mà không tạo ra những giá trị cụ thể nào. Cách tiếp cận công việc của họ thường mù mờ, hình thức và mang tính đối phó, thậm chí còn cố tình dìm năng suất chung của cả cơ quan. Sau này tiếp cận thêm khu vực có hiệu suất cao hơn như tư nhân và khối FDI, mình dần nhận ra sự khác biệt rõ rệt về thời gian có hiệu suất qua thái độ tiếp cận công việc, kĩ năng chuyên môn và khả năng kiểm soát PFD của mỗi cá nhân và tổ chức – có thể cảm nhận rõ con số trung bình 50% là khá hợp lý và trong bối cảnh chung Việt Nam chắc chắn thấp hơn nhiều.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động Việt Nam như chính sách lao động quốc gia, hệ thống giáo dục, thái độ quốc dân(với công việc) và nhiều yếu tố vĩ và vi mô tương quan qua lại khác. Như chính bản chất cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Có một lượng lớn lao động trẻ của Việt Nam (60%) (với nền tảng giáo dục trung bình) đổ về khu vực phi chính thức như các doanh nghiệp gia đình nơi thường có ít áp lực hơn khối tư nhân chính thức và FDI – dẫn tới ít có động lực để phát triển năng suất lao động của bản thân. Do đó chúng ta nên bớt tự hào về việc “Người Việt làm việc cần cù chăm chỉ” mà phải chất vấn bản thân về “năng suất làm việc của chính mình và khả năng kiến tạo giá trị dài lâu cho tổ chức nói riêng và quốc gia nói chung”.